Tác giả-tác phẩm
Nguyễn Khắc Thứ không chỉ có “Trận Thanh Hương”
14:31 | 21/06/2023

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Nhân Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ vừa được xuất bản)

Nguyễn Khắc Thứ không chỉ có “Trận Thanh Hương”

Nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ (1921 - 1990) là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, quê quán thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 6/9/1990 tại Quảng Bình. Ông từng sớm có thành tựu, được tặng Giải thưởng cao quý cùng với các tên tuổi lừng danh như Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm… với ký sự Trận Thanh Hương (cùng hạng giải nhì Giải thưởng Văn nghệ toàn quốc 1951 - 1952 với tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi; tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm đoạt giải Nhất). Có thể nói ông là một nhân vật thể hiện rõ nhất sự gắn kết dải đất Bình TrịThiên không chỉ những năm khói lửa. Nhưng số phận ông không may mắn, lắm chặng thăng trầm nên nhiều thập kỷ qua, gần như bị quên lãng! Kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Nxb. Hội Nhà văn, 2020) chỉ vắn tắt chưa đầy nửa trang.

Thật may là với công phu tuyển chọn của nhà văn Châu La Việt, được Nxb. Văn học hỗ trợ, Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ vừa phát hành cuối năm 2022 trong kế hoạch “Sách Nhà nước đặt hàng”; sách in bìa cứng trang trọng, dày 700 trang, gồm đủ các tác phẩm đã xuất bản từ 1966 về trước: Trận Thanh Hương (truyện ký, 1955); Đất chuyển (tiểu thuyết, 1958) và 3 truyện: Bản án tử hình, Phá kho bom Tân Sơn Nhất, Hẹn hò (1966).

Như vậy, hoạt động sáng tác của ông được công bố cuối cùng đến nay đã 57 năm và 33 năm qua, ông nằm lại lặng lẽ tại một làng quê khá hẻo lánh ở Quảng Bình mà nhiều nhà văn ở Bình Trị Thiên cũng không biết! Có thể một phần do hoàn cảnh đặc biệt của ông: Sáng tác nổi tiếng nhất viết về Thừa Thiên Huế, gần chục năm - sau khi nghỉ hưu, từ Hà Nội, ông về sống ẩn dật ở Huế; nhưng quê ông lại ở Quảng Trị và cuối đời lại theo con về yên nghỉ tại Quảng Bình. Hơn thế, lúc ông mất, Bình Trị Thiên vừa chia tách thành 3 tỉnh, mọi cơ quan cho đến rất nhiều gia đình đều phải lo sắp xếp ổn định công tác, lo chỗ ăn ở mới, nên chuyện một nhà văn vốn đã lặng lẽ, lại qua đời tại một làng quê hẻo lánh xa quốc lộ rất ít người biết đến!

*

Trận Thanh Hương trước khi thành văn tự đã nổi tiếng khắp cả nước. Trong lịch sử 9 năm chống Pháp trên dải đất “Bình Trị Thiên khói lửa”, trận Thanh Hương (tháng 3/1951) là thắng lợi vang dội nhất, các trung đoàn chủ lực của Bình Trị Thiên (trung đoàn 95 và 101) lần đầu thực hiện “vận động chiến” quy mô lớn và đánh địch giữa ban ngày. Một nhà văn 30 tuổi, lúc chưa có “hội đoàn” gì, vì tình yêu Tổ quốc đã xông pha bom đạn để ghi lại chiến công và sự hy sinh không kể xiết của bộ đội và nhân dân. Trong bài viết “Từ trang báo Vệ Quốc quân đầu tiên đến ký sự Trận Thanh Hương” in trong sách Chiến trường, sống và viết (Nxb. Tác phẩm mới, 1984), nhà văn Nguyễn Khắc Thứ cho biết, trận Thanh Hương diễn ra sau lụt lịch sử, lúc “quân dân Bình Trị Thiên đang giữa một cơn đói hết sức ác liệt […] Tôi được may mắn tham dự trận Thanh Hương từ đầu đến cuối với nhiệm vụ nhà báo, tôi định viết bài. Nhưng tôi thấy rằng với khuôn khổ một tờ báo không thể nói hết được chiến thắng lẫy lừng đó. Tôi viết thành ký sự: ký sự Trận Thanh Hương. Cuốn sách đó cũng như các tờ báo trước đây, chúng tôi đều gửi ra Hội Văn nghệ và các báo trung ương để báo cáo và trao đổi. Ít lâu sau, tôi được các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu gửi thư vào khích lệ […] Thế rồi một hôm, đồng chí Phạm Như Cương, Trưởng Phòng Chính trị đến tìm tôi, tay cầm tờ báo…”. Đó là số báo Nhân Dân đăng tin Trận Thanh Hương đạt Giải Nhì Giải thưởng Văn nghệ toàn quốc 1951-1952.

Chuyện giải thưởng văn nghệ danh giá nhất nước “ngày xưa” vui, hồn nhiên như thế đó! Đã đành, thời đó, đề tài phản ánh một chiến thắng vang dội như trận Thanh Hương thuộc loại dễ có thêm “điểm cộng”; nhưng bút lực phải thế nào mới được xếp cùng hàng với một tên tuổi như Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Khắc Thứ lúc đó tròn 30 tuổi, là nhà báo địa phương chưa mấy ai biết đến, nên không có điều kiện gần gũi Bộ Chỉ huy, cũng chẳng có xe cộ đón đi các chiến dịch lớn như các nhà văn sau này mà chỉ có đôi chân chạy bộ như các chiến sĩ. Và chính nhờ thế, ký sự Trận Thanh Hương được thể hiện từ góc độ trực tiếp như người trong cuộc. Dưới đây là một đoạn tả cảnh huyết chiến giành đồi Vĩnh Xương:

…Dưới chân đồi một trăm giặc lao lên, súng máy ta quạt xuống. Súng trường vun vút. Trọng liên, trung liên địch tạt lên, giặc xông ào ạt. Lớp đầu gục xuống, lớp sau nhảy lên… Một tổ đã bị thương. Vài đồng chí tử trận. Tiểu đội trưởng trườn đến, quỳ bên xác bạn còn nóng hổi, bắn. Xác giặc mỗi lúc một nhiều, chất đống ngổn ngang… Tay mấy anh đội viên đã thành một cái máy. Lấy đạn, lắp đạn, bóp cò… Mặt bình thản, lầm lì. Không cười. Không nói. Mắt đỏ ngầu. Mặt mũi, áo quần vàng khè thuốc súng. Hai đồng chí gục xuống nữa…”.

Trận chiến sáng 12/3/1951, khi kẻ địch bắt đầu rút khỏi Thanh Hương được tác giả miêu tả:

“…Thông hiệu viên Hoàng Lộc nhảy lên bờ thành, đứng chạng háng chân. Hoa kèn một vòng: te, te, te…

Đại 123, trong kéo ra, đại 5, đại 13, đại 40, đại 125 phía đông ập đến. Rợp đường rợp sá bóng lính ngụy trang. Cây mọc giữa đường, cây mọc trên bờ ruộng. Giữa lúa giặc đen ngòm.

Moóc-chi-ê, moóc-ta, phóng bom rúlên, dựng từng cột khói đen đặc giữa ruộng.

Chúng tán loạn như một lũ điên cuồng giữa ruộng. Thằng đen thằng trắng cao lênh nghênh, béo ụt ịt, lạch đà lạch đạch đến quáng mắt…”.

Tác giả cũng miêu tả sinh động cảnh các chị các mẹ nấu cơm nước tiếp tế cho bộ đội: “Các eng ăn tạm. Gấp quá khôông kịp mần thức ăn, chỉ có muối”; và dù căm thù địch đã tàn sát đồng bào mấy năm qua, nhưng vẫn biết can ngăn khi có người đánh tù binh. “Tau sợ Cụ Hồ la, và lại nể đồng chí ni chớ không tau đập bể xác mi ra…”

Ký sự Trận Thanh Hương cũng như hầu hết những tác phẩm viết trong dòng chảy cách mạng từ 5 - 7 thập kỷ trước (như Xung kích, Ký sự Cao Lạng…) có giá trị không thể phủ nhận là đã phản ảnh hiện thực ở mặt chủ yếu nhất của một thời đoạn lịch sử chống ngoại xâm quan trọng của dân tộc, ghi nhận sự gắn bó của văn nghệ sĩvới quần chúng trong cuộc đấu tranh gian khổ. Mặt khác, ngày nay đọc lại, điều dễ thấy (và cũng là điều “tất nhiên”) là những tác phẩm đó chưa có đổi mới về nghệ thuật, cách nhìn nhận cuộc sống có khi còn một chiều…

Sau ký sự Trận Thanh Hương, trong bài viết đã dẫn, Nguyễn Khắc Thứ cho biết ông được quân đội cho đi tham gia ba đợt “Cải cách ruộng đất”; từ thực tế đó, ông viết tiểu thuyết Đất chuyển (Nxb. Văn nghệ, 1955) dày gần 300 trang. Trong Tuyển tập vừa xuất bản, còn có truyện vừa Hẹn hò, cũng đề tài “cải cách”, dày gần 60 trang, viết tháng 7/1955. Tiểu thuyết Phá kho bom Tân Sơn Nhất (có phụ chú: “Truyện anh hùng trinh sát đặc công Lê Văn Thọ” - Huân chương Quân công hạng Ba) dày gần 200 trang (Nxb. Thanh Niên, 1956) và tiểu thuyết Bản án tử hình (với phụ chú “Tiểu thuyết mạo hiểm”) dày gần 150 trang (Nxb. Thanh niên, 1958) cùng với truyện Ma hiện hồn dày trên 30 trang. Các tác phẩm này, tác giả đã mạnh dạn sử dụng thủ pháp “hư cấu”, nhưng khó tránh khỏi hạn chế nêu trên; mặc dù tiểu thuyết Đất chuyển, “chỉ mấy tháng sau khi được xuất bản ở Việt Nam, đã được một nhà văn Trung Quốc dịch sang Hoa văn với tên gọi Thổ địa hồi gia Bản án tử hình, được nhiều nước Đông Âu đăng lại trên các báo văn học, sau khi họ nhờ anh dịch ra tiếng Pháp làm cứ liệu trung gian.” (Dẫn theo bài “Kỷ niệm về nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ” của ông Trương Quang Đệ in đầu cuốn Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ).

Hai tác phẩm Bản án tử hình Ma hiện hồn đều dựa trên sự kiện có thật ở Huế trong thời kỳ chống Pháp, nhưng tác giả chỉ nghe kể lại, nên dùng thủ pháp hư cấu “tiểu thuyết hóa”. Truyện Ma hiện hồn là chiến công của các chiến sĩ đột nhập Bệnh viện Huế, được một bác sĩ và cô y tá hỗ trợ lấy được bộ đồ mổ quý giá; sau đó, hai người bị trói lại để khỏi bị quy tội đồng lõa với Việt Minh; rồi lập mưu đưa bộ đồ mổ ra khỏi bệnh viện đem lên chiến khu bằng cách cho vào quan tài như đưa một xác chết. Bản án tử hình kết cấu đa dạng hơn, tuy sự thật chủ yếu mà tác giả lấy làm tên tiểu thuyết cũng là một chiến công của các chiến sĩ an ninh lợi dụng một hàng binh Âu Phi để lọt vào cơ quan địch giết tên tay sai nhiều tội. Các báo Đông Âu thời đó thích đăng lại tiểu thuyết này có lẽ một phần do mối tình khá hấp dẫn giữa người hàng binh và một cô gái Huế xinh đẹp trong quá trình thực hiện vụ án… Chỉ tiếc một chi tiết là tác giả đã tiểu thuyết hóa một sự kiện có thật, nhưng lại dùng tên thật của kẻ bị kết án, nhưng sau này, đã có tài liệu chứng minh, kẻ đáng bị xử bắn lại là một người khác! Người hàng binh Âu Phi nào có biết phân biệt ai với ai! Tác phẩm văn học không vì thế giảm giá trị, nhưng nói thêm để chúng ta cùng nhớ là sự thật của cuộc đời - nhất là trong chiến tranh và cách mạng khốc liệt - không dễ đi đến tận cùng.

*

Bên cạnh những tác phẩm nói trên, Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ vừa xuất bản còn có một chùm bài như là “Phụ lục” đã cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết, sự kiện về cuộc đời thăng trầm của nhà văn, giúp bạn đọc hôm nay có được chân dung khá toàn vẹn của một số phận không may mắn và biết thêm ông còn có đóng góp không nhỏ cho hoạt động báo chí thời chống Pháp ở chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”.

Bài viết đã dẫn của ông Trương Quang Đệ được đặt đầu cuốn sách không chỉ vì ông là một trí thức nổi tiếng - một chuyên gia Pháp ngữ (ông từng là Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Huế, tác giả nhiều sách giáo khoa về tiếng Pháp…) mà còn vì thân phụ ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đầu tiên của Quảng Trị, bà nội ông là bà ngoại của Nguyễn Khắc Thứ và sau này ông có dịp gặp nhà văn nhiều lần, nên những thông tin của ông là đáng tin cậy. Ông cho biết “từ thời còn là học sinh, Nguyễn Khắc Thứ đã say mê văn chương và đã sáng tác nhiều truyện dài, truyện ngắn, thơ ca. Khoảng năm 1948, khi giặc càn về quê nhà, gia đình anh phải buồn bã đem toàn bộ sách vở ra đốt, trong đó chúng tôi phát hiện nhiều bản thảo truyện ngắn và thơ ca của anh được viết tay nắn nót hoặc đánh máy […]. Anh lên chiến khu Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị và công tác tại Ban Di cư, tản cư của Tỉnh. Khoảng năm 1949, anh ra công tác tại Nghệ Tĩnh thuộc vùng tự do, kết hợp với một việc riêng cũng không kém phần quan trọng là đưa người em con dì, sau này là Nghệ sỹ ưu tú Tân Nhân, ra vùng tự do…”. Lúc đó, Tân Nhân đang là nữ sinh Đồng Khánh, hoạt động nội thành bị lộ…

Sau truyện Hẹn hò in năm 1966, Nguyễn Khắc Thứ không công bố thêm tác phẩm nào nữa, nhưng ông Đệ cho biết: “anh còn lặng lẽ viết bộ truyện dài mang tên “Khói lửa”. Khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, bộ truyện đã viết xong, nhưng anh chưa đặt vấn đề xuất bản vì muốn tác phẩm phải hoàn toàn chân thực và mang sắc thái nghệ thuật thật sự…”.

Trong lúc trò chuyện với tôi, ông Đệ “tiết lộ” Nguyễn Khắc Thứ còn có truyện Một chiều cuối thu mà ông đã được đọc tại nhà số 1 Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), rất hay, nhưng nay thất lạc. Do đó, ông viết: “Những gì sót lại của Nguyễn Khắc Thứ chỉ là phần nổi của tảng băng khá lớn. Phần chìm của tảng băng có nguy cơ không bao giờ được biết đến nữa!...”. Thật là xót xa!

Có thể nói như thế vì những năm cuối đời, lúc sống ẩn dật ở Huế, một mặt Nguyễn Khắc Thứ vẫn là nhà văn cách mạng kiên trung được các nhà chỉ huy quân đội tin cậy nhờ viết giúp hồi ký (như đã viết giúp Hồi ký của tướng Trần Quý Hai), mặt khác, ông không ngừng trăn trở về mặt sáng tạo nghệ thuật, muốn vượt lên chính mình. Thật tiếc là ông không có điều kiện thuận lợi để đi tiếp con đường đó, công bố tác phẩm mới như các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải sau này.

Ba người bạn chí thiết làm báo Vệ Quốc quân trên chiến khu Hòa Mỹ - Từ trái qua: Văn Tôn, Nguyễn Khắc Thứ, Trần Quốc Tiến.(Ảnh do nhà thơ Hải Trung cung cấp)



Trong chùm bài như là “Phụ lục” cuốn sách, bài “Từ trang báo Vệ Quốc quân đầu tiên đến ký sự Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ đã dẫn ở trên, cho bạn đọc biết ông là một trong số ít người có công xây dựng tờ báo của lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên với tên gọi Vệ Quốc quân. Tác giả cho biết, sau 1946, giặc Pháp lấn chiếm khắp nơi, “Bình Trị Thiên có 3 trung đoàn: 101 ở Thừa Thiên, 95 ở Quảng Trị, 18 ở Quảng Bình. Chỉ có trung đoàn 95 có một tờ báo “Người lính”. Đó là hai trang giấy học trò, in bằng li-tô…”. Từ 1949 -1950, lập Bộ Chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên và Nguyễn Khắc Thứ cùng Trần Thanh Tâm, Trần Doãn Ty được Quân khu 4 điều vào làm báo Vệ Quốc quân. Thật khó kể hết gian nan và niềm vui khi có số báo đầu tiên làm trong chiến khu Hòa Mỹ, in 16 trang như báo Văn Nghệ hiện nay, bìa 3 màu do Trần Quốc Tiến vẽ, thơ có bài của Văn Tôn (tức Hải Bằng); Nguyễn Khắc Thứ thì phải viết ngay một truyện ngắn… Phải mất 4 ngày đường rừng, Nguyễn Khắc Thứ cùng Quốc Tiến mới đến được chỗ in báo. Báo in 500 bản. “Báo in xong. Chúng tôi mang đi phân phát ngay… Những chuyến phát báo này cũng khá nguy hiểm. Có lần chúng tôi muốn vượt qua đường quốc lộ, nhưng ba đêm liền bị phục kích…” Rồi phải tìm cách vượt ban ngày, “bó báo giữa hai bó củi, rồi áo nâu, nón lá, quần xắn đến háng, gánh củi đi qua trước lô cốt giặc… Phân phát xong cho các đơn vị dọc đường rồi mới đem về Bộ Chỉ huy và gửi đi xa… ”

Trong chùm bài cuối sách này, bài “Rước ông về An Cư” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (1934 - 2014) viết từ tháng 10/2000, bên cạnh chuyện đời riêng của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ mà nhiều người chưa biết, cũng có rất nhiều kỷ niệm vui trong những ngày kháng chiến vô cùng gian khổ. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người bám chiến trường Trị Thiên lâu dài, từng được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Vậy mà anh tôn vinh Nguyễn Khắc Thứ “là ông đồ cho chữ và tôi là môn sinh lẽo đẽo theo thầy”. Đó là những ngày đầu, anh gặp Nguyễn Khắc Thứ tại Đội Tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 103 Hà Tĩnh khi mặt trận Huế vỡ. Còn sau này, khi vào Quảng Trị, Thừa Thiên trong đội kịch do nhà viết kịch Bửu Tiến dẫn đầu, anh “hay sang thăm anh Thứ. Ở đó tôi gặp Trần Quốc Tiến và Vĩnh Tôn. Hai anh này, người vẽ, người làm thơ. Chụm ba người lại làm một cơ quan tuyên huấn. Một tờ báo in đá, một trung tâm văn nghệ và trên hết là một tổ ba người. Họ kết nghĩa dưới rừng lồ ô Hòa Mỹ như ba nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa kết tình huynh đệ dưới vườn đào. Tính nết họ khác nhau và anh Nguyễn Khắc Thứ luôn trong vai trò Lưu Bị […] Sau này mới thấy có trường Mỹ thuật, có trường viết văn Nguyễn Du. Ở anh Nguyễn Khắc Thứ, Trần Quốc Tiến và Vĩnh Tôn (sau này là Hải Bằng) là họ tự đào tạo ra tài năng của họ… Tôi mê họ, và suốt đời không giấu diếm điều này…”.

Bài của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn một đoạn quan trọng tiết lộ “chuyện riêng tư” rất buồn của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ; nhưng để sau; đang mạch kỷ niệm về ba người kết nghĩa trong chiến khu mà. Cũng vẫn Phạm Ngọc Cảnh, nhưng với bút danh Vũ Ngàn Chi, trong bài viết “Mùa bắp ở Ba Lòng” viết cuối năm 1999, lại nhắc đến ba văn nghệ sĩ làm báo Vệ Quốc Quân mà lần này anh gọi là “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, là “ba ngôi” đáng “ao ước và kính nể”: “Ba chàng lãng tử này cũng là ba con chim núi can trường. Lâu lâu, cả ba người lại rủ nhau đi, khi vượt sông, leo dốc sang Cùa. Khi xuôi sông để từ bến Trấm mà xuôi nữa.” Và tác giả nhớ lại năm 1973, gặp lại Trần Quốc Tiến ở Đông Hà:

… Trần Quốc Tiến chỉ chưa nhúng cây cọ mà vẽ lên cát Cửa Việt những bức tranh hoành tráng. Trần Quốc Tiến vẽ tranh phụ nữ Quảng Trị nhiều hơn số phụ nữ của quê anh vừa giải phóng. Đến nỗi có lần anh Lương An với tư cách người lãnh đạo đã nhắc khéo: -“Răng mà toàn phụ nữ rứa? Không có chi để mi vẽ nữa à!” Trần Quốc Tiến cười: “Thế tại sao anh không viết “Đò ông lên xuống Ba Lòng, mà mấy chục năm ni vẫn cứ là Đò em… đò em!”… Bức sơn dầu của anh mà tôi được ngắm nhìn lâu nhất, kỹ nhất là người phụ nữ tựa vào cửa sổ. Người phụ nữ cầm dưới tầm mắt một cuốn sách. Chắc là cuốn “Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ. Anh Thứ mang theo cuộc đời sóng gió, ẩn dật, bi thương của mình. Anh sống với người trong tranh. Sống với người tình trắc ẩn…”.

Thế đó, định chưa kể, mà đời riêng bi thương của nhà văn đã lại lấp ló hiện ra. Xin được tiếp tục khung cảnh văn nghệ mặt trận Bình Trị Thiên một thuở. Đây là ký ức của anh Lê Trọng Sâm, nguyên là Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Thuận Hóa, trong bài viết “Trại Văn nghệ Cùa năm ấy” in cuối “Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ”. Tác giả nhắc lại thời nhiều văn nghệ sĩ Liên khu 4 về với mặt trận Bình Trị Thiên như Lưu Trọng Lư, Phạm Duy, Đình Quang, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Hồng Chương… Dự Trại văn nghệ Cùa còn có Thanh Hải, Lương An, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Dương Tường, Hồ Vi… và tất nhiên có “Ba chàng Ngự lâm”. Thật là quá vui, nhưng cũng có chuyện buồn - đúng hơn là… buồn cười - khi tiếp theo hai giờ thuyết trình của nhà thơ Chế Lan Viên “đầy xúc cảm và nhiều hình tượng… lời nói sắc sảo, bàn tay, cái nhìn cương nghị… phải xác định dứt khoát chỗ đứng, lập trường sáng tác, không mập mờ địch ta, không mềm yếu bi lụy…”, đến phần thảo luận, có hai bài thơ và một câu hò địch vận được đem ra mổ xẻ. Đó là bài thơ Qua Bố Trạch của Xuân Hoàng ca ngợi một vùng đất gian lao mà anh dũng, nhưng hai câu cuối: “Chạy súng trung châu, chiều ghi vào nhật ký/ Đời tươi như nắng ở lòng em…” bị phê phán “mang phong vị tiểu tư sản: giặc đánh cho tơi bời, lại còn ghi nhật ký. Và sao trong gian khổ vậy mà đời tươi như nắng được. Xem ra là ấu trĩ một thời. Bài thơ thứ hai là bài “Em nữ cứu thương người Pháp” của Văn Tôn lúc đó và Hải Bằng sau này… Tại sao lại đi ca ngợi một người Pháp và đôi đoạn còn tỏ ra ủy mị, yếu ớt. Cũng oan đấy chứ.”

*

Việc phê phán hai bài thơ mà anh Lê Trọng Sâm nhắc lại cũng đã qua hơn nửa thế kỷ như chuyện riêng tư của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ đã được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tiết lộ trong bài đã dẫn. Cũng xin nói ngay đây một điều có chút “riêng tư”. Tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, trên văn tự cùng họ, nhưng không/chưa tìm ra mối liên hệ bà con; nói vui là có bà con nhưng “bắn đại bác không tới”. Tuy vậy, tôi lại có “duyên” quen biết với Châu La Việt và thầy Trương Quang Đệ, và khi biết nhà văn Nguyễn Khắc Thứ gần 10 năm cuối đời sống ẩn dật ở Huế, rồi phần mộ ông lại ở ngay làng quê Quảng Ninh (Quảng Bình) gần với quê vợ tôi; vậy mà hầu như lâu nay, tôi không biết gì! Và nhiều văn nghệ sĩ nữa ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị cũng không biết! Cũng như Phạm Ngọc Cảnh đã viết cuối bài “Mùa bắp ở Ba Lòng”, thú nhận: “mình như một người hối lỗi, tôi chắp nối bao người, việc của một thời chưa xa. Tôi thắp hương ngày Rằm, mồng Một và khấn vái anh Nguyễn Khắc Thứ, Vĩnh Tôn và bao người cho tôi được kể lại…”; sau khi biết Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ ra đời, tôi cảm thấy mình cũng như có lỗi, có trách nhiệm với những người đồng nghiệp lớp trước, đã cùng sống chết trên dải đất “Bình Trị Thiên khói lửa”, vội “chắp nối với bao người” để góp phần làm rõ hơn không chỉ số phận một con người… Phải! Một nhà văn từng sáng danh cùng với Nguyễn Đình Thi mà bị lãng quên như thế thì còn biết bao số phận cùng làm nên lịch sử, đã bị lãng quên.

Xin trở lại bài viết của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Tác giả cho biết, sau Hiệp nghị Genève, khi Sư đoàn 325 (được thành lập từ 3 trung đoàn của Bình Trị Thiên) ra tập kết ở Quảng Bình, Nguyễn Khắc Thứ được triệu tập ra Hà Nội viết về các anh hùng. “Anh muốn lập một phòng văn thật sự. Anh muốn thử sức mình…”. Anh thuê một căn phòng nhỏ gần hồ Thiền Quang, say mê viết, lâu lâu đạp xe về Quảng Bình thăm vợ con. Như vậy, các tác phẩm Phá kho bom Tân Sơn Nhất, Bản án tử hình Ma hiện hồn đã được viết trong giai đoạn này. Nhưng… (sự đời vẫn thường có chữ “nhưng”!), “các cô cậu học trò cấp 3, mon men đến tìm văn, tìm người […] cô học trò đến với anh Thứ - sau này hình như cũng là nhà văn - bằng tất cả độ say đắm qua lại. […] Điều gì sẽ xảy ra đã xảy ra với họ. Một nhà văn và một cô học trò mê văn. Điều gì đó giá xảy ra vào thời cởi mở mà ta đang sống hôm nay chắc sẽ có hồi kết êm hòa…”.

Thế là Nguyễn Khắc Thứ gần như “mất hết”! Ông bị triệu về Sư đoàn 325, rồi phải lên nông trường An Khánh; “tiếp theo sau này là làm việc ở kho sách của Thư viện quân đội, chắc anh Thứ đã sống nhiều năm đơn côi, lặng lẽ. Một tâm thức não nề với một con mèo đen, một cây đèn bão giữa hàng vạn cuốn sách…”! Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã viết: “Tôi chẳng bênh cho khuyết điểm của anh Thứ…”; nhưng chúng ta từng biết nhà thơ-đại quan Nguyễn Công Trứ có 7 vợ mà vẫn được tôn vinh là danh nhân đất nước! Và trong sách chuyên đề “Viết & Đọc” mùa Xuân 2023 sang trọng của Hội Nhà văn có bài về nhà văn nổi tiếng thế giới E.M.Hemingway (1899 - 1961) không chỉ vì ông đoạt giải Nobel với các tác phẩm lừng danh Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả… mà còn là người hùng trong nhiều cuộc chiến tranh, và xứng danh “người hùng” vì ông có đến 4 người vợ chính thức và rất nhiều người tình nữa! (Và nếu tôi không nhầm thì bạn đọc có thể dễ dàng “điểm danh” không ít tên tuổi nổi tiếng - trong đó có văn nghệ sĩ thời Việt Nam hiện đại có “Tập 2”, “Tập 3” vẫn được tung hô và nhận giải thưởng cao quý!). Đã đành chuyện thời phong kiến và nhà văn Mỹ Latinh mạnh mẽ nam tính, sao có thể “bào chữa” cho mối tình… đẹp như thơ bên hồ Thiền Quang, oái oăm thay lại diễn ra vào thời “vụ “Nhân văn - Giai phẩm” đang nổi cộm trong đời sống xã hội” - mặc dù Nguyễn Khắc Thứ không “dính” chi đến “vụ” đó, nhưng hẳn “người đẹp” con nhà giàu, tức anh cũng đã dính phải “bã tư sản”; mà anh thì đang là “hạt giống đỏ” được tổ chức và gia đình đặt biết bao hy vọng! Ôi! Chỉ tiếc là “người ta” quên nghĩ nhà văn đó, trước hết là một người đàn ông, lại có cái miệng rộng, khá đẹp trai!

Nỗi đau đồng thời mà Nguyễn Khắc Thứ phải gánh chịu là gia đình tan vỡ! Vì thế, khi nghỉ hưu, ông về ở Huế gần chục năm trời (khoảng từ 1980 - 1989), trong khi vợ con ở Quảng Bình. Nghe thầy Trương Quang Đệ nói vậy, thú thực là tôi hơi giật mình vì thời đoạn đó, tôi đang hoạt động Hội Văn nghệ và Tạp chí Sông Hương, sao không hề biết! Hỏi lại, thầy Đệ nói: “Anh Thứ về Huế - nơi ghi dấu thời học trò của anh và ở một Trại sáng tác nào đó trong Thành Nội; tôi không nhớ cụ thể ở đâu, nhưng đã đôi lần ghé thăm và viện trợ chút ít, vì lúc đó đời sống rất khó khăn…”. Tôi hỏi một nhà văn, cũng từng lãnh đạo Hội Văn nghệ, nhưng anh cũng không biết! Riêng với Hải Trung (con trai nhà thơ Hải Bằng), anh cho biết đã gặp ông Thứ nhiều lần, nhưng lúc đó còn nhỏ, không nhớ ông ở đâu; ông Thứ cùng Trần Quốc Tiến cũng không ít lần đến nhà Hải Bằng tâm sự chuyện “đời xưa”. Hải Trung còn nhớ ông Thứ chính là người đã dịch bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp ra tiếng Pháp gửi cho hàng binh Com-man-do (Pháp) nhằm “chiêu dụ” thêm lính Pháp.

Vậy là Nguyễn Khắc Thứ chưa phải đã “mất hết”. Biết đâu là truyện Một chiều cuối thu và bản thảo Khói lửa ông viết cuối đời ở Huế đang ẩn dật đâu đó? Và còn nữa: Sau khi Châu La Việt cho biết tên một người con gái của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ đang ở Quảng Bình, tôi đã nhờ một giáo viên từng dạy ở trường cấp 3 huyện Quảng Ninh dò hỏi và anh đã tìm được ông S. - người con rể ở xã Tân Ninh (vợ anh đã mất). Thế là qua nối mạng Facebook với ông S., tôi biết được địa chỉ gần 10 năm nhà văn Nguyễn Khắc Thứ ở Huế là… Trại Dưỡng lão trên đường Yết Kiêu! Do nhà văn đã viết truyện về chiến công của ngành An ninh Thừa Thiên Huế và có một số tướng tá đang muốn nhờ ông viết hồi ký, nên ông được gửi vào Trại để có điều kiện tiếp tục sáng tác! Ông S. hiện còn giữ “mấy cuốn sách ngày xưa in giấy rất xấu” và cho biết nhà văn còn một bản thảo khoảng 300 trang, nhưng không phải có tên là Khói lửa. Vậy có thể là một cuốn tiểu thuyết dở dang khác. Lại tiếc rằng bản thảo đó ông S. trao cho người bà con bên nội ông Thứ và có lẽ cũng đã thất lạc!

Những chuyện xưa đã qua mấy thập kỷ. Thời gian đủ để “giải mật” lý do vì sao nhà văn Nguyễn Khắc Thứ phải sống ẩn dật trong nửa cuộc đời còn lại, cuối đời lặng lẽ yên nghỉ tại Quảng Bình trong “ngôi mộ cỏ heo hút” như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh miêu tả trong lần ghé thăm từ nhiều năm trước! Điều “có hậu” mà nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng như họa sĩ Trần Quốc Tiến chưa biết là việc các anh mong ước bạn bè giúp “Rước ông về An Cư” (quê hương Nguyễn Khắc Thứ) thì con cháu nhà văn đã thực hiện, tuy không đưa ông về quê. Hai năm trước đây, có lẽ cũng đúng lúc nhà văn Châu La Việt bắt đầu sưu tầm tư liệu để in Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn thì mộ ông đã được cải táng, đưa từ vùng đồi xã Hiền Ninh về xây lăng đẹp đẽ tại làng Nguyệt Áng - xãTân Ninh, gần nơi vợ con ông đã sống từ nhiều năm trước, cạnh ngôi mộ người con gái đầu lòng của ông.

N.K.P
(TCSH412/06-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)