NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc Chuyện cũ Tử Cấm Thành - Kịch bản tuồng lịch sử của Nguyễn Phước Hải Trung - Nxb. Văn học, 2022)
Sau hai cuốn sách khảo cứu xuất bản liên tục trong năm 2021, 2022 (Thơ vua & suy ngẫm, Tết Hoàng cung), Nguyễn Phước Hải Trung lại tiếp tục mở thêm “một cánh cửa” đặc biệt, giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về triều Nguyễn với “Chuyện cũ Tử Cấm Thành”. Nói là “đặc biệt” vì đây là loại sách rất hiếm hiện nay. Chúng ta đều biết những năm qua, vì nhiều nguyên nhân, trên phạm vi cả nước, hoạt động biểu diễn sân khấu ngày một thưa vắng, trong đó nghệ thuật tuồng hầu như chỉ còn xuất hiện tại các hội diễn theo lệ “xuân thu nhị kỳ”! Hai tác giả Hoàng Việt Trung & Lê Mai Phương trong bài viết đề xuất “chiến lược bảo tồn những giá trị” nghệ thuật tuồng trên Tạp chí Sông Hương Số đặc biệt 46 (tháng 9/2022) cũng đã khẳng định nghệ thuật tuồng “mai một dần […] bị lớp trẻ xa rời…”.
Trong tình hình đó, ba kịch bản tuồng lịch sử được xuất bản quả là của hiếm, nếu không muốn nói là “độc nhất vô nhị”. Tác giả Thu Cúc, trong bài viết “Thế khó của nghệ thuật tuồng” trên báo “Nhân dân” ngày 22/5/2022, đã viết: “Tác giả viết kịch bản như “kim đáy bể”. Cốt lõi của bất kỳ bộ môn nghệ thuật sân khấu nào luôn là kịch bản tốt. Nhưng lâu nay, số lượng tác giả viết riêng kịch bản cho sân khấu tuồng trên cả nước có lẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…”.
Chưa bàn đến giá trị tác phẩm, bằng việc xuất bản ba kịch bản sân khấu tuồng, Nguyễn Phước Hải Trung, cũng đã góp phần “bảo tồn những giá trị” bộ môn nghệ thuật cổ điển, bác học mà bài báo đã dẫn ở trên đặt ra, tất nhiên với một phương diện khác. Do cương vị công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nguyễn Phước Hải Trung có điều kiện tiếp cận hoạt động sân khấu tuồng, hiểu rõ những trở lực khiến bộ môn nghệ thuật từng có thời “chiếm ưu thế tuyệt đối của nghệ thuật giải trí” ở Huế “trầm lắng dần, thưa vắng khán giả” như “Lời tác giả” viết ở phần đầu sách. Tuy không thể níu lại thời “vàng son” đó, khi mà “biết bao vở diễn “lấy được” tiếng khóc, tiếng cười của nhiều thế hệ khán giả […] Do đó, dân gian có tục ngữ rằng “bỏ cửa bỏ nhà vì ma hát bội”…, nhưng nghệ thuật tuồng là một giá trị cổ điển cần được lưu giữ; vì thế, Nguyễn Phước Hải Trung, từ hơn 20 năm trước, đã dành thời gian và công sức học hỏi bộ môn nghệ thuật này, từ trong tư liệu, từ thực tiễn sáng tác hơn chục kịch bản sân khấu, lễ hội dân gian và cung đình Huế, với sự giúp đỡ và cộng tác mật thiết của các nghệ sĩ La Thanh Hùng, Bạch Hạc, Hoàng Đức, anh đã có thể soạn được kịch bản tuồng, một công việc rất ít người dám thử sức. Cho đến hôm nay, ba kịch bản tuồng lịch sử, sau khi được công diễn, đã đến với bạn đọc trong tác phẩm “Chuyện cũ Tử Cấm Thành”.
*
Huế, với truyền thống lịch sử và văn hóa phong phú đã được UNESCO công nhận, với vô số những câu chuyện bi hùng, lãng mạn, ngày càng được nhiều văn nghệ sĩ tìm đến, đi sâu tìm hiểu và dựng nên nhiều tác phẩm văn nghệ đủ các thể loại. Tuy vậy, nhiều năm qua, rất hiếm những vở tuồng về đề tài Huế được viết và dựng tại Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, không chỉ vì thiếu khán giả mà do đặc trưng của nghệ thuật tuồng, không phải “tay ngang” nào cũng làm được. Một người đa tài như Nguyễn Phước Hải Trung mà phải học hỏi nhiều năm mới dám “liều mạng” viết kịch bản tuồng lịch sử đầu tiên. Trong “Lời tác giả” đã dẫn, tác giả kể lại, năm 2015, khi nghệ sĩ nhân dân Bạch Hạc, đề nghị Nguyễn Phước Hải Trung viết một kịch bản, “từ chối mãi, cuối cùng tôi cũng liều mạng nhận lời và quyết định viết về một nhân vật không dễ để viết, đó là vua Tự Đức, vị hoàng đế mà tôi từng làm luận văn tốt nghiệp ngữ văn ở bậc đại học…” .
Khác với nhiều cuốn sách khác, “Lời tác giả” trong “Chuyện cũ Tử Cấm Thành” dài đến 10 trang khổ lớn. Tuy tác giả tự nhận xét rằng “đây không phải là chuyên luận nghiên cứu, nên tôi không trình bày dưới dạng đúc rút thành quy luật […] và cũng mong được sẻ chia khi kịch bản tuồng của tôi chắc còn nhiều khiếm khuyết…”, nhưng 10 trang mở đầu cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức về lịch sử và nghệ thuật tuồng - một di sản quý của văn hóa Huế.
“…Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là loại hình sân khấu đặc biệt, được tích hợp từ nhiều yếu tố nghệ thuật cùng tham gia “đồng hiện” như văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật v.v. Thiếu một trong số đó sẽ không thành sân khấu tuồng. Nhưng quan trọng nhất, tất cả các yếu tố vừa đề cập đều có đặc điểm chung là sử dụng thủ pháp ước lệ, tượng trưng đến mức cao…”.
Từ nhận xét có tính khái quát đó, tác giả đi sâu vào nhiều khía cạnh nghệ thuật tuồng mà hẳn là nhiều người không biết - kể cả những người từng có dịp xem tuồng.
“…Tuồng là một loại kịch thơ phức thể, nhưng thơ trong tuồng có tính uy nghi, bi tráng, không “dịu dàng” như chất thơ trong cải lương hoặc chèo. Tính bi hùng kịch của tuồng quy định chất thơ của tuồng. Do vậy, thi văn trong tuồng trịnh trọng về ngôn từ, cân đối về câu chữ, trang nghiêm về nội dung…” .
Ngoài “chất thơ” do đặc trưng của tuồng, tác giả còn giới thiệu nghệ thuật diễn tấu phong phú của bộ môn sân khấu đòi hỏi nhiều tài năng mới có một vở diễn hoàn hảo.
“…Tuồng sử dụng nhiều hình thức diễn tấu gắn với các kiểu nói/hát khác nhau: nói và nói trong âm nhạc, thì có xướng tấu, lối; hát thì có hát khách, hát nam, hát tẩu, oán, thán, ngâm v…v... gắn với mỗi làn điệu khác nhau. Chỉ điệu hát nam thôi thì đã có 3 kiểu hát gắn với 3 dạng tình cảm…”.
Không tiện trích dẫn thêm; chỉ với đôi điều trên đây, có thể thấy 10 trang mở đầu cuốn sách có giá trị như một “giáo trình” cô đúc cho những ai muốn hiểu được những điều cơ bản nhất về tuồng. Trong thời đại thiên hạ chạy đua với tốc độ, khó dành thời gian cho nghiên cứu, đóng góp nói trên của Nguyễn Phước Hải Trung là rất đáng kể. Các nhà trường (chủ yếu cấp trung học phổ thông và đại học chuyên ngành khoa học xã hội), nếu muốn cho học sinh, sinh viên hiểu biết thêm về văn hóa Huế với bộ môn nghệ thuật từng được xem là “quốc kịch”, có thể xem đây là tư liệu tham khảo bổ ích và tin cậy...
*
Để đánh giá một vở kịch về mặt nghệ thuật, chủ yếu phải từ sàn diễn và là người “có nghề”. Khán giả xem tuồng, lại có cách thưởng thức riêng. Có một lần, cũng đã khá lâu, đi xem một vở tuồng tại nhà hát “Duyệt Thị Đường” trong Đại nội Huế, tôi nêu nhận xét: “Nếu như nghe rõ được lời hát thì chắc là thú hơn.” Tôi nhỏ giọng, như là tự nhủ vậy, nhưng một khán giả ngồi cạnh nghe được, liền quay lại nói: “Bọn tui thuộc vở cả rồi, đi xem để biết diễn viên hát, múa ra răng… Thấy họ vung đao kiếm lên, hùng hồn lên giọng “Như ta đây!...” mình cũng khoái.”.
Thế nên tôi không dám bình luận về thành công ba vở tuồng lịch sử do Nguyễn Phước Hải Trung viết kịch bản. Tuy vậy, đọc kịch bản lại có “lợi thế” không bị các nghệ sĩ hát hay, múa đẹp bỏ “bùa mê”, có thể tỉnh táo đọc kỹ từng câu thơ, lời hát, nên hiểu được tường tận nội dung vở tuồng. Từ góc độ này, 3 kịch bản trong “Chuyện cũ Tử Cấm Thành” có giá trị làm rõ thêm hoặc “đính chính” không ít sự kiện, chi tiết trong lịch sử triều Nguyễn. Ba nhân vật chính - vua Minh Mạng, vua Tự Đức và vua Bảo Đại, ba vị hoàng đế để lại những dấu ấn khá đặc biệt trong vương triều Nguyễn, tuy chỉ xuất hiện ở một số thời đoạn nhất định, nhưng nhờ tác giả đã chú trọng miêu tả diễn biến tâm lý qua các biến cố, nên phần nào đã thành nhân vật văn học và đều gợi chúng ta suy nghĩ đến vấn đề hệ trọng của đất nước: Ngôi báu và trách nhiệm trước muôn dân. Đây cũng là vấn đề thời sự của hôm nay: Trách nhiệm người đứng đầu trước sự thành - bại, được - mất của mỗi đơn vị cho đến quốc gia.
Như đã viết ở trên, vở tuồng “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ” với nhân vật chính là vua Tự Đức, là kịch bản đầu tiên của Nguyễn Phước Hải Trung về thể loại này, nhưng tác giả đã đặt kịch bản “Hóa nhật muôn dân” lên đầu sách, có lẽ không chỉ do vua Minh Mạng ở “ngôi trên” vua Tự Đức, mà chính vì, trong vương triều Nguyễn, vua Minh Mạng khi ở ngôi báu, đã thể hiện trọng trách trước muôn dân một cách thường trực và quyết liệt nhất, đã có nhiều quyết sách quan trọng xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia cường thịnh nhất trong thời nhà Nguyễn. Hơn thế, “Hóa nhật muôn dân” là vở tuồng viết mới nhất, lại có tính thời sự, được dàn dựng để tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 tại Nghệ An. Tại Liên hoan, các vai chính: vua Minh Mạng và Huệ Phi: huy chương vàng; Hiền Phi: Huy chương bạc.
Nhan đề vở tuồng “Hóa nhật muôn dân” được tác giả dùng tựa như một thành ngữ, là cách nói hình tượng với ý nghĩa đem ánh sáng của pháp luật đến với muôn dân để đời sống xã hội tốt lên. Với chủ đề này, tác giả chỉ tập trung khai thác đề tài chống tham ô dưới triều vua Minh Mạng, trong khi thiên tai và dịch bệnh khiến dân khốn khổ, triều đình phải xuất ngân khố cứu giúp, thì các quan tỉnh thu giữ làm của riêng… Chuyện xưa mà nóng hổi tính thời sự, nếu chúng ta liên hệ đến vụ “Việt Á” đã và đang tiếp tục dẫn nhiều quan chức vào nhà tù. Sử sách đã ghi chép nhiều sự kiện chứng tỏ sự nghiêm minh của vua Minh Mạng - “luật pháp bất vị thân”, con cháu Hoàng tộc phạm tội, đều bị xét xử. Trong vở tuồng “Hóa nhật muôn dân”, tác giả chỉ tập trung vào 2 sự kiện: Bắt bỏ tù quan Tuần Vũ (tỉnh trưởng) cùng mấy kẻ liên quan ở một tỉnh và cao trào là vụ xử chính bố vợ của mình (Huỳnh Công Lý, bố của Huệ Phi). Việc bắt bỏ tù quan Tuần Vũ và Tri huyện đã thỏa lòng dân và triều đình không bị ai ngăn trở, nhưng khi quan Thượng thư trình tấu của Lê Văn Duyệt cho biết “Phó Tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý/ Đục khoét tham ô cả chục ngàn quan ngân khố…” thì sự ngăn trở bắt đầu chính từ bệ rồng tại Điện Cần Chánh. Nghe tin dữ, vua Minh Mạng buồn bã uống rượu một mình và “xướng”: “Trời đẫm lệ cùng dân đẫm lệ/ Lời ca cao, tiếng khóc thêm cao/ Nay thời ai đó chăn dân đó/ Mọt nước hại dân mấy kẻ nào?/ Quan lại trong ngoài khoác gấm bào/ Ai người thiên hạ đã… lao đao”. Tác giả diễn tả nỗi lòng hoàng đế Minh Mạng bằng chính tác phẩm của nhà vua rồi “diễn giải” cũng từ các câu thơ của vua, được diễn xướng theo “Lối ai” làm bật nổi tâm trạng xót đắng của nhà vua: “Uống chung rượu ngon là…/ Máu của dân đó!/ Nâng chén trà xanh, canh ngọt ấy là…/ Xương tủy của trăm họ… đây mà”.
Đó cũng là lúc Hiền Phi bước vào, lo lắng thấy nhà vua mệt mỏi vì việc dân việc nước, dìu vua lên long sàng nằm nghỉ. Trong giấc mơ, thấy các linh hồn hiện về, vua tỉnh giấc vừa khi các quan vào trình, đã xác minh đúng Huỳnh Công Lý phạm tội tham nhũng! Hiền Phi xin Hoàng thượng nghĩ đến tình thân “Giơ cao đánh khẽ”, còn Huệ Phi (con Huỳnh Công Lý, là thứ phi của nhà vua), hết vật nài lạy xin Hoàng thượng “gánh tội thay cha”, lại nhờ Hiền Phi xin nhà vua giảm tội. Đã rất nhiều lời mà vua không chuyển ý, nàng đã lấy chiếc Kim Ấn đập vào đầu mình định tự sát! Khi đem ra xử tại triều, một quan Hữu thị lang cũng tỏ ý “nước đôi”, tâu rằng “Trảm cũng được mà tha cũng được” muốn “gợi ý” cho nhà vua tha tội chết vì đây là nhạc phụ… Nhưng vua Minh Mạng đã vì “Phép nước ngời phép nước/ Kỷ cương sáng kỷ cương/ Gác lại niềm riêng… lo chính sự/ Nước trọng dân, dân là gốc của nước/ Xử một người để được muôn người…”.
Tôi bỗng nhớ đêm xem tuồng tại Duyệt Thị Đường ngày trước và hình dung tại Liên hoan Tuồng & Dân ca kịch ở Nghệ An, khi nghe vua Minh Mạng trong áo mũ oai nghiêm truyền lệnh tử hình quan tham, hẳn là có không ít khán giả khoái chí vỗ đùi hô theo các quan trong Tử Cấm Thành năm xưa: “Hoàng thượng anh minh!”
Có lẽ cũng cần nói thêm, trong “Hóa nhật muôn dân”, không phải màn diễn nào cũng “cương” như thế; tác giả đã cho nhà vua - sau khi truyền lệnh xử trảm Huệ Phi do nàng “khi quân phạm thượng”, dám lấy Ấn định tự sát, đã nghe lời cầu xin của Hiền Phi, tha tội chết cho Huệ Phi, nhưng phế tước bậc, đuổi về quê. Trường đoạn miêu tả Huệ Phi than khóc thê thảm trên đường về cố hương không chỉ “lấy” được nước mắt của khán giả, mà đồng thời là sự cảnh báo gián tiếp đối với các quan tham: Đâu chỉ bản thân phải tù tội, mà vợ con chịu khổ nhục suốt đời!
*
Hai vở tuồng “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ” và “Đường đến Tuần lễ vàng 1945” không có “cao trào” như “Hóa nhật muôn dân”, nhưng tác giả phải có bản lĩnh và cách nhìn công bằng, xem xét sự kiện, nhân vật trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể mới đủ sức thuyết phục khán giả và Ban giám khảo các hội diễn. Nói vậy, vì trong nhiều năm qua, do chưa nghiên cứu thấu đáo hoặc thiếu cách nhìn khách quan, khoa học, không ít tác giả trên nhiều sách báo đã có những đánh giá khắt khe, thậm chí sai lệch về vua Tự Đức và vua Bảo Đại.
Vở tuồng “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ” (do nghệ sĩ Hoàng Đức chuyển thể làn điệu) đã được Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trình diễn tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức cuối tháng 8/2016 tại Đà Nẵng. Nghệ sĩ sắm vai vua Tự Đức được tặng Huy chương vàng; vai Hoàng Quý phi: Huy chương vàng; vai Thái hậu Từ Dũ: Huy chương bạc.
Kịch bản “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ” miêu tả hầu như suốt cả cuộc đời vua Tự Đức “nhằm khắc họa hình tượng của một hoàng-đế-thi-nhân sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đồng thời thể hiện câu chuyện lịch sử về tinh thần của người Việt Nam và triều đại nhà Nguyễn trong buổi đầu chống thực dân xâm lược.” Trên nền khung cảnh nhiều di tích nổi tiếng ở Huế như Nhà Bia Khiêm cung ký (tại Lăng vua Tự Đức), Hồ Tịnh Tâm, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ, Điện Cần Chánh và cả Bờ biển Đà Nẵng, thành Điện Hải (nơi Nguyễn Tri Phương chỉ huy cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp)… ngay từ màn “Khai từ”, tác giả dựa vào nội dung “Khiêm cung ký” và “bài dụ” của chính nhà vua, đã giới thiệu vua Tự Đức là con người dù ở ngôi cao tột đỉnh quyền lực, nhưng trước hoàn cảnh lịch sử, ông đã “khiêm cung” tự xét:
“…Trách mình dám trách ai đâu/ Đất trời thấu hiểu nỗi sầu đây chăng […] Trẫm là người đức bạc/ Vốn chẳng có tài năng/ Nhưng từ khi kế nghiệp đế vương/ Đã một dạ thương dân, mến sĩ…”.
Sự nghiệp sáng tác văn học (thơ) của vua Tự Đức - người sáng tác thơ với kỷ lục hơn 4.000 bài, đã được Nguyễn Phước Hải Trung giới thiệu ở một cuốn sách khác; trong vở tuồng lịch sử này, tác giả tập trung thể hiện tâm trạng bất an, lo buồn, thất vọng của người ở ngôi báu trên hai phương diện: bất lực, không bảo toàn được lãnh thổ trước họa xâm lăng và bất lực không có con nối nghiệp! Ở phương diện thứ nhất, trước kẻ địch có vũ khí tối tân gấp bội, việc nhà vua không nghe theo một số quan trong triều muốn “dĩ hòa vi quý…/ Nếu đối địch với chúng/ thì sẽ khổ cho muôn dân trăm họ”, mà kiên quyết cử hai lão tướng là Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản vào trấn giữ Đà Nẵng và Nam Kỳ đã chứng tỏ lòng yêu nước của vua Tự Đức. Gần đây, năm 2021, nhà văn Lê Hoài Nam, với tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất” (Nxb. Hội Nhà văn) viết về vua Tự Đức, được dư luận chú ý, nhờ thủ pháp “kỳ ảo” qua “5 đêm hội ngộ” đặc biệt giữa nhà vua và quan chức, văn sĩ cả xưa và nay, tác giả cũng đã có cách nhìn công bằng hơn; từ đó, bạn đọc cảm nhận được vua Tự Đức cũng là một người yêu nước. Về sự đánh giá này, khi giới thiệu “Cuộc đời xa khuất” trên tờ “Thời báo văn học nghệ thuật” (cơ quan thuộc Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam), tôi đã thận trọng tham khảo ý kiến một số nhà nghiên cứu và đều nhận được phản hồi tích cực. Dẫn thêm điều này để chứng tỏ Nguyễn Phước Hải Trung là “người đi trước” trong nghiên cứu về vua Tự Đức (từ thời làm luận văn tốt nghiệp đại học) và đã có cách nhìn đúng đắn. Còn thất bại của triều Tự Đức trong cuộc chiến bảo vệ đất nước là tất yếu mang tính lịch sử. Tuy vậy, xin lưu ý là trong lịch sử Việt Nam, chúng ta từng biết không ít nhân vật cũng đã thất bại trong cuộc chiến đấu bảo vệ và giành độc lập cho Tổ quốc, nhưng là người hết lòng yêu nước, nên vẫn được hậu thế tôn thờ. Như danh tướng Nguyễn Tri Phương và cả cụ Phan Bội Châu nữa! Đó là chỉ dẫn ra 2 nhân vật gần gũi với Huế. Chính vua Tự Đức, ngay màn mở đầu vở tuồng, đã day dứt, bất an: “Cơ nghiệp này ngày đêm lo nghĩ/ Để mất đi là có tội với non sông…”. Trong vở diễn, nhà vua còn không ít lần bày tỏ nỗi đau xót về sự bất lực này. Thế nên mọi gọi là “Bi kịch Hoàng đế…”. Bi kịch của vua Tự Đức còn thể hiện ở phương diện thứ hai: Không có con nối dõi. Mạnh Tử có câu đại ý: Trong ba tội bất hiếu thì không có con nối dõi là tội nặng nhất. Với một hoàng đế thì vấn đề càng hệ trọng. Qua nội dung khá xúc động miêu tả nỗi đau của nhà vua với mẹ là Thái Hậu Từ Dũ quanh câu chuyện riêng tư này, chân dung nhà vua sinh động hơn, Con - người hơn, trở thành một nhân vật văn học. Theo tôi, đây cũng là một thành công của Nguyễn Phước Hải Trung.
*
Vở tuồng “Đường đến Tuần lễ vàng 1945” được trình diễn tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018 tại Quảng Ngãi. Vở được huy chương Bạc toàn quốc; Tác giả kịch bản và đạo diễn: Huy chương bạc; nghệ sĩ sắm vai Bác Hồ: Giải đặc biệt; vai Bảo Đại: Huy chương vàng; vai Nam Phương: Huy chương vàng; vai Đức Từ Cung: Huy chương bạc. Tất nhiên, đây còn là thành công của đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú La Thanh Hùng và toàn Đoàn nghệ thuật. Vở tuồng đã giúp cho người xem, người đọc thấy rõ những sự kiện lịch sử diễn ra tại Huế năm 1945, không đơn giản như một số câu tường thuật về lễ thoái vị của vua Bảo Đại mà công chúng đã quen thuộc qua báo chí, sử sách mà trải qua biết bao trăn trở của nhà vua và Hoàng tộc khi phải “chấm dứt cơ nghiệp 400 năm tiên tổ/ (Từ) chúa Tiên khai phá Đàng Trong/ (Đến) 12 vị Tiên đế tiếp nhau nối nghiệp”… Chính điều đó và những thể hiện trong Chiếu thoái vị và tấm lòng của Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng tộc trong Tuần lễ Vàng, đã chứng tỏ người giữ ngôi báu cuối cùng vương triều Nguyễn cũng có trách nhiệm trước muôn dân và đất nước. Trong vở tuồng, ở màn tuyên chiếu thoái vị tại Ngọ Môn, vua Bảo Đại đã nói: “Hạnh phúc của dân Việt Nam/ Độc lập của dân Việt Nam/ Những chữ đó cao hơn ngôi báu/ Đoàn kết lòng dân hiện giờ là hơn hết thảy/ Để Việt Nam mãi mãi sống còn…”.
Về mặt tư liệu lịch sử, trong vở tuồng này, Nguyễn Phước Hải Trung cũng đã “đính chính” chi tiết về người soạn Chiếu thoái vị là hoàng thân Vĩnh Cẩn, chứ không phải là Tổng lý Phạm Khắc Hòe như sách “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” đã viết trước đây.
Một màn diễn khá quan trọng trong vở tuồng đã tái hiện cảnh Hồ Chủ tịch bác bỏ “sáng kiến” của một số người đề nghị đem các báu vật bằng vàng thu từ triều Nguyễn để nấu chảy thành ngân lượng bổ sung vào ngân khố.
“Điều này e…hạ sách/ Là… hạ sách! […] Đừng tưởng nung chảy sách ấn là bài đế, phản phong […] Người thợ thủ công tạc tháng ngày/ Hoa văn họa tiết mãi còn đây/ Ấn vàng sách bạc ngời tinh xảo/ Quyết giữ cho muôn thuở sau này.”
Màn diễn dựa trên tư liệu có thật này không chỉ chứng tỏ tầm văn hóa của người vừa được “chuyển giao quyền lực” trước muôn dân mà còn “đính chính” một chi tiết hư cấu tùy tiện trong tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” của nhà văn Thiên Sơn (Nxb. Hội Nhà văn, 2020) khi tác giả miêu tả cảnh cướp kho báu ở hậu cung triều Nguyễn năm 1945 như sau: “…những sát thủ chuyên nghiệp… khống chế những người bảo vệ… và toàn bộ số vàng bạc châu báu đã bị mang đi hết.” Mặc dù Thiên Sơn là nhà văn trẻ tôi từng yêu quý, mặc dù “Gió bụi đầy trời” cũng có một số mặt thành công được vài nhà nghiên cứu khen ngợi, nhưng vì muốn tác giả “rút kinh nghiệm” sử dụng quyền hư cấu khi miêu tả các sự kiện dẫn đến cách nghĩ sai lệch về diễn biến thời cuộc và những con người đã tham gia làm nên lịch sử giai đoạn và nhân chứng, vật chứng còn rành rành ra đó, tôi đã chỉ ra đoạn văn cần được cắt bỏ trong tác phẩm kể trên trong bài viết đã đăng báo Thừa Thiên Huế và Tạp chí Văn nghệ Quân đội (5/2021). Nay xem kịch bản tuồng của Nguyễn Phước Hải Trung, xin được nhắc lại vì vấn đề hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử vẫn đang được không ít nhà nghiên cứu bàn cãi. Tuồng cũng như tiểu thuyết là sáng tác có quyền hư cấu, nhưng tôi tán đồng cách hư cấu của Nguyễn Phước Hải Trung, tôn trọng bản chất và tư liệu có thật, chỉ sử dụng quyền hư cấu khi dựng khung cảnh hay miêu tả tâm trạng là những điều không ai biết được tường tận. Cảnh Hồ Chủ tịch nói đến việc sử dụng báu vật triều Nguyễn cũng như cảnh vua Bảo Đại và một số hoàng thân bàn luận việc thoái vị và cảnh Nam Phương hoàng hậu với Tuần lễ vàng 1945 là sự hư cấu hợp lý, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về con người và sự kiện diễn ra…
Một cuốn sách ôm chứa ba triều đại, ba ông vua đều “lắm chuyện” để bàn luận. Nhưng bài viết không thể dài hơn. Chỉ xin thêm một câu: Từ chính sự, ngôi báu và trách nhiệm với muôn dân cho đến nghệ thuật sáng tác trong cuốn sách “Chuyện cũ Tử Cấm Thành”, chuyện ngày xưa mà vẫn đáng suy ngẫm cho hôm nay…
N.K.P
(TCSH405/11-2022)