Tác giả-tác phẩm
Đối tượng trữ tình trong thơ Nguyễn Đắc Xuân
14:53 | 12/05/2023

MAI VĂN HOAN

Nguyễn Đắc Xuân là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế. Đời thơ tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ chính thức đầu tiên anh gửi tới bạn đọc.

Đối tượng trữ tình trong thơ Nguyễn Đắc Xuân
Nhà thơ Nguyễn Đắc Xuân trong buổi ra mắt sách tại TCSH 12/2/2023 - Ảnh: PA

Đời thơ tôi như là sự tổng kết 86 năm đời và thơ anh từ thời trai trẻ cho đến tuổi xế chiều. Anh viết về những tháng năm tranh đấu, những ngày tháng tù đày và niềm vui đoàn tụ. Lúc còn là sinh viên, Nguyễn Đắc Xuân rất mê thơ. Mê đến mức anh chép nguyên cả quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Anh tâm sự: “Thời đó, thơ chiếm hết thời gian của tôi. Thơ là người tình vỗ về tôi. Thơ giúp tôi thoát ra khỏi sự cô đơn”. Rồi anh kiên nhẫn tập làm thơ, tự in tập thơ đầu tay của mình bằng roneo với nhan đề Từ cõi vô thường. Một số bài thơ tranh đấu của anh không chỉ được đăng báo mà còn được Phạm Duy phổ nhạc. Đời thơ tôi gồm 78 bài do tác giả tự chọn từ ngàn trang bản thảo lưu giữ trong sổ tay. Anh khiêm tốn nói rằng: “Đời thơ tôi chỉ là những kỷ niệm đẹp của người cầm bút với mong muốn lưu lại cho con cháu, bạn bè, cho thế hệ tương lai biết có một người Huế làm thơ nối hai thế kỷ”.

Xuyên suốt tập thơ là hình tượng “em”. “Em” trở thành đối tượng trữ tình có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

Mối tình đầu của Nguyễn Đắc Xuân phảng phất mùi hương hoa bưởi. Tác giả nhớ lại:

Ngày xưa anh đi qua ngõ nhà em
Hương bưởi thơm theo anh vào lớp học
Kín đáo quá nên anh không biết được
Hoa theo anh đã tự bao giờ
                             
(Hương bưởi)

Đọc “Hương bưởi” của anh, tôi chợt nhớ đến “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn. Hai chàng trai ở hai bài thơ đều “vô tình” như nhau, đều chia tay “chưa nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi…”. Khi đã phải lòng nhau, người con gái thường lo lỡ lộ ra sẽ bị mẹ cha ngăn cấm:

Anh khẽ gọi thầm một tiếng em
Em nhìn ngoan ngoãn ngẩng đầu lên
Rưng rưng đôi mắt em thầm bảo
Đừng cho me biết me la em
                   
(Thời gian và cuộc đời)

“La” chứ không phải là mắng. “La” không chỉ nhẹ hơn mắng mà còn mang sắc thái địa phương. Có người con gái Huế từng rỉ vào tai tôi: “Hôm qua về khuya em bị me la”. (Ở Huế, có một số gia đình gọi mẹ bằng me). Cuộc tình vừa mới chớm nở thì vào mùa thu năm 1963, khi “xuống đường” tham gia phong trào đấu tranh của bà con Phật tử ở thành phố Huế, Nguyễn Đắc Xuân bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam một thời gian. Ngồi trong tù, nghe tiếng mưa rơi mà ngao ngán. Hồn thơ Điên (Đau thương) của Hàn Mặc Tử nhập vào tâm thức anh. Đúng ngày Xá tội vong nhân (ngày cúng cô hồn Rằm tháng Bảy), ở sau song cửa sắt, anh ngồi đợi trăng lên. Nhưng khi trăng vừa lên thì bị những song sắt nhà tù chắn ngang. Anh gào thét trong vô vọng:

Anh gọi rú lên trăng đâu trăng
Như con cọp đói nằm trong chuồng
Bốn bề tường kín thâm u lắm
Cửa sổ viên thành một miếng trăng
                             
(Bên trong cửa sắt)

Cách rú gọi trăng, cách nói “miếng trăng”, phảng phất âm hưởng của thơ Hàn Mặc Tử -thần tượng của anh và một số nhà thơ miền Nam thời đó.

Vào ngày 20/7/1965, sau khi dám đọc bài thơ “Nhân danh” tại cuộc hội thảo “Tuổi trẻ miền Nam chuẩn bị Bắc tiến”, với câu kết: Xin nhân danh đường lối hòa bình của Tổng thống Giôn-xơn, tôi giết luôn tôi, anh bị chính quyền VNCH lùng bắt, phải chạy ra vùng chiến khu. Trước Tết Mậu Thân (1968), anh được điều động về Huế hoạt động bí mật. Sau Tết, do một số cơ sở bị lộ, Nguyễn Đắc Xuân buộc phải trở lại chiến khu mà chưa kịp chia tay người yêu:

Anh đi gấp quá nên anh chẳng
Ghé tạt qua nhà giã biệt em
Đường lên Kim Phụng trăng hôm ấy
Mây xám giăng mờ suốt cả đêm
                   
(Gửi em nơi thành phố)

Ra đến chiến khu, nỗi nhớ người yêu cứ làm anh nôn nao, thấp thỏm “như đứng đống lửa, như ngồi đống than”:

Anh lại gọi tên em cho đỡ nhớ
Lưng trời lạc hướng ánh sao băng
Anh cứ ngỡ đêm nay đường Bến Ngự
Em lang thang trong ánh mắt lệ tràn
                   
(Tha thiết trong hồn)

Sống ở chiến khu với bao thiếu thốn, lại phải lo trăm công nghìn việc. Thế nên:

Anh viết gì đây cho em nhỉ
Bao nhiêu giấy bút cũng không cùng
Ở đây tất cả đều khan hiếm
Anh viết lên trời chữ thủy chung
                   
(Viết thư)

Vì ở chiến khu, giữa lúc bom đạn ngút trời, cho nên:

Sóng điện tình anh hay bị nhiễu
Chỉ mình em bắt được mà thôi
Thế gian dễ mấy ai đồng điệu
Ta nguyện theo nhau đến trọn đời
                   
(Viết thư)

Nhà thơ Nguyễn Đắc Xuân và nhà thơ Mai Văn Hoan trong buổi ra mắt sách tại Tạp chí Sông Hương chiều ngày 12/2/2023



Phải ở trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ như vậy mới hiểu hết sức mạnh của tình yêu. Thật khó tin đó là những vần thơ của một thanh niên từng khẳng khái tuyên bố: “Tôi vẫn còn tranh đấu mãi không thôi!”, “Anh muốn bịt súng thần công lại”, “Làm người ai cũng phải chết một lần/ Tôi chọn cái chết cho hòa bình dân tộc”… Bên những “dòng thơ lửa cháy” như thế, Nguyễn Đắc Xuân vẫn âm thầm viết những “dòng thơ tươi xanh” về tình yêu. Điều đó thật đáng trân trọng.

Sau 1975, khi nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối, anh tiếp tục làm thơ về cuộc sống mới, con người mới… Mảng thơ tình có phần giảm đi vì nhiều lý do, nhưng tâm hồn anh vẫn không thay đổi. Ngắm “Mùa hoa đầu của cây mai trắng”, anh hỏi thầm:

Chờ ai hoa đứng một mình
Mặc cho mưa gió thân hình mỏng manh?
Đón ai tay vẫy rung cành?
Trông theo ta nghĩ: Hoa dành riêng ta!

Chứng tỏ anh còn đa tình và lãng mạn lắm! Một bài thơ Nguyễn Đắc Xuân viết sau ngày hòa bình khiến cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phải đọc đi đọc lại nhiều lần là bài “Điều giản dị”:

Ở chiến trường bom đạn nổ bên tai
Cha vẫn ngủ để hôm sau đánh giặc
Giờ nằm bên con êm ái thế này
Cha thức dậy mỗi lần con trở giấc

“Trong 4 câu thơ ngắn ngủi và giản dị ấy chứa đựng cái vô cùng lớn lao của bình yên, của hạnh phúc” (Nguyễn Quang Thiều). Năm 1996, Nguyễn Đắc Xuân sang Pháp sưu tầm tài liệu về Huế. Trước khi về nước, người đẹp Diệm My hỏi: “Mai về Huế anh có nhớ Paris không?”. Trong vòng chưa đến 10 phút, Nguyễn Đắc Xuân đã viết xong bài thơ dài 28 câu thay câu trả lời:

Mai anh về, anh có nhớ Paris
Nhớ métro sớm tối đi
Sự tích Cố đô bao chuyện kể
Không còn bên nớ với bên ni
Mai về, anh có nhớ Paris
Đời thường như thể cuộc chạy thi
Món Huế còn nguyên câu chuyện cũ
Bâng khuâng nhớ những mối tình si
Mai về, anh có nhớ Paris
Có nhớ những chiều gặp Diệm My?

Tôi dỗ dành tôi thôi thổn thức
Hẹn ngày trở lại với Paris!

Bài thơ có đến 28 câu nhưng chỉ gieo mỗi vần “i”. Thơ độc vận là một kiểu chơi thơ hết sức độc đáo. Làm thơ độc vận chẳng khác gì làm xiếc trên dây. Thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút anh làm được bài thơ dài 28 câu, phải nói là tài!

Năm ngoái (2022), anh Nguyễn Đắc Xuân tròn 85 tuổi nhưng vẫn còn rất “Xuân”. Sau đây là những dòng tâm sự của anh mà tôi hết sức tâm đắc:

Tám mươi lăm tuổi vẫn còn xuân
Còn khóc, còn cười với thế nhân
Yêu quá cuộc đời nên vẫn thiếu
Cho dù được sống đến trăm năm.

M.V.H
(TCSH48SDB/03-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)