Tác giả-tác phẩm
"Núi rừng Yên Thế" - Sự thể hiện cảm hứng sử thi trong tư tưởng sáng tạo của Nguyên Hồng
10:17 | 17/02/2022


QUỲNH NGA

"Núi rừng Yên Thế" - Sự thể hiện cảm hứng sử thi trong tư tưởng sáng tạo của Nguyên Hồng
Ảnh: tư liệu

Bài viết đánh giá tác phẩm văn xuôi cuối cùng của Nguyên Hồng, tác phẩm viết theo thể tài tiểu thuyết lịch sử, nhằm thể hiện người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám với phong trào khởi nghĩa chống Pháp của nông dân Yên Thế cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cái khó cho chúng tôi là "Núi rừng Yên Thế" viết chưa xong, in chưa hết, chưa mấy ai giới thiệu, nghiên cứu nó(1). Chúng tôi hy vọng, qua khảo sát "Thù nhà nợ nước", sẽ trình bày nét nổi bật trong tư tưởng sáng tạo của Nguyên Hồng, đấy là cảm hứng sử thi.

Sử thi, ngoài nghĩa rộng và nghĩa hẹp chỉ loại hình tự sự và loại thể anh hùng ca, còn có nghĩa tu từ khi đề cập tới những sự kiện anh hùng, những chiến công kỳ vĩ, những quá trình biến chuyển phản ánh bước đi lớn lao của nhân dân, của lịch sử. Khái niệm sử thi ở bài viết được hiểu theo nghĩa thứ ba này.

Không phải hễ tiểu thuyết thì tất yếu chứa cảm hứng sử thi. Nhưng cảm hứng sử thi sẽ có điều kiện bộc lộ rõ nhất trong tiểu thuyết lịch sử. Với Nguyên Hồng, cảm hứng sử thi trải dài suốt quá trình sáng tác văn xuôi lẫn thơ ca, dù rằng Nguyên Hồng làm thơ chỉ là tay trái và chỉ nhằm làm "dịu đi cái đầu viết truyện bốc khói" của ông(2). Cảm hứng sử thi là nét bản chất trong tư tưởng sáng tạo của Nguyên Hồng.

Trên bình diện văn học, viết về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, trước Nguyên Hồng đã có Phan Bội Châu với tác phẩm "Chân tướng quân"(3), Hồ Chủ Tịch với kịch "Đề Thám"(4), Ngô Tất Tố với "Lịch sử Đề Thám"(5) và sáng tác dân gian "Mảng truyện kể về khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám lưu truyền trên đất Yên Thế"(6). Ngoài kịch "Đề Thám" của Hồ Chủ Tịch chưa tìm thấy và mảng truyện kể dân gian, các tác phẩm còn lại nói trên, cơ bản tập trung thể hiện lịch sử Đề Thám khi ông đã là thủ lĩnh nghĩa quân với những chiến công và cả cái chết bất đắc kỳ tử của ông. Các tác phẩm ấy cơ bản mang tính liệt truyện.

Nguyên Hồng trở về, lựa chọn và viết một cách say sưa đến cuồng nhiệt "Núi rừng Yên Thế", đây là một chứng giám cho nỗi lòng nhà văn đối với nơi ông đã sống gần nửa cuộc đời, nơi vừa đặt chân, ông đã bén rễ để rồi “không một ánh sáng phù hoa nào, một phú quí danh lợi nào lôi ông ra khỏi"(7). Viết "Núi rừng Yên Thế", Nguyên Hồng đi đúng mạch nguồn dân tộc, đã tâm huyết với đau thương dũng khí của ông cha. Nhà văn như muốn truyền tới đời sau bài học lịch sử vốn đã nung nấu trong hồn ông một thuở. Âu đây cũng là một biểu hiện của cảm hứng của sử thi vốn tiềm ẩn, gặp đất lành, bỗng nảy mầm một cách chắc khỏe! Viết "Núi rừng Yên Thế", với Nguyên Hồng là một điều giản dị vì đó là lịch sử của quê hương! Nhưng cũng thật khó khăn vì tính bí hiểm của lai lịch Đề Thám và tính phức tạp vô cùng của nguồn tư liệu để lại. Đi vào một đề tài như vậy, cái mạnh cái yếu của một ngòi bút tiểu thuyết vốn phóng khoáng tất phải bộc lộ.

Trước khi viết tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế", Nguyên Hồng đã đến với Hoàng Hoa Thám bằng cảm xúc thơ(8). Thơ khó dung nạp một qui mô hiện thực rộng lớn, Nguyên Hồng viết tiểu thuyết để làm sống lại thời kỳ bi hùng của một xứ sở.

Hình tượng được Nguyên Hồng dồn tâm thể hiện trước tiên là Yên Thế với chiều dày lịch sử của nó. Địa hình Yên Thế đã là đất dụng võ, cũng là nơi hội tụ những con người, những cuộc đời, những dòng họ đã vì nhiều lẽ, từ khắp nơi đổ về để đồi sỏi vỡ hoang, làm củi đi than, lội suối luồn rừng, cuốc đất vượt tro lập nên Yên Thế. Dưới ngòi bút Nguyên Hồng đầy cảm hứng lịch sử, Yên Thế trở nên rõ nét trong từng thời khắc, từng thiên cảnh, từng con người rất Yên Thế mà cũng rất Việt Nam, một Việt Nam những năm tháng chủ quyền rơi vào tay thực dân Pháp. Là người mãnh liệt cảm xúc, cởi mở trong lặng lẽ, nhà văn dường như cảm ứng được cái thiên khí Yên Thế. Vì lẽ đó, đọc "Thù nhà nợ nước", ta bắt gặp "ánh hồng rực lên nghi ngút khói như có một sông lửa tràn lũ", "những tiếng vang âm của gió, của rừng, của núi, của suối, của khe ngòi, của đồng không mông quạnh, của thăm thẳm trời mây, của hun hút đêm tối". Yên Thế là vậy! Và rồi, từ trang huyền thoại về trăm con phượng hoàng lượn vòng Yên Thế chọn đất kinh kỳ cho đến cảnh giết trăn mắc võng, cảnh Nguyễn Cao tuẫn tiết... đã thôi thúc trong ta một cảm xúc vừa hư ảo hoang sơ vừa chắc khỏe gồ ghề. Yến Thế là vậy!

Phải nói rằng, trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với những suy ngẫm về chí khí ông cha đã giúp Nguyên Hồng tái tạo thật sinh động, thật rung cảm về một Yên Thế du thủ, du thực, nhưng giết người không vì của mà vì việc nghĩa; một Yên Thế đánh giặc phương Bắc, phương Tây từ Cai tổng Vàng, Cai Kinh đến Đề Nhân, Đốc Văn, Thơm..., một Yên Thế trầm hùng... Bằng đôi cánh tưởng tượng đầy chất lãng mạn, Nguyên Hồng đã nâng Yên Thế vốn chìm trong xa xưa bay về với thời đại hôm nay.

Rõ ràng, ở "Thù nhà nợ nước", tính sử thi của cảm hứng Nguyên Hồng đã được đánh dấu trước tiên bằng sự trở về và làm sống dậy trong bạn đọc một Yên thế với tư cách là chứng tích lịch sử oai hùng của dân tộc, chứng tích của tình người, tình đời sâu lắng ngầm chảy trong mạch thời gian.

Thế nhưng, không chỉ mô tả Yên Thế trong tĩnh tại, tiến thêm một bước, Nguyên Hồng đã khắc họa Yên Thế thông qua biến cố lịch sử - cuộc kháng Pháp của Hoàng Hoa Thám, thông qua việc mô tả dòng đời đa dạng tiếp xúc với biến cố đó mà Thơm, tên gọi Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ, là nhân vật trung tâm. Với nhân vật Thơm, ở "Thù nhà nợ nước", Nguyên Hồng đã làm sống lại tuổi trẻ một anh hùng áo vải.

Như đã nói ở trên, viết về Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Ngô Tất Tố cũng chỉ dừng lại khắc họa đậm nét hình tượng Hoàng Hoa khi đã "đằng đằng một đấng anh hào" khiến cho "nhiều công sứ Pháp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên và các tỉnh khác phải bạc đầu"(9). Nhưng, chỉ dừng lại đó, làm sao cắt nghĩa đầy đủ cái làm nên anh hùng Đề Thám.

Viết về nhân vật anh hùng, khó nhất vẫn là viết về thời kỳ tuổi trẻ, thời kỳ nẩy sinh, nuôi dưỡng, tích tụ tư chất anh hùng. Mà tuổi trẻ Hoàng Hoa Thám lại là thời kỳ đặc biệt khó viết. Đương thời, triều đình nhà Nguyễn và cả thực dân Pháp không sao khẳng định chắc chắn gốc tích Hoàng Hoa Thám. Nhân dân Yên Thế cũng đã thêu dệt bao chuyện hoang đường về ông. Bởi lẽ, vì sự tồn tại của dòng họ Trương mà mình là người sống sót, vì ý chí phục thù, Hoàng Hoa Thám đã cố ý mai danh ẩn tích, dấu biệt lai lịch.

Vượt lên trên hạn chế về tư liệu để lại, với khả năng cho phép của một ngòi bút tiểu thuyết, Nguyên Hồng đã khắc họa rõ nét chân dung tuổi trẻ Đề Thám. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh đoàn người tha hương lặng lẽ âm thầm trong đau thương cay cực trong can khổ kinh hoàng, cả trong hờn căm uất nghẹn, đã tụ hội giữa đêm rừng Yên Thế buồn ai oán. Trong dòng người chạy loạn đó, Thơm xuất hiện với những suy tư kín đáo, báo trước một cuộc đời khác thường: Thơm đã cùng người chú chạy trốn khỏi quê hương Hưng Yên chỉ vì ông nội và cha Thơm chống Pháp, bị xử chém treo ngành, dòng họ Trương Hưng Yên bị triệt hạ tàn khốc. Rời quê ra đi với nỗi oan gia mà càng ngày Thơm càng nấu nung rửa hận. Ngay đêm đầu ở rừng Yên Thế, trong đoàn người tha hương ấy, hành động chống lại Trương tuần đã khiến chú cháu Thơm bị bắt, bị tù, bị tra khảo..., rồi vượt ngục, rồi luồn rừng sâu, rồi gặp bạn nghèo, gặp ân nghĩa cưu mang, gặp đắng cay và hùng khí, gặp ý chí ông cha. Thơm trở thành Thám - Hoàng Hoa Thám - Đề Thám, một tướng lĩnh chống Pháp vô song.

Khắc họa Thơm, ngòi bút Nguyên Hồng kết hợp được nét thực gồ ghề chân chất nông dân với cái lãng mạn hoang dã của rừng núi để từ đó tạo nên dự cảm ở người đọc về một phong cách tướng lĩnh áo vải miền sơn cước: Thơm mặc áo thâm cúc tốt, quần nâu mới, khăn mỏ rìu, vai đeo nón gù lá già, chống gậy tre đầu bịt sắt trông chững chạc rạng rủa khác hẳn mọi trai trẻ mới lớn lên. Nhất là ở cặp mắt một mí quăng quắc, lông mày rậm hơi xếch, cặp mắt voi vừa tợn tạo gan lì vừa quả cảm; và bả vai rộng dày vậm vạp, vóc người tầm thước chắc nịch. Càng ngày, Thơm càng ít nói. Đã gan lì lại ít nói mà cứ luôn luôn đánh bạn với bọn đi rừng với những người đúng mực nhiều tuổi. Con người với tướng mạo như vậy, hẳn tiềm ẩn trong mình sự im lặng của đại ngàn chờ cơn giông bão trả "Thù nhà nợ nước". Im lặng chính là nét chủ yếu trong tính cách của Thơm. Xây dựng nhân vật Thơm, Nguyên Hồng dồn sức mô tả dòng chảy đa dạng tác động đến tiến trình Hoàng Hoa Thám. Đó là dòng chảy của huyền thoại, dòng chảy từ các tiên liệt Ba Vành, Hoàng Diệu, Cao Bá Quát, dòng chảy từ sự hiện diện của cụ Nguyễn Cao, cụ Đồ Mốc, ông thân sinh trò Bắc, Cai Cừ, vợ chồng bác Ngọ và cả của Thơm... Những trang viết này là những trang viết đạt nhất của ngòi bút yêu thương - ngợi ca rất Nguyên Hồng. Và cũng chính là sự bộc lộ thành công cảm hứng sử thi trữ tình - anh hùng ca cũng rất Nguyên Hồng.

Nhà văn đã cắt nghĩa những nguồn mạch đổ về tạo nên nhân cách Thơm. Nhờ vậy, hình tượng Thơm trở nên chân thực, rõ ràng như chính dòng chảy của đời Thơm. Vì thực dân Pháp, Thơm phải mồ côi cha mẹ, mồ côi dòng họ, mồ côi cả quê hương, phải nhập "đất thánh" Yên Thế để rồi từ đây trở thành "vị thánh" của Yên Thế một thời lừng lẫy. Thơm trưởng thành bằng chính sức lực của mình trong dòng sông ngầu bọt những đau thương oán hận. Thơm tắm mình cả trong dòng sông ngát xanh một màu đùm bọc và nghĩa cả. Thơm trở nên gan lì và trầm mặc trong ý chí phục thù.

Trên con đường hành hương, phục thù ấy, Thơm bị sập chông bị tù đày, bị tra khảo, để rồi sau đó Thơm vượt ngục, luồn rừng, làm rẫy phát nương, bắt trăn mắc võng, đón giữ trâu thuông... Thơm cùng Cai Cừ, trò Bắc luyện giáo rèn gươm đánh Pháp trận đầu. Kết thúc "Thù nhà nợ nước" là hình ảnh Thơm đã trưởng thành trong ý thức, trong hành động, trong sự tráng kiện đầy hứa hẹn của một anh hùng áo vải trẻ tuổi: Hoàng Hoa Thám.

* * *

Tiến trình Hoàng Hoa Thám được Nguyên Hồng trình bày và lý giải như tiến trình Yên Thế. Yên Thế ngày càng tỏ ra sung sức bởi sự trưởng thành của những con người bé nhỏ đủ loại, của đám lê dân tụ nghĩa. Tính nhân dân của phong trào Yên Thế kháng Pháp tất yếu ngòi bút tiểu thuyết của Nguyên Hồng thể hiện được.

Có điều, phẩm chất anh hùng của một phong trào hay một cá nhân bao giờ cũng được bộc lộ trong những tình hung anh hùng. Nguyên Hồng có ý thức lựa chọn, sắp xếp một hệ thống tình huống Thơm phải trải qua. Thế nhưng, sự đụng độ giữa kẻ thù và Thơm, chính xác hơn, hình tượng kẻ thù, phải được khắc họa để làm rõ nét tính cách của Thơm, Nguyên Hồng lại tỏ ra non tay. Ta thấy một Trương tuần hung dữ, một quan hai Pháp mặt ngựa hoảng sợ trước khí phách Tán Cao... Ta thấy được bộ mặt Thiên Chúa giáo trong vai trò mở đường cho cuộc xâm lược của Pháp qua hình tượng Phan Xi Cô và những tín đồ cuồng nhiệt như Trần Lục, Lang Hảo, Xoan Chột. Thế nhưng, những hình tượng đó, dù sao, cũng chỉ được Nguyên Hồng thể hiện trong nét đại lược thiếu hẳn bề dày và sinh khí cần thiết. Hình tượng kẻ thù mờ nhạt quá. Có thể, đây vẫn là nét hạn chế bất biến của ngòi bút Nguyên Hồng trong cái nhìn phê phán. Nếu Nguyên Hồng tỏ ra sắc sảo trong cảm hứng ngợi ca thì dường như hời hợt trong cảm hứng phê phán. "Nguyên Hồng là người ưa tô tượng đúc chuông chứ không phải là kẻ phá chùa".(10)

Viết "Thù nhà nợ nước", Nguyên Hồng nhằm dựng lại tiến trình Hoàng Hoa Thám trong tiến trình Yên Thế ở chặng đầu của nó với tinh thần lý giải cội nguồn đổ về và ngợi ca các anh hùng. Nguyên Hồng đã thành công trên phương diện này. Cảm hứng sử thi, chính vậy, được thể hiện trọn vẹn, nhuần nhất, không pha tạp, không đan chéo bởi những cảm hứng khác. Tất nhiên, điều đó sẽ giảm bớt vẻ đẹp của sự phong phú, đa dạng, nhưng lại có cái đáng yêu của vẻ đơn nhất. Thế cũng đủ cho ta thấy cái đa dạng từ "Người đàn bà Tàu"... đến cái đơn nhất của "Thù nhà nợ nước" trong cảm hứng sử thi của Nguyên Hồng.

1986 - 1992.
Q.N
(TCSH52/11&12-1992)

 

--------------------
(1) "Núi rừng Yên Thế" gồm 3 tập, Tập I "Thù nhà nợ nước", Hội Văn học Nghệ thuật Hà Bắc xuất bản, 1981. Tập II, "Nước mất nhà tan, ta sống thế nào đây" viết chưa xong, đã trích đăng chương VII trong: Tuyển tập Nguyên Hồng, tập III, NXB Văn học, Hà Nội, 1985. Tập III đang soạn thảo.
(2) Nguyễn Tuân, Con người Nguyên Hồng. Tuyển tập Nguyên Hồng, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1983.
(3) 1917 - 1919, Tạp chí Binh sự Hàng Chân Trung Quốc, NXB Văn học, Hà Nội, 1967, Chương Thâu dịch.
(4) Viết ở Xiêm, 1929, đến nay chưa tìm thấy.
(5) Nhật Nam thủ quán xuất bản, 1935.
(6) Nguyễn Đình Bưu. Tạp chí Văn học, số 1/1975.
(7) Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng - Báo VN số 20 - 15/5/82.
(8) Bài thơ "Hoàng Hoa Thám quê xưa" - Trời xanh, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1960.
(9) E. Maliverney (L’homme du Jour - Le Đề Thám) - Imprimerie de Avenir Tonkin. Theo Tôn Quang Phiệt - tìm hiểu Hoàng Hoa Thám - Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc, 1984, tr.20.
(10) Nguyễn Tuân, Sđd, trang 59.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng