Tác giả-tác phẩm
Tài và tình Lưu Trọng Lư
14:16 | 05/08/2022

PHONG LÊ

Là một trong số ít các kiện tướng của phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư còn là người viết văn xuôi - như Xuân Diệu với Phấn thông vàng; từ thơ và văn xuôi lại chuyển sang hoạt động sân khấu, trong tư cách người viết kịch bản và lãnh đạo ngành sân khấu Việt Nam sau 1945 - như Thế Lữ.

Tài và tình Lưu Trọng Lư
Ảnh: internet

Hoạt động trên cả ba lĩnh vực: thơ, văn xuôi, sân khấu, Lưu Trọng Lư quả là người đa tài, và có đóng góp nhiều mặt cho đời sống văn học - nghệ thuật Việt Nam trước và sau 1945.

Một khối lượng tác phẩm văn xuôi không nhỏ của Lưu Trọng Lư, gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn được ấn hành từ 1933, với tập truyện đầu tay Người Sơn nhân (Ngân Sơn tùng thư, Huế, 1933) - cùng lúc với Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng -, cho đến 1941, chủ yếu được Nhà xuất bản Tân Dân của ông chủ Vũ Đình Long ấn hành, trong Tủ sách Phổ thông báo nguyệt san, gồm Huyền Không động (1935), Cô Nguyệt (1937), Con đười ươi (1938), Từ thiên đường đến địa ngục (1938), Nàng công chúa Huế (1938), Huế - một buổi chiều (1938), Một người đau khổ (1939), Cô gái tân thời (1939), Chạy loạn (1939), Một tháng với ma (1940), Chiếc cáng xanh (1941), Cô Nhung (1941), Khói lam chiều (1941)...

Tất cả tạm tính là 14 cuốn, nhiều hơn hẳn Xuân Diệu, Thế Lữ; và có thể sánh ngang hoặc vượt hơn nhiều cây bút văn xuôi tiêu biểu cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Bùi Hiển...

Điều đáng lưu ý thêm: xuất hiện trong vai trò người mở đầu, có vị trí tiên phong trong phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư cũng ít nhiều gây chấn động qua tập truyện Người Sơn nhân - 1933, với lời giới thiệu của Hoài Thanh. Người Sơn nhân là câu chuyện về số phận và hành vi của một tên cướp - dư đảng của phong trào Cần Vương, sống cô độc trong rừng sâu; quyết không trở về đời, theo lời khuyên của một vị linh mục, bởi: “Tôi đã quen với những cái cảnh tượng lớn lao của trời đất, ở đây tôi đã làm chủ được muôn loài. Sống ở đây thì tôi cũng muốn chết ở đây”. Tập truyện sau khi ra mắt nhận được ngay bài khen của Phan Khôi, trên Phụ nữ thời đàm (số 5; 15-10-1933): “Đọc cuốn sách này rồi thấy cái dấu tiến bộ trong cõi văn nghệ ta vài mươi năm nay rõ ràng lắm. Muốn đo cái trình độ tâm linh, tình cảm, cả đến thiên tài nữa từ của bọn tác giả Nguyễn Khắc Hiếu, Hoàng Ngọc Phách cho đến Lưu Trọng Lư xa cách bao nhiêu, thì hãy đọc từ Giấc mộng con, Tố Tâm cho đến Người Sơn nhân mà đo xem cái văn phẩm và cái văn tánh xa cách bao nhiêu. Hay là tôi cũng có thể nói rằng: hết thảy từ Giấc mộng con cho đến Nửa chừng xuân đều là những tác phẩm để kết thúc cho cõi tư tưởng của văn nghệ cũ, còn Người Sơn nhân là tác phẩm để mở đầu cho cõi tư tưởng của văn nghệ mới”(1).

Đây là một đánh giá quá cao, một lời khen vượt ngưỡng. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã không đồng tình với Phan Khôi, dẫu nhà phê bình vẫn cho Người Sơn nhân là một tập truyện khá hơn cả trong sự nghiệp văn xuôi của Lưu Trọng Lư. Không phải vì nghe theo Vũ Ngọc Phan - người từng nhận xét “Lưu Trọng Lư là một thi sĩ có biệt tài”, nhưng về tiểu thuyết thì “rất tầm thường”, mà chính bằng sự đọc của bản thân, giới phê bình và nghiên cứu đương thời và sau này đã không đưa Lưu Trọng Lư vào lịch sử văn học trong tư cách một tác gia văn xuôi, hoặc một dòng viết nào của văn xuôi thời 1930 - 1945.

Sau này, trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh (1989), Lưu Trọng Lư cũng đã có những nhận xét khách quan và tỉnh táo về mình: “Tôi viết tập truyện ngắn Người Sơn nhân, cụ Phan Khôi cho tôi là người viết truyện giỏi nhất từ Hoàng Ngọc Phách đến Tự lực văn đoàn không ai hơn tôi. Tôi đâu phải như thế! Tôi biết rõ sự kém cỏi của tôi. Người Sơn nhân của tôi là một sự bế tắc dầy đặc của tâm hồn tôi, nhưng tôi không bao giờ rẫy ơn cụ Phan Khôi, người thật lòng đề cao tôi” (tr.113).

Trong những lý do để Lưu Trọng Lư gần như bị “quên” trong khu vực văn xuôi có lẽ có lý do ở vị thế và đóng góp của Lưu Trọng Lư cho phong trào Thơ mới. Cùng với Thế Lữ, ông là người khai mở, cả bằng thơ và bằng lý luận. Trong tranh luận cho thơ mới thắng thơ cũ, ở vị trí một lý thuyết gia rất hăng hái, đã có lần nhà thơ bị một ông Nghè dọa… chém. Còn trong sáng tác, theo Hoài Thanh, bên cạnh bài Tình già của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ tân văn (10-3-1932) còn phải kể đến hai bài của Lưu Trọng Lư, dưới bút danh Liên Hương và Thanh Tâm, trong đó bài Vắng khách thơ, sau đổi là Xuân về của Thanh Tâm cũng có giá trị mở đầu: “Năm vừa rồi/ Chàng cùng tôi/ Nơi vùng giáp Mộ/ Trong căn nhà cỏ/ Tôi quay tơ/ Chàng ngâm thơ/ Vườn sau oanh dục dã/ Nhìn ra hoa đua nở/ Dừng tay tôi kêu chàng/...”. Trong Thi nhân Việt Nam, ngoài Xuân Diệu được chọn 15 bài, thì Huy Cận và Lưu Trọng Lư là 11 bài, còn tất cả đều ở phía dưới, hoặc cách rất xa con số ấy.

Một tài thơ chói sáng như thế rất dễ làm lu mờ những khu vực khác.

Thế nhưng, không chỉ vì số lượng, mà ngay cả chất lượng, văn xuôi của Lưu Trọng Lư cũng có để lại những giá trị đáng lưu ý.

Đề tài viết của Lưu Trọng Lư, cũng như trong thơ đó là tình và mộng, tình và những tưởng tượng. Những cuộc tình, những mối tình đơn phương hoặc đa chiều, đem lại hạnh phúc, hoặc tạo nên rắc rối, khổ đau cho con người. Và những chuyện kỳ ảo, hoang đường như người hóa đười ươi, ma quỷ đội lốt thiếu nữ... được viết với một bút pháp tự nhiên, dễ dàng, không quá bận tâm về bố cục, về cấu trúc, tựa như là nghĩ sao viết vậy mà trở nên lủng củng, rời rạc. Đó là cách viết khác với Thế Lữ, rất nghiêm cẩn, chặt chẽ trong bố cục, rất chọn lựa trong chi tiết để đạt hiệu quả gây hồi hộp, bất ngờ trong những truyện trinh thám hoặc kỳ ảo; cũng rất khác với Xuân Diệu trong chăm sóc kỹ lưỡng cho ý tưởng và lời văn, để cho văn gần với thơ...

Nếu những truyện tình và truyện hoang đường của Lưu Trọng Lưu không gây được nhiều sự chú ý, và thật sự là không mới trong so sánh với các tác giả khác cùng thời như Khái Hưng, Nhất Linh; như Thế Lữ, Thanh Tịnh thì những truyện viết về một thời quá vãng, dựa trên hồi ức của bản thân, về tuổi thơ với người thân, và nhất là về người mẹ qua đời quá sớm lại có nhiều trang hay và cảm động như trong Chiếc cáng xanh (1941). Có thể xem Chiếc cáng xanh như là sự trải rộng của hồi ức và liên tưởng về tuổi thơ và người mẹ của chính nhà thơ - đã một lần được gợi đến trong bài thơ Nắng mới rất hay của tác giả. Người mẹ với chiếc áo “màu đỏ”, “trước dậu phơi”, “mỗi lần nắng mới reo ngoài nội”, và “nét cười đen nhánh sau tay áo” đã đi vào cảm xúc của bao thế hệ người đọc... Tình mẹ, rõ ràng là một nguồn cảm xúc trữ tình rất lớn cho thơ, đúng như tác giả viết trong Chiếc cáng xanh: “Cái chết của mẹ là cái chết của tất cả những điều êm ái, ngọt ngào nhất ở trong đời chúng ta”; nhưng thơ hay về mẹ kể từ thời Thơ mới cho đến nay theo tôi vẫn là chưa đủ.

*

Từ sau 1945, tuy vẫn tiếp tục làm thơ, nhưng dần dần chuyển sang hoạt động sân khấu, Lưu Trọng Lư thỉnh thoảng có xen viết văn xuôi. Đó là truyện vừa Chuyện cô Nhụy, ấn hành năm 1962, thuộc loại truyện ôn nghèo kể khổ như là sự nối dài mảng viết về Cải cách ruộng đất vào giữa những năm 50. Chuyện về cuộc đời và số phận một cô gái có một nốt ruồi “thương phu trích lệ” trên mặt, với những oan khiên mà cô phải trải, do những mưu mô quỷ quyệt của bọn giàu.

Ngót 30 năm sau, vào tuổi 77, trước khi mất 2 năm, Lưu Trọng Lư viết Nửa đêm sực tỉnh(2). Đây là một hồi ký thuộc loại hay trong số ít ỏi các hồi ký của thế hệ các nhà văn tiền chiến như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tố Hữu, Huy Cận... tính cho đến nay. Cuốn hồi ký gồm 19 chương, mang một tên phụ: Nhớ lại những cuộc tình, bắt đầu từ mối tình đầu của nhà thơ, ở tuổi hoa niên, và kết thúc vào những năm mở đầu kháng chiến chống Pháp, trong bền vững và chung thủy của mối tình thứ hai. Tư chất và bản lĩnh của một nhà thơ, một kiện tướng của Thơ mới cũng ghi được dấu ấn trong thiên hồi ký này. Một tên tuổi thơ với những giao cảm lớn với đời, được bộc lộ chủ yếu qua hai cuộc tình lớn; một với người vợ trước sớm qua đời, là Thanh Thúy (tên thật là Tài) quê ở Hội An, cùng hai con; và một với người vợ sau - được xem là nhân vật chính của cuốn hồi ký, có tên Mừng, người Huế, với rất nhiều gắn bó khăng khít giữa tình yêu và sự nghiệp, qua rất nhiều gian truân và chướng ngại mà họ phải trải, và giữ vững trong một cuộc sống có quá nhiều biến động. Một hồi ký rất nặng về đời tư, về những chuyện riêng tư - đó là điểm mới, rất mới, so với các hồi ký trước đó, chủ yếu thuộc dòng hồi ký cách mạng của các chiến sĩ cộng sản; hoặc chỉ tập trung vào kinh nghiệm nghề nghiệp như của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng...

Cuốn hồi ký gần như dành hết số trang cho hai cuộc tình, nhất là cuộc tình sau với người con gái trong dòng hoàng thất là Mừng. Đến được với Mừng, sau mất mát của cuộc tình cũ, đối với tác giả quả là một hạnh phúc lớn. Bởi tính cách quyết liệt của Mừng, đã yêu là yêu đến cùng, bất chấp mọi khó khăn, cản trở. Bởi, có lẽ không ai là người hiểu, và yêu chồng bằng Mừng, khi nàng nói: “Thơ anh không phải bài nào em cũng thích. Nhưng anh làm thơ để cho đời. Lần đầu tiên em gặp anh, em nhìn vào đôi mắt anh, em nghĩ: đời anh, tuy có đôi khi phá phách, nhưng bàn chân anh không đạp lên ngọn cỏ, anh không giết nổi một con kiến dưới tay” (tr.125). Có người vợ nào hiểu và đánh giá cao chồng là thi sĩ như thế không? Còn, trong cái nhìn của người đàn ông được Mừng yêu, thì: “Mừng trẻ lạ lùng, và tôi là một nhà thơ, có bao giờ tôi lại chẳng trẻ? Cả những khi đau khổ lút người tôi vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ con. Hình như những bài thơ buồn của tôi, Mừng không thích lắm. Những bài thơ Mừng thích là những bài nào vậy? Tôi nhớ có lần Mừng đã nói thẳng với tôi: “Thơ anh, không phải lúc nào cũng là anh”. Tôi hiểu: Mừng thích tôi hơn thơ tôi nhiều” (tr.128). Thật sung sướng cho những ai là thi sĩ, có một người vợ như thế! Trong gian truân theo đuổi mối tình này, tác giả ghi một kỷ niệm in sâu suốt đời: “Đêm đó là đêm 19-1-1944, cái đêm mà tôi gọi là đêm động phòng của chúng tôi. Của hai con người yêu nhau mà chẳng bao giờ biết những cái gọi là “lễ hỏi” “lễ cưới” ở trên đời” (tr.126). Nhưng là một nhà thơ nhiều gắn quyến với đời, cuốn hồi ký vẫn có thể đem đến nhiều cảm nhận mới và lạ nơi cái làng văn, có lúc như là cái chợ văn, ở Hà Nội. Và trong hành trình vào - ra qua nhiều địa chỉ, do những nguy hiểm và lận đận trong mưu sinh, lập nghiệp, như Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình (quê của tác giả), Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hội An... cuốn hồi ký đôi lúc có giá trị một du ký cho ta hiểu cảnh quan và không khí đất nước một thời. Là người sống không thể thiếu tình bạn, ta được đọc những nét chấm phá mà gợi rất đúng tính cách của những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Nguyễn Đỗ Cung... Với Nguyễn Tuân, là người thường trách tác giả “ăn mặc quá tùy tiện”, Lưu nhận được một lời “dạy”: “Thôi thì tùy tiện mấy cũng được, cái áo cái quần của mày có thể nhàu nếp, tóc có thể rối bồng... mày có thể ngồi xuống cỏ, xuống đất mà chén cũng không sao. Nhưng phải giữ cái cổ áo sơ mi cho trắng, cái cơravát phải hợp mốt, đôi bít tất đừng để rách, và giày đừng để vẹt gót, dây giày phải thắt hết nút, và nhất là mũi giày da thật bóng loáng người ta có thể soi mặt vào đó được...” (tr.35).

Nguyễn Đỗ Cung “không chỉ là một họa sĩ mà còn là một nhà bác học nhiều mặt (...) Anh ngắm từng mảnh đá đến hàng giờ. Anh thông thái như một nhà địa chất. Nhưng không tư duy địa chất mà tư duy nghệ thuật” (tr.58).

“Hoài Thanh không bao giờ biết đến “xóm chị em”, nhưng chuyện văn chương, chuyện chính trị, chuyện đời tôi không thể nào không khăng khít với Hoài Thanh” (tr.115).

“Hoài Thanh không bao giờ bước ra khỏi nơi anh đọc sách, nơi anh dạy học, xa cái giường nghèo nàn đơn sơ của mình. Anh chưa bao giờ tới “xóm chị em” và cũng không biết chúng tôi làm gì ở những nơi ấy... Anh Cung đôi khi cũng có mặt ở những nơi trác táng nhưng cũng chỉ nằm nhìn. Sáng dậy chúng tôi về, anh cũng về với chúng tôi; với đêm trác táng của chúng tôi, anh giữ một niềm kính mến thủy chung, không hề đả kích, phỉ báng” (tr.59).

Bên các bạn văn một thời, là những người hoạt động chính trị như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh... - những người rồi sẽ dẫn dắt nhà thơ vào một cuộc sống mới - cuộc sống cần lao của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, để “lên xanh”, để đi bộ từ chiến khu Hòa Mỹ ra Việt Bắc, rồi trở về...

Một hồi ký nhiều tình người, viết với trí nhớ mẫn tiệp và cảm xúc nồng hậu. Chân dung một thế hệ với tuổi trẻ lắm đam mê và cũng nhiều vất vưởng, trôi dạt trong đời. Và những gì níu giữ để họ không làm hỏng đời mình - đó vẫn là tình yêu và tình bạn; là những sáng suốt trong lựa chọn; cùng với những may mắn đến đúng lúc với họ trong những chuyển động dữ dội của thời cuộc.

P.L
(TCSH401/07-2022)

-----------------------------------------------------------
(1) Dẫn theo Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Q.3 (tái bản); Nxb. Văn học; 2008; tr. 666.
(2) Nxb. Thuận Hóa; 1989.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng