Tác giả-tác phẩm
Bùi Giáng - Một cõi rong chơi...
16:29 | 10/06/2022

TÔN NỮ DUNG          

Bùi Giáng (17/12/1926 - 7/10/1998) tài hoa và khác thường. Có thể nói, cả một đời ông là một cuộc rong chơi: rong chơi trong đời sống, trong tư tưởng, trong sáng tạo, trong giao lưu văn hóa và rong chơi cả trong cõi tình, cõi mộng ở tận cùng của kiếp nhân sinh cho đến lúc đi về với cõi vĩnh hằng.

Bùi Giáng - Một cõi rong chơi...
Ảnh: internet

Ông là người nói nhiều đến chữ chơi, có lẽ hơn cả Tản Đà. Ngay cả lúc rong ruổi trên con đường văn chương nghệ thuật đối với ông cũng là một cuộc chơi dài, như là nghiệp duyên tiền kiếp vô căn đeo đẳng suốt cả cuộc đời và tự nhiên như là tất yếu, đã để lại một sự nghiệp đồ sộ đáng ngưỡng mộ cho những người cùng giới: 6 tập khảo luận, 6 tập giảng luận văn học, 11 tập nghiên cứu về triết học, 14 tập tạp văn, 15 tập thơ và 16 tập dịch thuật, vị chi ông đứng tên trên bìa 65 cuốn sách... [1].

Cũng không ít văn nghệ sĩ quan niệm cuộc đời là một cuộc chơi. Nhưng với Bùi Giáng, kiểu chơi của ông được ông chứng nghiệm bằng cả cuộc đời. Khó có ai như ông, khi dám đem cả cuộc đời mình ra rong chơi hồn nhiên như cây cỏ và như là sức phản xạ có điều kiện trước những nghịch lý của cuộc đời. Hai lần đỗ tú tài, hai lần vào đại học, nhưng rồi cả hai lần đều bỏ học, trở về chăn trâu, chăn bò và vui với đồi sim, ngọn cỏ, “làm thơ tặng chuồn chuồn và châu chấu [2, tr.14]... Rồi bằng con đường nỗ lực tự học trở thành người làm chủ nhiều thứ tiếng (Pháp, Anh, Đức), trở thành nhà giáo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu văn học/ triết học, nhà thơ tài danh và độc đáo xếp vào hàng đầu trong văn chương hiện đại nước ta... Trên tất cả các nhà ấy là nhà rong chơi, cũng vào loại hàng đầu: “Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Theo ông Bùi Công Nam, em trai Bùi Giáng thì năm 19 tuổi (1945), ông cưới một cô vợ ở quê xinh đẹp, nết na và đầy đức tính yêu chồng, cam chịu của một phụ nữ miền quê xứ Quảng. Ông “ra riêng”, nghĩa là ra ở riêng so với gia đình cha mẹ, bằng cách rời quê Vĩnh Trinh, Duy Xuyên đưa vợ lên miền núi vùng thượng du Trung Phước để làm ăn sinh sống, nơi mà gia đình ông có vườn tược, đất đai. Nhưng chỉ ba năm sau, vợ ông bị bệnh qua đời. “Từ đó, Bùi Giáng sống một mình, một cõi, làm thơ, viết văn như một người mộng du qua trần gian này/ Có điều, Bùi Giáng vẫn tiếp tục yêu. Ông yêu thâm trầm, tinh quái, bỡn cợt nhưng không kém phần dữ dội” [3, tr.316]. Những người ông yêu đều là những trang quốc sắc thiên hương nổi tiếng như Brigitte Bardot, Marilyn Monroe, Sophia Loren [4], Kim Cương, Phùng Khánh, Thu Trang, hoặc với người em gái Mọi ở làng quê... tất nhiên, chỉ là những tình yêu đơn phương, những cuộc tình trong tâm tưởng nhưng mà say đắm thiết tha, yêu một cách cuồng nhiệt và thánh thiện, tôn thờ; nhưng lạ lắm, với ai ông cũng hết lòng, yêu chân thành và rất mực thủy chung: “Từ vạn thuở trăm năm là bất diệt/ Từ thiên thu chỉ đón một người/ Em chịu đón hay là không chịu đón/ Chịu đón thì đón rước cho vui/ Đừng mặc cả éo le là lẫn lộn” (Buồn đã nhiều); hoặc “Em ở lại với đời ta em nhé/ Em đừng đi. Cho ta nắm tay em/ Ta muốn nói bằng thơ bay nhè nhẹ/ Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm” (Ly tao). Những bóng hồng này không ít lần đã rợp bóng, tỏa hương thơm ngát thơ ông:

Kính thưa công chúa Kim Cương
Trầm tư vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mực móng dày
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau

Với Phùng Khánh, tức là Ni cô Thích nữ Trí Hải mà ông gọi là mẫu thân một cách thánh thiện, thì:

Con về giũ áo đười ươi
Nực cười Trí Hải ngậm ngùi mẫu thân
Đẻ con một trận vô ngần
Mẹ còn đẻ nữa một lần nữa thôi
Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời
 
Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi                         

Sau ngày vợ qua đời, không còn gì phải bận bịu, ông một mình dấn thân vào cõi rong chơi. Người ta sống ở đời, hoặc vì danh hoặc vì lợi, kể cả các bậc vĩ nhân. Nhưng với ông, không vì gì cả. Ông chỉ vì chơi. Không có của cải nên không để tâm đến chuyện mất còn. Không thèm danh vọng nên chẳng nhọc chuyện hơn thua... Dường như ông luôn đi ngược dòng đời. Lội ngược dòng đời nên tiếng thơ, tiếng lòng xem chừng lạ lẫm và khó hiểu. Ông từng cho rằng, đi vào cõi thơ là mở ra một cuộc rong chơi và ông đi theo con đường của riêng mình: “Đi vào cõi thơ. Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thế thái. Có thể theo lối chu du của Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là một ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý riêng độc đoán của ai... Đó là điều kiện cần và đủ, không buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh” [5, tr.482].

Cái cõi rong chơi của Bùi Giáng dường như rộng dài vô tận. Đến mức, có lúc hết mọi ngóc ngách của trần gian, ông nảy sinh ý định rằng: “Nếu có thể chết thử chơi một chút” hoặc dài hơn, có giao kèo thời gian với thần chết “Cũng có thể chết chơi một tuần lễ”, bởi cuộc chơi ở cái “cõi tại thể bơ vơ” vẫn vui hơn, còn cái chết hẳn nhiên là càng bơ vơ, lạnh lẽo và vĩnh viễn chán chường: “Đất đen ơi, ta chẳng muốn đi vào/ Ta muốn sống suốt bình sinh vạn đại/ Ở cõi trần vĩnh viễn trận ngao du/ Đừng vĩnh viễn chết chán chường lắm ạ!” (Kính tặng thần chết). Hết kiểu chơi, muốn chết thử chơi, nhưng lại ra điều kiện, chứng tỏ cái sự sống/ nghị lực sống trong ông lúc nào cũng mạnh mẽ, dạt dào dẫn đến những mâu thuẫn nhưng lại thống nhất trong cuộc đời và trong thơ ông. Có lẽ, trong “cõi Bùi Giáng” vốn được tích hợp nhiều thứ triết học của phương Đông và phương Tây, với nhiều cọ xát triền miên mãnh liệt, rốt ráo làm nảy sinh trong ông một tâm thức thượng tôn mang tính chất hiện sinh, xem cõi đời là một cõi rong chơi bất tận, là cuộc trở về nguồn, tìm kiếm cái ta đích thực bị những hào nhoáng rủ rê đến quên lãng, là những bước chân quay về với “bản lai diện mục”, cần phải được nhận chân, như một chân lý ngược dòng quay lại với bản nguyên: “Tất cả vấn đề của ngày nay là đừng quên những kỷ niệm ban đầu. Đừng vì cái phù hoa lòe loẹt trong một giai đoạn của cơ giới văn minh hãnh tiến mà vội chối từ những món quà vô giá gửi về từ đất Thượng Nguyên Khê..., về trên ngọn cỏ, trên cồn cao lũng thấp, hươu thỏ chạy quàng mở mắt ngó thơ ngây” [6, tr.173]. 

Rồi năm, rồi tháng cứ trôi. Chiếc bóng thời gian cứ lặng lẽ khoan xoáy vào miền ký ức lãng quên của con người. Tôi là kẻ hậu sinh, chưa một lần tri ngộ, nhưng con người với nhiệt tâm luôn nâng niu đời sống, trái tim nóng hổi tin yêu, giày vò lắm nỗi và đôi mắt luôn dõi về cố quận của ông dường như tôi đã bắt gặp đâu đó trong tâm tưởng hoặc trên những nẻo đường đời mà mình đã trải qua. Cũng thật khó mà phác thảo một chân dung đầy đủ, khi không thể thấu hiểu hết tư tưởng triết học hoặc khó có điều kiện và trình độ để tiếp cận nguyên bản tác phẩm dịch nhiều thứ tiếng của ông, trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin “đánh đu” cùng ông rong chơi vào riêng cõi thơ thôi!

Đọc thơ Bùi Giáng, có thể cảm nhận được cái hay, nhưng không dễ giải thích rõ được. Thơ ông, đôi khi còn khó hiểu hơn triết học. Ai chưa thực hiểu con người và chưa để hết tâm trí, không xóa được khoảng cách vật ngã tương giao thì sẽ không hiểu nổi thơ ông. Người ta chỉ mang máng cảm nhận được bên trong chuỗi ngôn từ bình dị và lạ lẫm của ông có sức quyến rũ ma mị và tinh quái như vòm liên tồn, tồn lưu, tồn lập, dồn leo, cồn lũng, lá hoa cồn, thôn làng, ưng nắng,... rồi thảng thốt nhận ra kiểu nói lái trời sầu đất thảm, cũng là kiểu chơi của riêng ông, mà rộn vang tiếng cười. Nhưng dưới lớp sóng ngôn từ âm vang nhiều cung bậc của tiếng cười ấy, là lòng sâu thăm thẳm của đại dương. Bởi theo ông “thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện nó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là, muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác” [7, tr.133]. Ở phương diện lý thuyết đã bí hiểm như vậy, nhưng dưới cảm quan của một người sáng tạo, ông lại bộc bạch một cách phóng túng, càng có vẻ bí hiểm nhiều hơn: “Thơ tôi làm chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức... Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi... Tôi ra bờ sông nằm ngủ, khóc một mình giữa thơ dại chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao” [8, tr.133]. Nếu thơ là nghệ thuật cao quý, là cõi tinh túy, thì từ quan niệm nghệ thuật đến thực tiễn sáng tạo, Bùi Giáng đã đặt chân đến miền thánh địa của cõi minh triết thơ ca. 

Ngoài những tập thơ đã được xuất bản khi ông còn sống như Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn, Bài ca quần đảo, Sa mạc trường ca (1963), Mưa nguồn và lá hoa cồn (1973) và hai tuyển thơ in ở nước ngoài nội dung khác nhau nhưng có cùng tên là Thơ Bùi Giáng (Montréal 1990 và California 1994), gần đây liên tục năm tập Thơ di cảo (Đêm ngắm trăng, Như sương, Rong rêu, Trúc mai,...) của ông được ra mắt độc giả. Theo nhiều thi sĩ cùng thời như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, ông có đến hơn nghìn bài thơ. Có khi, chỉ trong một năm, ông cho in cả chục đầu sách, “nội trong một ngày, ông có thể viết xong vài trăm trang sách. Đúng là một kỷ lục có một không hai” [9, tr.162]. Chỉ tính riêng tập Thơ di cảo được ấn hành gần đây nhất, đã có 140 bài, dày đến 210 trang sách. Đó là chưa tính đến hằng trăm bài thơ ứng khẩu, ông đọc hoặc viết tặng cho người này, người kia trong lúc rong chơi tình cờ gặp gỡ (mà toàn là thơ hay, phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng cụ thể!). Phải khẳng định, đây là sức lao động cật lực của một con người chỉ viết và rong chơi trong cõi đời 72 năm. Cuộc đời và cõi thơ của ông đầy chất tinh nghịch, hóm hỉnh và là biểu tượng của cái “ngông” trong văn chương, dường như chỉ muốn chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thân, muốn bóc trần các lớp bên ngoài của hiện tượng để tiếp cận bản chất người của con người. Với ông, thơ và tại-thể-người dường như không có ranh giới phân chia. Thơ Bùi Giáng cũng chính là Bùi Giáng. Cõi thơ ông là một niềm tâm thức. Đi vào thơ ông là đi lang thang qua mọi ngõ ngách của tình, của mộng, của lẽ tử sinh, của nỗi xao xuyến bàng hoàng của một hữu thể tại thế ý thức được nỗi trầm luân bèo bọt của kiếp người, mênh mông vô thường, buồn vui và đầy bất an của cuộc sống. Trong thơ ông tuyệt nhiên không có dụng tâm tự lợi. Ông coi trọng tự nhiên và xem bản nguyên - hay như ông thường gọi là nguyên xuân, nguyên mộng - mới là đẹp. Cái đẹp ban sơ chưa vấy mùi toan tính, chỉ biết đem hết mình ra phụng hiến cho tha nhân. Và, đó vừa là bản nhiên vừa là thi mệnh của thơ ông, mà có lúc ông nói giản dị như một lời tự bạch:

Tôi ngồi chép mãi bài thơ
Quẩn quanh vần điệu bao giờ cho xong
Đôi phen lệ chảy ròng ròng
Tâm tình kín đáo giòng giòng tuôn ra
              
(Chuyện bữa trước bữa sau)

Bài thơ viết hôm nay dường dở quá
Vì bỗng nhiên ông cảm thấy thua gà
Gà gáy đẹp như vườn cây thắm lá
Mà thơ ông mỗi lúc mỗi già
                              
(Gà gáy)

Thơ Bùi Giáng là sự chứng nghiệm cho những nỗi niềm, hoài niệm về quê hương, tình yêu, lẽ tồn sinh của kiếp người đầy bất trắc, mong manh và nghịch lý bất phân. Những nghịch lý làm đầy dần lên tâm thức sáng tạo có ý nghĩa hiện sinh, đã tạo “thành tổng hòa của sự hội tụ chứ không phải sự phân hóa thi pháp thơ. Nhưng cũng vì vậy mà trong cái bông đùa, cà rỡn có sự thăng hoa của đau xót miên trường; trong cái hồn nhiên có sự uyên uẩn, nhức nhối của trí tuệ; trong điên loạn, cuồng say có sự mộng mơ và mê đắm” [10, tr.266]. Thơ ông là tiếng nói “bụi bặm” trực tiếp từ đời sống thường hằng, nhưng luôn mang ý nghĩa nhân văn cao cả, như là những lục vấn lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, hàm chứa dục tính thông qua quá trình tái sinh song hành câu thơ lục bát và khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người. Khát vọng “đi tìm thời gian đã mất” chính là sự níu kéo của tâm thức hiện sinh:

Xuân xanh về khóc giữa dòng
Tuổi già quá cỡ, tấm lòng quá vui
Chần chờ tôi bước thụt lùi
Tôi bao giờ gặp lại thằng tuổi thơ?
                                        
(Tâm sự)

Nhịp điệu câu thơ luôn quẫy đạp, phóng túng ở trạng thái động trong không gian nhiều chiều kích, đa sắc màu và năng động, thênh thang:

Đường xe nô nức một giờ
Bỏ quên phố thị bên bờ Tiền Giang
Hàng cây cỏ lá thôn làng
Duỗi song song với con đàng ven sông

                                                    (Miền Nam)

Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
Chạy đi em! Sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man
Nắng xuân xanh mở cỏ mọc hai hàng
Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật
Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng
                     
(Nắng Nguyên Đán)

Triết lý “bất khả tri” trong mỹ học cổ điển và ít nhiều triết học hiện sinh đồng hiện và tiếp biến trong thơ Bùi Giáng, hình thành nên những hiện tượng của chỉ riêng ông, lặp đi lặp lại có ý nghĩa bền vững, làm nên thế giới nghệ thuật thơ ông như nguyên xuân, nguyên mộng, miên trường, cố quận, phố thị, đười ươi, nghìn thu rớt hột... trở thành những hình tượng điển hình không dễ phai mờ. Trên bước đường phiêu lãng của gã “quậy sĩ”, lang thang giữa đất rộng trời cao, khỏe đi, mệt nghỉ, đâu cũng là nhà, bên trong vẫn ẩn chứa một tình quê thắm thiết, đau đáu khôn nguôi:     

Tôi từ một tỉnh mười mê
Đêm điên ngày dại nhớ quê hương nào
Của tình mộng tưởng chiêm bao
Ngàn thu rớt hột lũy hào tan hoang
                             
(Một tỉnh mười mê)

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
(...)
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

                                                  (Chào nguyên xuân)

Người ta nói rằng nhà văn là nhà nghệ thuật ngôn từ. Có người còn gọi Bùi Giáng là người đùa chơi ngôn từ. Với tôi, cao hơn, ông còn là nhà ảo thuật ngôn từ. Ông như một phù thủy chuyên làm trò ma thuật trên những con chữ. Các con chữ vào tay ông đều xếp thành vần điệu một cách tài tình. Nếu chữ cũng có linh hồn, là hồn chữ, thì với Bùi Giáng, điều này là một minh chứng. Thơ ông là lối thơ ứng khẩu tự do, không trói buộc vào một khuôn mẫu, cả về ý tưởng nội dung lẫn hình thức câu chữ, nhưng vẫn giữ được nhịp điệu ngôn từ, một thứ siêu ngôn ngữ, tạo ra một giọng điệu không lẫn với bất kỳ ai. Ông không cầu kỳ chọn câu chữ mà liên kết câu chữ trong một tập hợp tối ưu, tạo nên sự bùng nổ của ngôn từ. Cấu trúc thơ ông là loại cấu trúc phức hợp, kết hợp với kỹ năng ngắt nhịp linh hoạt. Điều đáng lưu ý là thần thái từ nơi sâu thẳm tâm hồn ông hiển hiện qua mỗi dòng chữ như có ma lực dẫn dụ người đọc. Ông độc hành trong cõi rong chơi chữ nghĩa thênh thang nhưng đầy bất trắc, nghiệt ngã của cuộc đời. Dường như làm thơ đối với ông là quá dễ dàng. Bùi Giáng hạ bút thành thơ đã trở thành hiện tượng do chính ông tự huyền thoại hóa đời mình trong cõi nhân gian:

Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha
Mình ơi! Tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi
Bây giờ xuôi ngược đôi nơi
Thôi mình ở lại tôi dời chân đi


Thưa rằng: ở cái quái gì
Chàng đi thiếp cũng xin đi với chàng
                                              (Về buôn bán)

Trong cõi rong chơi với thơ ca, Bùi Giáng chủ yếu chơi trò lục bát. Cuộc đời luôn chuyển dịch của ông làm cho nhịp điệu tư tưởng và câu thơ lục bát của ông cũng luôn đong đưa, chuyển động, đó cũng chính là cốt lõi của tinh thần tư tưởng của ông: “Ra đi trở về, bước vào bước ra là tinh thần của thơ ca và tư tưởng của Bùi Giáng. Ra đi với nhân loại, trở về với quê nhà. Ra đi với triết học, trở về với thơ ca. Ra đi với sách vở, trở về với nghiệm sinh. Ra đi với chữ nghĩa, trở về với tâm cảm. Ra đi với nhân gian, trở về cùng tinh thể...” [11, tr.165]. Có người cho rằng thơ ông khởi nguyên từ cõi tinh mật, là thế giới của hoài niệm chiêm bao, đầy ắp nhiên giới, thậm chí có thể xếp vào loại “kinh thơ” [12]. Cũng có người còn tìm thấy mối liên hệ tương đồng giữa nghệ thuật thơ Bùi Giáng và Nguyễn Du. Nhà nghiên cứu, dịch giả tài danh Bửu Ý, đã viết hẳn một công trình chuyên luận dày mấy trăm trang, có tựa đề là Bùi Giáng, truyền nhân của Nguyễn Du [13]; hoặc Nguyễn Văn Hạnh thì cho rằng Bùi Giáng có một cõi thơ riêng, nhưng gần gũi Nguyễn Du về chất giọng: “Do tài năng và do hoàn cảnh đặc biệt của anh, có những tứ thơ, ý thơ, hình ảnh thơ, câu thơ, từ ngữ chỉ có ở Bùi Giáng, hoặc người đọc chỉ chấp nhận đối với Bùi Giáng. Đọc thơ Bùi Giáng, ta dễ nhận ra chất giọng của Nguyễn Du, một chút ảnh hưởng của hiện sinh, vai trò của vô thức, của bản năng, của cả yếu tố phi lý” [14, tr.551]. Nhà thơ Ý Nhi từng có sự liên tưởng rằng: “Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi Giáng tôi lại nhớ đến tiếng đàn “rỏ máu năm đầu ngón tay” của Thúy Kiều. Những câu thơ như được chắt ra từ máu huyết, từ nỗi khắc khoải khôn nguôi về phận người, về sợi dây nối kết vừa bền vững vừa mong manh giữa kiếp người với cõi trần gian. Ít ai trong số những nhà thơ Việt Nam hiện đại lại viết nhiều về cõi trần gian như Bùi Giáng” [15, tr.232]. Sự gần gũi, “chân truyền” thể hiện rõ nhất, không chỉ là sự quan tâm đau đáu về nỗi đau của kiếp người trên cõi trần gian, mà còn ở âm hưởng, không khí và hình tượng nghệ thuật ở những bài thơ lục bát dung dị mà sâu sắc, lắng đọng mà sinh động, tinh diệu mà chuyển động, và thành công lớn nhất của Bùi Giáng cũng chính là ở thể thơ này:

Quê người một thác mười thương
Sống nhờ thê thiết chết chôn lạc loài

                                          (Quên còn)

Nhớ nhung thể niệm như hầu
Nhớ màu nước chảy nhớ màu mây bay
Nhớ năm ngắn nhớ ngày dài
Nhớ xuân tươi tốt phôi phai thu già
Hôm nay nhớ mãi hôm qua
Người yêu bỗng tới thăm ta một mình
Tạc thù chén rượu chênh vênh
Ta điên đảo thét người thênh thang cười
Giở trang giấy cũ ngậm ngùi
Nhìn trong tấm ảnh nụ cười tiền duyên
                                     
(Nhớ một mình)

Nếu nói văn là người, thì con người rong chơi, tinh nghịch của Bùi Giáng đã được mang vào trong văn chương, cả trong những tạp luận về triết học. Dường như tất cả mọi chuyện trên đời đối với ông đều là trò chơi. Đàng sau những đùa chơi đó, luôn ẩn chứa nỗi đau, là “buồn đau như thể thân mình/ ai chia nửa máu, ai giành nửa xương”, là bi kịch về thân phận con người với tất cả những buồn vui của kiếp phù vân:

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

                                (Phụng hiến)

Điều đáng lưu ý là, ngoài những di cảo, thành tựu thơ chủ yếu của ông chỉ ra đời trong một khoảng thời gian rất ngắn. Sáu tập thơ làm nên sự nghiệp thơ ca của ông trước khi ông qua đời là Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Hoa trên ngàn, Bài ca quần đảo, Sa mạc trường ca được xuất bản trong hai năm 1962 - 1963, nghĩa là vào thời điểm ông ba chín, bốn mươi tuổi. Có phải vì thế chăng mà ông tự coi mình mãi là Trung Niên Thi Sĩ! Quả thật, Bùi Giáng là một hiện tượng độc sáng trên thi đàn Việt Nam.

Người ta nhìn vào vẻ bề ngoài con người và cả trong chữ nghĩa cũng như những hành vi lạ lẫm trong hành trạng cuộc đời của Bùi Giáng, để cho rằng ông là một người không bình thường, người bị bệnh tâm thần, điên điên khùng khùng... Thật ra, điên khùng đối với ông là hệ quả của con người nổi loạn, phản kháng một cách mai mỉa, rỡn đời, nói lắp, nói lịu, nói lái một cách giàu hình tượng, vừa thể hiện bản lĩnh văn hóa đầy tính ương ngạnh của con người xứ Quảng quê ông, vừa như là cố tình/ chủ đích của thi nhân: “Điên chơi cho bớt điên đầu/ Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi...”. Điên chơi, lại thêm một cách chơi nữa theo kiểu nghệ thuật toàn chơi của thi sĩ họ Bùi:

Đi về với gió du côn
Mở giông bão xuống cõi tồn sinh phai
Mép rìa vòm cỏ hương bay
Mở trang nhảy múa trên ngày phù du

Không ít người ví ông với Tế Điên đại sư (tên thật là Lý Đạo Tế) một tăng sĩ đời Tống (thế kỷ XII) ở Trung Hoa, một nhân vật có thật trong lịch sử, người đã từng tồn tại một cách sinh động như một huyền thoại và chính ông, ông cũng đã tự viết huyền thoại cho đời mình khi thừa nhận rằng: “Ha ha! Người đời thường cười ta điên điên khùng khùng, thật ra Đạo Tế ta tuy điên mà chẳng khùng, nay giải thích cái lý ấy như sau: Cái gọi là “điên khùng” là tinh thần thất thường, lời nói hành động chẳng có chút trật tự, giống kẻ ngốc nghếch ngờ nghệch vậy. Ta tuy vẻ bề ngoài trông điên khùng, nhưng trong tâm ta một dải chơn không, tất cả lời nói, hành động đều xuất phát từ tự nhiên, vả lại lời nói có thể khuyên người đời hướng thiện, hành động thì là độ chúng sanh quay đầu về bờ, hoàn toàn khác với người đã nói đến ở trước. Ta du khắp nơi, không bị ràng buộc” [16]. Cái “dải chơn không” kia, phải chăng là cái “thiện” trong câu nói lưu truyền của Khổng Tử “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nghĩa là con người khi sinh ra, bên trong cái bản chất người là một tập hợp rỗng, không có gì hết. Chính những va chạm của đời sống, biến con người trở thành người thiện hoặc kẻ ác. Dường như cuộc sống trần ai, không đủ sức tác động vào tâm hồn trong suốt như ngọc như ngà của Bùi Giáng. Thơ ông đã đạt đến “độ không” về thi pháp biểu hiện, còn con người của ông là con người vô ngã, phá chấp, tự do tự tại như một thiền sư ngộ đạo. Và, ông cũng đúng là hình tượng như được nhân bản từ bản gốc của Tế Điên. Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin dẫn ra đây sự hồi tưởng trong phép so sánh giữa Tế Điên và Bùi Giáng của nhà vật lý, nhà văn Nguyễn Tường Bách, không chỉ là những nét chấm phá nhằm phác thảo chân dung một cách tài hoa và sinh động, mà còn bao hàm cả những đánh giá trân trọng và chuẩn xác về con người và phong cách nghệ thuật thơ Bùi Giáng: “Nhìn hình ảnh của Tế Điên, tôi nhớ đến Bùi Giáng, một nhà thơ mới xa chúng ta một vài năm nay. Bùi Giáng cũng gầy gò như Tế Điên, cũng bụi đời, cũng đi về cõi nhân sinh như Tế Điên. Tôi được gặp ông trong nhà một người bạn thân tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vào khu vườn nhỏ bé đó đúng lúc Bùi Giáng đã ngồi sẵn trong đó. Bên ngoài ông không khác mấy với một người ăn xin đã già nhưng khuôn mặt tinh anh và cặp mắt sắc sảo làm tôi kính sợ. “Đó, Bồ tát đó”, người bạn nói để giới thiệu người tôi hâm mộ nhưng trước đó chưa từng gặp. Tôi biết Bùi Giáng với tính cách là một người làm vua trong cõi chữ nghĩa. Ông có thể hiểu ngộ những văn hào khó hiểu nhất của Đức, Pháp, Anh và dịch những tác phẩm của họ với một thứ văn chương trác tuyệt, trung thành với nguyên bản nhưng không gượng ép miễn cưỡng. Và với tiếng Việt thì ông vào ra như thiền sư vào chợ, ông phung phí, ông sử dụng, ông chơi đùa như trẻ con nghịch cát. Ông sống triền miên trong cõi thơ ca của ông để mỗi tiếng mỗi lời của ông có một chiều sâu, một ý nghĩa và chữ nghĩa của ông tự chúng xếp lại thành thơ. Chúng ta cho rằng ông “làm thơ” nhưng có lẽ ông không tự biết mình làm thơ” [17, tr.281]. Bởi, thơ đối với Bùi tiên sinh cũng chỉ là một cõi rong chơi.

T.N.D
(TCSH399/05-2022)

___________________

[1] Theo Hiền Hòa, trong bài viết Tranh của thi sĩ Bùi Giáng, báo Văn nghệ số 39, ngày 25/9/2021, ông còn là tác giả của 150 bức tranh, được lưu giữ nhiều nơi: nhà sưu tập tranh Nguyễn Thanh Hoài 20 bức, họa sĩ Phạm Cung 20 bức, nhà thư pháp Phạm Công Khanh 3 bức, nhà thơ Nguyễn Thiên Chương 2 bức, nhà thơ Ý Nhi 1 bức,...

[2] Bùi Giáng (1969), Sa mạc phát tiết, Nxb. An Tiêm, SG.

[3] Lê Minh Quốc (2018), Người Quảng Nam, Nxb. Trẻ.

[4] Các nữ diễn viên điện ảnh người Pháp, người Ý nổi tiếng, thu hút người hâm mộ trên màn bạc Sài Gòn những năm 60,70 của thế kỷ XX.

[5,8] Bùi Giáng (1969), Đi vào cõi thơ, Nxb. Ca Dao, SG.

[6] Bùi Giáng (1973), Con đường ngã ba, Nxb. An Tiêm, SG.

[7] Bùi Giáng (1969), Thi ca tư tưởng, Nxb. Ca Dao, SG.

[9] T.Khuê (2004), mục từ Bùi Giáng, trong Tự điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới.

[10] Hồ Thế Hà (2018), Thơ Việt Nam hiện đại, thi luận và chân dung, Nxb. Hội Nhà văn.

[11] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019), Gửi đây chút duyên tình đọc, Nxb. Đà Nẵng.

[12] Đinh Vũ Thùy Trang [2000], Bùi Giáng - một cuộc đời, một cõi thơ, Luận văn tốt nghiệp ngành Ngữ văn, khóa XX, khoa Ngữ văn, ĐHKH Huế.

[13] Chưa in, chúng tôi chỉ mới được tác giả cho xem qua bản thảo.

[14] Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn, chuyện đời, Nxb. Giáo dục.

[15] Ý Nhi (2018), Kỷ niệm không có mưa, Nxb. Đà Nẵng.

[16] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “Giải thích về phong cách của Tế Công”, nguồn: https //vi.wikipedia.org / wiki (truy cập 15.4.2021).

[17] Nguyễn Tường Bách (2016), Mùi hương trầm, Nxb. Phương Đông tái bản lần thứ 3.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng