Tác giả-tác phẩm
Chất Huế hòa quyện trong 'Bạc màu áo ngự'
15:20 | 12/01/2023


PHAN THÀNH

Chất Huế hòa quyện trong 'Bạc màu áo ngự'

"Đọc Bạc màu áo ngự mấy thấy rõ độ dày văn hóa cũng như tư tưởng nghệ thuật trong văn chương của Giang. Bởi Giang không đơn thuần là một nhà văn mà còn là nhà nghiên cứu lịch sử.” - Nhà nghiên cứu phê bình văn học, TS. Phan Tuấn Anh đã đúc kết như thế về tập truyện ngắn vừa ra mắt vào tháng 12 của đồng nghiệp - tác giả Lê Vũ Trường Giang.

Lê Vũ Trường Giang là cây bút trẻ có bút lực dồi dào, viết miệt mài và nghiêm túc. Nhắc đến nhà văn của thế hệ 8X này, người yêu văn chương ở Huế sẽ nhớ đến ngay đề tài gai góc mà anh chọn hướng đi riêng, đó là lịch sử. Và với sự ra mắt “Bạc màu áo ngự” lần này, Trường Giang một lần nữa khẳng định tài năng, độ chín sau lần đầu tiên chạm ngõ văn chương vào 9 năm về trước với truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn.

Nói như TS. Phan Tuấn Anh, bên cạnh tài năng, trong Lê Vũ Trường Giang còn có sự dấn thân, hy sinh cho nghề nghiệp. Đọc văn của Giang ở những tập truyện trước cũng như ở Bạc màu áo ngự người ta sẽ còn thấy được một chất Huế rất riêng, đậm đặc. Ở đó có không gian, thời gian của Huế xưa đến bây giờ, có Huế quanh mình rất đời thường và rõ ràng. Ngoài ra, Giang còn khéo léo khi đưa chất liệu dân gian lồng vào truyện.

Đọc 13 truyện ngắn trong Bạc màu áo ngự của Trường Giang mới thấy được sự chỉn chu, khoáng đạt, giàu triết luận mà lại gần gũi, đầy xúc cảm. Trường Giang khéo léo khi xâu chuỗi, tái hiện hàng loạt cuộc chiến để phản chiếu chân thực nhất hình dáng của lịch sử đó là chiến tranh và thân phận con người.

Bạn đọc sẽ bắt gặp những địa danh quen thuộc ở đời thực ở trong nước hay nước ngoài cho đến các nhân vật được nhà văn khắc họa dù tàn nhẫn hay mộng mơ, dù vua chúa hay chiến binh… tất cả phải vật lộn, đau khổ, có những lúc tưởng chừng như bế tắc trong cuộc chiến với chính bản thân.

Truyện ngắn của Giang khốc liệt, bi thương nhưng rất đẹp. “Dòng hương ngập khói sóng, xa xa, mây phủ vờn Kim Phụng”, “tím Huế hiện lên rìn rịn”… chỉ chừng ấy thôi người đọc như được đi dạo giữa một không gian Huế thơ mộng, đẹp và bình yên.

“Tựa  vào  nền  nội dung, không gian truyện của tập sách trải vệt khắp các địa danh nổi tiếng của miền Trung Việt Nam, từ Ái Tử, Khe Sanh (Quảng Trị), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Gò Bồi (Bình Định), rồi mở rộng sang Hồng Kông, làng El Biar của đất nước Algérie, rồi thành phố New York. Thổn thức và lay động nhất vẫn là dòng văn Giang viết về Huế”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đúc kết khi đọc Bạc màu áo ngự. Nữ nhà văn cũng ví đồng nghiệp của mình là “người thợ lặn vớt ngọc”, biết được giá trị của hạt ngọc càng nuôi lâu càng bóng, dày, giá trị. Và hiểu được điều đó, người thợ ngọc Lê Vũ Trường Giang cứ chậm rãi đợi chờ con chữ mình hấp thụ thêm tinh túy của cuộc sống, kết tinh thêm nhiều trải nghiệm để cho ra một tác phẩm hay.

Nhiều độc giả, bạn văn của Lê Vũ Trường Giang cũng nhận ra được những chi tiết đắt giá mang tính lên án, tố cáo chiến tranh thông qua các nhân vật trong các truyện ngắn. Ở đó, còn có góc nhìn nhân văn, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, thù hằn khi chiến tranh đã là quá vãng, không nói ai đúng ai sai, thay vào đó cây bút thế hệ 8X đã đưa ra gợi mở đúng sai không còn quan trọng khi chiến tranh chắc chắn là mất mát đau thương.

P.T
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng