Tác giả-tác phẩm
“Công chúa Đồng Xuân” với những góc nhìn gợi nhiều suy ngẫm về triều Nguyễn
16:06 | 07/04/2023

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Thật khéo, nữ sĩ Trần Thùy Mai trở về Huế vui xuân và gặp gỡ các bạn văn quen biết trong tòa soạn Tạp chí Sông Hương thân thuộc đúng vào lúc bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân ra mắt bạn đọc.

“Công chúa Đồng Xuân” với những góc nhìn gợi nhiều suy ngẫm về triều Nguyễn
Tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (quyển Thượng và quyển Hạ)

Tròn 40 năm trước (1983) truyện ngắn Một chút màu xanh của chị đăng trên Sông Hương số 1, báo hiệu Huế xuất hiện thêm một nữ sĩ có phong cách riêng và đầy tiềm năng.

Bốn thập kỷ vừa qua đã khẳng định điều đó. Tiếp theo các tập truyện ngắn từng được nhiều giải thưởng (giải Hội Nhà văn Việt Nam, Giải Cố đô hạng A), được lên phim (như Trăng nơi đáy giếng) và bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu (Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2019) được tặng Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 -2019) và Giải Sách Hay 2020 của Viện giáo dục IRED, bộ tiểu thuyết 2 tập Công chúa Đồng Xuân(quyển Thượng & quyển Hạ) ra mắt bạn đọc đầu năm 2023 (Nxb. Phụ nữ Việt Nam) đã được bạn đọc rộng rãi đón nhận. Tác phẩm gồm 66 chương, dày 700 trang khổ lớn.

Có thể nói Công chúa Đồng Xuân là hậu Từ Dụ Thái Hậu vì công chúa được Thái Hậu nhận làm con út và nhân vật Từ Dụ hiện diện hầu như suốt tác phẩm. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, trong lời giới thiệu vắn tắt nội dung chủ yếu của tác phẩm (in bìa 4 cuốn sách) đã viết: “Công chúa Đồng Xuân” là tiểu thuyết viết về 40 năm lịch sử đầy biến động từ 1859 đến 1900, khi triều đình nhà Nguyễn với quốc sách lạc hậu, bảo thủ, không nghe theo hiến từ kiến quốc của các nhà trí thức quan lại có tầm nhìn tiến bộ, dẫn đến việc bị quyền thần thao túng, gây nên bao cuộc tương tàn đẫm máu và dần mất nước vào tay thực dân Pháp. Thời đại lịch sử tàn khốc đó được tái hiện sinh động và đầy ám ảnh qua chuyện đời một nàng công chúa, với vụ án “hòa gian” gây rúng động kinh thành…”.

“Hòa gian” là từ cổ chỉ tội dâm loạn hoang thai. Đây là vụ án có thật; tác giả cho biết, “Đại Nam  thực lục chính biên đệ ngũ kỷ quyển IV” chép về vụ này như sau: “Phụ chính thân thần Gia Hưng vương kiêm sung Tôn nhân phủ Tôn chính Hồng Hưu bị tội, cách chức tước, phải an trí ở phủ Cam Lộ. Trước đây, Chấn Tĩnh quận công là Miên Trí tâu hặc vương ấy vì nhân việc tư bỏ việc công, tiết lộ quân quốc trọng sự, gia dĩ thêm thói dâm dục (cùng với công chúa Đồng Xuân can tội tước tịch, đổi theo họ mẹ là Hồ Thị Đốc thông gian sinh con)…”.

Văn cổ, bản dịch trúc trắc, nên chỉ trích một đoạn ngắn để “làm chứng”; có thể tóm lược thế này: Gia Hưng (còn gọi là Hồng Hưu) và Đồng Xuân đều là con vua Thiệu Trị, nhưng cùng cha khác mẹ; Gia Hưng bị phái “chủ chiến” Tôn Thất Thuyết xem thuộc phái “chủ hòa”, thường giao thiệp với quan Tây; Đồng Xuân là vợ Nguyễn Lâm, tức là con dâu của danh tướng Nguyễn Tri Phương; Lâm cùng thân phụ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội; sau gần 10 năm ở góa, Đồng Xuân bỗng… có thai! Theo Trần Thùy Mai, đây là “tội tình dục… dính líu với những mưu đồ chính trị, bị xét xử rất vội dưới lưỡi kiếm quyền lực, không qua quy trình pháp lý đương thời. Tháng năm qua, hình hài xương cốt đã hóa thành tro bụi, nhưng sự thật ở đâu sẽ mãi là ẩn số…”.

Vụ án đến gần cuối quyển Hạ, tức là qua hơn 500 trang sách, mới được tác giả đề cập đến. Như vậy, chuyện vụ án chỉ là cái cớ - hoặc là “cái đinh” để tác giả treo bức tranh lớn về một giai đoạn lịch sử đầy những bi kịch của cả đất Việt, chủ yếu dưới triều vua Tự Đức, kéo dài cho đến vua Hàm Nghi, Thành Thái trước khi Việt Nam hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp. Về giai đoạn lịch sử đầy những bi kịch, hỗn loạn và mất mát này đã có nhiều sử sách nói đến. Sau ngày đất nước Đổi mới, đã có nhiều cuốn sách dày mấy trăm trang khảo cứu riêng từng nhân vật lịch sử lừng danh thời đó như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Tá Viêm với cách nhìn nhận, đánh giá công bằng hơn. Trả lời nhà báo Minh Hùng (Trang báo điện tử Zing - đã được đăng lại trên trang vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam), Trần Thùy Mai nói:

“…Riêng về triều Nguyễn, những sự kiện xảy ra chưa quá xa xưa, các bộ sử ghi chép tương đối đầy đủ so với các triều trước. Bên cạnh đó, ký ức dân gian còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, giai thoại. Những năm gần đây, nhiều tư liệu mới hơn về giai đoạn 1858 - 1888 đã được công bố, trong đó có cái do các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nhật viết, có cái do các nhà nghiên cứu Việt Nam viết. Những tư liệu mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa, cho phép ta có một cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử. Vì vậy theo tôi, lúc này viết truyện lịch sử, nhất là về triều Nguyễn, là việc nhiều thuận lợi hơn là trở ngại…”.

Tuy vậy, với nhà tiểu thuyết, cái khó là từ một vụ án xét xử vội đầy oan trái chỉ hiện diện vài trang trong sử sách và bộn bề các sự kiện, nhân vật trải suốt nửa thế kỷ đầy những biến động đã được soi chiếu qua “nhiều cánh cửa, cho phép ta có một cái nhìn đa chiều” làm sao tạo thành một cốt truyện có kết cấu chặt chẽ, hợp lý, “chuyên chở” được ý tưởng, chính kiến của tác giả, “giữ” được bạn đọc suốt 700 trang sách. Theo tôi, Trần Thùy Mai đã rất công phu và sáng tạo, vận dụng nhiều thủ pháp, hoặc nói như PGS. Phan Ngọc là lắm “mẹo”, để không phụ lòng tin của độc giả.
 

Nhà văn Trần Thùy Mai và nhà văn Nguyễn Khắc Phê trao đổi về tác phẩm Công chúa Đồng Xuân ở Huế.


1. Trung thành với sự thật lịch sử và mạnh dạn “hư cấu”

Về các quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử những năm gần đây, trong cuốn sách “Những cột mốc trên đường vô tận” (Tập Nghiên cứu - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2018), tôi đã dẫn ra hai khuynh hướng có tính tiêu biểu như sau:

“…Về những quan niệm khác nhau, có thể dẫn ra một số ý kiến về hai cuốn tiểu thuyết nổi bật gần đây. Đó là cuốn Hội thê của nhà văn Nguyễn Quang Thân, được tặng giải A cuộc thi tiểu thuyết (2006 - 2009) của Hội Nhà văn, tức là đã được một cơ quan chuyên môn đánh giá rất cao, nhưng ngay sau khi trao giải, đã có không ít ý kiến phê phán nặng nề, cho rằng tác giả đã “hư cấu” (hay là “bịa đặt”) tùy tiện, hạ thấp các nhân vật lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Thấy Nguyễn Quang Thân im lặng trước mọi lời phê phán, tôi hỏi, thì anh chỉ cười và nói đại ý: Những người ở khác “kênh” thì không thể nói chuyện với nhau!...

Một cuốn (đúng hơn là một “bộ”) tiểu thuyết lịch sử khác cũng được chú ý, đó là bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải dày đến mấy ngàn trang viết về triều nhà Trần và các cuộc kháng chiến chống giặc phong kiến phương Bắc. Không ít người đánh giá cao, cho đây là một bộ sách quý, rất công phu, nhưng cũng có nhà nghiên cứu nói thẳng, đại ý: Viết tiểu thuyết như thế thì đọc sách lịch sử ít mất thì giờ hơn!...”.

Có thể nói Trần Thùy Mai đã chọn lối đi “trung dung” so với hai khuynh hướng nói trên. Trong bài trả lời phỏng vấn đã dẫn, tác giả Công chúa Đồng Xuân nói: “Tiểu thuyết lịch sử là sự đan cài giữa hư cấu tưởng tượng và sự thực lịch sử. Sự thực là bộ khung, tưởng tượng là hoa lá. Bộ khung càng chắc thì hoa lá càng tươi thắm. Tôi nghĩ đó là điều kiện để một tiểu thuyết lịch sử thành công, và tôi cố gắng để theo như vậy.”

Theo cách nói hình tượng của nhà văn, thì “bộ khung” của Công chúa Đồng Xuân quả là vững chắc. Những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19 đều có thể xác nhận: hầu như tất cả các sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng trong tác phẩm đã được tác giả “nói có sách, mách có chứng”. Từ cuộc khởi nghĩa Chày Vôi của anh em Đoàn Trưng - Đoàn Trực đến những chuyện thay vua như… thay áo ở hậu cung do sức ép của các Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Trần Tiễn Thành…; từ nỗi đau đớn, dằn vặt của vua Tự Đức, của các đại thần Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường… khi phải nhân nhượng ký các hòa ước với Pháp trước thái độ hung hăng của bọn xâm lược, đến những vụ tàn sát “tả đạo” ở miền Trung, tình cảnh khốn khổ của dân chúng phía Bắc trước họa giặc Cờ Đen, Cờ Vàng và kết cục là thảm cảnh thất thủ kinh đô khiến vua Hàm Nghi cùng triều thần phải rời Huế ra Tân Sở rồi bị phản bội, bị bắt đày sang Algérie… tất cả đều hiện diện trong tác phẩm chính xác về diễn biến, kết cục sự kiện cho đến cả ngày giờ khởi sự.

Tại sao tác giả lại phải “tôn trọng sự thật lịch sử” đến như thế? Ở đây có vấn đề quan niệm của nhà viết tiểu thuyết - rộng hơn nữa là của cả giới sáng tạo - đã có không ít nhà nghiên cứu thích “lập ngôn” đại ý rằng: Điều quan trọng là anh viết như thế nào chứ không phải là viết cái gì - nói rõ hơn là nhà nghiên cứu chỉ xem trọng cách viết, thủ pháp của nhà văn mà thôi, chứ hiện thực cuộc sống chẳng đáng bận tâm! Quả thực, trong lịch sử văn học thế giới, cũng đã có tác phẩm được đánh giá cao chủ yếu nhờ cách viết, nhờ nghệ thuật diễn tả mới lạ, độc đáo, nhưng theo tôi, cách “lập ngôn” trên đây là từ cực đoan quá đề cao hiện thực cuộc sống đến cực đoan chỉ cần xem tác giả có “chiêu trò” gì mới không. Thiết nghĩ, trong văn học nghệ thuật, cần tôn trọng sự khác biệt, không nên chỉ suy tôn một trường phái nào, mỗi tác giả, mỗi tác phẩm cụ thể có cách trình diện với độc giả mà họ cho là hiệu quả nhất.

Với Công chúa Đồng Xuân, khi phóng viên Hoàng Bạch Diệp (Tạp chí Ngaymoionline) hỏi “phải chăng nhà văn có tham vọng muốn giải mã biến cố lịch sử bằng những suy luận của mình?”, Trần Thùy Mai đã trả lời: “…Tôi không giải thích lịch sử theo suy luận của riêng tôi, mà chỉ muốn trình bày bức tranh lịch sử như nó vốn vậy…”. Nói như vậy, cũng có thể hiểu là “bức tranh lịch sử” - ít ra là trong thời đoạn nửa cuối thế kỷ 19 - đã từng bị trình bày không đúng “như nó vốn có”. Cũng trong trả lời phóng viên Hoàng Bạch Diệp, tác giả đã thẳng thắn chỉ ra một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đó:

…Như bạn biết, lịch sử giai đoạn 1858 - 1885, xoay quanh hai xung đột lớn: xung đột giữa Đại Nam và Pháp, và xung đột giữa hai phái chủ chiến - chủ hòa trong triều đình, sĩ phu và dân chúng thời ấy. Trong một thời gian dài, chúng ta đã tuyệt đối hóa phái chủ chiến, xem phái chủ hòa là xấu xa, bán nước… Từ đó đi đến chỗ mặc định: chủ chiến là chính nghĩa, chủ hòa là phi nghĩa.

Do quan điểm phân biệt đơn giản như vậy, chúng ta đã phải lúng túng khi đánh giá những nhân vật chủ hòa như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trần Tiễn Thành… Và cũng vì tuyệt đối hóa phe chủ chiến mà không ít lần ta đã tôn vinh một vài nhân vật tàn bạo, như Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết... Đó là một điều rất không nên, vì khi ta biện minh cho những hành vi độc ác, là ta đã nuôi dưỡng mầm ác độc trong lòng những thế hệ tương lai…”.

Không chỉ trong văn chương mà ở nhiều lĩnh vực khác, “sự thật” luôn là một thước đo giá trị, nhưng đồng thời vấn đề “sự thật nào?” luôn được đặt ra; cũng có nghĩa là sự thật bao giờ cũng gắn với góc nhìn và sự thật đúng nhất khi được soi sáng bởi cái nhìn đậm tính nhân văn, công bằng, không bị định kiến chi phối. Tác giả Công chúa Đồng Xuân đã “trung thành với sự thật lịch sử” theo quan niệm như thế. Điều đó đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, mặc dù không phải mọi người đều tán đồng quan điểm của tác giả.

Trần Thùy Mai trung thành với lịch sử giai đoạn này còn vì bản thân nó đã đầy chất tiểu thuyết. Nói cho vui: với một hiện thực như thế, dại chi bịa đặt thêm chuyện để rồi bị phê phán là xuyên tạc lịch sử! Tuy vậy, trên “đất dụng võ” như là một mỏ quý có thể khai thác vô tận này, trên cái “khung” này, cũng phải có nhiều “hoa lá” mới tạo nên tiểu thuyết hấp dẫn. Mặt khác, cái “khung” dù vững chắc, vẫn luôn có nhiều khoảng trống - những điểm mờ, những vùng khuất, để nhà văn tha hồ cài thêm “hoa lá”. Tác giả Công chúa Đồng Xuân đã vận dụng thủ pháp hư cấu trên nhiều phương diện, từ chuyện ái ân chỉ hai người biết trong cung cấm đến những “đại cảnh” hàng trăm ngàn người trên nhiều chiến trường đẫm máu… Điều này sẽ bàn thêm ở phần sau; ở đây, xin được nói kỹ hơn về nhân vật Nguyễn Chí - một “ẩn số” trong bài toán giải oan cho Đồng Xuân và Hồng Hưu, hoàn toàn do nhà văn sáng tạo ra. Thủ pháp hư cấu cho phép nhà văn làm điều đó. Tài năng của nhà tiểu thuyết là tạo dựng nên số phận con người vô danh “có thể có thật” trong “khoảng trống” lịch sử ấy như thế nào. Nhân vật lịch sử (như Nguyễn Tri Phương) chỉ có một; nhưng “ẩn số” này có vô vàn sự lựa chọn. Trần Thùy Mai đã chọn Nguyễn Chí là một tráng sĩ, xuất thân từ miền Nam, chịu ơn và quen biết các linh mục, có điều kiện tiếp cận với các nhân vật lừng danh như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Tri Phương…, tung hoành khắp cả ba miền đất nước, trở thành nhịp cầu nối tuyệt hảo để gắn kết các sự kiện, nhân vật lịch sử tên tuổi. Chàng xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, gặp gỡ và cùng đấu võ với Đoàn Trưng trong phủ Tùng Thiện Vương để tìm cách dâng kế sách cứu nước của Nguyễn Trường Tộ lên vua Tự Đức, khi giặc Pháp đã bức hãm thành Gia Định; vừa may gặp lúc Gia Phúc (tức Đồng Xuân công chúa) vốn tính nghịch ngợm, trèo tường qua phủ bị ngã vào... vòng tay của tráng sĩ miền Nam. Mãi đến cuối sách, sau khi Nguyễn Lâm (con Nguyễn Tri Phương và là chồng công chúa Đồng Xuân) hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội, thì Nguyễn Chí mới có điều kiện thổ lộ tình yêu của mình với Đồng Xuân… Chỉ “trích yếu” chừng đó, đủ thấy mối “duyên nợ” của nhân vật vốn là vô danh này có vai trò quan yếu như thế nào trong tác phẩm. Nói cách khác, không hư cấu nhân vật Nguyễn Chí, không có tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân!

2. Một kết cấu đa tầng, đan cài hợp lý chuyện riêng tư thầm kín và “đại sự” quốc gia

Với một tiểu thuyết dày dặn, ôm trùm một không/thời gian rộng lớn như Công chúa Đồng Xuân, phải có cách tổ chức, kết cấu các chương hồi khôn ngoan mới giữ được độc giả. Trần Thùy Mai đã sắp xếp hợp lý và khéo léo những cảnh đời thường trong cung cấm xen giữa các cuộc bàn luận chính sự, các trận chiến phe phái khiến người đọc có cảm giác luôn được “đổi món”. Tác giả không ngại đưa lên trang sách nhiều cảnh ái ân giữa vua Thiệu Trị và vua Tự Đức với các ái phi, giữa vợ chồng Đồng Xuân - Nguyễn Lâm, giữa Đồng Xuân và người tình Nguyễn Chí… Đây là cảnh Thiện Phi - người đang cố lợi dụng sự “khéo nói và xinh đẹp” được vua ưu ái để bênh che cho gia đình: “…Nói rồi Thiện phi trút bỏ áo lụa, nằm xuống. Mái tóc dài xõa ra, một mùi hương hoa hồi nhẹ nhàng lan tỏa, ngây ngất như men rượu. Nàng vừa cười khúc khích, vừa lăn tròn vào lòng vua…”. Những “thao tác” ái ân vợ chồng thì còn nhiều cây bút viết “bạo liệt” hơn, nhưng có lẽ chỉ nữ sĩ xứ Huế như Trần Thùy Mai mới “tỉ mẩn” liệt kê những “gia vị” lúc Thiện phi tắm gội, chuẩn bị cho “bữa tiệc” ái ân như thế này: “…Lúc chiều, nàng vừa tắm, ngâm mình thật lâu với chất bột từ, quế, hồi, mật ong và một thứ thảo dược rất đặc biệt. Một phương sĩ đã bán thứ bột này cho mẹ nàng với giá đắt hơn vàng…”. Nhà văn cũng miêu tả rất tỉ mỉ các vị thuốc và cách chăm sóc công chúa khi mới sinh con…

Bên cạnh những đoạn văn đậm nét riêng tư và phong vị Huế như thế, khung cảnh trận đại chiến chống quân xâm lược Pháp tại cửa ngõGia Định vào một ngày xuân của 162 năm trước (ngày 24/2/1861) gây ấn tượng mạnh đối với độc giả:

…Đại đồn Kỳ Hòa xây trong bảy tháng ròng rã mới tạm xong. Lại một lần nữa Tết đến, Nguyễn Tri Phương cho những ai quê ở Nam về thăm gia đình. Hơn hai vạn lính quê xa ở lại giữ chiến lũy. Bản thân ông và em trai cũng ở lại. Từ các vùng lân cận, người dân tấp nập gánh rượu, thịt, bánh chưng, bánh tét đến xin ủng hộ cho chiến sĩ ăn Tết xa nhà […]…Tháng Giêng năm Tân Dậu, dân chúng ở cửa sông Sài Gòn chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy.

Một hạm đội đông nghịt giăng kín trước biển Đông. Tàu lớn, tàu nhỏ xuất hiện, cờ tam tài ba màu xanh, trắng, đỏ bay phần phật che kín trời. Quân thám báo đưa tin về Kỳ Hòa: đếm được tất cả 68 tàu chiến lớn, nhỏ đã bỏ neo trước cảng… Chỉ huy quân đội lần này là trung tướng Charner, với hơn tám ngàn quân lính và 600 phu đài tải mộ được từ bên Tàu.

Trong đại đồn, Nguyễn Tri Phương lập tức nai nịt lên đài chỉ huy. Một trăm năm mươi khẩu đại bác trên mặt thành sẵn sàng khạc đạn về phía địch…”.

Thật tiếc và đau xót là với đội quân có thể nói là khổng lồ - khoảng một vạn lính và hai vạn dân công, với đồn lũy cũng đáng gọi là vĩ đại vào thời điểm đó, với ý chí chiến đấu quên mình của binh lính và tướng lĩnh, kỳ vọng của đại tướng Nguyễn Tri Phương, của cả vua Tự Đức là chặn được bước tiến của đội quân xâm lược đã thất bại. Gần một vạn lính và dân phu đã hy sinh, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương và Phạm Đăng Nhật - em trai Từ Dụ Thái Hậu cũng tử trận!...

Tác giả đã miêu tả trận chiến bi tráng này với những cảnh tượng thật khốc liệt đẫm máu, nhưng nhà tiểu thuyết không chỉ là người tả cảnh mà điều quan trọng hơn có khi là suy ngẫm về kết cục trận đánh. Mấy ngày sau, tại nhà thờ Chợ Quán, cách không xa tòa nhà Bộ Chỉ huy Pháp, Nguyễn Trường Tộ nói với Nguyễn Chí: “…Máu người Việt đổ ra như suối, tôi tin là người Việt không ai khỏi đau xót. Nhưng kết cục này không bất ngờ! […] Chúng ta thua họ gần hai trăm năm phát triển kinh tế công nghiệp…”. Đoạn đối thoại khá dài, chạm đến quốc sách đánh quân xâm lược và sự thay đổi để phát triển đất nước, cả nỗi đau sát đạo khi “trong con mắt triều đình… tất cả dân đạo đều là Tây hết!” càng khiến Nguyễn Chí đau buồn vì linh mục Đặng Đức Tuấn - người cha tinh thần của anh đang bị giam tại Quảng Ngãi…

Với thủpháp kết cấu xen kẽchuyện “vĩmô” và “vi mô”, ngay sau “đại cảnh” thất thủ đồn Kỳ Hòa, tác giả miêu tả cảnh họa sĩ vào cung vẽ chân dung cho Gia Phúc theo lệnh của Thái hậu Từ Dụ, với chi tiết có lẽ chỉ nữ sĩ xứ Huế mới để ý, khi dẫn lời Thái hậu bảo người giúp trang sức cho Gia Phúc: “Khóa dây chuyền cóba nấc, con đeo cho công chúa thì chọn nấc trong cùng. Làm sao cho dây ngắn lại, mặt ngọc cao lên, xa hẳn bộ ngực. Người con gái đeo ngọc, cốt để người nhìn hoa ngắm ngọc mà không nhìn xoi móc trên cơ thể mình…”.Và chính vào lúc đó, vua Tự Đức cho người đến tìm Thái hậu, sau khi nghe tin thất thủ Kỳ Hòa, danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng các phụ tá đang chờ chịu tội và em trai Thái hậu tử trận, khiến nhà vua uất hận đến hộc máu mũi. Cũng chỉ trong chương mang tên “Quan khâm sai” này, bạn đọc được “thấy” vị vua từng bị lên án yếu nhược, bán nước cho Tây, sau khi được Thái hậu thương mến gọi bằng tên hồi nhỏ “Nhậm con!”, rồi vừa khuyên dạy, vừa “tự tay cởi chiếc áo bào dính máu cho Hoàng đế. Gấp gì thì gấp, vẫn phải cho tề chỉnh, đúng phong độ quân vương”, vua Tự Đức đi sang điện Cần Chánh gặp Thượng thư bộ Binh Trần Tiễn Thành, chuẩn y lệnh điều cấp tốc “4.000 quân lính vào Biên Hòa, đề phòng Phú Lang Sa thừa thắng tiến về phía kinh đô” “cho thợ quân khí ở Phường Đúc dùng thép cực tốt để làm xích chắn” cửa Thuận An phòng chặn tàu giặc. Nhàvua cũng “lệnh cho quan Chưởng ấn là Phạm Hữu Thước đem cờbiển vào Nam bắt hết các tướng thất trận cùng các quan tỉnh bỏ lỵ sở, bắt luôn cả Nguyễn Tri Phương”; chưa hết, vua còn cửThượng thư bộ Hộ Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần vào Biên Hòa thay mặt vua giải quyết mọi sự việc khẩn cấp; vẫn chưa hết, trong chương này, bạn đọc còn được thấy quan Khâm sai khi ghé Quảng Ngãi, gặp Tổng đốc là bạn học thuở nhỏ, biết linh mục Đặng Đức Tuấn đang bị giam ở đây, có mang theo một bức kế sách muốn dâng lên Hoàng thượng, quan Khâm sai liền mời lên gặp, ra lệnh tha và “cho lính khiêng cáng đưa Đặng Đức Tuấn về kinh đô. Ông lại cẩn thận viết một bức thư giới thiệu linh mục với đại thần Phan Thanh Giản”

Chỉ sơ lược nội dung một chương sách đã thấy tính đa tầng của tác phẩm, không chỉ tạo nên sự phong phú có sức lôi cuốn độc giả mà còn cho thấy cuộc sống vốn đa dạng, không thể nhìn một chiều. Bên cạnh lớp quan lại hủ lậu, bảo thủ và cuộc “sát đạo” tàn nhẫn đến kinh hoàng, vẫn có quan Khâm sai biết lắng nghe “tiếng nói khác” và kính trọng vị linh mục từng du học Tây phương có tầm nhìn xa trông rộng và thật lòng yêu nước. Trò chuyện với tôi trong cuộc gặp đầu năm của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế trong một nhà hàng bên sông Hương, Trần Thùy Mai cho biết linh mục Đặng Đức Tuấn là nhân vật có thật trong lịch sử. Tất nhiên, phải có hư cấu mới thành chương tiểu thuyết nói trên…(Để “kiểm tra", tôi vào Google thì quả nhiên có ghi: “Đặng Đức Tuấn (1806 - 1874) là một linh mục Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông từng giữ vaitrò thông ngôn cho phái đoàn do vua Tự Đức cử gồm sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị rồi ký hòa ước với Thực dân Pháp vào năm 1862. Ông góp phần quan trọng trong việc khiến vua Tự Đức ra “Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp” cấm đạo Kitô bằng những bảng điều trần ông viết gửi cho triều đình thời đó. Ngoài ra, ông còn được ghi nhận là một danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà Hán Nôm với nhiều tác phẩm có giá trị trong lĩnh vực Công giáo và xã hội.)

Cuộc khởi nghĩa Chày Vôi, các vụ bạo loạn tranh giành ngôi báu và khung cảnh kinh thành ngày Thất thủ Kinh đô cũng lôi cuốn bạn đọc, không chỉ nhờ cách miêu tả cận cảnh, không né tránh những cảnh khốc liệt và bi thảm càng gây ấn tượng mạnh khi xen kẽ trước và sau những màn kịch lớn đó là chuyện riêng tư thầm kín của các nhân vật cùng những suy tư, dằn vặt về nguyên nhân dẫn đến bạo loạn và mất nước.

3. Nhân vật và ngôn ngữ đối thoại sống động, gợi nhiều suy tưởng

Đã từng có quan niệm tiểu thuyết không cần nhân vật, nhưng theo tôi, tiểu thuyết - nhất là tiểu thuyết lịch sử, nhân vật là yếu tố quan trọng bậc nhất. Đọc Công chúa Đồng Xuân, chúng ta thấy tác giả đã rất công phu trong việc xây dựng hệ thống nhân vật của mình. Điều dễ thấy, với hàng trăm nhân vật - trong đó, hàng loạt tên tuổi mà chỉ riêng một người cũng hội đủ “tiêu chí” dựng thành tiểu thuyết như Tôn Thất Thuyết, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Tường…, nhà văn không thể chăm chút, miêu tả kỹ lưỡng tất cả; do đó, cũng có nhân vật còn sơ lược. Tuy vậy, các nhân vật chính như vua Tự Đức, Công chúa Đồng Xuân, Thái hậu Từ Dụ… tác giả đã tạo dựng thành nhân vật tiểu thuyết có số phận sống động. Như Gia Phúc (Đồng Xuân) mang tính cách ngỗ ngược, phóng túng, phá cách khác người ngay khi chưa ra đời. Nói vậy, vì cung nữ Ý Nhi được tiến cử vào cung khi vua Thiệu Trị đang lâm bệnh trọng, có phương sĩ hiến kế rằng “tìm một trinh nữ hợp tuổi, hợp mệnh với nhà vua, đưa vào hầu hạ thì vận rủi có thể hóa giải…”; mặc dù nhà vua không nỡ lấy đời người con gái khi mình sắp chết, nhưng Ý Nhi tha thiết “dù đêm nay Hoàng thượng không đụng đến thiếp thì cũng không ai biết, ai tin. Nay mai Hoàng thượng băng hà, thiếp sẽ phải lên ở trên lăng tẩm…”, rồi nàng gần như là “lăn xả” vào, “trần truồng nằm sấp phủ lên người nhà vua […] ú ớ như đang mê sảng: “Thiếp phải có đứa con… Thiếp không muốn làm gái hộ lăng…”

Gia Phúc đã ra đời như thế nên từ bé đã dám trèo tường qua phủ Tùng Thiện Vương xem Nguyễn Chí và Đoàn Trưng đấu võ, khi “bị” Tôn nhơn phủ gả về làm dâu nhà Nguyễn Tri Phương, chàng rể Nguyễn Lâm võ nghệ cao cường mà sơ ý bị vợ hất xuống giường rồi mãi không dám chung chăn gối! Những trò hờn dỗi, nóng lạnh thất thường của cặp đôi này là cảnh vui nhất trong Công chúa Đồng Xuân. Vậy nhưng sau ba năm Nguyễn Lâm ra chiến đấu bảo vệthành Hà Nội, nàng nhớ chồng đến gần như loạn trí, dù đường xa vạn dặm đầy bất trắc, nàng đã nhất quyết đòi được ra thăm chồng, lúc trởvề còn bịtoán “Nghĩa hội” trong phong trào “Bình Tây sát Tả” xứ Nghệ bắt cóc giam trong hầm tối… Câu chuyện Nguyễn Chí vô tình tìm thấy nơi giam Đồng Xuân, rồi xuyên hầm đưa nàng ra sông Lam… xem ra tác giả đã hư cấu quá mạnh tay, gần với truyện võ hiệp! Nhưng sự đời ai học hết chữ ngờ; mọi việc đều “có thể”. Cơn đau đẻ của Đồng Xuân diễn ra chính vào ngày Thất thủ Kinh đô đẫm máu không chỉ là “điều có thể” mà có lẽ tác giả vừa muốn lấy nước mắt bạn đọc, vừa gửi gắm ýtưởng một sinh mạng ra đời trong đau thương đồng thời báo hiệu đất nước rồi sẽ bước sang thời kỳ mới khi nhà vua phải rời Kinh đô, cũng có nghĩa ngày cáo chung chế độ phong kiến sắp đến.

“Ngi cửa sổ, nắng đã lên, một ngày mới bắt đầu!” Đây là câu kết tác phẩm, cũng là kết thúc chương miêu tả con gái Đồng Xuân mở quán bên bờ Nam sông Hương, đón các sĩ phu Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Châu Trinh vào thi Hội - lớp trí thức Nho học bắt đầu biết hướng tới những chân trời mới…

Xây dựng công chúa Đồng Xuân thành một kiểu “nhân vật nổi loạn”, tác giả đã tạo ra điều kiện tốt nhất để thể hiện vấn đề bản thể nữ tính và nữ quyền, nhất là trong cung cấm và những năm tháng công chúa góa chồng, khao khát đàn ông đến điên dại… Sau những giờ phút ái ân với Nguyễn Chí, khi chàng buộc phải ra đi, nàng đã thốt lên đau đớn: “Sao chúng ta lại không được như vợ chồng dân dã […] Lầu son gác tía để làm gì? So ra thiếp còn khổ hơn con mèo, con chó. Con chó con mèo còn có đực cái, có âm dương…”. Hơn thế, nhân vật kiểu “nổi loạn” như Đồng Xuân còn là dấu hiệu bất toàn của gia tộc và thể chế (ở đây là chế độ phong kiến suy tàn), nhiều khi chính là nơi phát ngôn của tiếng nói “phi chính thống”, của đám đông vì yếu thế không dám cất lên…

Các nhân vật trong Công chúa Đồng Xuân để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả còn nhờ ngôn ngữ đối thoại sắc nét, gợi nhiều suy tưởng về nhân tình, thời cuộc… Dưới đây là đoạn đối thoại giữa quan Phủ doãn Thừa Thiên Nguyễn Văn Tường với Nguyễn Chí khi chàng được chọn vào đội giáp sĩ của Phủ Thừa Thiên, nhưng đã bí mật thả Đinh Đạo, người tưởng sẽ lên ngôi vua trong biến động “Chày Vôi”. Khi nghe Nguyễn Chí nhắc lời sư phụ dạy “học võ nghệ là để cứu người, không phải để giết người”, Nguyễn Văn Tường nói:

- Sư phụ ngươi sai rồi. Muốn cứu người này, thường phải tiêu diệt người kia. Cầm kiếm cũng như cầm quyền vậy, không có ai cầm quyền mà chưa từng đưa ra ít nhất một lệnh liên quan đến mạng người. Đòi một người cầm quyền phải tuyệt đối thánh thiện hiền từ, đó là việc không thể. […]

- Tại hạ một lòng vì lẽ thiện, cũng như đại nhân một lòng vì Hoàng đế…[…]

- Ngươi nghĩ ta hành động vì Hoàng đế. Thực ra cũng không hẳn vậy đâu. Ta hành động vì sự trị an của đất nước […] Ngươi vẫn còn non lắm, chưa biết phân biệt phải trái khi nhìn đời. An bang tế thế bằng cách làm giặc được sao?...”

Chỉ vài câu nói, quan Nguyễn Văn Tường đã hiện ra là một nhân vật quyền biến. Còn đây là câu Nguyễn Chí nói với Đoàn Châu - em gái Đoàn Trưng, vì thời thế bó buộc đã phải tạm núp bóng quân Cờ Đen chống Tây: “…Ham sống, âu cũng là bản tính của con người. Chỉ có quân Cờ Đen, chúng được thúc đẩy bởi lòng tham, nên mới quên cả tính mạng, sức mạnh của chúng ở đó. Sự xấu ác bao giờ cũng có sức mạnh tàn bạo, nhưng đừng quên, nọc độc của xấu ác sẽ tai hại đến muôn đời!”. Mấy câu nói đủ để nhận ra một con người.

Trong Công chúa Đồng Xuân rất nhiều những đoạn đối thoại giàu trí tuệ và sắc sảo như thế. Chỉ có thể dẫn thêm đoạn đối thoại rất đặc sắc giữa Từ Dụ Thái Hậu và Tôn Thất Thuyết khi bà quyết định quay trở lại Huế, chứ không theo đoàn Cần vương ra Tân Sở:

…- Ông phụ chính, ta đã nghĩ kỹ rồi, đến đây ta không cùng đi với ông được nữa .

- Tại sao?

- Ta không thể đi cùng đường với một kẻ bạo tàn, không muốn ông tiếp tục dùng ấn ngọc của ta để tiếp tục ban ra những ý chí sát nhân […] Có người mẹ, người bà nào có thể đi cùng đường với kẻ đã giết con cháu của mình không?

- Đó là những người đã mang tội trước lịch sử, xin Đức bà hãy nhớ điều đó!

Tôn Thất Thuyết gằn giọng.

Thái hoàng thái hậu cười chua xót:

- Hình như với ông, thì ngoài ông ra, tất cả mọi người đều có tội!

- Đúng vậy, tâu Đức bà, ai không theo ta, đều là kẻ thù của ta.

- Giá như ông có thể nghĩ khác đi: ai không chống lại ta đều có thể là bạn! Nhưng thôi, ta đã hy vọng vô ích. […] Sở dĩ bao lâu ta âm thầm chịu đựng, chính là vì nể nang trong tay ông còn nắm ngọn cờ yêu nước. Nhưng giờ thì ta đã hiểu ra, có lẽ nào dân tộc này lại có thể được cứu rỗi bởi một kẻ hiếu sát như ông?”

Đã đành đoạn đối thoại này cũng như nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai phái “chủ hòa” và “chủ chiến” là ngôn ngữ của các nhân vật tiểu thuyết, nhưng đồng thời là chính kiến của Trần Thùy Mai muốn gửi gắm qua tác phẩm. Cũng là lẽ tất nhiên, có thể sẽ có bạn đọc không đồng tình với tác giả. Đó cũng là lẽ thường, nhất là với giai đoạn lịch sử đầy biến động, phức tạp mà các nhà nghiên cứu lịch sử tên tuổi vẫn còn có ý kiến khác nhau. Biết tôn trọng và lắng nghe “tiếng nói khác” là dấu hiệu một xã hội còn muốn tiến bộ…

Còn nhiều điều rất đáng được trao đổi, nhưng xin mượn lời giới thiệu tác phẩm của Nhà xuất bản để kết thúc bài viết này: “Cùng với Từ Dụ Thái Hậu, Công chúa Đồng Xuân hợp thành một bộ truyện sử hoàn chỉnh. Qua đó, mỗi phận người gắn liền với vận mệnh của đất nước chìm nổi, luân lạc, mất mát đến tận cùng nhưng vẫn không bao giờ nguôi hy vọng…”.

N.K.P
(TCSH409/03-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)