Tác giả-tác phẩm
Nên chăng “xem lại” vị trí của bà Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam.
15:52 | 26/05/2023

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nếu tôi không nhầm thì phần lớn bạn đọc chưa hề biết tên bà Cao Ngọc Anh; nói chi đến việc nên hay không nên dành cho bà một vị trí trong làng thơ Việt Nam.

Nên chăng “xem lại” vị trí của bà Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam.
Chân dung nữ sĩ Cao Ngọc Anh - Ảnh: wiki

Bản thân tôi, cũng chỉ mới biết đến bà một năm trước, trong lúc tìm tư liệu viết cuốn sách về cụ Lê Văn Miến* - người họa sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, người thầy gần gũi nhất với cậu học sinh Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành, vị Tế tửu trường Quốc Tử Giám Huế trong gần một thập kỷ. Và tôi cũng chỉ mới biết về đường tình duyên của bà. Do chỗ cụ Lê Huy Nghiêm (thân phụ họa sĩ Lê Văn Miến) và cụ Cao Xuân Dục (thân phụ bà Cao Ngọc Anh) cùng là người xứ Nghệ, lại cùng đỗ đồng khoa cử nhân, nên hai nhà đính ước kết nghĩa thông gia. Nhưng sau một thời gian ở Pháp, Lê Văn Miến viết thư về bày tỏ thiệt hơn cùng hai gia đình: Nào là đôi bên không “môn đăng hộ đối” - gia đình cụ Cao giàu có, thế gia vọng tộc, bên họ Lê thì nhà nghèo, quan nhỏ - bản thân thì đang du học ở xa, chưa biết lúc nào về, chẳng nên bắt Cao tiểu thư chờ đợi lâu... Về sau, cụ Cao Xuân Dục gả bà Ngọc Anh cho ông Nguyễn Huy Nhiếp, án sát tỉnh Sơn Tây, nhưng số phận éo le, bà sinh được 3 người con thì ông Nguyễn Huy Nhiếp qua đời, khi bà chưa đầy 30 tuổi!... Về sự nghiệp văn thơ tôi mới chỉ nghe bác Lê Văn Yên - con trai cụ Lê Văn Miến, nhận xét rằng: “Bà Cao Ngọc Anh là một nữ sĩ nổi danh một thời đất Hồng Lam...”

Cho đến gần đây, tình cờ tôi được đọc tạp chí “Phổ thông” (xuất bản tại Sài Gòn năm 1959), trong mục “Các thi sĩ cuối cùng của thế hệ lão thành”, tác giả Diệu Huyền đã đánh giá cao nghệ thuật thơ cũng như vị trí của bà Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam với nhiều căn cứ rất đáng để các nhà nghiên cứu văn học hôm nay tham khảo, xét định khi muốn dựng lại đầy đủ chân dung văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Sinh trưởng trong một gia đình danh nho, hẳn là bà làm thơ từ nhỏ, nhưng đến năm 1953, khi đã trên 70 tuổi (bà sinh năm 1877), bà Cao Ngọc Anh mới xuất bản tập “Khuê sầu thi thảo”, tuyển chọn vào khoảng 80 bài thơ chữ Hán và quốc ngữ hay nhất của mình. Trong lời đề tựa, cụ Trần Trọng Kim cho rằng thơ của bà Cao Ngọc Anh “cùng một giọng điệu, cùng một khẩu khí với thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nhưng thơ của bà thi sĩ họ Cao lại đầy đủ, văn từ sung thiệm, ý tứ bóng bẩy và nhẹ nhàng hơn”.

Tất nhiên, nhận định trên cũng chỉ là căn cứ để tham khảo. Điều chủ yếu vẫn là phải xem xét, bình phẩm trực tiếp từ tác phẩm. Sự nghiệp thơ của bà Cao Ngọc Anh gồm cả thơ viết bằng chữ Hán và thơ viết bằng quốc ngữ. Tuy với số đông độc giả hiện nay có lẽ chỉ nên đưa ra “làm chứng” những bài thơ viết bằng quốc ngữ, nhưng xin dẫn ra đây một bài thơ tứ tuyệt để thấy tài thơ chữ Hán của bà Cao Ngọc Anh cũng không tầm thường.

ĐÀO HOA KHẨU CHIẾM

Tích niên lang tháp song đào thụ,
Kim kiến đào hoa bất kiến lang.
Giải sứ hoa thần như hữu thúc,
Vị lang tiều tụy giảm dung quang.

Tác giả đã tự dịch ra tiếng Việt như sau:

Song đào chàng mới trồng năm trước
Nay thấy đào hoa chẳng thấy chàng.
Ví khiến thần hoa như có biết,
Vì chàng nhan sắc giảm phần chăng?

Bài này đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1926 đã khiến giới văn học ở Hà Nội lúc đó chú ý đến nữ sĩ Ngọc Anh cả về trình độ Nho học và cách thể hiện tình cảm sâu sắc qua mấy vần thơ. Tứ thơ “Đào hoa khẩu chiếm” gợi nhớ đến bài thơ “Đề Đô thành Nam Trang” của Thôi Hộ. (Bộ phim “Nhân diện đào hoa” chiếu trên truyền hình vừa qua được dựng từ tứ thơ này).

Trong phần thơ viết bằng quốc ngữ, chỉ đọc bài “Vịnh cảnh hoàng hôn” sau đây, đã thấy nhận xét của cụ Trần rằng “thơ của bà Cao Ngọc Anh cùng một giọng điệu, cùng một khẩu khí với thơ của bà Huyện Thanh Quan” là đúng:

VỊNH CẢNH HOÀNG HÔN

Còn trời còn đất, hãy còn ta.
Chân cứng lo chi bóng xế tà,
Nhớ mẹ thêm rầu khi sớm tối
Thương con nào quản nỗi gần xa.
Giám sai lời hẹn cùng non nước,
Cũng ngượng vui cười với cỏ hoa
Phong cảnh buồn trông nơi đất khách,
Chiều hôm lác đác hạt mưa sa.

Bài thơ vịnh cảnh Ngũ Hành Sơn cũng là một bài thơ hay của bà và cũng giọng điệu với bài trên:

Nghe nói Hành Sơn cảnh tuyệt vời.
Cõi trần dạo bước thử xem chơi
Năm hòn chót vót cây chen đá
Bốn mặt mênh mông nước lộn trời.
Bãi cát trắng phau cơn gió bụi
Chòm râu xanh ngắt bóng trăng khơi,
Ngự thi nét bút còn như vẽ.
Dâu bể bao phen đã đổi dời!

Nếu chỉ căn cứ vào 2 bài thơ vừa dẫn thì có lẽ cái vế sau trong nhận xét của cụ Trần rằng so với thơ bà Huyện Thanh Quan, thơ của bà Cao Ngọc Anh “đầy đủ, văn từ sung thiệm, ý tứ bóng bẩy và nhẹ nhàng hơn” chưa hẳn đã chính xác. Tuy vậy, sự nghiệp thơ của bà Cao Ngọc Anh gồm đến 80 bài, trong đó phần thơ viết bằng chữ Hán cũng rất đáng kể. Hơn nữa, bà Cao Ngọc Anh còn những bài thơ với “giọng điệu” khác, ví như bài thơ sau đây:

ĐÁP LẠI NHỮNG AI CHO LÀ NGẠO ĐỜI

Ai bảo là ta tính ngạo đời,
Khinh đời vẫn khó, há rằng chơi.
Khinh người lắm của, còn ham của,
Khinh kẻ cao ngôi chẳng xứng ngôi.
Khinh gái chung tình chung cửa miệng.
Khinh trai ái quốc ái đầu môi.
Có khinh chăng nữa là khinh thế
Nào giám khinh đâu khắp mọi người.

Bài thơ hoàn toàn không còn chút nào cái vẻ u sầu man mác dịu nhẹ như hai bài vịnh cảnh ở trên mà là khẩu khí của một con người có bản lĩnh, không chịu nhún nhường trước những điều sai trái. Và mặc dù hơn nửa thế kỷ đã qua, bài thơ vẫn như “mới”, như nói về cuộc đời hôm nay. Nói chính xác là bài thơ đã diễn tả một cách khái quát nhân tình thế thái của mọi thời, nên lúc nào cũng “mới”.

Tôi không phải là người sành bình phẩm về thơ phú. Nhưng từ những căn cứ vừa dẫn, tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao mấy chục năm qua, hầu như trên các sách báo nghiên cứu văn học, không ai nhắc đến bà Cao Ngọc Anh.

Tôi rất mừng là bài báo chưa kịp đưa in thì đầu năm 1997 này, trong tập “Tuyển 1000 năm thơ tứ tuyệt Việt Nam” của Thái Doãn Hiểu - Hoàng Liên, có in hai bài thơ tứ tuyệt và sơ lược tiểu sử bà Cao (Thị) Ngọc Anh, do các tác giả được người cháu gọi bà CNA là cô ruột tặng tập thơ “Khuê sầu thi thảo”. Đồng thời, trong tập “Cụ Hoàng Nho Lâm” viết về Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (NXB Văn hóa Thông tin - 1997) có một giai thoại liên quan đến bà CNA như sau:

Hoàng giáp Đặng Văn Thụy là anh rể bà CNA. Sau khi chồng bà CNA qua đời, nhiều danh sĩ lúc bấy giờ muốn ngấp nghé, nhưng đều bị bà cự tuyệt. Thấy ông Hoàng thường nhắc chuyện này, một hôm bà Hoàng nguýt ông và nói: “Nếu ông bằng lòng, tôi sẽ nói với dì nó cho ông. Ông Hoàng trả lời ỡm ờ: “Cái đó thì tùy bà...” Trong xã hội ngày xưa, việc hai chị em chung chồng không phải là hiếm, nên bà Hoàng kể lại với em câu chuyện trên. Bà CNA mỉm cười, xin về suy nghĩ và sau đó, gửi cho ông anh rể (còn gọi là cụ Tế - vì Đặng Văn Thụy cùng giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám Huế) bài thơ như sau:

Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ
Phong tình quen thói lại lơ mơ
Rượu ngon uống hết không chừa cặn
Mít ngọt quen mùi đánh cả xơ
Duyên chị trước đà xe chỉ thắm
Tình em nay muốn chắp dâu tơ
Cho hay quân tử là thế thế
Chị cũng ưa mà em cũng ưa!

Chuyện vui mà bài thơ càng chứng tỏ tài thơ của bà CNA, xin dẫn ra để bạn đọc cùng biết. Dù sao hai tập sách kể trên cũng chỉ là công trình của cá nhân, nên việc xem lại vị trí của bà CNA trong làng thơ Việt Nam một cách “chính danh” vẫn là cần thiết. Chẳng lẽ vì tập “Khuê sầu thi thảo” in ở Sài Gòn khi thành phố còn bị giặc Pháp tạm chiếm nên giới nghiên cứu (nhất là ở miền Bắc) ít chú ý tới? Hay là vì đã tôn vinh bà Huyện Thanh Quan nên chẳng cần đến “bà Án” Ngọc Anh nữa? Thiết nghĩ, cho dù tài thơ “bà Án” không bằng bà Huyện, cũng không nên vì thế mà loại trừ nhau. Không phải vì đã có Vân Đài nên không cần nhắc đến Hằng Phương nữa. Nghệ thuật vốn đa dạng và phong phú. Vả chăng, số nhà thơ nữ thời kỳ mấy thập kỷ đầu thế kỷ này hình như chỉ đếm được trên các ngón tay, nên việc “xem lại” vị trí của bà Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam hẳn cũng đáng bàn.

Rất tiếc là tôi không có được tập “Khuê sầu thi thảo” trong tay để rộng đường bình luận. Tôi đã tìm đến hai người cháu gọi bà Cao Ngọc Anh bằng “cô”, hiện ở Huế, đến Thư viện Huế và Thư viện Trung ương Hà Nội, nhưng không đâu có tập “Khuê sầu thi thảo”. Tuy vậy, tôi tin là tập thơ vẫn còn được giữ lại trong một số tủ sách ở Thành phố Hồ Chí Minh nơi nó đã ra đời 44 năm trước; và hy vọng qua bài viết này, tập “Khuê sầu thi thảo” sẽ có ngày được giới thiệu với đông đảo bạn đọc cả nước.

N.K.P.
(TCSH99/05-1997)

--------------------
 * Lê Văn Miến, người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên - NXB Thuận Hóa, 1995.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)