Tác giả-tác phẩm
Tố Hữu - Thơ và đời
15:46 | 15/12/2022

PHONG LÊ

Hơn 60 năm sáng tác và với tuổi đời ngoài 80, Tố Hữu là nhà thơ luôn luôn hiện diện trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

Tố Hữu - Thơ và đời
Ảnh: tư liệu

Tố Hữu, đó là một sự nghiệp thơ gắn bó và song hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cũng có thể nói, Tố Hữu là ca sĩ sớm nhất và lớn nhất, có thanh âm vang ngân nhất trong bản hợp ca cách mạng của nhân dân.

Từ ấy, tập thơ đầu tay của Tố Hữu viết trong hoàn cảnh đất nước còn trong tình cảnh nô lệ. Và, trong bối cảnh phong trào Thơ mới đã tiến hành xong một cuộc cách mạng trong thơ ca. Từ ấy đạt được cả hai phương diện, hai mục tiêu: nội dung trữ tình cách mạng và ngôn ngữ, thể loại, giọng điệu mới, trong cái nghĩa mà cả một phong trào thơ với định ngữ mới đã theo đuổi và đạt được. Từ ấy, có thể nói, đã cùng lúc thực hiện trong nó hai yêu cầu: cách mạng hóa và hiện đại hóa; hai yêu cầu được khởi động từ đầu thế kỷ XX và diễn ra xuyên suốt cả thế kỷ.

Nếu Từ ấy là “tiếng ca của một người thanh niên, một người cộng sản”, nói như Hoài Thanh, thì Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Việt Nam - máu và hoa lần lượt là bản hợp ca, rồi tráng ca của một dân tộc anh hùng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào để giành cho được độc lập, tự do. Hình ảnh của những bé Lượm, bà bủ, bà bầm, cô gái phá đường, anh Vệ quốc quân dưới chân Đèo Nhe... tất cả đều là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhưng qua cái nhìn yêu thương, trân trọng và cảm phục của nhà thơ, những con người bình thường, cụ thể đó bỗng được nâng lên thành biểu tượng của Nhân dân, của Tổ quốc. Lịch sử thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, có lẽ chưa đâu có những hình ảnh sinh động và thấm thía yêu thương như thế về những con người bình thường mà làm nên lịch sử:

Rất đẹp, hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới 
Lá ngụy trang reo với gió đèo
...
Anh về, cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về, sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca
                       
(Lên Tây Bắc, 1948)

Con đi trăm núi nghìn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm, yêu nước cả đôi mẹ hiền
                       
(Bầm ơi, 1948)

Tất nhiên, phát hiện của Tố Hữu trên hai chiều cạnh, hai tầm vóc bình thường mà vĩ đại này chỉ có thể diễn ra trên nền cao của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thật sự. Để từ đó mà có được những thành tựu thơ trên hai định hướng: viết về nhân dân và thuộc lời nhân dân. Phải có điểm tựa đó, Cách mạng Tháng Tám, mới đem lại được sự hồi sinh cho các thế hệ nhà thơ đã nổi tiếng từ trước 1945 như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, và sự sinh thành một thế hệ các nhà thơ mới là sản phẩm của cách mạng, như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung... Còn Tố Hữu, ông là người có tư cách cùng lúc đại diện cho cả hai trong sự gắn bó của những gì ưu tú nhất; và do vậy là người kết tinh cao nhất cho thành tựu nghệ thuật thơ, cho phẩm chất thơ trong buổi đầu khai mạc kỷ nguyên Dân chủ Cộng hòa.

Gió lộng là tiếng ca vui, vừa hào sảng vừa tha thiết của đất nước trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là Bài ca mùa xuân…, là tư thế con người được giải phóng khỏi mọi đè nén, áp bức đang vươn lên các đỉnh cao:

Chào 61, đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Đỉnh cao với nền móng là Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến thắng Điện Biên. Nhưng đỉnh cao còn là tổng số những phấn đấu nhỏ nhoi, khiêm nhường, bền bỉ, thầm lặng trong muôn chuyện bình thường dệt nên cuộc sống thường ngày của dân tộc:

Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ
                       
(Bài ca mùa xuân 61)

Ở đỉnh cao hiện tại, Tố Hữu cũng đồng thời cho thấy một gắn nối thật sâu xa với quá khứ. Quá khứ rất sâu với “Hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu” trong “Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”; với Nguyễn Du qua dòng “lệ chảy quanh thân Kiều”. Gần hơn với Quê mẹ “Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường”, và Mẹ Tơm “Sống trong cát chết vùi trong cát”... Trong cảm nhận của Tố Hữu cái hôm nay luôn luôn gắn nối với xưa. Cái hôm nay vừa là tầm cao vừa là bề sâu; và hiện thực hôm nay, đó là một bức tranh tươi sáng và ấm áp trong tình người, tình đời; một bức tranh khó tìm được trong quá khứ, và có lẽ cũng khó trở lại một lần thứ hai trong tương lai:

Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau

Ra trận, chuyển từ bản hợp ca vui trong Gió lộng đến bản tráng ca hùng vĩ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ra trận, vẫn tiếng thơ Tố Hữu ở hàng đầu và ngân vang trong dàn hợp xướng dân tộc đi tới chiến thắng mùa xuân 1975; và đi tới toàn cảnh “nước non ngàn dặm”:

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm
                       
(Việt Nam máu và hoa, 1973)

Là nhà thơ trữ tình công dân, “trữ tình chính trị” theo cách nói của Trần Đình Sử, từ Từ ấy đến Máu và Hoa, Tố Hữu đã là người thể hiện được trọn vẹn nhất tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện được đậm đà nhất sự gắn bó sắt son, chung thủy với Đảng, với cách mạng. Cũng Tố Hữu, hơn tất cả mọi người làm thơ cùng thời, là đại diện tiêu biểu nhất cho tình cảm của hàng triệu, hàng chục triệu con tim Việt Nam đối với lãnh tụ dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chưa ai, và chẳng thể ai vượt được Tố Hữu, người đón nhận và chuyển tải được một cách kịp thời đến thế, mối giao cảm lớn lao và thống thiết đến thế của nhân dân Việt Nam trong ngày Bác mất, qua Bác ơi! (1969).

Chưa ai, và cũng chẳng ai thay thế được Tố Hữu trong sự kết hợp tự nhiên, như không thể khác được, hành trình dân tộc qua hành trình một con người, như trong Theo chân Bác (1970).

*

Sau Từ ấy (l937 - l946), Việt Bắc (1947 - 1954), Gió lộng (1955 - 196l), Ra trận (1962 - 1971), Máu và Hoa (1972 - 1977), Tố Hữu lại đến với chúng ta, lại hiện diện cùng ta trong Một tiếng đờn (1978 - 1992) rồi Ta với ta (1993 - 2000).

Một tiếng đờn, ở tuổi ngoài bảy mươi và Ta với ta ở tuổi vào tám mươi của tác giả, trong những năm đất nước chuyển vào thời kỳ Đổi mới.

Một tiếng đờn, vẫn Tố Hữu trong tiếng thơ quen thuộc nhằm nhắc nhở con người hướng vào những tình cảm lớn của dân tộc, những mục tiêu cao cả của cách mạng, không được phép băn khoăn và đi chệch.

Với Một tiếng đờn Ta với ta Tố Hữu vẫn là người kiên trì và chung thủy với những gì đã được xác định từ Từ ấy. Nhưng kể từ Từ ấy cho đến lúc này, hơn sáu mươi năm đã trôi qua, và những Phước trong Đi, đi em, những Tiếng rao đêm, và những cô gái trong Tiếng hát sông Hương đương đại có làm ông ngỡ ngàng?

Từ sau 1975 ngọn lửa chiến tranh đã dần dần tắt lặng. Công cuộc hòa bình xây dựng đất nước đã diễn ra chẵn một phần tư thế kỷ. Một tiếng đờn, rồi Ta với ta, do vậy lại không thể là sự tiếp tục y nguyên tiếng thơ cũ. Đã có một tiếng nói mới, một giọng điệu mới nơi Tố Hữu. Trước, ông nói với đời. Và ông nói với lòng tin, tiếng thơ ông là tiếng nói lớn của đời. Hãy xem, hãy nghe, hãy nhớ!... Đừng quên, không thể, có thể nào!... Đó là những lời quen thuộc của Tố Hữu mà cả đất nước một thời cùng lắng nghe, cùng đồng vọng. Bây giờ đã có lúc ông nói với mình, như một cách dặn lòng:

Dưỡng sinh, hai chữ, hay là!
Hít vào thong thả; thở ra nhẹ nhàng
Bàn tay xoa bóp dịu dàng
Vuốt đầu thanh thản, mịn màng tóc tơ
Lòng không bợn chút bùn dơ
Biết đâu trăm tuổi, còn thơ với đời
                       
(Dưỡng sinh, 1988)

Cố nhiên vẫn là Tố Hữu, ở một quyết tâm ráo riết bên trong:

Phải trái, dại khôn, đầu vẫn sáng
Thủy chung, đen bạc, mắt chưa nhòa
Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm
Ta vẫn là ta, ta với ta
                       
(Bảy mươi, 1990)

Cũng đã thấy xuất hiện trong thơ nỗi buồn thấm vào cõi riêng, để thay cho những buồn - vui chung mà suốt non nửa thế kỷ qua, Tố Hữu từng nói với tư cách đại diện:

Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
...
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn
Em ơi, nghe đó... Trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em, một tiếng đờn.
                       
(Một tiếng đờn, 1991)

Có sự thật là trong hai thập niên cuối thế kỷ XX, như được thể hiện trong tập Một tiếng đờn, Ta với ta, Tố Hữu không còn dễ dàng tìm được tiếng vang, sự đồng vọng trong nhiều tầng lớp công chúng, vốn là hiện tượng từng diễn ra rất quen thuộc sau tất cả các tập thơ trước của ông. Nhờ một ngẫu nhiên mà lúc ấy tôi được biết Tố Hữu vừa ra một tập thơ mới, nhưng rồi cất công đi tìm khắp nơi, cả trong Nam ngoài Bắc, cả ở những người được xem là chuyên gia nghiên cứu thơ, hoặc nghiên cứu về thời đổi mới vẫn không có. Trong câu chuyện này, chẳng biết trách ai! Tập thơ in 1000 bản đâu dễ tìm. In nhiều hơn, đâu dễ bán được. Đọc Một tiếng đờn, rồi đọc Ta với ta, thấy rõ Tố Hữu đã thôi là người lĩnh xướng (hoặc chỉ huy) trong các hợp ca; ông đã kịp chuyển về tư thế của người đơn ca. Đơn ca - hát một mình. Số lượng - lùi về con số một: Một tiếng đờn. Quan hệ - từ ta với nhân quần: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” (Từ ấy), trở về Ta với ta. Cũng dễ hiểu: đây là thời mà tất cả nền thơ hầu như ai cũng biết, để thành ngôi sao, hoặc “siêu sao” là rất hiếm. Có điều, với Tố Hữu, trong đơn ca, ông vẫn là ông. Vẫn là ông, trong suốt hành trình hơn sáu mươi năm. Ông không thay giọng, không chuyển giọng. Còn cuộc đời sau một cuộc cách mạng vĩ đại và ngót bốn mươi năm chiến tranh khốc liệt lại đang đi vào cuộc sống thời bình với những buồn vui, những lo toan muôn thuở.

Tháng 10/2022
P.L
(TCSH405/11-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng