Tác giả-tác phẩm
“Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” -Sức hấp dẫn của ngôn ngữ nghệ thuật
09:06 | 09/08/2023

HOÀNG KIM NGỌC

Hồ Anh Thái thuộc số các nhà văn mà người đọc có thể “ngửi văn” đoán ra ngay tác giả. Bởi anh đã tạo cho mình được một giọng điệu không lẫn vào đâu được (dù nội dung kể ở mỗi cuốn sách là khác nhau).

“Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” -Sức hấp dẫn của ngôn ngữ nghệ thuật
Ảnh: nxbtre.com.vn

Cũng như vậy, tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái, Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu1, đã lôi cuốn được người đọc bằng giọng điệu đặc trưng của anh, sống động và hài hước, bình dị mà độc đáo.

1. Mời gọi người đọc đồng sáng tạo

Tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” có cấu trúc hình kim cương - các sự kiện, các mẩu chuyện rẽ nhánh, rẽ tia nhưng vẫn tập trung vào ý chính với kiểu “truyện lồng truyện” theo hiệu ứng cánh bướm: “Hạt bụi ở chỗ này có liên quan đến con bướm đập cánh ở chỗ kia” (tr. 9). Thực chất lý thuyết của cấu trúc này là sự lồng ghép các tam giác (mỗi tam giác là một mẩu chuyện nhỏ) thành một chỉnh thể mà trong đó điểm giao nhau làm thành tâm điểm. Tâm điểm này chi phối các nút giao nhau theo các cạnh tam giác. Cấu trúc này làm thành một thái dương hệ các tầng lớp nghĩa; tạo ra nhiều góc cạnh dễ thu hút, hấp dẫn người đọc liên tưởng để nhận biết thông tin nghệ thuật của tác phẩm. Các tiếp điểm và tâm điểm tạo nên một mạng lưới các quan hệ, nương tựa, tỏa sáng cho chủ đề. Chính cấu trúc này đã quy định điểm nhìn đa bội trong tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu. Truyện được kể ở ngôi thứ ba, ngôi kể này tuy rất khách quan nhưng thiếu tính chủ quan. Để bù lại, tác giả đã liên tục linh hoạt di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật, rồi tiếp tục di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác hoặc chuyển từ đối thoại sang độc thoại. Đặc biệt là độc thoại và đối thoại hòa lẫn vào nhau; các đối thoại được viết liền mạch không dùng dấu gạch đầu dòng. Cứ như thế, một không khí Hà Nội với những người Hà Nội bình thường và khác thường của những năm 70 trong thế kỷ trước hiện ra rõ nét với đủ các cung bậc vui buồn, xấu tốt, kể cả những quan niệm, suy nghĩ ấu trĩ một thời.

Truyện được viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, nhưng cái ảo ở đây dễ chấp nhận, cảm giác rất thực và hợp lý; cái ảo không phải cố tạo ra để làm dáng cho cách viết được coi là mốt của tiểu thuyết những năm gần đây. Cũng cần nói thêm là yếu tố kỳ ảo có motif “người đi xuyên không gian” đã được Hồ Anh Thái áp dụng thành công từ tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savatri và tôi. Nàng Savatri có thể đi xuyên màn đêm nơi có cây bồ đề giác ngộ, thậm chí xuyên qua biển sương mù ở biên giới. Đến tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, motif này lại xuất hiện khi nhân vật Phan có khả năng nhìn xuyên tường. Đó là dụng ý liên quan đến kỹ thuật kể chuyện của anh. Bởi nếu chỉ kể từ điểm nhìn bên ngoài của ngôi kể thứ ba thì một số bí mật, góc khuất của hiện thực Hà Nội sẽ không thể hiển lộ được. Ngoài khả năng nhìn xuyên tường, nhân vật Phan còn được nhà văn ban cho khả năng thần giao cách cảm. Phải như thế Phan mới có thể phát hiện và cứu được cô y tá bệnh viện Bạch Mai thoát ra từ đống đổ nát sau trận bom, mới biết được người anh trai tên Kỷ của mình đang bị thương trong khi chiến đấu.

Cuốn sách này có thể được coi là một dạng tiểu thuyết lịch sử kiểu mới, bởi qua đó, tuổi trẻ hiện nay có thể hình dung được cuộc sống của những con người Hà Nội “bình thường và khác thường” trong thời chiến và thời bao cấp thông qua nhiều chi tiết sống động. Đó là nỗi khổ của việc mất sổ gạo hay chuyện bán bia kèm canh rau cải, chuyện mậu dịch viên cảm tình cá nhân có thể cho thêm bia; người đọc biết được thời đó cấm hát nhạc vàng, cấm quần ống tuýp, cấm đầu đít vịt; nạn trấn lột ở công viên của bọn “quân khu”, biết được tầm vóc của thanh niên Việt Nam thời đó quả là khiêm tốn (qua nhân vật Nông Dân cao chỉ một mét sáu tư, nặng có bốn ba cân phải ăn gian cân nặng để được đi lính); hoặc những câu nói gần như cửa miệng lúc bấy giờ mà ứng với hầu hết hoàn cảnh thời chiến: Chúc bác sớm đoàn tụ gia đình… Hiện thực trong tác phẩm không tô hồng cũng không bôi đen. Chẳng hạn, khi máy bay rơi nhiều thì Thu khẳng định chỉ máy bay địch rơi, còn “máy bay ta không rơi đâu” nhưng chú đánh xe bò đã nói: “Có rơi đấy chị ạ. Phóng hết cả hai quả tên lửa rồi, không có gì để bắn lại khi cả đàn F4 nó bao vây”, “Tên lửa bạn cho mấy năm trước thì hết đát”… Tiểu thuyết cũng nhắc lại những quan niệm ấu trĩ của một thời qua nhân vật chú Định: chú cứ nghĩ là làm cách mạng giải phóng đất nước được thì làm gì cũng được (tr. 47). Còn chiến tranh đã làm thay đổi số phận con người: Kỷ có công không được ghi nhận, Mùi hành tung còn nhiều khuất lấp lại được thăng chức, anh chàng nhạc vàng bị đi tù bảy năm (tr. 47).

Truyện của Hồ Anh Thái thường có biểu tượng mang tính ẩn dụ. Trước đây, tiểu thuyết Đức Phật, nữ Chúa và điệp viên cũng dung chứa ẩn dụ. Ở cuối tác phẩm, một cô gái được dùng làm phương tiện đi báo thù sẽ chẳng bao giờ chạy ra được bến sông Hằng, và tất nhiên không thể “đáo bỉ ngạn” sang được đến bờ bên kia (sông Hằng là biểu tượng của sự giải thoát), là một ẩn dụ mang tư tưởng Phật về việc oán thù không dẫn đến giải thoát, hận thù lại mở ra hận thù và trần thế lại sa vào vòng tái sinh luẩn quẩn. Còn trong tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu lại có biểu tượng Ngưu Lang - Chức Nữ. Đấy là một biểu tượng bi kịch của những đôi uyên ương không được sống cùng người mình yêu. Chiến tranh đã khiến nhiều mối tình đẹp phải chia xa như Thu và Thiện, Kỷ và Thu… và nhiều mối tình trong truyện có kết thúc “không ai lấy được nhau”. Hồ Anh Thái đặt nhân vật trong hoàn cảnh thực tế để có cái nhìn thấu hiểu, cảm thông mà không phê phán, không áp đặt quan điểm cực đoan thời đó vào những nhân vật cụ thể.

Hồ Anh Thái đã đưa ra hai cách kết thúc tác phẩm: “Đoạn kết” và “Đoạn kết mở rộng”. Nhà văn muốn có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, đồng thời muốn cho người đọc đồng sáng tạo.

2. Tung hứng với đa giọng điệu

Ta đều biết rằng cách kể quan trọng hơn truyện kể, cách viết quan trọng hơn cái được viết. Có thể nói Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là cuốn tiểu thuyết đa giọng điệu được đan xen hài hòa: giọng bè cao là giọng hài hước, hoạt kê, giễu nhại; giọng bóc mẽ, lật tẩy, phê phán, giải thiêng; giọng bè trầm là giọng triết lý, giảng giải, giọng trữ tình, nhẹ nhàng, cảm thông và thấu hiểu… thậm chí còn có cả giọng vô âm sắc. Nhưng “chủ âm” vẫn là giọng hài hước nhẹ nhàng. Giọng hài hước, giễu nhại được coi là một “tạng văn” của Hồ Anh Thái, mà sự hài hước “là môi sinh của tiểu thuyết; ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không thể trưởng thành, hoặc thui chột”2.

Hồ Anh Thái thường đặt tên nhân vật theo kiểu cải danh rất độc đáo: Sa lem, Chau Chuốt, Nông Dân… và cái tên nhân vật Mùi của anh có lý do xuất xứ thật là hài hước.

Tác phẩm có giọng nhại: nhại nói ngọng L- N (tr. 38), nhại bệnh nghề nghiệp của ông kế toán; nhại lời phát biểu trong hội thi chim của các cụ bô lão là những cái nhại hài hước; còn nhại bản tin thời sự, nhại 15 ca khúc nổi tiếng mà người Việt nào thời đó cũng biết là kiểu nhại nghiêm túc (không thêm thắt bịa lời) mà được dẫn ra đúng lúc, rất hợp cảnh hợp người, nhằm mục đích tái hiện không khí Hà Nội, tâm trạng người Hà Nội với nhiều cung bậc cảm xúc trong thập niên 1970…

Giọng bóc mẽ lật tẩy, phê phán hài hước nhẹ nhàng của Hồ Anh Thái đã quen thuộc trong các tác phẩm trước lại có dịp phát huy ở tiểu thuyết này. Hà Nội trong chiến tranh cũng có lúc trà dư tửu hậu. Từ những câu chuyện ở quán bia, người đọc biết thêm về nhiều chuyện khác. Chẳng hạn một số thói tật “vô duyên” của người Việt như “tè bậy”, “gãi chim”; hay cách xử sự không đáng mặt đàn ông của anh chàng nhà thơ trong công viên Thống Nhất. Hoặc thực tế phũ phàng đã giết chết một tình yêu lãng mạn. Từ việc quy chiếu sai sự vật, tác giả đã cho người đọc thấy được thói tiểu nông của người Việt ẩn trong giọng văn hài hước giễu nhại nhẹ nhàng. Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng mang chứa trong đó rất nhiều thông tin: sự thần tượng các chàng trai của đất nước Việt Nam anh hùng trong con mắt phụ nữ Đông Âu, các quy định nghiêm ngặt về yêu đương thời đó, khó khăn về kinh tế ở nước ta lúc bấy giờ…

Tiểu thuyết còn có giọng giải thiêng, ví dụ chuyện tình dân gian nổi tiếng Ngưu Lang - Chức Nữ được tác giả kể lại và giải thích theo ngôn ngữ hiện đại hài hước cùng với câu châm ngôn quen thuộc của thời ấy: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ (tr. 207).

Nhiều trang văn lại có giọng giải thích: “A, hổ cũng đi sơ tán chống Mỹ. Đi sơ tán chống Mỹ là một khái niệm tuyên truyền. Người không trực tiếp chiến đấu không phải ở lại bảo vệ thành phố, thì đi sơ tán bảo toàn tính mạng cũng là một cách chống Mỹ. Người đi sơ tán chống Mỹ thì hổ cũng đi sơ tán chống Mỹ” (tr. 203).

“Anh chàng này mới ở chiến trường ra. Nhìn thoáng là biết. Giọng Hà Nội mà nước da đen sạm. Không phải cái đen của hắc tố da bẩm sinh. Cái đen của nắng gió phương Nam, thêm cái tái của người thiếu vitamin và đường đạm (tr. 84).

“Mà cái đồng hồ ấy gọi là Pôliốt nhé. Tao dốt ngoại ngữ nhưng cũng được người ta dạy rằng phải phát âm là Pôliốt, chứ Pôn giốt là sai” (tr. 60).

Bên cạnh các kiểu giọng đó, tiểu thuyết còn có giọng triết lý kết hợp với điệp từ ngữ và điệp cấu trúc câu:

Dù có ngủ thì cũng là hổ ngủ. Người đời đã nói như thế (…) Dù có ngủ thì cũng là hổ ngủ. Thu vẫn nhớ như thế” (tr. 192).

“Thản nhiên là nước. Trầm tư là nước. Bình tĩnh là nước”.

Ngoài ra, tác phẩm còn có những đoạn văn mang giọng kể khách quan, giọng vô âm sắc nhưng lại thực sự ám ảnh độc giả. Chẳng hạn, Hồ Anh Thái viết về tình trạng phần lớn sinh viên Việt Nam sang du học Nga nhưng trình độ ngoại ngữ kém đã nghĩ ra cách giả vờ ốm để đỗ tốt nghiệp như sau: “Anh cáo ốm. Anh bị thiên đầu thống. Mắt mũi bị tối sầm không nhìn ra chữ. Suốt một năm đầu có người làm bài hộ anh chép bài hộ anh thi hộ anh. Nhiều anh sinh viên nước ngoài đã đỗ cả năm năm đại học nhờ cách ấy” (tr.56).

Chúng ta thử thay bằng cách kể khác: “Anh ta giả vờ ốm nặng. Anh ta cứ luôn mồm rên rỉ kêu la rằng mình bị thiên đầu thống cực kỳ đau đớn. Anh ta làm thế cốt để cho mọi người xúm vào làm bài hộ, chép bài hộ, thậm chí còn thi hộ nữa. Thật xấu hổkhi có nhiều sinh viên nước ngoài đã đỗ cả năm năm đại học nhờ cách dối trá bỉ ổi ấy”. Khi ta thêm vào đoạn văn trung tính ấy những tính từ, động từ và những từ mang màu sắc đánh giá nhận xét thì rõ ràng hiệu quả nghệ thuật giảm đi rõ rệt. Ở đây hợp chỗ nhắc lại nhận xét của Phơbách (Feuerbach) mà Lênin đánh giá là xác đáng: “Viết một cách sắc sảo nghĩa là giả định người đọc cũng sắc sảo, là không nói hết, là để cho người đọc tự nói với mình về những quan hệ, những điều kiện, những giả thiết, những giới hạn”. Giọng vô âm sắc còn xuất hiện trong nhiều trường đoạn. Chẳng hạn, cảnh cứu người bị kẹt giữa những xác chết không thể lôi ra được. Giám đốc bệnh viện đã quyết định tháo khớp chân tay của người chết: “Bắt đầu là cái tay. Rồi cái tay nữa. Rồi cái chân. Cứ thế” (tr.185). Nhà văn giấu tình cảm của mình trong những câu chữ có vẻ khô khan, không cảm thán thay cho nhân vật mà chỉ trần thuật sự việc theo trật tự tuyến tính nhưng lại gây ám ảnh, xúc động cho người đọc.

3. Chăm chút nhạc tính cho câu văn

Tuy dung lượng số trang của tiểu thuyết không nhiều nhưng người đọc lại lĩnh hội được rất nhiều thông tin. Bởi vì, đặc điểm câu văn của Hồ Anh Thái là tiết tấu nhanh, ưu tiên câu ngắn gọn, hạn chế các câu dài, mở rộng thành phần. Cấu trúc của các câu đầy đủ thường bị tách một thành phần nào đó để tạo thành những câu tỉnh lược, câu đặc biệt, thậm chí có câu chỉ có một từ. Có thể đưa ra vài dẫn chứng sau:

“Và bây giờ chúng đang ngồi bình yên trong nhà chúng. Hát.” (tr.8).

“Từ văn phòng trên tầng một bây giờ xuống tầng hầm. Xuống.” (tr.23).

“Ông nhóc hai mươi tư tuổi còn chưa có người yêu. Tồ.” (tr.32).

Cảnh trộm sách trong thư viện của hai chàng trai mê sách được miêu tả:

Vèo. Vèo. Sách bay.
Bộp. Bộp. Sách rơi.” (tr.183).

Trong nhiều trường hợp, tác giả dùng điệp từ, điệp cấu trúc theo thủ pháp tăng tiến (theo cực dương hoặc cực âm):

Câm. Câm lặng. Câm hoàn toàn”.

Lặng phắc. Lặng ghê người”.

“Vào chính lúc ấy anh quyết định im lặng. Không kêu lên vì kiến đốt thì cũng im luôn. Không báo cáo. Không.” (tr.9).

Dòng ý thức của nhân vật cũng được hiện ra dưới hình thức những câu ngắn, điệp từ ngữ, điệp cấu trúc:

“Đến thế thì Phan hơi lúng túng. Bắt đầu thế nào đây. Không thể nói tôi đã nghe anh hát theo năm tháng hoài mong thư gửi đi mấy lần đợi hồi âm không thấy. Anh ta sẽ hoảng. Không thể yêu cầu anh ta hát lại bài hát ấy. Anh ta sẽ sợ. Không thể kể lại rằng tôi đã thấy anh đóng chặt cửa ngồi hát cùng ba người bạn trong căn nhà này. Anh ta sẽ phẫn nộ chối bay chối biến”.

“Căn phòng dễ chịu. Có thể vì nó đơn sơ. Có thể vì nó thanh tao” (tr.17).

Nhiều đoạn văn tạo được ấn tượng thính giác và thị giác cho người đọc bởi cách kiến trúc câu: sự ken nhau dày đặc của các kiểu câu đặc biệt, và câu rút gọn, kết hợp với phép điệp từ, điệp cấu trúc câu; sự trình bày âm vị độc đáo của các từ tượng thanh. Chẳng hạn, đoạn văn tái hiện cụ thể, chân thực cảnh bom rơi đạn nổ kinh hoàng: “Nó đang rải thảm cách chỗ Phan nấp vài cây số nhưng mặt đất cứ rùng lên từng đợt. Rùùùùùùùng. Đợt đầu tiên. Rùùùùùùùng. Đợt thứ hai. Rùùùùùùùng. Đợt thứ ba. Như cơn sốt rùng mình của một con rồng trong cơn giẫy chết. Rùùùùùùùng. Rùùùùùùùng. Rùùùùùùùng (…) Thốt nhiên. Ngừng. Mặt đất không chuyển động rùng rùng nữa mà yên ắng. Lặng phắc” (tr.164). Hoặc ấn tượng thính giác của cảnh tiểu tiện bậy ngay cạnh Nhà hát Lớn: “Ông bảo cái cây sấu ấy phải chịu được hàng triệu lượt tiểu tiện rồi. Cánh bia bọt cứ thế bắc vòi mà xèèèèèèèvào nó. Từ sáng đến tối xèèèèèèè. Quanh năm xèèèèèèè. Đến mòn cả gốc. Đến lõm vào cả một lỗ bằng quả bưởi…” (tr.62). Đó là thực trạng quá thiếu nhà vệ sinh công cộng của Hà Nội và sự tùy tiện của con người. Ấn tượng đặc biệt là: cả hai đoạn trích trên có tất cả 17 câu thì chỉ có ba câu đầy đủ chủ vị, còn 14 câu đều là dạng câu đặc biệt hoặc câu rút gọn (mà trong đó lại có tới 9 câu đặc biệt tượng thanh) kết hợp với điệp từ và điệp cấu trúc câu.

Những câu văn ngắn gọn, có nhịp nhanh và mạnh xuất hiện thường xuyên trong rất nhiều trường đoạn, nhiều cảnh. Chẳng hạn: khi Phan nhận quyết định bất ngờ phải chuyển công tác, sự gấp gáp được miêu tả như sau: “Nhận quyết định ngay. Bàn giao ngay. Ra đi ngay. (…) Tất cả vào hết một cái ba lô và a lê hấp lao vụt ra khỏi nhà. Sổ sách, vào đây. Áo, vào đây. Quần, vào đây. Cái bút Kim Tinh vào đây” (tr.111). Đám tù binh Mỹ được dự lễ Nhà thờ Lớn trong đêm Noel đang ngồi lặng lẽ kính cẩn nhìn lên tượng Chúa trước mặt cũng được Hồ Anh Thái viết rất ngắn (5 câu mà chỉ gói trong 25 chữ): “Kẻ chắp tay. Kẻ làm dấu thánh. Kẻ lẩm bẩm cầu kinh. Kẻ gửi gắm ước nguyện. Kẻ thực hiện tất cả bằng ấy thứ” (tr.146). Ngôn ngữ trong nhiều trường đoạn của tiểu thuyết có tính tạo hình cao nên gần gũi với ngôn ngữ điện ảnh.

Trong một số trường hợp, nhịp điệu đều đặn có tiết tấu nhanh được ngắt ra trong những câu văn đặc biệt (đúng như độ ngừng của giọng kể) mà không cần dùng dấu phẩy. Chẳng hạn: “Nhạc vàng. Thứ nhạc ấy được định nghĩa như vậy. Vàng vọt bệnh hoạn ủy mị rền rĩ nỉ non”; “Sau này mới biết, học ngoại ngữ đầu tiên mà lại học từ tuổi ba mươi thì cái khó phải gấp chục lần đứa bé lên năm học ngoại ngữ. Môi cứng lưỡi cứng họng cứng. Phát âm không nổi” (tr.55); “Suốt một năm đầu có người làm bài hộ anh chép bài hộ anh thi hộ anh” (tr.56).

Ở tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, tác giả tái hiện khung cảnh và con người Thủ đô trong thời gian máy bay Mỹ ném bom ác liệt nhằm hủy diệt ý chí chiến đấu chống ngoại xâm của người Việt Nam, đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Đề tài này đã được khai thác nhiều, do vậy nhà văn Hồ Anh Thái đã gia công vào cấu trúc truyện và cách kể, vào ngôn ngữ kể chuyện thông qua giọng điệu nhịp kể và thực sự tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn được người đọc vào không khí bình thường mà phi thường của Hà Nội hơn năm mươi năm trước.

H.K.N
(TCSH413/07-2023)

---------------------------
1 Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Nxb. Trẻ 2023.
2 Bakhtin M. 1992, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, tr. 17.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)