Tác giả-tác phẩm
Bệnh Đan Thiềm
08:24 | 24/03/2023

PHẠM XUÂN NGUYÊN

1. Trong đời văn của Nguyễn Huy Tưởng có một ngày có thể được coi là trọng đại. Đó là ngày 8 Juin 1942. Ngày ấy ông chép lại vở kịch cũ Vũ Như Tô.

Bệnh Đan Thiềm
Ảnh: tư liệu

Viết xong từ mùa hạ năm trước và đặt bút viết tựa cho nó. Rồi tự tay ông đánh máy và dán lời tựa vào trang đầu cuốn sách. Cũng trong cái ngày đáng nhớ ấy ông ghi vào nhật ký. "Chép xong Vũ Như Tô. Có một cái buồn thấm thía! Ta cũng như Vũ sao? Sao ta lai đặt truyện này? Hoàn toàn bịa đặt, nhưng một biểu hiện rất hay. Than ôi! Vì nghệ thuật! Ta thấy vật giá cao lên vòn vọt, nhất nhất cái gì cũng đắt cả, ta cứ mơ mộng dài thơ mãi sao?" (1)

Vũ Như Tô là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Bạn bè đồng nghiệp đều chung đánh giá như vậy và bản thân ông cũng tâm đắc nhất với nó trong toàn bộ sáng tác của mình(2).  Tuy nhiên, là tác phẩm lớn nhất thể hiện đầy đủ sâu sắc những suy tư dằn vặt của tác giả nên vở kịch không dễ tiếp nhận và tiếp nhận đúng. Chắc hẳn Nguyễn Huy Tưởng đã linh cảm điều này, vì thế sau một năm viết xong vở kịch khi lấy ra chép lại ông đã viết thêm đề tựa nói rõ ý mình một cách trực tiếp, cụ thể hơn, ngõ hầu để người đọc thấu hiểu mình. Qua linh cảm của ông, nếu có, đã không dối lừa.

2. Từ trước đến nay Vũ Như Tô thường được lý giải dưới góc độ nghệ sĩ và quyền lực. Theo đó nhân vật kiến trúc sư họ Vũ ở đầu vở kịch được khen và thái độ cương quyết chối bỏ việc xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa hôn quân và bị chê ở cuối vở vì cứ mãi theo mộng ảo nghệ thuật của mình về dân chúng phẫn nộ nổi lên đốt cháy cả lâu đài đang dở dang. Dựa vào nhân vật, tác giả cũng bị khen chê như vậy, đầu là tiến bộ cuối là hạn chế. Nguyên nhân sự thay đổi thái độ của họ Vũ các nhà nghiên cứu bắt ngay cung nữ Đan Thiềm với lời "xúi giục" mang tính chất "vị nghệ thuật" của Đan Thiềm, nhà nghệ thuật quên mất "quan điểm lập trường" để đến nỗi chuốc lấy bi kịch. Kết luận: Nguyễn Huy Tưởng qua kịch Vũ Như Tô đã bộc lộ tư tưởng đúng đắn là: "Nghệ thuật không thể đem phục vụ cho bọn thống trị bạo tàn, nghệ thuật không thể đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân", mặc dù "điều băn khoăn trong tâm tư Nguyễn Huy Tưởng chưa được giải quyết thỏa đáng. Ấy là số phận và triển vọng của tài năng nghệ thuật khi gắn bó với quần chúng".(3)

Hiển nhiên, phương diện nghệ sĩ - quyền lực là một nội dung của kịch Vũ Như Tô, nhưng không phải là nội dung chính. Nếu Nguyễn Huy Tưởng nhằm vào nội dung này là chủ yếu thì ông sẽ phải đẩy tới xung đột giữa Lê Tương Dực và Vũ Như Tô, phải thể hiện xung đột đó đến cao trào và trình bày cái kết cục của nó trong tương quan nhà vua áp chế và nhà nghệ sĩ mất tự do. Ở đây không hẳn là thế. Vũ Như Tô lúc đầu cự tuyệt xây Cửu trùng đài cho vua Hồng Thuận, dầu chết cũng cam, nhưng khi được lời khuyên của Đan Thiềm thì họ Vũ tỉnh óc u mê, liền đồng ý nhận làm. Vì sao vậy? Vũ Như Tô say sưa với Cửu trùng đài, lôi kéo được nhiều hiệp thợ tài khéo đến giúp mình, thuyết phục họ đem tài năng xây dựng công trình, nhưng cuối cùng chính các người thợ đã nổi lửa đốt cháy Cửu trùng đài. Vì sao vậy? Trả lời hai câu hỏi "vì sao" này là tìm đến nội dung chính của vở kịch xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng, là hiểu được tư tưởng gửi gắm của tác giả. Chìa khóa để hiểu là nằm ở câu cuối cùng của lời tựa: "Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm".

3. Bệnh Đan Thiềm là gì?

Nàng cung nữ có quầng mắt thâm khiến Vũ Như Tô thoạt gặp đoán là "người trong túy hương mộng cảnh", nhưng họ Vũ giật mình ngay khi nghe nàng nói "đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét" và nhận ra nàng là người đồng bệnh với mình. Nàng chính là kẻ sĩ. Câu nói của nàng với Vũ Như Tô là đòi hỏi tự thực hiện trọn vẹn của kẻ sĩ tài năng mang trong mình trước trời đất, trước vĩnh hằng. "Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp kia còn lại muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian". Cái sự phục vụ vua chúa, Đan Thiềm coi là tiểu tiết, đó chỉ là phương tiện để kẻ sĩ thi thố tài năng hiến mình cho non sông. Họ Vũ nghe lời nàng sáng ra, hai kẻ đồng bệnh hiểu ra và hiểu cái thiên chức đồng bệnh nơi mình. Từ phút đó Cửu trùng đài đối với Vũ Như Tô không còn là tòa lâu đài của tên bạo chúa nữa, nó đã thành biểu tượng cái đẹp mà kẻ sĩ phải dốc tài vươn tới, nó thành cái đích sống mà vì đấy kẻ sĩ được sinh ra.

Bệnh Đan Thiềm, vì vậy là cái khao khát được thăng hoa sáng tạo những tài năng mang trong người. Vũ Như Tô cự tuyệt nhà vua là do hoàn cảnh buộc phải cự tuyệt nhưng thực chất một đời Vũ trau dồi tài nghệ chỉ để mong được xây Cửu trùng đài, cho nên khi được lời khai mở của Đan Thiềm thì đời họ Vũ đã hóa làm một với công trình ao ước ấy, thậm chí tòa đài còn quý hơn cả cuộc đời Vũ Như Tô không chạy trốn loạn quân loạn quan là vì thế, vì đang trong cơn cực điểm sáng tạo, sáng tạo quên mình, quên chết, như Acsimét, như Lavoadiê. Trong sáng tạo người nghệ sĩ tự do tuyệt đối (còn việc nghệ sĩ có được tự do để sáng tạo hay không lại là vấn đề khác). Và khi Cửu trùng đài bốc lửa thì họ Vũ biết đời mình thế là hết và cũng không thiết đời mình nữa. "Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài!". Tiếng kêu rú tuyệt vọng của Vũ Như Tô không chỉ là bi kịch của riêng nhân vật này.

Lửa cháy Cửu trùng đài chứng thực một nỗi đau khác của Đan Thiềm. Trước nguy cơ đám đông dân binh bất bình nổi dậy nàng đã hai lần van nài họ Vũ trốn lánh đi, đừng để vạ vào thân mà phí uổng tài năng, bởi vì đám đông nông nổi không hiểu biết công việc sáng tạo, không phân biệt phải trái dễ sinh tàn ác. Quả thật, cuối cùng trong cơn giận dữ của đám đông thì cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều chết, Cửu trùng đài tan thành tro bụi, đất nước mất đi một kỳ quan đáng tự hào. Quyền lực là một nguy cơ, đám đông không quyền lực cũng là một nguy cơ đối với nghệ thuật. Bi kịch ấy Nguyễn Huy Tưởng xót xa đau đớn trong cơn đồng bệnh với nàng cung nữ lạ đời.

4. Trong lời tựa Nguyễn Huy Tưởng đã tóm tắt nội dung chính vở kịch bằng ba câu hỏi buộc phải lựa chọn đầy băn khoăn, tiếc nuối, đặc biệt nhắc lại hai lần nhức nhối câu: "Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?". Ông bảo là ông chẳng biết. Thực ra cái ý của ông thể hiện qua nhân vật và bộc lộ trên lời tựa thì đã rõ: ông cảm phục sức sống của dân Việt đồng thời lại tủi hổ nỗi thiệt thòi của dân Việt. Đất nước đâu thiếu người tài, vậy mà chỉ vì quần quật lo sống nên không phát triển văn hóa nghệ thuật bằng người. Trước thực tế lịch sử có người cầm bút thiết tha yêu dân yêu nước ngậm ngùi thấy mình cùng chung căn bệnh của Đan Thiềm cũng là dễ hiểu.

5. Tôi ghi lại ở đây niềm ngưỡng mộ và kính phục nhà văn trẻ Nguyễn Huy Tưởng ba mươi tuổi những ngày này mùa hè nửa thế kỷ trước đã gọi ra căn bệnh mang tên nàng cung nữ cách nay hơn bốn trăm năm cho những ai chân tài chân tình đồng bệnh tương liên. Bệnh này mong được lây, không mong chữa trị. Và tôi cố hình dung ngược thời gian năm mươi năm để bâng quơ tự hỏi: Sao hồi đó người ta trẻ thế mà nghĩ được thế và được nghĩ thế. Hỏi vậy là tôi đã mang bệnh Đan Thiềm rồi chăng? Tôi chẳng biết.

5/1992
P.X.N.
(TCSH53/01&2-1993)

     

-----------------

(1) Theo tài liệu của gia đình nhà văn cung cấp.

(2) Xem sách: Nguyễn Huy Tưởng. Văn và Người. NXB Hội Nhà Văn, 4.91.

(3) Hà Minh Đức. Lời giới thiệu tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng. Tập 1 NXB Văn học, 4.1984.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng