PHONG LÊ
Tính chiến đấu và chất thép - đó là nét quán xuyến trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cố nhiên bao trùm cả hoạt động viết của Người.
Ta có thể xem bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi xếp vào gần cuối tập thơ Ngục trung nhật ký như là một tuyên ngôn:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là tuyên ngôn chung cho cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó hoạt động viết, được gắn vào như một bộ phận hữu cơ. Đó là một tuyên ngôn rộng, không chỉ cho thơ mà cho tất cả mọi hoạt động trên công cụ chữ nghĩa của bất cứ ai còn phải sống trong một xã hội chưa hết bất công, còn phải đấu tranh cho quyền lợi của những người bị áp bức.
Trở lại Nhật ký trong tù, tôi lại nghĩ, cái được xem và xứng đáng là tuyên ngôn có lẽ còn là ở hai bài đầu, một không có đầu đề, in ở bìa:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao
Và hai là bài Khai quyển, với câu mở:
Ngâm thơ ta vốn không ham…
Tất cả những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Nhật ký trong tù, theo sự cảm nhận và phân tích của chúng ta có thể có một ý nghĩa chiến đấu, tiến công, tích cực. Nhưng riêng về tác giả, người làm ra nó, tôi lại nghĩ không phải nhất nhất và toàn bộ đều tuân theo cái định hướng ấy. Ở đây, trên nhiều bài, lắm khi đơn giản chỉ là sự ghi lại một cảnh huống, một tâm trạng, một xúc cảm, trong dạng một nhật ký-thơ hoặc thơ-nhật ký, theo một cách hiểu và cảm nhận thông thường. Không nhằm vào bất cứ định hướng nào của ý chí, của nghị lực, của niềm tin mà chỉ là trạng huống tự nhiên của cảm xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với hồn thơ, hay chính vì vậy mà có chất thơ thật sự.
Chất thơ trong tư thế của con người gắn hòa với thế giới người, càng là người cùng khổ bất hạnh càng nhận được sự chia sẻ nhiều hơn, từ người “phu làm đường” đến “cháu bé trong ngục Tân Dương”, rồi “người bạn tù thổi sáo”; cho đến cả “người bạn tù cờ bạc” vừa mới chết:
Thân anh da bọc lấy xương
Khổ đau, đói rét, hết phương sống rồi…
Chất thơ gắn bó không chỉ với nhân quần, với đồng loại, mà cả với thế giới rộng lớn chung quanh: một mùi hương, một tiếng chim, một nhành hoa, một bếp lửa, một ánh trăng - nhất là trăng, cho đến cả bầu trời, cả không gian, vũ trụ:
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Chất thơ, tưởng như “siêu thoát”, không chút gắn bó, không có mối quan hệ gì với cảnh ngộ cực kỳ gian khổ và bi thảm của người tù, trong Giải đi sớm, Cảnh đồng nội, Cảnh chiều hôm, Trên đường. Và chất thơ đến từ những sự thật trần trụi, không “thơ” chút nào: chiếc răng rụng, cây gậy, cảnh chia nước, cảnh ngồi trên hố xí và cảnh cơm tù…
Chất thơ lồ lộ, tràn đầy trong những cảnh trăng, ngay cả trăng trong đêm lạnh, với “gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an”; và chất thơ kín đáo, phải tinh ý lắm mới bắt được như trong chuyện cháo hoa, muối trắng ở một quán nhỏ bên đường…
Là người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có định hướng rất rõ và triệt để cho toàn bộ hoạt động của mình, và nhiều bài trong Nhật ký trong tù đã giúp ta nhận diện con người cách mạng ấy, như Học đánh cờ, Đi đường, Tự khuyên mình… Nhưng bên cạnh đó vẫn có một con người khác; khác, chứ không phải đối lập hoặc xung khắc với con người cách mạng trên; khác - như một sự bổ sung thêm. Và tôi nghĩ chính sự bổ sung hồn nhiên tư chất nghệ sĩ này mà Nhật ký trong tù đã có một đóng góp độc đáo, cho ta thấy nổi lên những khía cạnh mới hay nói đúng hơn, một cách toàn diện con người Chủ tịch Hồ Chí Minh; cho ta thấy một Hồ Chí Minh - nhà thơ - nghệ sĩ, mà như chính tác giả nói sau này, dẫu là bất đắc dĩ, nhưng quả đã có lúc hiện diện, ngay trong hoàn cảnh tù đày. Quả là vậy. Nếu cần tìm đến chất thép, khả năng chính luận, bút pháp sắc sảo, hiện đại, hãy tìm đến Bản án chế độ thực dân Pháp và các tiểu luận Nguyễn Ái Quốc viết vào những năm 1920 ở Paris. Nếu cần tìm đến một tiếng nói trang trọng, thiêng liêng, nhân danh dân tộc và lịch sử, hãy tìm đến Tuyên ngôn độc lập, và các Thư kêu gọi, các Lời hiệu triệu… Nếu cần lời ăn tiếng nói giản dị, đại chúng của một con người có nhu cầu đến trực tiếp với mọi người, chan hòa với nhân quần, không chịu bất cứ mọi rào ngăn nào của vị trí, của tư thế, của quyền uy, của đạo cao đức trọng… hãy tìm đến tất cả những trang văn, thơ, thư bằng chữ Việt gửi các giới đồng bào. Nhưng nếu muốn tìm đến chất thơ, đến một tâm hồn nghệ sĩ đích thực hãy tìm đến Nhật ký trong tù trong toàn bộ, trong tổng thể các biểu hiện của tâm hồn, của tính cách, của nhân cách, của phẩm chất Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những bài dường như tác giả chỉ viết cho mình rồi tác giả đã quên đi. Đó là những bài tác giả đã cho phép thả mình trong một trạng thái hết sức vô tư; những bài có lúc là biểu hiện của chất thép, nhưng cũng có lúc không đến trực tiếp từ yêu cầu chất thép, nhưng đã là sự bổ sung tuyệt đẹp cho chất thép, và đó là chất thơ, chất thơ thật sự.
Trở lại giá trị Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu quan niệm tập thơ là một chỉnh thể nghệ thuật thì sự gắn nối cơ bản là ở chỗ con người cách mạng Hồ Chí Minh ở đây, hơn bất cứ tác phẩm nào khác, đã tìm được sự hiện thân, sự hóa thân trong một nhân vật trữ tình, dồi dào phẩm chất nghệ sĩ. Nhà cách mạng trong hoàn cảnh không còn đất cho sự hoạt động đã chuyển sang hoạt động của nhân vật trữ tình. Chính trong nhân vật trữ tình không chỉ phẩm chất cách mạng mà toàn bộ phẩm chất người ở trạng thái hồn nhiên, trọn vẹn của nó đã làm tôn lên và hài hòa với phẩm chất cách mạng.
*
Con người bẩm sinh là nghệ sĩ - câu nói ấy thật đúng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả khi tác giả không có ý định làm nghệ sĩ.
Con người bẩm sinh là nghệ sĩ. Nhưng suốt trường kỳ lịch sử, cho đến nay, những vật lộn trong sinh tồn, vì miếng cơm manh áo cho mỗi người, hoặc vì độc lập tự do cho cả một dân tộc… đã làm hao mòn hoặc hủy hoại biết bao khả năng và ham muốn ấy. Muốn có một hoàn cảnh nhân đạo phải nhân đạo hóa hoàn cảnh. Nhưng đáng buồn thay, cho đến nay, cuộc chiến cho một hoàn cảnh thực sự có tính nhân đạo, đối với toàn thể nhân loại còn là một câu hỏi lớn.
Nhưng con người trong hành trình theo đuổi mục tiêu đầy gian khổ và hy sinh, lại đã tìm được sự bù đắp ở bẩm sinh nghệ sĩ của mình. Và với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có một tấm gương thật kiểu mẫu. Ba mươi năm xa đất nước, trong thân phận một người dân nô lệ, “hai lần bị bắt, hai lần bị án tử hình, hai lần có tin chết” (theo Trần Dân Tiên) phải thay tên đổi họ đến hàng trăm lần, chúng ta có còn quá ít tư liệu về Người. Do vậy mà tất cả những gì tìm được và lưu lại về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh càng đáng quý. Từ những giả định đặt ra như vậy, càng thấy rõ đã và rồi sẽ còn biết bao nhiêu thơ ca, hồi ký, truyện kể, hoặc kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tất cả vẫn không thể thay được giá trị của tập thơ. Nhật ký trong tù do vậy, có một giá trị đặc biệt, trong cuộc đời hoạt động và trên hành trình thơ văn của tác giả.
*
Sau ngót 14 tháng trời bị đày ải, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được trả lại tự do; và phải hơn một năm nữa, Người mới về tới quê hương. Giữa biết bao công việc bận rộn, căng thẳng để chuẩn bị cho thời cơ giải phóng “chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa”1 khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “quên” tập thơ. Cùng với công tác lãnh đạo, tổ chức, tuyên truyền cách mạng, tác giả vẫn tiếp tục viết, nhưng là viết các chỉ thị, viết Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, và tiếp đó, bắt tay soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.
Như vậy Nhật ký trong tù có tuổi thọ ngót 14 tháng, rồi lại tiếp tục cuộc sống im lặng của nó, vì chắc tác giả của hàng trăm bài thơ kia không hề nghĩ đó là áng văn cần đưa đến cho mọi người; và vì, như tác giả nói, trong một vài dịp sau này, đó là một cách để “tiêu khiển”, hoặc “giết thời gian”.
Một tập thơ dường như ngẫu nhiên mà ra đời, rồi ngẫu nhiên bị quên; thế mà gần 20 năm sau, năm 1960, khi Viện Văn học tổ chức việc dịch và ấn hành, lại gây một sự kiện vang dội. Biết bao người, trong đó có không ít nhà văn hóa lớn, hoặc nghệ sĩ tên tuổi ở trong nước và trên thế giới đã nói về giá trị lớn của tập thơ. Nhật ký trong tù phải chăng có thể xem là một khúc sông lặng trước lúc đổ ra đại dương. Một khúc lặng, có xoáy ngầm, nhưng trong suốt tận đáy, để cho ta soi mà nhận ra chân dung một con người, và qua con người đó, mà nhận ra gương mặt dân tộc. Để thấy, như một bạn thơ nước ngoài, với Nhật ký trong tù “không có tầm cao nào mà con người không vươn tới nổi”2. Ba mươi năm Chủ tịch Hồ Chí Minh xa đất nước, trong thân phận đại diện cho một dân tộc còn bị chế độ thực dân cai trị, áp bức, và trong những gian lao mà người cách mạng phải nếm trải, phải thay tên đổi họ hàng trăm lần. Ở tất cả các bài báo, thư từ, tiểu phẩm… tác giả không hề có ý nghĩ làm văn chương; càng không có chủ định miêu tả hoặc tự họa… Thế mà rồi có lúc tác giả đã làm việc đó một cách không có chủ định, không có chuẩn bị. Tác giả đã làm thơ, và từ những bài thơ với chất thơ đích thực, soi tỏ và phản chiếu trung thành tâm hồn và phẩm cách con người, chúng ta và lớp lớp các thế hệ bạn đọc lại có thêm bao điều để cảm kích, để nghĩ suy, để ngạc nhiên, và xúc động…
P.L
(TCSH411/05-2023)
----------------------
1 Kính cáo đồng bào (6/6/1941): Hồ Chí Minh - Tuyển tập. Tập I. Nxb. Sự thật; H; 1980; tr.323.
2 Phêlích Pita Rôdrighết: Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, tr.545.