BÙI VIỆT PHƯƠNG
Cụm từ “giá trị văn học” luôn chiếm một tần suất rất lớn trong các bài viết mang tính tổng kết, khái quát hay các bài viết phản ánh, phê bình.
Trên thực tế, vấn đề “giá trị văn học” lại có nhiều cách đánh giá: Không ít tác phẩm văn học đoạt giải trong một số cuộc thi (đặc biệt do các hội địa phương tổ chức) được thẩm định nghiêm túc, kĩ càng, được khẳng định là mang tính dự báo, phát hiện… nhưng lại sớm bị quên lãng. Trong khi, không ít tác phẩm chưa từng đoạt giải thưởng như: Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu; kì tích về lượng phát hành thơ của Phong Việt, thậm chí đến cả những bài thơ lẻ của Nồng Nàn Phố - Phạm Thiên Ý… lại được nhiều người tung hô, ngợi ca trên các trang cá nhân và nhắc đến trong cuộc sống. Vậy đâu là giá trị đích thực của một tác phẩm? Nội hàm “giá trị văn học” mang tính hàn lâm mà các ban giám khảo, các nhà lý luận phê bình (LLPB) nhắc đến có trùng khít quan niệm về giá trị văn học của công chúng ngày nay không? Nếu có sự khác biệt, sự chuyển dịch thì yếu tố nào đã tác động, đã tạo ra sự thay đổi? Giải pháp nào để tìm được tiếng nói chung hay tác động, tuyên truyền?
Theo quan điểm của người viết bài này trước hết cần làm rõ những điểm sau: Khái niệm giá trị văn học? Giá trị văn học đương đại (chỉ tính riêng trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI) gồm những bộ phận nào? Được khẳng định ở những khía cạnh nào? Từ đó cơ hồ mới có thể tìm ra các yếu tố chi phối và tác động đến giá trị văn học ngày nay.
Khái niệm giá trị văn học đã tiếp tục được định nghĩa với các giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, dự báo… Giá trị của văn học đầu thế kỷ XXI trong nhận thức của nhiều nhà nghiên cứu và độc giả còn được phân loại bởi lực lượng sáng tác: văn học truyền thống và văn trẻ. Mỗi lực lượng sáng tác có một giá trị riêng, chịu sự tác động riêng.
1. Văn học trẻ với áp lực cạnh tranh
Văn học trẻ hay văn trẻ là khái niệm khá mới mẻ nhưng đã được thừa nhận trong những năm gần đây. Tác giả Hoàng Dung trên trang Văn học quê nhà nêu quan điểm: “Nhà văn trẻ là một khái niệm có tính cách loại trừ, nó đã và đang thực hiện chức năng gạt ra một bên nhóm người nào đó, ai đó và đồng thời với việc gạt ra này là sự định vị họ trong nghề nghiệp. Ví dụ “những người ở độ tuổi 35 trở lại, đã có thành tựu và có những tác phẩm văn học gây được sự chú ý” được định nghĩa - quy định là nhà văn trẻ. Chỉ bằng tiêu chí tuổi đời, người ta đã làm được việc khu biệt một nhóm người viết, và nếu tính thêm tiêu chí “đã có thành tựu” và “có tác phẩm gây chú ý” thì sự phân hóa, phân loại càng rõ. Nhưng chúng ta cũng thấy không chỉ tiêu chí tuổi đời (chỗ này người ta quy định dưới 35, nơi khác có thể thâu nhận cả những người trên 35 dưới 50 vào nhóm nhà văn trẻ) có thể bị thay đổi mà ngay cả cái gọi là “đã có thành tựu” và “có tác phẩm gây chú ý” cũng dễ thay đổi, thường xuyên thay đổi”.
Về giá trị sáng tác của văn trẻ, chúng ta có thể nhận ra những đặc điểm cơ bản. Nhận xét về văn học trẻ, nhà phê bình Trần Hoài Anh cho rằng: “Người trẻ bị cuốn hút vào sứ mệnh của thời đại. Họ thể hiện những vấn đề của cha ông và quá khứ bằng cách nhìn của họ chứ không vay mượn từ những cảm xúc sử thi hoành tráng trong quá khứ. Đừng lo người trẻ không chạm tới những vấn đề chở đạo trong quá khứ. Và cũng không thể lấy tiêu chí của những người thuộc thế hệ đi trước để đo văn học trẻ. Còn sứ mệnh của văn học trẻ là gì thì các bạn viết trẻ phải tự trả lời”. Vậy “sứ mệnh của thời đại” mà Trần Hoài Anh nhắc đến là gì? Chúng ta có câu trả lời từ chính những người trẻ. Cây bút trẻ Anh Khang cho rằng: “Đối với thế hệ trẻ chúng tôi, khoan hãy nói về hay dở, chỉ nói về số lượng thôi, thời gian gần đây, những cuốn sách bán chạy đã mang lại tín hiệu lạc quan cho các công ty sách, nhà phát hành và thị trường văn hóa đọc”. Tuy thuộc vào độ tuổi lớn hơn nhưng nhà văn Trần Nhã Thụy cũng có một quan điểm tương tự: “Sứ mệnh của một nhà văn, hay nói khác đi là đạo đức của một nhà văn, là viết ra những tác phẩm hay. Còn hay như thế nào thì thời gian chính là thước đo tốt nhất”.
Qua những đánh giá này, ta có thể thấy người viết trẻ đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn giữa văn học và các hình thức giải trí khác. Bởi thế, người viết trẻ phải có những xu thế rõ ràng. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, có thể nhận diện sáng tác trẻ ở 3 vấn đề: Thứ nhất, thể hiện những ẩn ức, dồn nén cá nhân; thứ hai, vấn đề tình dục; thứ ba, suy ngẫm về các giá trị truyền thống từ cái nhìn hiện đại. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa lại có một cách nhìn nhận khác: “Một cách tương đối, có thể thấy văn xuôi trẻ đang chuyển dịch theo ba hướng. Hướng thứ nhất, thiên về tìm tòi, thể nghiệm kỹ thuật tự sự, thiên về “vị nghệ thuật”, hướng đến đối tượng người đọc phi truyền thống, có tầm đón nhận cao […]. Hướng thứ hai, phát huy chức năng giải trí, hướng đến phục vụ đối tượng bạn đọc bình dân, phổ thông. Nhóm tác phẩm này thường từ đời sống mạng bước ra đời sống giấy, được định danh là “văn học đại chúng”, “ngôn tình” […]. Hướng này có phần ồn ào, bởi mỗi tác giả sở hữu một lượng fan “khủng”, có chiến lược tiếp thị, quảng cáo chuyên nghiệp. Người thì cho tác phẩm của các tác giả này là “văn học thời trang” thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời, chỉ là sản phẩm “cận văn học”; người thì bảo hẳn phải “có cái gì” thì mới được giới trẻ đón nhận như thế... Hướng thứ ba, cân bằng, dung hòa giữa nội dung và hình thức, giữa cái được kể và cách kể, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bác học và bình dân..., làm phong phú tác phẩm của những tác giả còn lại, làm nên chủ lưu của văn xuôi trẻ.” (“Nhận diện một số xu hướng văn trẻ” - Báo Nhân dân). Từ đó, có thể rút ra những nhận định hai yếu tố chính tác động đến giá trị văn học trẻ:
1.1. Áp lực của đời sống công nghệ khiến văn học phải hướng đến số đông với tư cách là những người đọc đặc biệt. Cư dân mạng là những độc giả có quyền uy quyết định đến sự sống còn của sáng tác này. Sáng tác cũng là một cuộc chiến sinh tồn để giành giật mảnh đất sống của văn học so với các thể loại cận văn học, các hình thức thực tế ảo. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng lo lắng: “Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là “lối sống gấp” đang nghiền thời gian sống của chúng ta thành mảnh vụn?”
Văn học trẻ cũng là sự hiện thực hóa đời sống ảo: những ẩn ức tình dục, những suy ngẫm về truyền thống là một sự giải tỏa những tưởng tượng của người trẻ, là cách họ kiến giải về những vùng mờ, khuất của lịch sử như sáng tác của Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Kim Hòa, Phạm Giai Quỳnh…
1.2. Sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại đưa đến những chiêm nghiệm sâu sắc. Lâu nay, đã xuất hiện một xu thế tìm đến sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại trên nhiều phương diện như: sự lựa chọn đề tài, thể tài, giọng điệu, đến các hình ảnh, biểu tượng… Không quyết liệt đoạn tuyệt truyền thống như thơ tân hình thức, như phim ngắn, kịch phi lý… sáng tác của người trẻ nhiều khi rơi vào sự hòa hoãn với quá khứ với cách nhìn khá câu nệ vào cảm hứng giải thiêng, giải ảo, Chủ nghĩa hậu hiện đại… Những bất lợi về vốn sống, về bản lĩnh trước áp lực phán xét khiến các cây bút trẻ khó có thể phát huy được thế mạnh. Nhận xét về điều này, nhà văn Phong Điệp từng nhận định: “Ở ta, tiểu thuyết lịch sử chưa phải là cuộc chơi của những cây bút trẻ người, trẻ nghề. Một là, việc xử lý tư liệu đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, công sức. Trên thế giới, trường phái tân lịch sử cho rằng các bộ cổ sử chẳng qua cũng chỉ là những câu chuyện do một cá nhân/tập thể nào đó kể lại, đầy chủ quan và thiên kiến, cái gọi là chân thật lịch sử hết sức mờ ám, không đáng tin cậy, xét một cách rốt ráo thì cũng chỉ là một loại tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại đặt ra vấn đề siêu hư cấu lịch sử, coi sự kiện lịch sử chỉ là chất liệu của việc hư cấu sáng tạo và các nhà văn có toàn quyền xử lý chất liệu này, bao gồm cả nhại giễu, cóp nhặt (parody, pastiche), thậm chí có thể sử dụng bút pháp “trọng ngôn” mà từ cổ xưa Trang Tử đã dùng để hiện tại hóa và đương thời hóa những phát ngôn của các nhân vật lịch sử. Những quan điểm trên rõ ràng giải phóng tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ và hứa hẹn sẽ có những tác phẩm lớn. Tuy nhiên, ở ta, lịch sử là thứ ngôn ngữ thánh hiền thiêng liêng, người biên chép lịch sử chẳng khác người biên chép Kinh Thánh, áp lực cộng đồng không cho phép những vĩ nhân đã được đặt trên bệ thờ cùng khói hương và sự sì sụp khấn vái của cộng đồng lại trở thành đối tượng của sự “nhại giễu”, “xuyên tạc”, “báng bổ”, “tầm thường hóa” của lớp hậu sinh. Viết tiểu thuyết lịch sử tức là chấp nhận sự phán xét của các nhà sử học “khách quan” và “công tâm” cùng đa số công chúng độc giả vốn quen với những “huyền thoại lịch sử”. Đó là một thách thức mà nếu không phải những cây bút già dặn, từng trải, đầy kinh nghiệm như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo thì không thể làm nổi.” (“Tiểu thuyết lịch sử không phải là cuộc chơi của người trẻ” - Văn nghệ trẻ).
2. Sự thay đổi của các cây bút thế hệ trước
Trước hết, cần nhìn nhận diện mạo của dòng chủ lưu (Mainstream) văn học Việt Nam hiện nay. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là yêu nước, nhân văn và dân chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.” Từ đó, chúng ta nhận ra những chuyển động của thi ca đương đại và những xu thế khai phá, sáng tạo theo các khuynh hướng chính đó. Từ những cây bút đã thành danh từ các giai đoạn trước như: Y Phương, Thanh Thảo, Lê Minh Khuê… nhận diện về sự biến chuyển này, nhà nghiên cứu Đỗ Hải Ninh đã chỉ ra một số đặc điểm nhận diện: “Văn chương dấn sâu thêm vào chủ đề cái ác và bạo lực như là cách đặt câu hỏi phỏng vấn và nỗi lo âu, hoài nghi về tồn tại của con người. Sự tự do của ngòi bút thể hiện trong cái nhìn đa chiều về đời sống, trong cách họ gửi gắm vào thế giới hư cấu đến độ huyễn tưởng. Giai đoạn này cũng chứng kiến thế hệ trở lại sau khoảng thời gian dài im lặng: Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên. Với những trải nghiệm đặc biệt, riêng khác của bản thân giúp họ có thể lật giở lịch sử từ những góc khuất.”.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn có thể nhận ra những sự chuyển động cụ thể hơn như không gian văn học như một sự “ra đi” và “trở về” với việc mở rộng đối tượng như văn học miền Nam trước 1975 hay dòng văn học hải ngoại.
3. Hệ quả của sự tác động và chi phối
Tất cả những yếu tố nêu trên đã tác động trực tiếp đến giá trị văn học trong đương đại ở những phương diện cơ bản sau:
Thứ nhất, ý thức về sự hội nhập sâu rộng về văn hóa, dẫn đến sự tiếp thu những hình thức thể loại, phương pháp sáng tác, quan niệm nghệ thuật. Điều này không chỉ thể hiện trong sáng tác mà thể hiện trên bình diện tổng thể của lý luận, phê bình, nghiên cứu, dịch thuật và trao đổi… từ đó dẫn đến những sáng tác văn học mang giá trị nhân văn. Đây cũng là động lực để nhiều cây bút mạnh dạn động chạm đến “vùng cấm”, những vấn đề “nhạy cảm” trong truyền thống tư tưởng, văn hóa. Từ đây cũng xuất hiện những thể nghiệm nghệ thuật mới tạo ra những tác phẩm với đặc trưng thể loại rất ít hoặc chưa từng xuất hiện.
Thứ hai, ý thức sáng tạo mạnh mẽ đã hình thành một “ý thức hệ nhà văn” dám nhìn nhận lại, lật lại vấn đề, dám đề cập đến mặt trái tạo ra những “làn sóng ngược”, đả phá dữ dội, quyết liệt nhiều giá trị đã lạc hậu, lỗi thời, đặc biệt là thông qua các đề tài lịch sử.
Thứ ba, xuất hiện xu hướng cực đoan, thể hiện sự phiến diện, lệch lạc, mơ hồ của người viết về lịch sử, về các giá trị tư tưởng qua các biểu hiện như: lý giải ý nghĩa các cuộc chiến tranh (giữa chiến tranh vệ quốc chính nghĩa với nội chiến), phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng, của cách mạng, nghi ngờ sự hy sinh của ông cha là sự hy sinh vô nghĩa, mù quáng… kêu gọi người đọc một ý thức phản kháng, sám hối.
Tựu chung lại, giá trị của văn học đương đại dù ở đội ngũ sáng tác nào, với quan niệm về chính trị, tư tưởng, lịch sử, văn hóa nào cũng chịu sự tác động ít nhiều từ khách quan. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ áp lực của đối tượng tiếp nhận trong xu thế cạnh tranh gay gắt. Nhà văn trước hết phải giành được sự đọc rồi mới dám nghĩ đến việc tác phẩm của mình được thẩm định ra sao.
Nhà văn dù có ý thức sâu sắc hơn về đặc trưng thể loại; bản lĩnh của người cầm bút có được từ sự tích lũy tri thức văn học, văn hóa nhưng đôi khi lại câu nệ, phụ thuộc quá nhiều vào những trào lưu viết của nhóm, của lứa tuổi đặc biệt trong cách đánh giá lịch sử hay đạo đức xã hội.
Giải pháp hữu hiệu và tích cực nhất chỉ đến từ sự đầu tư nghiên cứu hệ thống lý luận bám sát thực tiễn, bám sát đời sống sáng tác để định hướng điều chỉnh những lệch lạc, đem lại cái thống nhất và sâu sắc hơn cho người viết thông qua các sáng tác tạo nên giá trị của văn học đương đại.
B.V.P
(TCSH402/08-2022)