Tác giả-tác phẩm
Hồ Xuân Hương - Nhà thơ nữ tiên phong, xuất sắc trong dòng thơ văn về biển đảo
10:22 | 09/11/2022


TRỊNH BÍCH THÙY

Hồ Xuân Hương - Nhà thơ nữ tiên phong, xuất sắc trong dòng thơ văn về biển đảo
Ảnh: internet

Những đóng góp to lớn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương đối với văn học dân tộc là điều không cần bàn cãi. Ở mảng thơ chữ Hán, Hồ Xuân Hương cũng để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Trong đó, thơ viết về biển là đóng góp hết sức quan trọng của nhà thơ. Với những vần thơ khẳng định vẻ đẹp của biển nước ta cùng chủ quyền trên biển của dân tộc, danh nhân Hồ Xuân Hương xứng đáng là nữ sĩ tiên phong, xuất sắc trong dòng thơ văn viết về biển đảo trong văn học Việt Nam.

1. Vẻ đẹp của biển Việt Nam trong thơ Hồ Xuân Hương

Trong các sáng tác, Hồ Xuân Hương thường nhắc đến biển. Trước hết, đó là biển chung, một kiểu không gian rộng lớn, biểu tượng của lời thề (thệ hải minh sơn), những biến thiên của thế cuộc (thương hải tang điền), những khổ đau trong cuộc đời (khổ hải/ biển khổ) hoặc gắn liền với cảm thức chia li, xa cách (hải giác thiên nhai) như thường gặp trong văn chương trung đại: Sơn hải tang bồng cổ dĩ lai (những chuyện non biển, tang bồng đã trải qua - bài Quá Khinh Dao từ hoài cổ)(1), Thệ hải ninh dung nhất lãng đào (lời thề biển thà để cho sóng cuốn trôi - Giang Nam phụ cấp kiêm lưu biệt hữu nhân), Phổ độ hàng từ siêu khổ ải (thuyền từ cứu độ qua biển khổ - Đăng Đông Sơn tự kiến ký, kỳ nhất), Sơn đỉnh bất tri tang hải biến (đỉnh núi nào hay biển dâu biến đổi - Đông Sơn thừa lương), Xướng tùy thanh động hải sơn thu (xướng tùy tiếng động thu non biển - Vịnh thạch phu phụ)…

Bên cạnh đó, Hồ Xuân Hương còn nhắc đến những vùng biển có tên gọi cụ thể. Không chỉ có biển - biểu tượng, trong thơ Hồ Xuân Hương còn có biển - thực thể. Là người chắc hẳn đã từng đi nhiều vùng miền, thăm thú nhiều cảnh đẹp, với lòng yêu mến, tự hào trước vẻ đẹp gấm hoa của giang sơn đất nước, Hồ Xuân Hương bên cạnh viết về các danh lam thắng cảnh trên đất liền còn có nhiều sáng tác về biển của nước ta. Đây là điều ít gặp trong văn học trung đại Việt Nam. Trong bối cảnh văn hóa, xã hội thời trung đại, điều này càng hiếm khi xảy ra đối với các nhà thơ nữ.

Trong thơ Nôm, Hồ Xuân Hương đề cập đến Biển Đông: Thương cái bèo non giạt bể Đông (Thương). Trong thơ chữ Hán, nữ sĩ có chùm 5 bài thơ về Vịnh Hạ Long (Chu thứ Hoa Phong tức cảnh bát thủ)(2), 8 bài về Đồ Sơn (Đồ Sơn bát vịnh) với nhiều câu thơ, tứ thơ mới lạ, độc đáo biển.

Nổi bật trong thơ Hồ Xuân Hương là vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của biển trời Hạ Long nói riêng, biển đảo nước ta nói chung. Vẫn cái nhìn đầy cá tính theo chiều kích vũ trụ: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”, trong bài Nhãn phóng thanh, nữ sĩ miêu tả khung cảnh sóng nước biển Hạ Long một cách thật ấn tượng:

Bạch thủy ma thành thiên nhẫn kiếm
(Nước bạc mài nên ngàn lưỡi kiếm nhọn)

Tương tự, ở bài Trạo thanh ca, nhà thơ tiếp tục sử dụng hình ảnh so sánh măng ngọc mọc dày độc đáo để thể hiện vẻ đẹp hùng tráng của trời biển Hạ Long:

Linh lung tứ bích liệt vân bình
Ngọc duẩn sâm si thủy diện bình

(Long lanh bốn phía màn mây rủ
Mặt nước phẳng lô nhô măng ngọc mọc đầy).

Cũng với cách liên tưởng táo bạo, sử dụng từ ngữ gây ấn tượng mạnh, Hồ Xuân Hương trong bài Độ Hoa Phong miêu tả vẻ đẹp hiểm trở nhưng không kém phần diễm lệ của những vách đá trên vịnh biển Hoa Phong:

Tiễu bích đan nhai xuất thủy trung

(Vách đá dựng đứng, sườn núi đỏ mọc lên giữa mặt nước)

Bên cạnh vẻ hùng vĩ, biển trời Hạ Long còn hiện lên thật thơ mộng, hữu tình trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương. Đây là màu xanh ngát ngút ngàn của mặt biển mà nhà thơ liên tưởng đến màu mắt một cách đầy thi vị trong bài Nhãn phóng thanh:

Vi mang loa đại tháp thương minh
Đáo thử tu giao nhãn phóng thanh

(Bể xanh lấp loáng tận trời xa
Đây ngỡ màu xanh mắt tỏa ra)(3)

Còn đây là vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn của mây nước Hạ Long lúc chiều xuống, khi ngày lên:

Loa ngân tịch tễ lân tuần xuất
Vụ ảnh triêu mê thứ đệ tàng

Mạn thuyết ngư nhân chu nhất diệp
Sổ trùng môn hộ thủy vân hương

(Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi
Sáng tỏa mù trong lớp lớp trong
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng)(4)

Đứng trước vẻ đẹp diệu kỳ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho biển nước ta, hồn thơ đa tài đa cảm Hồ Xuân Hương tràn dâng niềm tự hào, yêu quý. Bởi đó, bà ví Hạ Long như cảnh tiên:

Ngọc động vân phòng tam bách lục
Bất tri thùy thị Thủy tinh cung (5) 
(Ba trăm sáu phòng mây động ngọc
Chẳng biết nơi nào cung Thủy tinh-Độ Hoa Phong)
Tiệm giác Đào nguyên (6) sơn tác hộ
(Thấy rõ lối vào Đào nguyên có núi làm cửa -Trạo thanh ca)

Trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ dẫn hai điển tích “khách Tạ”, “chàng Vân” để nhấn mạnh, khẳng định vẻ đẹp độc nhất vô nhị của Hạ Long:

Tận giao Tạ khách du nan biến
Già mạc Vân Lâm họa bất thành
(Mặc lòng chàng Tạ đến đây cũng khó đi chơi hết
Dẫu là Vân Lâm vẽ cũng không được [cảnh này] -Trạo thanh ca)

Tạ khách ở đây là Tạ Linh Liên, nổi tiếng là người đi du lãm nhiều nơi (Tạ Linh Liên hiếu du sơn thủy) dẫu có đến cũng không thể chơi hết cảnh đẹp Hạ Long. Vân Lâm, tức Ngọc Vân Lâm, họa sĩ nổi tiếng của trường phái tranh sơn thủy (Ngọc Vân Lâm hiếu họa sơn thủy), dù tài năng tột bực cũng không thể hiện được hết vẻ đẹp của Hạ Long. Mượn cách nói giả định, tác giả bày tỏ niềm tự hào về thắng cảnh Hạ Long, qua đó gửi vào đó tình yêu quê hương đất nước của mình. “Khi ngao du, rong chơi trên vịnh, bỗng thấy những cột đá cao sừng sững chọc thẳng lên trời, Hồ Xuân Hương đã cảm ngay được nét đẹp tráng lệ của thiên nhiên đất nước”(7). Lòng yêu đời, tình yêu quê hương, đất nước chính là một trong những mạch nguồn làm nên giá trị của thơ Hồ Xuân Hương, trong đó có các sáng tác bằng chữ Hán.

Có thể nói, biển nước Việt, tiêu biểu là vũng Hoa Phong (tức vịnh Hạ Long), hiện lên trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương thật hùng vĩ, tráng lệ mà cũng rất đỗi lãng mạn, nên thơ. Khác với nhiều bài thơ vịnh cảnh với bút pháp ước lệ, khuôn sáo thường gặp trong văn chương trung đại, thơ về biển của Hồ Xuân Hương không chỉ miêu tả cảnh đẹp biển đảo một cách hết sức chân thực, cụ thể, ấn tượng, bằng những lời thơ tuyệt đẹp mà còn gửi vào đó niềm yêu mến, tự hào mãnh liệt của nhà thơ. Đây là những đóng góp quý giá của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với văn học trung đại. Với điều này, nhà thơ đã xác lập được vị trí của nhà thơ nữ tiên phong, xuất sắc của dòng thơ viết về biển đảo trong văn học Việt Nam.

2. Ý thức chủ quyền trên biển trong thơ Hồ Xuân Hương

Trong số các bài thơ chữ Hán có số lượng khá khiêm tốn của Hồ Xuân Hương, Hải ốc trù là tác phẩm hết sức đặc biệt và có vị trí quan trọng. Đây là bài thơ thể hiện niềm tự hào sâu xa của tác giả về Tổ quốc, về chủ quyền trên biển của đất nước ta.

Nguyên văn bài thơ:

海屋籌  

蘭橈隨意漾中流
景比山陽更覺幽
生面獨開雲露骨
斷鼇爭崎客回頭
馮夷疊作擎天柱
龍女添為海屋籌
大抵始皇鞭未及
古留南甸鞏金甌

Hải ốc trù

Lan nhiêu tùy ý dạng trung lưu
Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u
Sinh diện độc khai vân lộ cốt
Đoạn ngao tranh kị khách hồi đầu
Bằng Di điệp tác kình thiên trụ
Long Nữ thiêm vi hải ốc trù
Đại để Thủy Hoàng tiên vị cập
Cổ lưu Nam điện củng kim âu

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch thơ:

Giữ duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,
Sát núi càng hay cảnh lặng nhàn.
Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,
Núi cao ngửng ngóng đỉnh Toan Ngoan.
Bằng Di chống cột e trời đổ,
Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn.
Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó,
Trời dành để giữ đất trời Nam.

Hải ốc trù là bài thứ 2 trong chùm 5 bài thơ đề vịnh cảnh Hạ Long. Về nhan đề bài thơ, Hoàng Xuân Hãn dịch thoát là “Ngóng đỉnh Toan Ngoan”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn để nguyên tác chữ Hán bởi đây không chỉ là một phần trong câu luận thứ hai của bài thơ mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng.

“Hải ốc trù” nghĩa là cái thẻ để vào nhà ven biển. Đây là sự vận dụng sáng tạo điển cố “hải ốc thiêm trù” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Điển này bắt nguồn từ sách Thái Bình ngự lãm,“có truyện chép ba ông già gặp nhau, hỏi tuổi nhau, một ông già nói: “hải thủy biến tang điền, ngô triếp hạ nhất trù, kim mãn thập trù hĩ […], nghĩa là nước bể biến ra ruộng dâu, tôi bỏ một cái thẻ, nay vừa đầy mười cái thẻ rồi, tức là đúng một trăm tuổi. Vì thế người chúc thọ gọi là hải ốc thiêm trù”(8).

Tuy nhiên, Hồ Xuân Hương dùng điển này với hàm nghĩa bằng chứng sở hữu, minh chứng xác lập chủ quyền. Ngữ cảnh hai câu luận cho thấy điều này: Bằng Di làm lại trụ chống trời/ Long Nữ làm thêm thẻ nhà biển. Hai câu đối với nhau rất chỉnh. Miêu tả biển núi hùng vĩ, nữ sĩ dẫn hai điển Bằng Di và Long Nữ. Trong ngữ cảnh này tất nhiên không có chuyện chúc thọ. Mấu chốt nằm ở điển Long Nữ. Nếu Bằng Di là một thủy thần, thì Long Nữ cũng là vị nữ thần cai quản thủy tộc ở biển. Biển chính là nhà của Long Nữ. “Hải ốc trù” là thẻ vào nhà, tức là thẻ xác lập chủ quyền của Long Nữ đối với vùng biển mình cai quản. Việc dẫn điển trên là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. “Trong tư duy nghệ thuật cũng như tư duy chính trị của Hồ Xuân Hương, Hải ốc trù là bằng chứng khẳng định Biển Đông thuộc chủ quyền của đất nước ta”(9).

Ý đồ nghệ thuật này tiếp tục được phát triển theo mạch thơ của hai câu kết: Ý chừng dấu ngựa của Tần Thủy Hoàng chưa đến được chỗ này/ Vì trời vốn dành nơi này lại cho nước Nam làm vững chắc cơ đồ. Chúng ta lưu ý điều này: Dấu ngựa của Tần Thủy Hoàng trong chuyến tuần du xuống phía Nam chỉ đến Cối Kê nhìn ra biển Đông (chứ không phải là biển Đông) thì buộc phải dừng lại vì ông đột ngột qua đời (năm 210 TCN), chấm dứt mộng bành trướng lãnh thổ về phương Nam. Nhắc lại điều này, Hồ Xuân Hương một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của dân tộc ta, đặc biệt là chủ quyền trên Biển Đông. “Ý thơ Hồ Xuân Hương bộc lộ niềm yêu mến sâu xa và tự hào về Tổ quốc mình. Lời kết của bài thơ bộc lộ tầm nhìn xuyên suốt cả lịch sử Trung Hoa. Hồ Xuân Hương khẳng định: Tần Thủy Hoàng chưa từng kinh lý đến nơi này. Bà kiêu hãnh bởi lẽ, Trời đã dành nơi hùng vĩ, đẹp và hiểm trở để làm vững chắc cơ đồ nước Nam ta. Một tứ thơ tuyệt bích”(10). Câu thơ của bà khiến ta nhớ về vần thơ tráng lệ mang hào khí Đông A của bậc minh quân Trần Nhân Tông khi nghĩ về sự bền vững, trường tồn của giang sơn xã tắc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Giang sơn thiên cổ điện kim âu.

Có thể nói, trong dòng thơ về biển đảo Việt Nam, Hải ốc trù là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Bài thơ là bản hùng ca nói lên niềm tự hào mãnh liệt về cảnh đẹp của non sông gấm vóc, là tiếng nói đanh thép khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Đặc biệt hơn, bài thơ được sáng tác bởi một người nữ tài hoa trong thời trung đại, người được xưng tụïng là “bà chúa thơ Nôm” của văn học nước nhà, được thế giới tôn vinh là danh nhân văn hóa. Bài thơ là một phương diện đặc biệt trong những đóng góp to lớn của bà đối với nền văn học dân tộc.

Tóm lại, thơ viết về biển có một vị trí trân trọng trong sự nghiệp văn học của danh nhân Hồ Xuân Hương. Không chỉ đóng góp vào gia tài văn học dân tộc những vần thơ xuất sắc về biển, Hồ Xuân Hương còn thể hiện niềm tự hào về biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên biển của đất nước. Chỉ với điều này thôi Hồ Xuân Hương cũng đã có một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Cuối năm 2021, cùng với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh nhân là danh nhân văn hóa thế giới. Làm nên “tầm vóc một danh nhân văn hóa, một thi hào”(11) của Hồ Xuân Hương có những đóng góp xuất sắc của bà đối với dòng thơ văn về biển đảo Việt Nam.

T.B.T
(TCSH404/10-2022)

----------------------------
(1) Các tác phẩm của Hồ Xuân Hương sử dụng trong bài viết này dẫn từ Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nhóm Trí thức Việt tuyển chọn và giới thiệu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2012.
(2) Chu thứ Hoa Phong tức cảnh bát thủ (8 bài tức cảnh làm khi chèo thuyền trên vịnh Hạ Long) chép trong Phượng Sơn từ chí lược, được hai ông Trần Văn Giàu và Cao Huy Du công bố trên tuần báo Văn nghệ số 41 ra ngày 7/2/1964. Nhan đề “bát thủ” nhưng thực ra chỉ có 6 bài. Trong đó, bài cuối người ta nghi ngờ không phải của Xuân Hương nên không giữ lại.
(3) Hoàng Xuân Hãn dịch thơ.
(4) Hoàng Xuân Hãn dịch thơ.
(5) Thủy tinh cung: Cung điện nơi ở của tiên ngoài biển khơi.
(6) Đào nguyên: Suối hoa đào. Điển được dùng để chỉ cảnh đẹp như cõi tiên.
(7) Đỗ Phương Lâm, “Một số cảm nhận về thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương”, Kỷ yếu Ngữ học trẻ, 2003, dẫn theo http://dolamdhhp.blogspot.com/2011/10/mot-so-cam-nhan-ve-tho-chu-han-ho-xuan.html
(8) Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr.575.
(9) Bùi Văn Tiếng, “Người Đà Nẵng với Hồ Xuân Hương”, báo Đà Nẵng cuối tuần, https://baodanang.vn/ channel/5433/202203/nguoi-da-nang-voi-ho-xuan-huong-3907587/
(10) Trần Nguyên Thạch, “Một vài cảm nhận thơ Hồ Xuân Hương”, Non Nước, số 290.
(11) Biện Minh Điền, “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với thời gian và tầm vóc một danh nhân văn hóa, một thi hào”, dẫn theo https://ngheandost.gov.vn.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng