Tác giả-tác phẩm
Đối thoại mới với lịch sử và văn hóa
10:13 | 29/03/2022

HỒ THẾ HÀ

(Đọc Mỗi lần đọc lại một lần mới của Dương Phước Thu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2021)

Đối thoại mới với lịch sử và văn hóa

Dương Phước Thu là nhà văn chuyên viết ký và là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có uy tín với nhiều tác phẩm, công trình đạt giá trị nghệ thuật và giá trị khoa học cao, được độc giả và giới nghiên cứu chuyên môn trân quý. Tinh thần làm việc và nghiên cứu của anh được khẳng định bằng hàm lượng thông tin và tính khoa học mới mẻ, vững chắc qua từng trang viết với văn phong chặt chẽ, luận chứng sáng rõ, luận cứ chắc chắn. Nhờ vốn sống, vốn cổ sử - văn hóa tích hợp được đã giúp Dương Phước Thu tự tin và có thái độ dứt khoát trong lập ngôn và khẳng định nghiệp bút của mình cho đến ngày nay.

Tôi muốn minh chứng cho nhận định trên bằng công trình mới nhất của anh Mỗi lần đọc lại một lần mới do Nxb. Thuận Hóa ấn hành năm 2021.

Hai mươi ba bài viết, tiểu luận đề cập đến nhiều nội dung và đối tượng có liên quan đến các lĩnh vực báo chí, lịch sử, văn hóa, chính trị, đặc biệt là liên quan đến những nhân vật lịch sử, báo chí, văn học, văn hóa của Huế và cả nước.

Với Dương Phước Thu, mọi xuất phát đều bắt nguồn từ văn bản, mà quan trọng hơn nữa là văn bản gốc. Anh có kinh nghiệm truy tìm văn bản gốc để cho những nghiên cứu của mình đáng tin cậy về độ chính xác. Từ đó, giúp anh chiếm lĩnh vấn đề, quy nạp và diễn giải có cơ sở. Sau đó là mở ra những khám phá mới và đối thoại mới theo tinh thần đồng đại và lịch đại. Vì vậy mà sau mỗi lần đọc, tính phát hiện và cập nhật thông tin mới mẻ hiện lên, giúp anh có cơ hội đào sâu thêm nhiều nội dung, nhiều quan hệ tương sinh, tương tác mới cho đối tượng.

Tiểu luận Trần Nhân Tông với cuộc đất Thuận Hóa đạt đến độ chân xác về sự phát hiện mới như thế. Những gì thuộc về sự thật và chân lý của minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông - “bậc hùng tâm, hùng trí, đại lực, đại giác, là nhà văn hóa lớn của triều đại nhà Trần, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm”, “trở thành Tổ Phật của Thiền tông Việt Nam”... đã được sử sách nói đến khá sáng rõ thì đến Dương Phước Thu, anh cũng phát hiện thêm những thông tin mới và kiến giải theo tầm đón đợi hiện đại. Riêng về cuộc đất Thuận Hóa thì Trần Nhân Tông là vị Thượng thần hộ quốc, trực tiếp mở ra vùng đất Ô Mã, Việt Lý nằm trong chiến lược “nhìn xa bờ cõi, trông rộng giang san ngàn năm sau cho con cháu”. Để làm rõ công trạng này, anh đã tìm về một giai đoạn lịch sử mà chúng ta ít được biết, đó là lúc Phật hoàng hoằng hóa phía Nam, mở ra hai châu Ô, châu Lý được xác tín bằng cứ liệu vững chắc. Ví như việc xác định huyện Tri Kiến lập nên từ đời nhà Trần được anh lý giải rất cặn kẽ và cho biết nơi ấy ngày nay thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Hoặc về hành trạng của Điều Ngự (danh hiệu Phật của Trần Nhân Tông) khi vân du phía Nam, tác giả đã chỉ ra có căn cứ rằng các nhà Nho chép sử thời Trần đã bỏ qua “hoạt động Phật sự của ông vua đi tu tại Bố Chánh và Chiêm Thành lúc bấy giờ”. Tác giả còn cho biết kể từ sau năm Kỷ Hợi 1299, Trần Nhân Tông “chính thức xuất gia lên núi Yên Tử tu thiền”, “Ngài vân du về phía Nam một lần duy nhất mà thôi, tức cuộc vân du vào đầu năm 1301. Chuyến đi này, “lịch sử ghi nhận Trần Nhân Tông là vị Nguyên thủ quốc gia Đại Việt đầu tiên đi ra nước ngoài; và cũng có thể xem Ngài như là vị Tổ của ngành du lịch Việt Nam” (H.T.H nhấn mạnh).

Cùng dẫn chứng nhiều sự kiện khác nữa như, “được vua Chế Mân và triều đình Chiêm Thành đón tiếp nồng hậu, kính trọng tuyệt đối. Cuộc đón tiếp đầy tình hữu nghị này như là một sự gặp gỡ hòa bình, tri ân đã có từ trước. Bởi trong chiến tranh chống Nguyên Mông xảy ra vào năm 1283, Trần Nhân Tông đã chi viện 2 vạn quân, 500 chiến thuyền, cùng nhiều lương thực cho Chiêm Thành, cùng sát cánh bên nhau để chống kẻ thù chung”. Chế Mân là người mộ đạo Phật cho nên “khi Chế Mân gặp được ông vua anh hùng “thượng quốc” vừa đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông, lại là vị vua xuất gia tu khổ hạnh, một thiền sư bộ hành khắp nơi, một con người thông tuệ, khoáng đạt có thế lực tinh thần rất lớn trong triều đình cũng như ngoài dân chúng Đại Việt nhưng lại xem nhẹ quyền lực đến thế làm cho Chế Mân thực sự rung động, cảm phục”.

Cuối cùng, Dương Phước Thu kết luận: “Như vậy, từ am Tri Kiến ở huyện Tri Kiến, trại Bố Chính (Quảng Bình), vào đầu năm Tân Sửu, 1301, nhờ thuận duyên, Điều Ngự đã dùng tâm đức nhẹ nhàng đưa con thuyền sinh mệnh văn hóa dân tộc vượt qua sông Thu Bồn trong chiến lược xây dựng tình hòa hữu giữa hai nước làm nền tảng cho hòa bình dài lâu. Châu Ô, châu Lý sau này là Thuận Hóa, mà Nguyễn Trãi gọi là phên dậu thứ tư theo Địa dư chí; một cuộc đất chiến lược để các triều đại kế tiếp tiến dần xuống Cà Mau... Trong cuộc hoằng hóa về Nam của Điều Ngự, cây thiền trượng từ tay Trúc Lâm đã biến thành cây nêu Yên Tử cắm xuống mảnh đất Thuận Hóa, và chỉ vài trăm năm sau cội Bồ Đề đã nở hoa Ưu Bát, để rồi cuộc đất vốn là ‘Ô Châu ác địa’ xưa kia, phát triển rực rỡ trở thành Kinh đô nhà nước quân chủ vừa là Kinh đô Phật giáo thứ hai sau Yên Tử - Bởi chính Yên Tử từng là Kinh đô Phật giáo thứ nhất của Đại Việt, nơi mà Điều Ngự đã khai mở ra dòng Thiền nhập thế Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt với chủ trương ‘Cư trần lạc đạo’ truyền dần về Nam”. Sở dĩ tôi trích dài dòng như thế là để chứng minh cho tinh thần làm việc, truy cứu vấn đề mới mẻ của một nhà nghiên cứu có trách nhiệm.

Tiểu luận Huyền Trân công chúa - Gia thế, Sự nghiệp và Di sản cũng được bình luận với tinh thần truy tìm sự thật lịch sử chân xác như thế để chứng minh công chúa Huyền Trân là viên ngọc quý, phải từ giã non sông và người thân để về làm dâu Chiêm Thành trong sự “hy sinh vô lượng về tình riêng cũng như danh tiếng của đời người con gái nước Việt với những nỗi buồn thê lương vời vợi. Khi đã qua xứ ấy thì không biết đến bao lâu mới trở lại? Nhưng vì lợi ích quốc gia, vì lời hứa của vua cha ‘vị thánh đứng đầu các vị thánh đã đến tận quốc đô Chiêm Thành’ mà Huyền Trân chấp nhận bằng lòng trao tấm thân vàng ngọc của mình cho số phận, dấn một bước định mệnh có một không hai trong lịch sử. Nàng đã đưa về cho dân tộc Đại Việt mảnh đất hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”. Và cũng vì gia thế và sự nghiệp của mình, công chúa đã nhận lấy những bi thương, thăng trầm của phận số để cuối cùng Huyền Trân đã thành di sản tinh thần vô giá: “Có thể nói rằng, di sản lớn nhất mà Huyền Trân Công Chúa - người phụ nữ liễu yếu đào tơ Thăng Long thời đại nhà Trần để lại cho chúng ta và cả những thế hệ mai sau nữa là: Khi Tổ quốc cần, làm người phải biết hy sinh, sẵn sàng gác tình riêng mưu sự nghiệp; đối với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc là trên hết. Bà để lại mảnh đất Ô, Lý ngàn dặm, mảnh đất Thuận Hóa ngày nay; mảnh đất hòa hiếu ấy như con thuyền phù sa đưa cả dân tộc tiến về Cà Mau, tiến ra biển cả nghìn trùng”. Đây là những trang viết đầy tính luận lý - hình tượng, rất hay và xúc động.

Với các nhân vật lịch sử, báo chí, văn học và văn hóa thời hiện đại, Dương Phước Thu cũng trên tinh thần khảo cứu hệ thống và cẩn trọng như thế để lần theo hành trình cuộc sống và hành trạng của họ để khẳng định vị trí, sự nghiệp và nhân cách của từng nhân vật một cách thuyết phục. Tiểu luận về nữ sử Đạm Phương được tác giả thực hiện công phu để xác tín bà là nhà thơ, nhà giáo dục, nhà tiểu thuyết, nhà biên khảo Tuồng cổ, nhà dịch thuật, nhà hoạt động xã hội, nhà truyền bá chữ quốc ngữ, nhà báo xuất sắc và cuối cùng là nhà văn hóa. Từ những công lao to lớn ấy, tác giả đi đến nhận định: “Tóm lại, Đạm Phương Nữ Sử là người trí thức Việt Nam tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX thông thạo nhiều ngoại ngữ; nữ tác giả đầu tiên có số lượng tác phẩm sáng tác, dịch thuật của nhiều thể loại xuất bản trước năm 1945; nhà văn nữ viết tiểu thuyết đầu tiên của nước ta; nữ trí thức Việt Nam đầu tiên có nhiều công trình dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục trẻ thơ từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi cắp sách tới trường; là người tổ chức, thực hiện và cổ xúy quyết liệt cho phong trào phụ nữ về việc học chữ và vấn đề nữ quyền; người sáng lập Hội Nữ công đầu tiên ở nước ta hoạt động mở mang dân trí, thực nghiệp; là nhà báo nữ xuất sắc có công đặt nền móng cho báo chí nước nhà phát triển...  

...Tài năng văn chương, tư tưởng duy tân, tấm lòng yêu nước trung trinh, phong cách lối sống mô phạm, tình thương yêu đồng loại, sự dấn thân và những cống hiến tiên phong trên nhiều phương diện xã hội cùng với nghệ thuật lập ngôn thông qua những công trình tác phẩm văn hóa, văn học, báo chí để lại của Đạm Phương - người phụ nữ trí thức xuất thân từ Hoàng tộc nhà Nguyễn đã có những ảnh hưởng tiến bộ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ nữ và những người lao động nghèo khổ. Đạm Phương Nữ Sử xứng đáng có địa vị của một nhân vật lịch sử được xếp vào hàng ngũ những nhà duy tân, nhà báo xuất sắc, nhà văn hóa tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX của Việt Nam”. Đó là những nhận định thấu lý, đạt tình.

Nói theo lý thuyết của Mỹ học tiếp nhận, thì mỗi lần đọc là mỗi lần làm mới đối tượng. Vì vậy, những tác phẩm và con người, sự kiện được nghiên cứu luôn là quá trình truy tìm cái mới (the New), cái khác (the Otherness) để làm đầy nghĩa cho chúng. Dương Phước Thu đã ý thức điều này rất rõ nên có tiểu luận Mỗi lần đọc lại là một lần mới (lấy làm tiêu đề cho tác phẩm) để bàn về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra đời cách nay hơn 50 năm. Tác giả chú ý nghĩ mới, nghĩ khác về hai chữ Đoàn kết, về Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cùng những giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa và giá trị ngôn từ của văn kiện. Và tác giả đi đến kết luận: “50 năm trôi qua, dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần bản Di chúc lịch sử của Người, nhưng cứ mỗi lần đọc tôi lại chợt ngộ ra minh ý sâu xa mà thật giản dị trong văn của Bác và dường như nó đã tạo nên sức mạnh từ những con chữ li ti mà Bác đã viết, đã sửa, mà mỗi lần đọc lại đối với tôi là một lần thêm mới”.

Nghiên cứu về nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Chí Diểu, về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà báo cách mạng Hải Triều, về nhà thơ Tố Hữu, nhà báo Huỳnh Ngọc Huệ, về GS. Tôn Thất Dương Kỵ..., Dương Phước Thu cũng trên tinh thần “ôn cố tri tân” và phát hiện thêm những cạnh khía mới về con người và sự nghiệp của họ một cách có luận cứ, luận chứng. Ví như viết về nhà yêu nước Nguyễn Chí Diểu, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, anh đã tiếp cận được tư liệu của mật thám Pháp có ghi chép về Nguyễn Chí Diểu và nhiều nhà cách mạng tiền bối khác của Đảng bị chúng bắt giam trong thời kỳ hoạt động bí mật, từ năm 1941 trở về trước. Nhờ thế, qua bài viết, Dương Phước Thu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề có liên quan đến Nguyễn Chí Diểu cả quan hệ cá nhân và quan hệ lịch sử - xã hội, góp phần chỉnh sửa, bổ sung những điểm chưa thống nhất về tiểu sử đồng chí Nguyễn Chí Diểu - nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam để cuối cùng đi đến minh xác: “Như vậy, đồng chí Nguyễn Chí Diểu là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Gia Định, rồi Bí thư Sài Gòn Gia Định từ sau ngày thành lập Đảng tháng 2 năm 1930, bị giặc bắt giam năm 1931, đày ra Côn Đảo. Năm 1936 được trả tự do, vừa về đất liền, đồng chí đã bắt được liên lạc với cơ quan Trung ương ở Sài Gòn. Theo sự phân công của Đảng, đồng chí trở về Huế hoạt động. Trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng trước đó, sau tháng 4 năm 1937 là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng thì đồng chí mới “đủ quyền” triệu tập được các đồng chí lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy và nhiều đồng chí là Ủy viên Xứ ủy trước đó về Huế họp để tái lập các tỉnh ủy và Xứ ủy Trung Kỳ”.

Cũng trên tinh thần truy cứu cái mới và khai thác thông tin, sự kiện bổ sung để mỗi lần nghiên cứu là thêm một lần mới, Dương Phước Thu có bài viết Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh. Lấy bối cảnh là làng Niêm Phò để triển khai, đồng hiện con người và sự kiện, cảnh vật; từ đó tác giả khắc họa hình ảnh Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) ngày càng cụ thể, sáng rõ trong nhiều mối quan hệ: quê hương, gia thế, dòng tộc, các quan hệ nhân sinh, các hoạt động xã hội thời trẻ, về sau là các hoạt động yêu nước và cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản và chiến đấu bên các đồng chí cách mạng trung kiên của Đảng để cuối cùng Nguyễn Vịnh trở thành người lãnh đạo tài năng của Đất nước, là Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam mang tên Nguyễn Chí Thanh - một cái tên mà Bác Hồ yêu quý đặt cho và tin tưởng giao những trọng trách vinh quang và trọng đại.

Phải nói rằng qua bài viết, Dương Phước Thu đã giúp người đọc nhận thức được hành trình sống cũng như hành trình yêu nước và cách mạng của một con người từ chân trời quê hương đến chân trời Tổ quốc rộng dài được bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng của Đảng. Đó cũng là hành trình của tất cả những con người yêu nước trong thời đại bão táp cách mạng dưới ngọn cờ yêu nước và dân tộc mang tên Hồ Chí Minh.

Ôn lại cuộc đời của nhà báo cách mạng xuất sắc Tôn Thất Dương Kỵ (1914 - 2014), Dương Phước Thu thâu tóm được bản chất và phẩm tính của vị Giáo sư khả kính này: “Ông là một trí thức có tầm và nhân cách lớn, một tâm hồn Việt Nam đượm chất nhân văn giàu lòng yêu nước thiết tha, từ tuổi thanh xuân đã dấn thân đi theo tiếng gọi của non sông, chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc: ông là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị cách mạng và sớm trở thành Người Cộng sản kiên trung. Ông đã hiến dâng trọn một đời thanh bạch của mình đến giây phút cuối cùng cho Tổ quốc, gieo lại tiếng thơm trần thế trước khi trở về với hồn thiêng sông núi... Những gì mà Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ để lại cho văn hóa lịch sử và cách mạng thật là vô giá, chỉ riêng về mảng đề tài báo chí cũng đã khẳng định chỗ đứng trong lòng người dân Huế”. Từ đó, anh phát hiện thêm tư cách nhà báo của Giáo sư ở tinh thần yêu nước, ở sự cổ vũ học sinh sinh viên và những người hoàng tộc tinh thần yêu nước tham gia công tác cách mạng và kháng chiến: “Bản thân Giáo sư nhiều lần bị địch giam cầm tù tội, nhà cửa bị đập phá, nhưng Giáo sư vẫn một lòng một dạ với cách mạng, tin tưởng vào ngày thắng lợi của con đường mà chính bản thân ông - một trí thức hoàng tộc nhà Nguyễn đã lựa chọn... Với tài năng và đức độ của mình, Tôn Thất Dương Kỵ đã tập hợp và cùng những người cộng sản vừa hoạt động cách mạng vừa làm báo, dùng ngòi bút sắc bén của mình hướng dẫn quần chúng nhân dân đi theo cách mạng, chống lại chế độ bạo tàn của chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai; góp phần sớm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Những phát hiện và khẳng định như vậy đã góp phần đưa tên tuổi Tôn Thất Dương Kỵ ra giữa ánh sáng của sự thật, làm sáng rõ nhiều vấn đề còn khuất tất.

Như vậy là với mục đích mỗi lần đọc là một lần thêm mới, Dương Phước Thu đã dày công tìm hiểu và phát hiện những chi tiết mới, nội dung mới có liên quan đến từng cá nhân và sự kiện để bổ sung những khuyết, thiếu cho đối tượng thêm phong phú và chính xác.

Nghiên cứu về nhà báo, nhà lý luận văn học cách mạng Hải Triều, tác giả đã ôn lại cuộc đời của nhà yêu nước này từ gia đình, dòng tộc đến thời học sinh được giác ngộ cách mạng, ủng hộ các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đến tham gia hoạt động công khai sôi nổi trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, báo chí, văn hóa - nghệ thuật, bị tù đày và trả tự do, tham gia khởi nghĩa ở Huế trong cách mạng tháng Tám... để từ đó khẳng định tư cách công dân, tư cách nghệ sĩ và tư cách nhà báo, nhà lý luận Marxist Hải Triều trong sự nghiệp cách mạng của Đảng như chính Hải Triều đã tự nhận: “Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng”.

Đối với nhà giáo, nhà báo, nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ, nhà thơ Tố Hữu cũng thế. Anh luôn phát hiện mới, nhận định mới và nhận định bổ sung về họ bằng những chi tiết và hành trạng có thực chứng cụ thể. Nhận định về cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Ngọc Huệ, tác giả viết: “Đối với Huế, mặc dù thời gian hoạt động báo chí, giảng dạy ở trường Kỹ nghệ của Huỳnh Ngọc Huệ chưa nhiều, ông đã để lại một tấm lòng nhân hậu bao dung với học trò, một phong cách riêng của người làm báo cách mạng, sự trong sáng của ngôn ngữ báo chí, thông tin rõ ràng, chịu trách nhiệm về những gì công bố trên tờ báo của mình; với tấm lòng đầy tin tưởng hướng ngòi bút vào con đường mà mình đã chọn, chung thủy trước sau, kính trọng lãnh tụ và nhân dân. Một người vừa có đạo đức cách mạng cao cả, vừa có tấm lòng nhân văn rộng mở được thể hiện từ hành động đến bục giảng cũng như trang viết vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm báo, làm nghề giáo. Chính vì thế, mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết đến xuân về tôi thường nhớ đến ông với lòng biết ơn và kính trọng”.

Với Tố Hữu, Dương Phước Thu chú ý đến thơ và những ngày tháng trong ngục tù đế quốc và có những phát hiện bổ sung về đời và thơ ông khá cụ thể. Cuộc đời từ tuổi nhỏ đến tuổi trưởng thành giác ngộ lý tưởng cộng sản, trải qua bao thăng trầm, gian khổ trong hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi bị kẻ thù bắt giam vào ngục tối, rồi vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng. Rồi tiếp tục bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, bị kết án 2 năm tù giam. Nơi đây, chàng trai 19 tuổi đã gặp Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và trở thành đồng chí trung kiên. Những bài thơ hay của Tố Hữu được sáng tác nơi lao tù và bản thảo tập thơ Từ ấy hình thành. Sự đấu tranh trong tù của Tố Hữu và bạn tù đã bị kẻ thù đày đi Lao Bảo. Nơi đây, Tố Hữu và những bạn tù đã trải qua những ngày tháng gian khổ và đấu tranh quyết liệt, có cả tuyệt thực, tưởng như cái chết đến trong gang tấc. Rồi cuộc đấu tranh trong tù thắng lợi, chúng lại đày Tố Hữu và nhiều người đi nhà lao Buôn Ma Thuột, rồi về lại nhà lao Thừa Phủ, rồi Quy Nhơn, rồi sau đó là trại tập trung Đăk Glei (Kon Tum), rồi về lại nhà ngục Quy Nhơn. Nơi đây, ông sáng tác nhiều bài thơ hay và xúc động. Dương Phước Thu đã phát hiện nhiều bài thơ của Tố Hữu viết ở nhà ngục Quy Nhơn và Kon Tum như Đời thợ, Ân hận, Hôm nay, Xuân ý, Khuya nặng... chưa được in trong Thơ Tố Hữu toàn tập. Cuối cùng Dương Phước Thu đi đến kết luận có tính phát hiện mới, phát hiện bổ sung về Tố Hữu như sau: “Nghiên cứu và tiếp tục nghiên cứu về nhà cách mạng Nguyễn Kim Thành - nhà thơ Tố Hữu trong những năm tháng hoạt động cách mạng bị kẻ thù giam cầm, theo tôi, ở ông có hai tư cách lớn đều như nhau. Tư cách nhà cách mạng và tư cách nhà thơ. Với Tố Hữu thì hai tư cách ấy luôn hòa quyện với nhau làm một, vì thơ Tố Hữu chính là thơ ca cách mạng, một nguồn sinh khí cách mạng đã nâng đỡ, tiếp sức thêm cho nhiều người bị giam cầm trong ngục tù đứng dậy, nhiều người còn đang “ngơ ngác” ở ngã ba đường đã đến với cách mạng một cách tự nguyện, tin ở ngày mai sẽ chiến thắng... Xưa nhiều người đã khẳng định, nay chúng tôi xin nhắc lại, Tố Hữu là nhà cách mạng xuất sắc, nhà thơ lớn của dân tộc, ông mãi mãi là con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”.

Trở lên là những nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản của các nhân vật lịch sử, văn học, báo chí và văn hóa. Phần còn lại của công trình là việc đi sâu nghiên cứu các sự kiện của đời sống, lịch sử, báo chí và văn hóa có liên quan đến con người và mảnh đất Thừa Thiên Huế và cả nước. Cũng với tinh thần “mỗi lần đọc lại, thêm một lần mới”, Dương Phước Thu đã thực sự đem lại cái Mới, cái Khác cái Bổ sung cho từng vấn đề, từng đối tượng. Đó là những nội dung có liên quan đến hoạt động báo chí của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Báo chí và Truyền thông trong thời đại kỹ thuật số 4.0, có cả việc Phản biện báo chí; kế đến là nội dung Bảo tàng và câu chuyện hiện vật, nghĩ về Bảo tồn văn hóa dân tộc... Vấn đề xử lý nguồn tin dưới nhãn quan văn hóa, Tinh thần đoàn kết của đội ngũ trí thức, tôn giáo; rồi đến vấn đề môi sinh Bạch Mã, vấn đề phố xá và cách đặt tên đường, vấn đề du lịch Huế và ẩm thực Huế cũng được đặt ra cấp thiết và có chủ điểm trong Mỗi lần đọc lại một lần mới. Từ những bài viết này, Dương Phước Thu đã thực sự là nhà nghiên cứu có kiến thức sâu và đặc biệt là có tâm đối với Quê hương và Đất nước, luôn đi tìm cái hay, cái đẹp và cái mới cho từng vấn đề, đối tượng.

Trong những chủ điểm nói trên, chúng tôi muốn bình luận về báo chívăn hóa, hai nội dung mà Dương Phước Thu quan tâm và có những đề xuất mới như tên gọi của công trình hướng đến.

Sau khi bàn về 90 năm Báo chí của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Dương Phước Thu liên hệ và đề cập đến công tác Báo chí, xem đây như là lĩnh vực quan trọng trong việc phản ánh thực trạng xã hội và điều bình xã hội trong mọi hoàn cảnh để tạo ra môi trường tiến bộ và không khí dân chủ hóa đời sống xã hội và nhân đạo hóa đối với nhân dân. Muốn đạt hiệu quả và thúc đẩy xã hội tiến lên, báo chí bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng, then chốt bên cạnh kinh tế, chính trị và văn hóa.

Trong bài viết Báo chí và truyền thông với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Dương Phước Thu bàn về nội dung và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và ở Việt Nam trên các lĩnh vực, chỉ ra những mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức, trước hết đến trình độ phát triển tri thức và khả năng ứng dụng của con người để kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin. Vậy vấn đề đặt ra là những người làm báo phải làm gì để chiếm lĩnh yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0? Và tác giả trả lời: “Theo chúng tôi, để bước đi và đặt bước chân tự tin vào kỷ nguyên 4.0, trước hết mỗi nhà báo, mỗi cơ sở đào tạo, mỗi cơ quan báo chí phải “dũng cảm” tự thay đổi tư duy nhận thức như người lính vệ quốc chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, phải nhanh chóng tìm mọi phương án để bắt kịp những tiến bộ của khoa học công nghệ mới. Cho nên, để có bước đi thích hợp với từng địa phương, từng cơ quan, thì phải bắt đầu từ tư duy nhận thức, đến tư duy hành động, đây là một quá trình, với thế mạnh vô biên của trí tuệ nhân tạo đòi hỏi quá trình ấy, muốn thành công, phải rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ. Phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt ở tất cả các lĩnh vực (kể cả nhân sự và công nghệ báo chí - truyền thông) nếu muốn tồn tại trong quyền năng thống trị của trí tuệ nhân tạo... Kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, nghĩa là cả bộ máy phải hoạt động theo xu hướng của trí tuệ nhân tạo” trên các lĩnh vực. Và trong tương lai, mỗi nhà báo phải “có đủ trình độ ‘làm chủ’ được cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 thì tồn tại, bằng không sẽ bị đào thải, sẽ là ‘nô lệ’ mãi mãi”. “Chính vì cái đích phải đến trên con đường tiến bộ nhưng cũng đầy cam go, phức tạp của khoa học công nghệ mà cả nhân loại phải đi, tất cả những người làm báo, những người hoạt động trong hệ thống báo chí truyền thông, các hội nhà báo, cơ quan báo chí, phải chuẩn bị ngay từ khâu tuyển chọn, đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức sử dụng công nghệ mới; Nhà nước và chính quyền các địa phương phải có chính sách ‘nhìn xa trông rộng’ để đầu tư, chuẩn bị nhanh cho một thế hệ mới đủ kiến thức, sức khỏe để tiếp thu, tiếp nhận cho được những thành tựu khoa học công nghệ mới, để sáng tạo, đủ trí và lực để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh vững chắc hơn trên con đường mà cả dân tộc Việt Nam đã lựa chọn”. Đây là ý kiến đề xuất và định hướng chuẩn xác của một người quản lý báo chí, có tâm huyết và trách nhiệm và với nghề.

Tác giả nhìn lại bản chất xã hội của nghề báo: “Báo chí đóng vai trò tích cực tạo ra sức mạnh tiềm tàng trong định hướng xã hội và hiệu triệu quần chúng nên nghề báo rất cần có sự hỗ trợ của luật pháp, nhưng điều cần hơn là sự chuẩn mực về đạo đức của nhà báo. Một khi sự chuẩn mực ấy được phát huy tối đa thì có lẽ pháp luật sẽ mỉm cười đứng ngoài cuộc”. Báo chí còn là lĩnh vực kích thích việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Muốn vậy, chúng ta phải “hướng đến một nền báo chí Việt Nam lành mạnh lấy văn hóa đạo đức làm trọng”. Và tác giả đặt ra câu hỏi: “Vậy trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề báo khi viết về bảo tồn văn hóa dân tộc phải được tuân thủ và thể hiện ra sao?”. Và tác giả giúp cho những nhà báo trả lời câu hỏi này: “Theo tôi, trước hết nhà báo cần phải am hiểu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, sự nhạy cảm về chính trị. Vì có hiểu thì mới biết sợ lịch sử, lý trí sẽ chế ngự được những ham muốn đời thường nhất thời dễ dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Và dù không muốn thì hoạt động báo chí cũng sẽ tự nhiên tham gia vào các hoạt động văn hóa chính trị. Về mặt nào đó thì tư chất của nhà báo có một phần tư chất của “nhà chính trị”, cũng có những nhà báo tư chất chính trị lại nổi trội hơn. Nhà báo có nhiệm vụ định hướng thông tin qua tác phẩm của mình nên nhà báo là người trước hết phải nhận thức về văn hóa dân tộc mình một cách cơ bản và mạch lạc”.

Nhiều bài viết với những nội dung cụ thể được Dương Phước Thu đặt vấn đề và giải quyết vấn đề dưới nhãn quan văn hóa như thế. Trong các bài viết Phản biện báo chí và Xử lý nguồn tin dưới nhãn quan văn hóa, từ văn hóa, tác giả đề cập lại vấn đề đạo đức gắn với hai từ “liêm” và “sỉ” và khuyên những người làm báo phải luôn ý thức về đạo đức nghề nghiệp. Muốn vậy, phải lấy văn hóa làm gốc. Khi phẩm bình vấn đề và xử lí, đề xuất, phản biện vấn đề mà phản biện phải là một trong những yêu cầu quan trọng. Vì nhờ phản biện đúng và khoa học và trên tinh thần tích cực thì báo chí sẽ “giúp cho các nhà cầm quyền, các nhà quản trị thể chế trong việc lựa chọn dự báo chiến lược, ban hành chủ trương, hoạch định chính sách, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước”.

Có thể khẳng định, trong bất kỳ điều kiện nào, Dương Phước Thu cũng đề cao văn hóa, đặc biệt là văn hóa gắn với hoạt động báo chí. Văn hóa chính là đạo đức và là phản biện xã hội một cách tích cực.

Cùng mạch với các bài viết về báo chí và văn hóa, Dương Phước Thu trực tiếp và gián tiếp bàn về những cạnh khía/ vấn đề có liên quan đến văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh qua các bài viết sâu sắc và cụ thể: Phải ứng xử nhân văn với Bạch Mã trong quá trình phát triển khu du lịch sinh thái, Huế cần có tour du lịch văn hóa tâm linh, Bảo tàng và câu chuyện hiện vật, Vai trò của người cha trong gia đình, Tinh thần đoàn kết của đội ngũ trí thức, tôn giáo… Tất cả các bài viết này đều lấy điểm xuất phát là văn hóa và nhãn quan văn hóa để bàn luận và lý giải từng vấn đề theo tinh thần bổ sung, đổi mới nội hàm theo tầm đón nhận hiện đại. Ví như bài viết về Bạch Mã, anh đề xuất cái mới và cái khác khi nhận thức vấn đề “bảo tồn và phát triển” và anh “xin chịu trách nhiệm trước văn hóa, lịch sử và xã hội về ý kiến đóng góp của mình”. Anh nhận thức vấn đề một cách biện chứng: “Một giá trị văn hóa lịch sử (kể cả di sản vật thể và phi vật thể) đều có hai mặt: Bảo tồn nguyên dạng thì kém phát triển - Phát triển nhanh, nóng thì di tích di sản có nguy cơ bị phá vỡ, bị hủy hoại. Cái khó là vừa phải bảo tồn mà vẫn phát triển. Đây là hai phạm trù trong một thực thể sống, đành rằng sự lựa chọn cao nhất là vì lợi ích quốc gia, nhưng trước tiên là phải vì lợi ích của cộng đồng dân cư tại chỗ, phải ứng xử nhân văn với họ thì mọi giá trị mới thực chân giá trị”. Rõ ràng ý kiến trên là có cơ sở thực tiễn từ văn hóa và ứng xử có văn hóa: “Mọi sự phải được nhìn từ văn hóa để phát triển, nhất là phát triển kinh tế du lịch dựa trên những nền tảng di sản lại càng phải chú trọng nhiều hơn đến văn hóa”. Từ đó, anh đề xuất những nội dung cụ thể khi quy hoạch và hoạch định khu du lịch sinh thái Bạch Mã để Bạch Mã thực sự “trở mình thức dậy với một tâm thế mới, tầm nhìn mới mang đầy khát vọng dấn thân vươn lên”.

Bài viết Bảo tàng và câu chuyện hiện vật, liên hệ đến Thừa Thiên Huế, Dương Phước Thu đã đi từ thực tiễn đến tiềm năng và dự báo để đề xuất một chương trình quy hoạch bảo tàng nói chung và bảo tàng Thừa Thiên Huế nói riêng trong tính năng động, tích cực và tính quy luật để tồn tại và phát triển mà ở đây hiện vật gốc là thực chứng sống động, cụ thể nhất liên quan đến nhiều sự kiện, nhân vật để làm sống lại các quan hệ lịch sử, xã hội và văn hóa cùng những bài học kinh nghiệm của một vùng đất. Từ đó, tác giả đề xuất biện pháp thiết thực như sau: “Trong quan hệ mở rộng giao lưu văn hóa, hội nhập, đổi mới, cải cách cơ chế chính sách của Nhà nước, Bảo tàng ngày nay phải nghiên cứu để thực hiện cùng lúc hai chức năng: vừa làm chức năng bảo tàng, vừa làm chức năng thư viện, trong hai chức năng đó, tùy theo giá trị và tầm quan trọng phải có một hoạt động dịch vụ tư liệu”. Tác giả còn đề xuất: “Trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống Bảo tàng nói chung muốn tồn tại, phát triển cũng rất cần sự năng động, khoa học của cả một bộ máy điều hành trực tiếp và một cơ chế hợp lý giữa phục vụ nhiệm vụ chính trị miễn phí và dịch vụ theo nhu cầu thu phí, kể cả Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các địa phương trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế”.

Đó là những ý kiến đề xuất đúng, nhất là trong hoàn cảnh phát triển và hội nhập có tính phẳng và tính toàn cầu hiện nay.

*

Còn nhiều vấn đề, nội dung tâm đắc, đồng cảm và cần bàn luận với tác giả Dương Phước Thu qua công trình Mỗi lần đọc lại là một lần mới, nhưng thiết nghĩ, mỗi bạn đọc sẽ tiếp xúc trực tiếp với từng bài viết và tự rút ra được những điều bổ ích, mới mẻ cho riêng mình. Tôi chỉ xin khẳng định lại rằng Dương Phước Thu là một trong những nhà nghiên cứu có tư duy khoa học và kiến thức lịch sử, xã hội văn hóa phong phú, diễn ngôn sâu sắc cùng với thao tác luận khoa học vững chắc nên trong từng bài viết, anh đã cố gắng truy tìm cứ liệu, phát hiện vấn đề và tiếp cận, lý giải từng đối tượng theo tinh thần “ôn cố tri tân”, “đến hiện đại từ truyền thống”, nên những cái Mới, cái Khác, cái Bổ sung trong những nghiên cứu đều đáp ứng được nhu cầu hiểu biết, khám phá và sáng tạo theo tầm đón nhận hiện đại của liên chủ thể tiếp nhận.

H.T.H
(TCSH44SDB/03-2022)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng