Khi tôi đang ngồi viết những dòng này về thơ Trinh Đường, chính là lúc căn bệnh trầm kha dạ dày và tuổi già đang đánh vật với con người Thi sĩ của ông trên giường bệnh. Khó ai có thể ngờ rằng những lúc như thế, ông điềm nhiên vang vang lời khinh bạc: "Về, đi hay ở cũng phương trời". Cách đây chừng vài ba năm, đã có lần nhà thơ hẹn cùng tôi: "Mình sẽ về quê Duy Mỹ (nay là xã Đại Thắng) thả thuyền trôi trên bến Thu Bồn, nằm trên võng trong vườn xưa nghe dừa, cau kể chuyện tuổi thơ mà dựng lại đoạn phim đầu đời...". Hình như những lúc như thế, ông đang làm thơ. Và cũng chỉ có thơ mới đủ liều lượng, thúc giục bước chân thi sĩ đi cùng trời cuối đất, với khát khao tạc một chân dung thơ Việt theo cái sở nguyện của riêng mình. Tôi còn nhớ có một lần vào những ngày mà Tết nhứt đang cận kề rượt đuổi sau lưng. Thế mà ông vẫn ung dung trên chiếc LADA của một cơ quan mặt trận cho mượn, rủ tôi, "phiêu bồng" cùng ông dăm quãng. Ngồi trên chiếc xe lật khật con đường ổ gà ông hí hoáy, tẩy xóa, để rồi ra đời những dòng thơ nghe chừng thấp thoáng một nỗi buồn của bóng xế, của âm vọng tà dương. Cộng hết đường ta đi Đã giáp vòng mệnh số? Lúc đó, tôi nói cùng nhà thơ: "Làm gì mà đã giáp vòng mệnh số, còn lắm lửa hoàng hôn chú ạ, hay đó là bình minh mới của một tà dương vậy mà". Ông cười hồn nhiên rồi lật bản thảo một bài thơ khác, hình như vừa mới làm xong đêm qua: Hỏi anh sinh năm nào Quên khuấy ngày sinh nhật. Chắc là thi sĩ quên thật. Nói thế có khi có người khó tin. Nhưng tôi thì tôi tin. Cũng vì cái sự quên ấy mà vừa qua đã có cơ quan, bạn bè văn nghệ đã đến viếng La – Vân - Hiên của ông ở Cổ Nhuế, Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, để chúc thọ lão thi sĩ Trinh Đường thượng thọ 85 (theo cái năm sinh 1917). Thôi thì chúc mừng hay mừng thọ cũng đều quí cả. Người xưa dạy rằng quá lục thập thì tính năm, quá thất thập thì tính tháng, quá bát thập thì tính ngày... Vậy thì nhà thơ dẫu đã 83 (1919) hay đã 85 (1917) cũng đều đã quá "bát thập". Đâu phải đến giờ này ông mới tính già – non cái cung mệnh phù trầm của một đời thơ từng trải khổ đau, từng trải hạnh phúc: "Đem rũ hết hành trang. Được bao nhiêu bụi đỏ...". Sẽ khó mà tự mình trả lời không – cái có, cái được – cái mất. Mượn lời của nhà thơ Huy Cận viết về thơ Trinh Đường, âu đó cũng là chút "của tin" vậy: "Bút pháp tác giả luôn đổi mới, biến hoá nhuần nhuyễn trong cấu trúc bài thơ, câu thơ, xáo trộn thực và hư, cảm giác cơ thể và ảo giác của tâm hồn, xáo động thời gian xưa và nay... (1)". Làm sao, vùng vẫy thế nào để xáo động thời gian xưa và nay? Đó là cá tính của Trinh Đường thi sĩ, suốt một đời thơ, lúc nào ông cũng như muốn xoá mình ngày qua để nhớ đến mình ngày mai. Lúc nào cũng nuôi một niềm tin, một hoài vọng: "Sống không làm tia chớp. Chết chẳng thể nào yên". Cái tia chớp nhuốm màu siêu nhiên ấy, suốt một "hành trình" thơ ông là một khám phá mới về nhân thân, về số phận: "Tôi soi mặt xuống nước. Thấy một tôi thứ hai. Tôi soi vào mắt ai. Lại thấy tôi thứ nhất...". Và rồi đến "Trò chơi phù thế" thì tia chớp ấy lại ánh lên một màu lửa khác: "Ta có sá gì đi với ở. Đi – biết bao giờ tới nơi. Về – biết bao giờ tới chốn. Về, đi hay ở cũng phương trời". Sau một "Hành trình" đầy ắp khát vọng vùng vẫy, sau một "Trời chơi phù thế" nhẹ tênh phiêu bồng, an nhiên tự tại, Thi sĩ trở về trong cái "Am – Thu – Không" của mình, say sưa với công việc đãi cát tìm vàng: "Đón gió hỏi nhà, nhờ mây chỉ lối, tôi đã đi tìm thơ qua các tàng thư và sông núi, đã đãi cát tìm vàng dọc theo dòng sông thế kỷ này không ít hơn sáu năm trời... Con mắt xuyên qua đất cát, trí nhớ sục sâu vào quên lãng, tai lắng nghe tiếng thì thầm từ trong hoài niệm, tay giành giật với mối mọt để nhìn vào các ngõ ngách tháng năm". Lấp gấp chạy đua với thời gian để kịp năm 2000 cho ra đời tập 1 công trình "Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình". Thư và sách từ Hà Nội gửi vào cho bầy trẻ chúng tôi, ông bảo sẽ cố gắng ra tiếp tập hai trong thời gian tới. Thế rồi, nhà thơ phải vào bệnh viện để cắt khối u dạ dày. Thời gian này, e sức khỏe khó lòng cho việc thực hiện nốt cái phần công việc còn lại, ông đã gửi tất cả bản thảo cho nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi để anh thay ông đảm nhận cái công việc mà ông hằng tâm huyết. Nhưng nghị lực hay cái "quyền năng" của nàng thơ đã "nhiệm màu" nâng ông dậy một cách khỏe khoắn lạ thường. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã sốt sắng bưng cả chồng bản thảo dày cuộm trao lại cho ông thay cho lời chúc mừng, rằng ông phải giải quyết xong cái món "nợ nần" này rồi muốn phủi tay "về, đi hay ở một phương trời" thì tùy thích. Mừng nhà thơ Trinh Đường vượt qua "cửa tử", tôi lại hy vọng được nằm trên chiếc thuyền trôi bồng bềnh giữa dòng Thu Bồn, nghe ông kể chuyện cái quê nhà Duy Mỹ xa lắc xa lơ, đầy huyền thoại với trăng cổ tích... Thế rồi, những ngày này nghe tin ông lại vào bệnh viện do bệnh cũ tái phát, rồi lại nghe ông được khỏe ra và đã về nhà. Cầu mong cái con đường nhấp nhô tử sinh ấy, không hù dọa nổi trái tim thi sĩ không tuổi tác của ông. Mà có lẽ, không dọa dẫm được thật, bằng chứng là thơ ông vẫn ngày ngày trên mặt báo. "Giường ơi giường có nhớ ta. Triều lên đã mấy tuần qua ta nằm". Có nghĩa là, cùng với mọi dược liệu, nhưng chính thơ là "dược liệu" trước hết. Rồi ra, thơ sẽ nâng ông bay lên. Nhà thơ Võ Văn Trực xác quyết rằng: "Ông là một người suốt một cuộc đời sống chết với thơ". Câu nói ấy chẳng có cái gì là quá, khi chính lúc này đây, thơ Trinh Đường – như một thứ lửa đang ánh lên giữa hoàng hôn tuổi tác. "Tôi sinh trong bờ bụi. Uống gió và ăn sương... Ai bảo hoa quỳ dại. Khi đêm ngày hướng dương". Một thứ ánh sáng ngời ngời như thế mà một đời kiêu bạc cỏ dại hoa hoang. Lửa ấy lẫn vào đâu cho được. Đà Nẵng, 15 tháng 8 năm 2001
NGUYỄN NHÃ TIÊN (nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)
------------------------------------------------- (1) Lời bạt Huy Cận viết cho tập thơ "Hành trình" - thơ Trinh Đường, Nxb Thanh niên 1996. |