Tác giả-tác phẩm
“Không” trong ‘Đốt cỏ ngày đồng’ của Đoàn Minh Phượng
15:26 | 03/06/2022

LÊ THỊ HƯỜNG

“Không có ngày, không có đêm, không có phần đời nào của chúng ta. Không có ký ức hay mơ ước. Chỉ có nỗi buồn của em đã trở nên bất động, như một thiên thu không có khoảnh khắc, như một cơn mưa không có trời để rơi”.

“Không” trong ‘Đốt cỏ ngày đồng’ của Đoàn Minh Phượng
Ảnh: internet

Đốt cỏ ngày đồng(*) là câu chuyện của nỗi buồn. Nỗi buồn của một tình yêu đẹp và chia xa kết dính mọi câu chuyện khác chung quanh nó. Nỗi buồn của những con chữ, những trang viết chết yểu vẫn còn hệ lụy. Nỗi buồn của những cô gái điếm trinh bạch. Nỗi buồn của Phật. Tất cả làm nên “nỗi buồn của không”.

Rời rạc những mảnh chuyện không hoàn kết

Cuốn tiểu thuyết có vẻ như không có chuyện. Người đọc phải kết nối, lắp ghép, đồng hiện để có một cốt truyện, một thế giới nhân vật tương đối rõ hình hài. Thật ra, tác phẩm cũng có nhiều mảnh chuyện qua một dòng ý thức triền miên. Chuyện về một cuốn phim dang dở; về những cuốn sách lịch sử; về hai bé gái bị chính cha mình/cha bạn cưỡng bức. Một nhà tù. Nhà chứa. Với cách hiểu “chuyện” như vậy, Đốt cỏ ngày đồng là tiểu thuyết có “tính thời sự”. Tuy vậy, cái gọi là hiện thực đời sống đó chỉ có trong cảm giác, hoặc lùi sau, là phông nền cho những suy ngẫm, triết lí về phận kiếp con người.

Rỗng, vắng, không trở thành cái hiện hữu trong chiều sâu cuốn tiểu thuyết Đốt cỏ ngày đồng, tạo nên một cấu trúc tự sự độc đáo. Từ hiện thực không rõ nét, những đứt gãy ký ức đồng hiện, đậm nhạt trong dòng ý thức miên man của Tôi - người kể chuyện. Cảm thức của “Tôi” làm nên chuyện. Tôi trong đoàn làm phim, đi tìm cảnh, tìm người cho một bộ phim về cao nguyên, nhưng sẽ chẳng có kịch bản phim nào như vậy. Những thước phim không bao giờ thành hình vì nơi chốn ấy nhợt nhạt nỗi buồn, nơi những khu rừng thiếu màu xanh, “những ngọn lửa lưa thưa chợt có chợt không, những ngọn lửa quá nhỏ để đánh dấu quê hương con người”; nơi “không có một gương mặt người, một thân phận, một ước mơ…”. Tôi yêu G nhưng tình yêu với G lúc nào cũng trong tâm trạng chơi vơi, không điểm tựa, có lúc quá khứ hiện ra rành rẽ nhưng hiện tại mờ nhòe khiến tôi hoài nghi. Trong ký ức tôi có một tình yêu đẹp; là ngôi nhà của anh, những phiến đá xanh thẩm ướt nước, hoa dại, cỏ; những đĩa hát và nhạc Bach; là má tôi chạm làn vải thơm chiếc áo sơ mi của anh, là “mùi đàn ông và chút hơi ẩm của anh giữa đám chăn gối”. Tôi cất giữ cuốn sổ có chép quyển sách của G, lẽ ra anh phải chôn ngay, đốt ngay khi hoàn thành, nhưng G đã tin yêu trao gởi cho tôi; cuốn sách đã đẩy anh vào tù và đẩy tôi vào nhà chứa. V - một đạo diễn, bằng sức mạnh đã chiếm đoạt cuốn sách và hả hê với thân xác của tôi. Với những điều anh ta đọc được từ cuốn sổ, V biến tôi thành “một loại gì đó như người tình hoặc như vợ”, sau đó là gái điếm. Tôi yêu Q - đứa bé bị chính cha của bạn mình cưỡng bức cùng với con gái của ông ta. Đứa con ruột hoảng loạn, chạy trốn và chết bên con suối; còn Q treo cổ tự tử, không chết, trôi dạt làm gái điếm, bị câm. Q giết chết đạo diễn V, người mua thân xác của Q (và của Tôi), rồi vào tù.

Đoàn Minh Phượng viết như thầm thì kể chuyện tâm hồn, như chơi vơi cảm xúc. Mọi chuyện không rõ ràng, chỉ là cảm nhận, linh giác. Tuy vậy, mỗi mảng ghép cảm giác rời rạc, lộn xộn đều mang chứa những triết luận nhân sinh. Suy cùng, đó là những ngẫm suy về tính không, về cái phi lí, hiện tồn vô thường của con người. Đời phi lí, tình yêu phi lí, tha nhân phi lí, tôi phi lí. Đời vô thường, thời gian vô thường, kể cả “nỗi buồn cũng không” dẫu nó ám trên từng vi mạch cảm xúc. Tất cả có có không không. Con người tha hương chính chốn vô thường này, không còn lựa chọn, chỉ biết chỗ nào còn hơi thở chỗ đó là quê hương. Con người bị lưu đày trong ký ức, trong hoài nghi hiện tại, trong cảm thức về cái rỗng/không phận người - “mặt đất đã biến thành một thứ mây khói và tôi không còn nơi nào nương tựa”; “nỗi tha hương của tất cả những ngày tháng tôi không còn dám đếm”. Nhân vật của Đoàn Minh Phượng chịu quá nhiều sức đè của cuộc sống, yêu giận thù rốt cục chỉ là không, chỉ là truy đuổi những điều “hoàn toàn vô lí và vô nghĩa”, kể cả cái chết. Tất cả đều phi lí đến ngột ngạt. Vấn đề nhân vị, tự do, thân phận con người - yếu tính của hiện sinh, được nhìn qua lăng kính Phật giáo là điểm nổi bật trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng.

Nhân vị và “nỗi buồn của Không”

Tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng là cuộc dò tìm khám phá bản ngã để trả lời câu hỏi xuyên suốt văn chương nhân loại: “Con người, anh là ai? Anh tồn tại giữa cuộc đời vì lẽ gì?” Câu hỏi về nhân vị luôn được đặt ra trong hành trình viết của Đoàn Minh Phượng. Câu hỏi xuyên văn bản, lặp đi lặp lại về hiện tồn xa lạ của một hình hài. Câu hỏi day dứt từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến”; “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.” (Và khi tro bụi). Câu trả lời ngày càng mù mờ, không xác định: “Chúng ta không phải là chúng ta”; “Q có thật hay không?”, “Vậy thì cái gì là Q?”… Đốt cỏ ngày đồng có sự dung hợp giữa cảm thức hiện sinh và vũ trụ quan Phật giáo. Nhân vật của Đoàn Minh Phượng trong hành trình truy tìm nhân vị luôn cảm giác về tính Không bản thể - ta/không ta; “anh có thật hay không”, “anh là vô thường”; “tôi vắng như ngọn gió ở vào đoạn nó tắt đi”, “vắng hơn cái chết, như chưa từng có”. Phật giáo quan niệm “vạn pháp là không”, thế giới là rỗng không như bọt nước, mọi sự vật ở đời đều không ra khỏi luật vô thường. Mọi vật hiện hữu vừa là nó vừa không phải là nó. Trong Đốt cỏ ngày đồng, sự xóa nhòa ranh giới vốn đã chênh vênh giữa có và không, hồn và xác, hình và bóng, hiện tồn và không nhân vị đã đạt đến mức cực đại. Trong hỗn độn và nhòe mờ, cảm giác về Không tràn lấn. Có không một cuốn sách cũ trong một tiệm sách cũ với người bán sách im lặng như cái bóng? Có không một bông hoa đỏ đột ngột nở trong vườn hoang; những con nhện trắng đi ngang qua “thức giấc và chiêm bao”, đi ngang qua “hư vô và đời thật”? Có không một vệt trăng đỏ, vũ trụ mang nỗi đau của con người; “nếu bầu trời có thể bị thương, nó chảy máu từ vết cắt nơi mặt trăng màu đỏ.” Nhân vật không diện mạo với những cái tên viết tắt chợt đầy chợt vơi. Là G với nỗi cô đơn trống rỗng khi những dòng chữ cuối cùng của cuốn sách được viết xong. Quyển sách viết từ những giấc mơ, từ nỗi đau sáng tạo, viết chỉ để gói lại rồi đem cất nhưng mang chứa những vấn đề rộng lớn, sâu thẳm về con người, “rồi em sẽ có cách hiểu, nếu không bằng tầng bên trên cùng của ý thức tầng khác. Bên dưới, bên trong. Bên ngoài, ở tận chân trời xa quá mắt em không lấy được nét”. Cuốn sách được cảm nhận không bằng ý thức mà “bằng những tầng khác”, bởi nó ra đời trong niềm đơn côi của người nghệ sĩ sáng tạo, trong những khoảnh khắc im lặng tuyệt đối khi từng con chữ chép tay đầy dần trên những trang giấy. Câu chuyện chép trong một cuốn sổ làm vướng lụy kiếp người. Là T - cái tên họa hoằn mới được nhắc đến - một kí hiệu tên rơi vu vơ vào dòng tâm tư bất tận của Tôi. T, vị sư thầy, người duy nhất gọi Tôi là Mây và cũng chỉ một lần “tôi được anh gọi bằng tên của mình”. T là người đủ tư cách để nói về nhân duyên, về kiếp, về khổ… nhưng lại là người khó nhọc vượt qua cảm xúc của chính mình. Những lời thoại của vị sư thầy dẫn dắt Tôi thoát khỏi vô minh, nhưng cũng là lời sám hối về những satna lầm lạc (- Thời khắc khó nhất thầy đã đi qua là gì? Thầy nói đi. - Thời khắc khó nhất tôi đã đi qua là buổi chiều nay, ngồi đây và nghe em kể chuyện em đi làm điếm. - Vì em không kể cho ai khác được. Em xin lỗi thầy. Em thật vô tâm. Em quên thầy là một thầy tu. - Khó không phải vì tôi là thầy tu. - Không phải vì vậy thì vì sao? - Từ lâu rồi tôi thường hay nhớ em). Là V - một con người luôn chực vỡ vì quá nhiều quyền lực, mưu chước. Ở V cái bẩn tưởi, cái ác đi liền với hành vi đe dọa, mua chuộc, biến Tôi thành món quà tình dục ở cung Elysia và căn nhà ở đường Huyền Trân. Chính V cũng biến Q - cô gái luôn ở tuổi hai mươi hai thành cái bóng lặng lẽ, câm nín, ẩn ức để dẫn đến cái kết bi thương là giết V và chịu tội tử hình.

Nhân vật của Đoàn Minh Phượng rỗng không và xa lạ trong chính hình hài hiện sinh. Tôi có tình yêu, Tôi và G có những ước mơ bình dị nhưng đẹp đẽ nhất của bất cứ ai trên đời; ước mơ về ấm áp tuổi già, khoảng sân trống và con đường lát những phiến đá xanh thẫm ướt nước mưa; về những cuốn sách dung chứa tình yêu dành cho con người, kể cả những hoài nghi, niềm tin và những ảo vọng. Nhưng càng ngày cái cảm giác rỗng, vắng càng chiếm ngự. Đoàn Minh Phượng hay nói đến đường biên, giới hạn của nó và sự xóa nhòe, “ranh giới của sự an bình bên trong và cái chết chậm không tiếng động”. Bước qua ranh giới đó là đêm, bóng tối, im lặng, kể cả cái chết. Con người luôn chênh vênh trong một khoảng không nhòa mờ giữa ý thức và vô thức, giữa thật và ảo ảnh - “Chúng ta luôn đi dần tới bên này hay bên kia, và luôn luôn chực biến mất”. Vô thức, chiêm bao, ảo giác nhòa lẫn với hiện thực. Không có gì là thật trong cảm nhận của Tôi, kể cả trong mơ. Những chiêm bao đồng dạng, trùng khít. Ám ảnh nhất là “giấc mơ về cái không”. Nó mù mờ không có nội dung, không có một không thời gian cụ thể nào; chỉ có vô thức vang lên câu hỏi về nhân vị. Qua giấc mơ Tôi cảm nhận mình có trong cuộc đời này, “tôi biết rằng tôi có đó”, nhưng liệu nó có thật không, “nó không tồn tại, không thể có thật, vậy mà tôi chỉ có nó để đo sự thật”. Tất cả chỉ là ngụy tín, là niềm tin vào một hiện hữu không đích thực. Với cảm thức hoài nghi, tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng lặp lại rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi về sinh tử và sự giải thoát khỏi vòng sinh tử; câu hỏi về vô thường, về khổ, luân hồi được lật xới trở lại: Phật có buồn không? Nếu Phật buồn, thì biết lấy biển cả nào so sánh? Có luân hồi không? “Q hỏi tôi em có đầu thai không”, “bây giờ em ở đâu”? Vũ trụ cũng chỉ là một khoảng không, nó có thật hay không? Thời gian có thật hay chăng? Không có nơi chốn cụ thể, chỉ có những mê cung, mê lộ, những khoảng đêm mờ mịt, những khoảng ngày không ánh sáng; không có thời gian, câu hỏi thời gian là gì luôn được đặt ra, chỉ có ảo giác, kể cả kí ức cũng mơ hồ. Con người hiện tồn với cảm giác bất an.

Nhân vật của Đoàn Minh Phượng không hiện hữu như một thân xác; hoặc đang mang vác một “thân xác vô ngôn”. Biểu tượng chiếc bóng lặp đi lặp lại như một sự trống rỗng của hiện tồn. Trong kí ức về tình yêu, Tôi luôn cảm giác G không hề hiện hữu như một thân xác. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối. G là “một chiếc bóng thôi, không có gì khác”, “một chiếc bóng trên một mảng tường phẳng chập choạng giữa sáng và tối”. Q cũng là chiếc bóng câm lặng, đẹp mong manh trên những bức tường của Elysia - tòa nhà không có cửa sổ, tường cao kín mọi phía, ánh sáng chỉ vừa đủ để “trông thấy hình bóng của người khác”. Làm nghề bán mua thân xác nhưng Q không hiện tồn, “Q khẽ quá, như là không có”, “sự hiện diện của Q khẽ hơn gió trong một ngày không có gió?”, “Q có đó và như không”. Q chỉ hiện diện trong cảm giác của Tôi. Q là tôi, hoặc là phiên bản của tôi khiến tôi yêu thương, dằn vặt, lo âu? Không cả Tôi. “Tôi là ai, tôi làm gì ở đoạn đường này?”; “Một đêm thức dậy và em chợt thấy em không phải là em”; “Sự vô hạn của tôi không có tri giác nên không tự biết mình”. Tôi có hình hài hay chỉ là bóng - “một cái bóng mờ lẫn với trời và với chính nó”. Tôi với những ngày tháng rời rã ê chề “vì mang lấy một thân xác để được làm người”. Chiếm đoạt thân xác, V không làm tình với tôi, chỉ để tôi nằm trên tấm áo đã bị xé rách, với cảm giác “sự hiện diện của xác thân và những cảm giác nó mang là ô nhục”; chỉ để lấy cuốn sổ mà G đã tin cẩn gửi gắm cho tôi và tôi vì yêu anh nên không đốt, để “ngửi chút mùi của nó còn vướng trên giấy” giữa những dòng chữ viết tay. Trong căn nhà đường Huyền Trân, trong Elysia, nơi thiên đường của nhục dục, tôi có cảm giác đang “thoát khỏi thân thể mình”, “hòa vào những cái bóng, xa gần đang đứng nằm ngồi; và hẳn có tôi trong những cái bóng đó, đang ăn ngủ, làm tình, hoặc là không làm gì cả”. Vắng thân xác biểu hiện những nghiệm suy của nhà văn về thân phận con người, “không còn thân người sẽ không còn thân phận. Tự do chỉ có thể tìm được khi chúng tôi đã bỏ cái thân xác biết đau đớn, quẫn bách, đói khát, tuyệt vọng, mong mỏi”. Triết lí thâm trầm, Đoàn Minh Phượng không nhìn theo hướng xã hội phì đại, dẫu chị đề cập khá nhiều những số phận bị săn đuổi, những chênh vênh sinh tử. Tất cả được viết bằng một lối viết nhẹ nhàng, bằng cảm giác và siêu cảm giác. Với lối viết từ vô thức, từ xung động nội tâm, mọi thứ cứ mơ hồ bảng lảng. Diễn ngôn chủ yếu của tác phẩm là kiểu diễn ngôn dưới-hội thoại, triền miên một dòng ý thức rối bời, phân tán, đứt gãy. Tác phẩm ít đối thoại, những lời thoại, nếu có, thực ra chỉ là khơi chảy dòng kí ức ngổn ngang luôn bị kìm nén; là tự bạch, tự tra khảo mình. Triết lí dày đặc nhưng vẫn lan tỏa chất thơ từ tiếng nói bên trong, những đoạn nhật kí tâm hồn, từ biểu tượng có chiều sâu. Những đốm lửa, đèn dầu, những khô cháy miền xanh, gió, cỏ; con người vật vờ như cỏ, nhỏ nhoi như cỏ, cái chết như cỏ.

Đoàn Minh Phượng là nhà văn chuyên viết về số phận con người trong tâm thế tha hương. Tiểu thuyết Đốt cỏ ngày đồng cũng là tha hương, nhưng không dừng lại trong phạm vi ranh giới xứ sở, mà tha hương chính nơi chốn trú ngụ cuối cùng là trái đất. “Chúng ta gọi trái đất là quê hương, và trái đất là sự xa lạ duy nhất chúng ta sa cơ vào”. Đấy là cái phi lí làm người. Đoàn Minh Phượng có tài chuyển cảm nhận linh giác thành ngôn ngữ của sự yên lặng đa thanh. Lối viết trữ tình - triết lí mở rộng những khoảng lặng ẩn chứa sau ngôn từ, chạm đến những ẩn mật của thế giới bên trong.

L.T.H
(TCSH399/05-2022)

------------------------
(*) Đốt cỏ ngày đồng, Nxb. Hội Nhà văn, 2020.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng