Tác giả-tác phẩm
"Ngày hồng" cung nhớ cung thương
14:51 | 18/05/2023

VÕ QUÊ

Ngày hồng (Nxb. Thuận Hóa, 2023) như tên gọi tập thơ là cả một cuộc hành trình dài “kỷ niệm bốn mươi tám năm ngày thống nhất đất nước”, “kỷ niệm bốn mươi tám năm chuyến đò dọc hẹn ước của Duy Mong - Xuân Thảo”.

"Ngày hồng" cung nhớ cung thương

Ngày hồng gắn kết thời gian giữa quê hương với cuộc tình rất Huế của hai người: “Bốn sáu năm vui cảnh thái hòa/ Bắc Nam sum họp ấm lời ca/ Chuyến đò ước hẹn ngày xưa ấy/ Con nước thuận dòng đẹp bến mơ”. (Ngày hồng)

Bằng tấm lòng yêu thơ rất thiết tha, tiếp theo các tập thơ Hương Quê, Tình thơ, Thương về kỷ niệm, Duyên quê, Tình thơ Hương - Hiếu, Điệp khúc mùa xuân, Mùa hoa khế, Niềm nhớ… đã được những người yêu thơ trong và ngoài nước hân hoan đón nhận trong sự mến mộ, thiện cảm, nay nhà thơ Hoàng Xuân Thảo đã rất tâm huyết khi thực hiện thi phẩm Ngày hồng.

Ngày hồng tập hợp nhiều bài thơ với nhiều đề tài khác nhau, phong phú, đa dạng nên nhà thơ Hoàng Xuân Thảo đã khéo léo sắp xếp khoa học, kín đáo theo từng chủ đề riêng mà người đọc tinh ý sẽ nhận ra. Ấy là các chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu và hạnh phúc, về cha mẹ kính yêu, về đạo pháp, về mối quan hệ thân tình, gắn kết, giao lưu thơ văn giữa các thi hữu…

Trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp mộng và thơ của Huế, thương quý nơi chốn mình đã gắn bó nhiều năm tháng trong cuộc đời, nơi chốn Hoàng Xuân Thảo đã từng được tạo nghiệp, đã từng tìm đến, tức cảnh thành thơ nhờ vậy các địa danh quen thuộc từ quê nhà yêu dấu tỏa sáng trong từng nhịp điệu thơ nồng nàn, da diết, chân thành, giàu cảm xúc: “Cố đô thành Huế mến thương/ Vương vương hoa nắng đẹp đường phượng bay/ Cổ thành Đại Nội xưa nay/ Vạn Niên lưu dấu đắm say lòng người…” (Huế xưa và nay); “Sóng nước Tam Giang gợi bao niềm nhớ/ Giữa mênh mông sương khói hoàng hôn…” (Chiều Tam Giang); “Kế Môn trăng nước hữu tình/ Ô Lâu sóng gợn đón bình minh lên/ Lung linh nắng trải bờ êm/ Đồng xanh chim hót bên thềm võng đưa…” (Kế Môn quê em); “Kim Hoàn lăng mộ trang nghiêm/ Hương hoa tưởng niệm dâng lên tổ nghề/ Lòng thành tâm nguyện hướng về/ Nhờ ơn tổ nghiệp truyền nghề hậu lai” (Tâm nguyện).

Tình yêu, hạnh phúc từ lâu đã là mạch nguồn không hề vơi trong thơ Hoàng Xuân Thảo. Trữ tình, mộng mơ, hoài niệm, chung thủy là điểm nhấn chính hàm chứa nhiều cung bậc trong các bài thơ viết về tình yêu của người thơ nữ tài hoa, tâm thành.

Trữ tình, mộng mơ: “Tình yêu - khúc nhạc tuyệt vời/ Cung thương cung nhớ đẹp lời trăm năm/ Tình yêu tựa ánh trăng rằm/ Dịu dàng trong sáng long lanh hiền hòa” (Tình yêu); “Mùa thu vàng lá me bay/ Tình ai mong nhớ mộng say tháng ngày/ Tiễn nhau tay nắm bàn tay/ Người đi kẻ ở đong đầy nhớ thương” (Tình thu); “Chênh chao vạt nắng lưng đồi/ Hanh hao sợi nắng bồi hồi tâm can/ Cuối thu xao xác lá vàng/ Trong tôi thoáng chút ngỡ ngàng sang đông” (Hanh hao hạt nắng).

Hoài niệm: “Sông Ngự Hà qua bao mùa mưa nắng/ Vẫn trong ngần thơm dòng chảy xanh mơ/ Anh và em đắm chìm trong nỗi nhớ/ Nhớ mái nhà em bên gốc muối ngày xưa” (Một thời để nhớ); “Phượng lã mơn man tà áo trắng/ Má ửng hồng xuyên vạt nắng vàng sân/ Em đi tìm ngày xanh thơm kỷ niệm/ Dệt thành thơ hoài niệm thuở hoa niên” (Ngày xanh).

Thủy chung như nhất: “Anh là tất cả trời thơ/ Cho em thương nhớ từng giờ ngóng trông/ Yêu anh từ độ trăng tròn/ Bây giờ thất thập mãi còn yêu anh” (Yêu); “Cau trầu kết nối chỉ hồng/ Tơ trời buộc chặt vợ chồng nên đôi/ Cau trầu hòa quyện hương vôi/ Tình chồng nghĩa vợ trọn đời thủy chung” (Duyên thắm trầu cau).

Những bài thơ viết về tình yêu của Hoàng Xuân Thảo đã lung linh nguồn hạnh phúc. Nguồn hạnh phúc có thật giữa đời thường vô cùng kỳ diệu: “Tình yêu là mối tơ vương/ Trăm năm chung lối chung đường có nhau/ Ân tình trước cũng như sau/ Nâng niu chăm chút bên nhau trọn đời” (Tình yêu).

Một đề tài khác trong Ngày hồng của nhà thơ Hoàng Xuân Thảo là tình cảm thiêng liêng kính quý song thân. Chỉ bốn câu thôi nhưng đã làm ánh lên những hình ảnh có giá trị đề cao ơn nghĩa sinh thành: biển rộng non cao, suối vàng, miền tịnh độ, đất lành. Niềm hiếu thuận của Hoàng Xuân Thảo hướng về cha mẹ quá lớn lao nên lời nguyện cầu càng sâu dày sự ngưỡng vọng: “Cha mẹ biển rộng non cao/ Suốt đời ghi nhớ công lao sinh thành/ Suối vàng cha mẹ siêu thăng/ Nguyện miền tịnh độ đất lành kết hoa” (Nguyện cầu).

Bên cạnh bài Nguyện cầu kính dâng cha mẹ, nhà thơ Hoàng Xuân Thảo còn sáng tác nhiều bài thơ về Mẹ: Đong đầy nỗi nhớ, Mẹ, Đôi tay mẹ, Nhớ lắm mẹ ơi!, Giỗ mẹ - Mùa Covid 19… Mỗi bài đều có một tứ thơ riêng với những thời điểm, hoàn cảnh, xuất xứ khác nhau nhưng chung một suối nguồn yêu kính mẹ hiền. Khi thì ngợi ca: “Ơn của Mẹ như trời cao biển rộng/ Dẫu đi đâu con không thể nào quên/ Bàn tay mẹ ươm mầm xanh vào đất/ Cho đời con vững bước đón vầng đông” (Đôi tay mẹ); Lúc thì tưởng nhớ, tiếc thương hoài niệm: “Dâng hương giỗ mẹ nghẹn ngào/ Nhìn lên di ảnh lệ trào khóe mi/ Vườn xưa hoa lá thầm thì/ Nhớ ngày bên mẹ bút ghi nghẹn lời/ Công ơn cha mẹ biển trời/ Các con tạc dạ suốt đời không quên” (Đong đầy nỗi nhớ).

Ngợi ca bốn mùa thiên nhiên Huế xưa nay là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của giới văn học nghệ thuật. Riêng với nhà thơ Hoàng Xuân Thảo mùa xuân Huế dường như quán xuyến hơn trong tập thơ: Xuân An thịnh, Chờ Xuân, Hoài Xuân, Xuân an lạc, Xuân trong mắt lá, Xuân ước vọng, Sắc Xuân, Chúc Xuân, Mừng Xuân, Chào Xuân… Những chữ Xuân trở thành điệp khúc khi gọi tên những bài thơ viết về mùa xuân trong Ngày hồng.

Xuân của nhà thơ Hoàng Xuân Thảo hiện hữu bàng bạc muôn nơi giữa đất trời thanh khí. Có khi xuân trong mắt lá hồn nhiên, lạc quan tràn hương sắc: “Tôi đi tìm mùa xuân trong mắt lá/ Giữa ngày đông chồi biếc vẫn đơm hoa/ Lòng chờ đợi nắng xuân về sưởi ấm/ Cho muôn hoa ngào ngạt tỏa hương xa” (Xuân trong mắt lá); Xuân trong khát nguyện bình yên dù đang trong thời điểm bất trắc, đầy thử thách: “Giã từ nhé năm hai ngàn hai mươi/ Xin đón chào năm hai ngàn hai mốt/ Cùng ước vọng một tương lai xanh tốt/ Khắp toàn cầu rực rỡ ánh xuân tươi/ Hãy xua tan dịch Covid 19/ Cho muôn loài chan chứa vạn niềm vui” (Xuân ước vọng).

Qua những bài thơ Xuân trong Ngày hồng, người đọc hiểu nhiều hơn về một Hoàng Xuân Thảo có tấm lòng nhân hậu, chân thành, luôn quan tâm những số phận người trong cuộc sống quanh mình; và chính nhờ tinh thần vị tha, nhiều mơ ước đẹp ấy mà thơ Hoàng Xuân Thảo trong sáng, thanh thoát trong từng câu chữ: “Những đóa hoa hồng thắm sắc tươi/ Xuân về chúm chím thắm môi cười/ Đón tia nắng mới tròn mơ ước/ Kết nối yêu thương đẹp cuộc đời” (Đẹp ước mơ).

Là một Phật tử thuần thành, được sinh ra, lớn lên trên thành phố Huế, xứ sở của chùa chiền, bảo tháp, nhà thơ Hoàng Xuân Thảo đã thấm nhuần tinh hoa Phật pháp, đã có nhiều sáng tác về Phật giáo được phổ biến sâu rộng trong công chúng yêu thơ. Mối quan hệ tốt đẹp với các bậc danh sư từ các ngôi chùa nổi tiếng ở Huế đã giúp Hoàng Xuân Thảo giàu có thêm nhiều đóa thiền thi đẹp, lành trong dòng thơ về đạo hạnh: “Sân hận làm chi giữa cuộc đời/ Hãy gom buồn giận thả ngàn khơi/ Cho lòng thanh thản tâm tươi sáng/ Gặp gỡ trao nhau những nụ cười” (An lạc tâm); “ Nương bóng từ bi dưới Phật đài/ Thân tâm an lạc ánh Như Lai/ Trưa chiều kinh kệ lòng thanh thản/ Sáng tối chuông ngân trí tịnh khai/ Buông bỏ niềm vui ngoài tục lụy/ Xua tan hạnh khổ chốn trần ai/ Đường tu chánh niệm mang tên đạo/ Thích Nữ Liên Nhàn thọ bát trai” (Nương bóng từ bi).

Do sinh hoạt lâu năm trong môi trường thi ca, có mối quảng giao rộng trong làng thơ Huế nên nhà thơ Hoàng Xuân Thảo đã được các thi hữu tin cậy, trao gửi niềm thương yêu bằng tình văn nghệ tốt đẹp, rồi từ ấy các bài thơ xướng họa, chúc tụng được đề tặng nhau rất đỗi thâm tình. Duyên thơ kết nối, sự gắn bó lâu bền, Hoàng Xuân Thảo đã phát huy thế mạnh của mình trong thể loại thơ này: “Trải bao sóng gió cuộc đời/ Giờ đây mừng chị thảnh thơ tuổi già/ Vườn xuân hòe quế trổ hoa/ Tám mươi cung chúc vượt đà trên trăm” (Chúc mừng sinh nhật chị Hoài An); “Chín mươi xuân đẹp mộng đời/ Sáu mươi tuổi Đảng rạng ngời vinh quang/ Mừng Đảng - ca khúc khải hoàn/ Mừng thọ - chúc Bác lên hàng tuổi trăm” (Chúc mừng Thi lão Phan Xuân Lộc).

Mừng Ngày hồng đang ngời lên ánh dương quang mới! Xin lần giở Ngày hồng bằng tình yêu thơ lắng sâu nguồn rung cảm, trang trọng:

“Ngày hồng tươi thắm đơm hương sắc
Tô điểm vườn xuân giữa Huế thơ”.

V.Q
(TCSH48SDB/03-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)