Tác giả-tác phẩm
'Trên những dặm sóng' - Ký ức người lính thủy
15:18 | 03/02/2023


TÔN NỮ DUNG

'Trên những dặm sóng' - Ký ức người lính thủy

Tự truyện Trên những dặm sóng (Nxb. Hội Nhà văn, 2022) là tác phẩm thứ 17 của nhà văn Vĩnh Nguyên, nguyên là thủy thủ Hạm đội 171 của Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam. Trước khi có tự truyện này,  ông đã đứng tên trên  8 tập thơ (Những miền đất nhớ, Mây đá nhớ nhau, Tình yêu đâu có muộn màng, Cửa sổ nhìn ra, Bài hát dòng suối mướp, Chòi ngắm sóng, Nết, Những trái tim cắm xuống), 1 trường ca (Nhịp cầu đất nước), 3 tập bút ký (Vua trầm, Nhịp sóng xanh, Ngày Valentine tôi dông xe ra Bắc), 1 tập truyện ký (Theo thuyền đánh cá mập), 1 tập truyện ngắn (Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni) 1 tập tiểu luận phê bình (Cảm thức văn nghệ) và 1 công trình nghiên cứu 3 tập, viết chung với Nguyễn Tú (Danh nhân Quảng Bình)... Quả là một tài sản không nhỏ gồm nhiều thể loại, mà không phải bất cứ người cầm bút nào cũng có thể dễ dàng đạt được.

Vĩnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Quang Vinh) ra đi từ làng quê Vĩnh Tuy (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), một ngôi làng được bao quanh bởi “ruộng lúa, nương ngô rộng thoáng. Núi Đầu Mâu uy nghi trầm mặc sau lưng nhà. Phía trước làng là sông Nhật Lệ trong xanh... Địa thế làng Vĩnh Tuy như con cá Gáy tọa trên quả đồi thoai thoải. Nếu con cá Gáy hóa rồng thì khi nó quẫy râu rồng có thể vắt tới thanh cầu Long Đại. Và đuôi rồng có thể đánh “bép” lên trụ cầu Quán Hàu. Từ chân cầu Quán Hàu phía bắc, có tỉnh lộ Bốn xuyên qua làng Vĩnh Tuy thì gặp con đường mòn Hồ Chí Minh đông (chỉ bốn km). Đây là chiều ngang eo thắt nhất chính giữa đường cong hình chữ S nước Việt Nam. Bởi vậy, không quân Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, làng Vĩnh Tuy tôi nằm giữa các tọa độ bom. Bom bi, bom phá, bom tạ, bom tấn, bom từ trường, bom nổ chậm cắm xuống chưa nổ trong các vườn nhà, chưa nổ cắm khắp hai cánh Đồng Trên, Đồng Dưới gần làng. Những cánh đồng xa làng ba đến bốn cây số như Đồng Mươn, Trọt Tụ, Đồng Đuồi, Đồng Mả Ngài, Đồng Rường Pheo, Đồng Phủ, Cơn Bưởi, Đồng Hay, Đồng Cồn... đều có bom nổ chậm. Bà con vừa sợ, vừa chán nản tuồn vào rừng sâu không muốn cày bừa, gieo cấy” [1, tr.13]. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi vừa tuổi đôi mươi ông gia nhập quân đội, làm lính hải quân, vào trước thời điểm Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mấy tháng, trở thành người lính tham gia các trận đánh lớn ở phà Gianh, Cồn Cỏ, Hải Phòng, Hà Nội... trong khi sau lưng mình, làng quê, ruộng đồng trở thành cái túi đựng bom đạn của kẻ thù cày xới.

Sách dày gần ba trăm trang, chia thành 16 khúc. Câu chuyện trải dài theo thời gian từ thuở ấu thơ đi học ở quê, gia nhập quân đội rồi “vì yêu văn chương nên tôi không nghĩ đến các cơ quan như bưu điện, hàng hải mà năm 1974 xin chuyển ngành về Hội Văn nghệ” [2, tr.145] cho đến lúc nghỉ hưu năm 2004. Chỉ có hai khúc đầu là nói về gốc gác gia đình và “những dặm sóng” thời còn là lính chiến sinh tử, đầy hiểm nguy và ông đã từng bị thương, trong trận đánh ở phà Gianh trong sự kiện lịch sử  ở vịnh Bắc bộ, xảy ra “vào khoảng 16 giờ 18 phút, ngày 5 tháng 8 năm 1964” còn ấm nóng trong ký ức nhà văn như sau: “Hai tàu 171 và 177 cơ động ra giữa sông Gianh sẵn sàng chiến đấu! Tôi được lệnh bỏ máy trực vô tuyến điện lên boong chuyển đạn. Trước khi chuyển đạn cho khẩu đội pháo boong trước, tôi lên đài chỉ huy lắp máy bộ đàm lên đầu thuyền trưởng (máy vô tuyến đàm thoại) để nhận lệnh chiến đấu với phân đội trưởng đang trên tàu 175 đậu đảo Hòn La (phía bắc cửa Gianh khoảng một hải lý). Máy bay Mỹ lao tới. Chúng lượn một vòng trên quân cảng. Pháo tàu phân đội được lệnh nổ súng rần rần. Bốn phi cơ Mỹ lượn trắng bụng trên dòng sông Gianh và thi nhau phóng bom. Lúc ấy, tôi đang trên đài chỉ huy chưa kịp xuống boong tiếp đạn. Tàu 171 trúng bom khói đạn mù mịt trùm kín. Đồng chí lái tàu ngã xuống dưới chân tôi hy sinh. Thuyền trưởng nhảy qua cầm tay lái. Tôi bị thương ở đùi phải...” [tr.10]. Còn đây là một ô ngăn trong ký ức về trận đánh ở Hải Phòng năm 1966: “Tốp máy bay F105 đã chúc đầu ném bom. Thuyền trưởng Thành giơ cao cờ hiệu, hô: Hai tháp pháo hướng Đông - Nam bắn! Máy bay cháy rồi, hoan hô! Lại tốp F4H vọt lên tầng cao chuyển hướng Tây - Bắc, thuyền trưởng đoán đúng ý định của chúng, hô luôn: Hai tháp pháo hướng Tây - Bắc chuẩn bị đón đầu... bắn! Trận địa trùm khói đen đặc. Màng nhĩ tôi như bị xé rách. Có một sức nóng khủng khiếp ngàn độ lửa vừa xuyên qua mặt tôi chưa đến nửa giây tích tắc. Nhưng tôi vẫn đứng vững với ống nhòm trên tay và nền đất dưới chân chưa bị xới đào? Quả đạn rốc-két vút qua giữa thuyền trưởng và tôi đang đứng, và cắm nổ trước hai khẩu đội 37 hai nòng và khẩu 25ly bốn nòng ở hướng Đông Nam, nhưng các mảnh đạn không gây sát thương các pháo thủ mà tuôn về phía trước một cửa hầm. Có ba nam sinh viên về nhà máy thực tập, khi nghe máy bay cháy vội chạy ra xem, không kịp quay vô hầm đã hứng trọn mảnh của quả đạn. Các cháu nằm gác lên nhau, trên một vũng máu. Thật tội nghiệp! Không ai có thể quên được mối thù này!” [tr.27]. Rồi đến những trận đánh trên sông Hồng trong sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”, cuộc chiến kéo dài trong mười hai ngày đêm, ông là một trong những người lính thủy, đã cùng với quân và dân Thủ đô bảo vệ vùng trời Hà Nội... trước khi chuyển ngành về Hội Văn nghệ Quảng Bình (1974), sau khi Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam” được ký kết năm 1973.

“Giã từ vũ khí” (Hemingway), giã từ “những dặm sóng” trên sông biển, nhưng sóng gió cuộc đời có buông bỏ được đâu. Sau khi chuyển ngành về với cuộc sống dân sự, nhà văn lại phải vượt qua những con sóng lớn hơn, với bao vất vả lo toan, eo sèo, thị phi, bầm dập. Đối với người lính thủy, sóng của biển khơi/ chiến tranh đâu bằng những đợt sóng trong lòng, gợn lên dồn dập, âm vang của đời sống, trong đó có cả nỗi buồn và niềm vui, nghiệt ngã bẽ bàng và thắm đượm tình người, tình đồng hương, đồng đội mang nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa nhân văn.

Ba mươi năm đầu quân về làm “lính” văn nghệ (1974 - 2004), từ Hội Văn nghệ Quảng Bình, đến Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, và gắn liền với số phận thăng trầm của Tạp chí Sông Hương; từ thời ban đầu là nhân viên mỗi ngày cuốc bộ đi chữa mo-rát đến biên tập vòng đầu cho Tạp chí Sông Hương... vẫn là “lính trơn” đúng nghĩa, thậm chí, chưa bao giờ có tên trong Ban biên tập. May mắn thay, cái lớn nhất mà ông đạt được, đó là danh phận một nhà văn. Bởi lẽ, đằm sâu trong cốt tính có ý nghĩa bẩm sinh níu giữ cuộc đời ông: ông vẫn âm thầm sáng tạo, hằng năm vẫn đều đặn, liên tục cho ra đời hết tập thơ này đến tập văn kia. Có được điều này ở Vĩnh Nguyên, phần lớn là nhờ trong ông luôn hiện hữu một bản lĩnh thi nhân, nhưng cũng có sự góp phần không nhỏ là nhờ phẩm chất của một người lính, từng tham chiến, vào sinh ra tử. Những công việc được phân công, ông đều cố gắng hoàn thành. Những tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu, nhất là đối với những người sáng tạo ở đô thị miền Nam, như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Ý, Định Giang... ông đều hành xử một cách đúng mực với sự tôn trọng đầy nghĩa tình và nhân cách. Có lẽ những trang viết hay, lấp lánh ánh sáng văn hóa nhân văn là những hồi ức về Trịnh Công Sơn, hoặc cuộc rượu của hai người từng ở hai bên chiến tuyến, từng có cuộc đối đầu, nổ súng thật sự trong trận đụng độ ở đảo Cồn Cỏ, giữa Vĩnh Nguyên và một thủy thủ trong quân đội Sài Gòn tên là Phạm Đích - nhà thơ Định Giang: “Phạm Đích nói tiếp: May quá, cày lên boong là đạn cở nhỏ. Nếu đạn cỡ 37 trở lên thì nguy to. Phạm Đích nói đến đây thì dừng, tay cầm ly rượu nâng lên nhìn tôi. Tôi cũng nâng ly lên. Ngọc Vịnh nhìn tôi hỏi: Ông thủy thủ Bắc kỳ cho biết có dính vào vụ Phạm Đích vừa kể hay không? Tôi nói có dính, rồi kể tiếp: Khi pháo 37 hai nòng boong trước và pháo 25 ly bốn nòng mạn phải được lệnh cùng bắn thì tôi đang ở trên đài chỉ huy cùng thuyền trưởng Nguyễn Hoàng Thiết và anh lái tàu. Chiều ấy, hai tàu phân đội tôi nhận lệnh ẩn nấp ở hòn La, chạng vạng tiến ra hòn Gió rồi được lệnh tăng tốc vào tọa độ giữa cửa Tùng - Cồn Cỏ, những tọa độ mà tàu vơ- đéc thường ra quấy rối (...). Lúc ấy, hai tàu đã vào quá mũi Lay - Vĩnh Linh. Cho biết cự ly tàu địch! Cho biết cự ly tầm súng 25, lời thuyền trưởng hỏi Nguyễn Huynh rada. Rada báo: Đã vừa tầm súng, bắn theo phương vị... độ cao... Thuyền trưởng Thiết hô: Bắn! Súng pháo hai tàu cùng bắn, lửa đạn sáng rực phóng tới một hướng. Đạn đã trúng tàu địch tóe lửa! Tiếp tục bắn! Kể đến đây, tôi nói: Viên đạn cày lên boong tàu vơ-đéc là súng pháo 25ly, đó là viên đạn lạc vào. Súng pháo cả hai tàu đều bắn chệch mạn vơ-đéc hoặc tầm đạn vòng cung vượt qua con tàu. Đinh Cường chêm ngay: Hay quá và may quá! Chiến tranh là vậy đó. Sống chết nằm trong gang tấc. Trịnh Công Sơn yêu cầu: Bây giờ Đặng Ngọc Vịnh rót hai ly rượu thật đầy cho hai thủy thủ - thi sĩ cùng cạn ly cho cuộc trùng phùng của chúng ta!...” [tr.54]. Thật là thú vị. Liệu văn chương, với sức mạnh và quyền lực của ngôn từ có thể góp phần vào công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc được hay không! Điều cần lưu ý là, trong suốt ba mươi năm làm văn nghệ, không khi nào Vĩnh Nguyên quên đi phẩm chất một người lính thủy và làng quê văn hiến. Đính vào trong các sự kiện, các hoạt động trong mọi công việc, là ký ức lấp lánh về làng quê sông bãi, về đất và người của xứ Huế văn hiến, nơi đã cưu mang ông trọn ba mươi năm và những tháng năm làm lính, như một sự nhắc nhở để điều chỉnh hành vi trong cuộc sống và công việc. Những mảnh vụn trong ký ức ấy có tần số xuất hiện nhiều nhất, là trong hai lần đi thực tế, để ông viết được hai bút ký làm nên danh phận văn xuôi Vĩnh Nguyên: Theo thuyền đánh cá mập (khúc 7) và Vua trầm (khúc 8).

Nhưng có lẽ là ký ức đời lính xuất hiện một cách đậm đặc và nặng đầy nghĩa tình đồng đội là chuyến rong ruỗi bằng xe máy, mà theo cách gọi bây giờ là “đi phượt”, về thăm bạn bè văn nghệ và đồng đội đã từng cùng với Vĩnh Nguyên tham chiến ở các tỉnh phía Bắc khi nhà văn mới về nghỉ hưu (2004), được kể lại trong ba khúc cuối. Thật là giàu có và hạnh phúc đối với mỗi người, nhất là khi đã đến tuổi về già, mà có được nhiều bạn bè, thân hữu. Từ Huế ra đến Hải Phòng, rồi Hà Nội và Tây Bắc, mỗi tỉnh, thậm chí, có cả nhiều huyện, ông đều ghé thăm các chiến hữu năm xưa và bạn bè văn nghệ. Ở đâu cũng được đón tiếp nồng hậu và thắm thiết nghĩa tình. Chuyến đi dài tròn một tháng bằng chiếc xe năm mươi phân khối (Cuptom). Nơi nào khi đi ra không ghé được, thì ghé lúc trở về. Có nơi đã gặp lúc đi ra, nhưng chưa thỏa, bạn vẫn cố mời mọc, nài nỉ ghé lại lúc trở về. Đất đai, biển trời nơi chiến trường xưa, gặp đồng đội cũ, ký ức bỗng dồn dập tràn về. Khi thì “Thuở ấy tôi là lính hải quân ở Hải Phòng. Khi tàu vào đốc, muốn đi chơi xa rất khó...” [tr.202]; khi thì dừng xe dọc đường ngồi nghỉ, nhìn lên bến Thuận Hải, nhớ “lúc ngưng tiếng súng, tôi bị thương. Một ông lực điền cõng tôi vào ngôi nhà cạnh bến để cô y tá băng bó cho tôi” [tr.242]; lúc lại gặp “Nguyễn Huynh, cùng quê, phụ trách rada, hơn tôi ba tuổi. Đứa báo vụ - đứa rada gắn bó như một cặp bài trùng trong tàu” [tr.214]; lúc ngủ lại nhà đồng đội cũ, lại “có cảm tưởng căn phòng như chao động, chiếc giường như có lung lay. Nằm nhà Đỗ Lương Ngọc sao như nằm trên con tàu thế này? Tự nhiên tôi nhớ hồi tàu đậu bờ sông Hồng, có ông thuyền trưởng tên Thạch, người dân tộc Cao Lan...” [tr.216]. Nhà văn như người “đi tìm thời gian đã mất”. Ký ức như được ủ mầm lâu ngày, gặp bất cứ người nào, nhìn bất cứ khung cảnh nào, có bất cứ ngọn gió nào lay động, cũng dễ dàng tuôn ra tràn ngập trong tâm hồn. Những con người có thật trong cuộc sống như Nguyễn Hoàng Thiết, Nguyễn Quốc Việt, Cao Xuân Ẩn, Nguyễn Huynh, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Ngọc Mến, Đỗ Lương Ngọc... lừng lững bước vào trang sách, trở thành những nhân vật văn học gây nhiều ấn tượng, khó phôi pha trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, còn có những cuộc giao lưu, tiếp xúc với bạn bè trong giới văn nghệ như Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Xuân Hoài... xen lẫn với những hồi ức về Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần, Dương Tường, Nguyễn Viết Lãm... nhưng hằn nổi lên giữa trang văn, chi phối xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm là hình tượng tác giả - một cái tôi chủ động, tự tin, có lúc tưng tửng, dọc ngang đi lại trong vùng trời ký ức thênh thang còn nặng phù sa và lắm bãi bồi. Suy cho cùng, những người luôn đầy ắp ký ức, là những người giàu có nhất trong cuộc đời. Những kẻ suốt đời chỉ chạy theo lợi danh, thì năm tháng trôi qua dường như rỗng không, chẳng có gì đọng lại.

Tự truyện là thể văn gần gũi với hồi ký. Người viết dựa trên những trải nghiệm có thật để “tái cấu trúc” theo một logic nhất định, để làm nên truyện. Nhưng tự truyện của Vĩnh Nguyên là tự truyện của một nhà thơ, chủ yếu dựa vào sức liên tưởng. Là lối kể truyện tự do, linh hoạt, gần như phi logic, không theo bất cứ một trật tự nào có sẵn. Là cách diễn ngôn tự nhiên, nhớ đến đâu nói đến đó, đôi khi cóc nhảy, đang ở chuyện này liên tưởng đến chuyện khác, rồi đảo ngược hoặc xoay chiều thời gian, chỉ tuân thủ dòng chảy của tâm tưởng. Dùng tâm tưởng để xâu chuỗi các sự kiện, các mảnh nhỏ sinh động trong ký ức, bồi đắp các chi tiết, sắp xếp các tình tiết để dựng thành truyện. Thời / không gian tâm tưởng bao giờ cũng rộng dài, mặc sức cho nhà văn lướt sóng, vẫy vùng một cách tung tẩy. Ngôn từ trần thuật và miêu tả giàu chất biểu đạt. Có những trang viết mượt mà, giàu chất thơ và hình tượng, có sức ám gợi, như tâm tưởng của nhà văn lúc lên rừng vẫn nhớ về sóng biển: “Gió chiều thổi mạnh. Những cành cây khô răng rắc gãy đổ ràn rạt xuống cạnh lối đi. Tôi ngẩng nhìn qua khoảng trống khu rừng, gió uốn cây lá lượn trên tầng tầng núi thấp thành những làn sóng xa vô tận đẹp đến mê hồn! Không có gì đẹp hơn! Đẹp không còn tả nổi! Mãi nhìn những làn sóng rừng quý giá từ độ cao tôi sướng đến ngất ngây! Vẻ đẹp của sóng biển là nhìn từ trong bờ.” [tr.122]. Tất nhiên, không phải tất cả mọi điều đều đã hoàn hảo đối với thể văn tự truyện, vốn đòi hỏi phải có tài năng thật sự trong nghệ thuật dựng truyện, nếu không khéo sẽ rơi vào mô thức của những trang hồi ký. Đó cũng là nhược điểm dễ thấy đây đó, ít nhiều trong những trang sách của Vĩnh Nguyên.

Khi vượt Trên những dặm sóng lần này, Vĩnh Nguyên đã bước vào tuổi tám mươi. Đã nếm đủ những mặn, ngọt, chua, cay ở đời. Tôi biết, cuộc đời ông còn nhiều thăng trầm, hệ lụy mà bấy nhiêu trang sách làm sao nói hết. Cả một đời lặng lẽ làm việc và sáng tạo. Không kể công, không đòi hỏi. Khi biết cha mình là thương binh, còn mang cả mảnh đạn trong người, các con thương ông vô cùng, nhưng làm sao tránh khỏi có lúc phàn nàn: “Sao ngày trước ba không giải phẫu, làm thẻ thương binh. Giờ mỗi kỳ thi, ba biết không, các con được cộng thêm một điểm rưỡi!” Ông trừng mắt: “Việc các con là lo học cho giỏi. Còn đây là việc của ba. Bạn ba ngã chết dưới chân ba thì bây giờ gia đình người ta được những gì? Ba là thủy thủ...” [tr.67]. Sóng gió cuộc đời cũng không thể bào mòn được phẩm chất của một người lính thủy. Lối sống của ông tuy khắc kỷ nhưng là tấm gương cho các con noi theo. Vì vậy, các cháu sớm có ý thức tự lực và đều thành đạt. Ông có ba người con, trong đó có hai người theo nghề của mẹ, đều trở thành giảng viên đại học. Niềm vui lớn của Vĩnh Nguyên là đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc.

T.N.D
(TCSH47SDB/12-2022)

-------------------------
[1] Vĩnh Nguyên (2022), Trên những dặm sóng, Nxb. Hội Nhà văn. Những trích dẫn chỉ ghi số trang, là từ sách này.
[2] Kỷ yếu và tác phẩm (2002), Nhà văn Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng