Tác giả-tác phẩm
Từ hai bài thơ ngắn của Miên Thẩm viết về Hồ Xuân Hương
14:18 | 24/10/2023

LƯƠNG AN

Vào đầu năm 1842, lúc tháp tùng Thiệu Trị ra Hà Nội nhận sắc phong của vua nhà Thanh, Miên Thẩm đã ở lại đất "cựu đế kinh" gần hai tháng và đi thăm nhiều nơi. 

Từ hai bài thơ ngắn của Miên Thẩm viết về Hồ Xuân Hương
Ảnh: tư liệu

Qua các cuộc đi thăm ấy, cảnh trí xinh đẹp và các nhân vật nổi tiếng của vùng Hồ Tây đã lôi cuốn tâm hồn và để lại trong tập "Bắc hành" của ông nhiều bài thơ được các danh sĩ đương thời tán thưởng, mà chùm thơ "Long Biên" viết theo thể trúc chỉ là một. Trong 14 bài của chùm thơ này, điều lý thú là ông đã dành đến hai bài viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Sau đây là hai bài tứ tuyệt ấy:

Bài 8

Tịnh đầu liên hoa khai mãn trì
Hoa nỡ chiết khứ cung thn tì (từ)
Mạc hướng Xuân Hương phn thượng quá
Tuyn đài hữu hận thác khiên ty.

Bài 9

Trụy phân tàn chi th nhất doanh
Xuân Hương quy khứ thảo thanh thanh
U hồn đáo để kim như túy
Kỳ độ xuân phong xuy bất tinh.

Dịch:

Hoa sen chung cọng đầy hồ
Cô hầu đẹp hái về thờ điện trang
Xin đừng qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn hận lầm đường tơ duyên
***
Son thừa phấn đổ, đất vùi
Xuân Hương đi, nấm cỏ phơi xanh rờn
U hồn giờ vẫn mê man
Gió xuân mấy độ chẳng tàn cơn say

Tuy chỉ tám câu, hai bài thơ vẫn cung cấp cho chúng ta một số tư liệu về cuộc đời "bà chúa thơ nôm" và biểu hiện tấm lòng thương xót sâu sắc của nhà thơ hoàng tộc này đối với nhà thơ nữ hơn hẳn đời về tài năng nhưng lại thua sút đời về duyên phận ấy.

Với việc Miên Thẩm đến vùng Hồ Tây và có lẽ đã nhìn thấy ngôi mộ của Hồ Xuân Hương, chúng ta có thể xác định bà đã mất trước năm 1841 và như thế là bà không thể nào là người "sống dưới thời Tự Đức" như bài Xuân Đường đàm thoại công bố trên Tạp chí Văn học tháng 3-1979 đã nói. Nếu tập thơ Thương Sơn, như chúng ta đã biết, đã ghi rõ thời điểm sáng tác từng bài, đến độ có thể đáp ứng được một số điểm trong công việc nghiên cứu lịch sử văn học đương thời, thì hai quyển Bắc hành còn được tác giả gọi là "những tiếng trống ghi từng dặm đường" (ký lý cổ), do đó sự việc Hồ Xuân Hương đã mất trước khi Miên Thẩm đến Hà Nội là điều hoàn toàn không còn hồ nghi. Đáng tiếc là vì ông làm thơ chứ không phải nghiên cứu văn học sử cho nên chỉ dùng chữ "kỷ" (mấy) để nói khoảng cách giữa hai thời điểm, khiến chúng ta không thể tính được chính xác năm mất của bà. Dầu sao, với chữ "mấy" thường chỉ một độ cách chưa lâu dài lắm, vẫn có thể nghĩ rằng bà mất vào khoảng trong 5 hoặc 7 năm gì đó cuối đời Minh Mạng.

Về con người Hồ Xuân Hương, Miên Thẩm nhìn thấy cỏ mọc xanh biếc trên mộ bà mà cho rằng bình sinh bà uống rượu nhiều. Nhưng đây không chỉ là cách suy nghĩ rất thơ rượu của các nhà thơ thời trước, rằng những người tài hoa lúc còn sống uống nhiều rượu thì khi chết, trên nấm mộ cỏ xanh và hoa thơm sẽ tràn đầy. Bởi vì chính phía trên bài thơ có câu còn ghi rõ: "nghe nói Xuân Hương khéo nhờ rượu mà buông phóng được ý chí" (văn đạo Xuân Hương thiện sử tửu). Lời ghi này cũng như lời thơ không mang một ý định chê trách, mà trái lại, là một sự đồng tình với cái ý chí được buông phóng, tức là với cái táo bạo, cái thách đố, với cái đanh đá có lúc đến suồng sã không dễ gì có của Hồ Xuân Hương trong thơ và cả trong cuộc đời. Miên Thẩm còn đi xa hơn trong sự đồng tình này, ông cho rằng cái ý khí ấy, cái phong cách thơ ấy, bà mất rồi nó vẫn còn nguyên vẹn, không như son thừa phấn đổ mà vượt lên cái chết để trở thành một màu tươi xanh với đời và cho đời mãi mãi.

Một điểm đáng ghi nhận nữa qua hai bài thơ, đó là niềm thương cảm của Miên Thẩm đối với duyên phận hẩm hiu của nữ sĩ. Từng sống bao nhiêu năm bên Hồ Tây, một mặt hồ đầy sen tịnh đầu (hai bông chung một cọng, biểu hiện cuộc sống vợ chồng đẹp đôi, yên ấm, song Hồ Xuân Hương không có được cái diễm phúc đáng lẽ phải có của phong thổ và cuộc đời chưa hạn hết tình thương dành cho, khiến những lời thơ oán trách bất hủ cất lên lúc còn sống như cũng theo người thành một mối căm hờn chôn chặt dưới mồ. Thương xót một kiếp tài tình mà phận bạc, Miên Thẩm chỉ mong sao mối hờn ấy không còn được khơi dậy dưới tuyền đài để rồi linh hồn bà sẽ được nghìn thu yên nghỉ trong sự nguôi quên. Ông đã đến với Hồ Tây, với Hồ Xuân Hương bằng một tấm lòng trong sáng và đầy tình người như thế.

Đọc hai bài thơ ngắn của ông, biết ông là một ông hoàng chưa ra khỏi cung điện, đầu óc còn đầy tư tưởng phong kiến lạc hậu, vậy mà lại không thành kiến với thơ nôm, nhất là biết thương cảm nỗi bực bội với đời, hơn thế nữa, còn khen ngợi cái táo bạo, cái cá tính độc đáo của con người và thơ Hồ Xuân Hương, mới thấy rõ cái phẩm chất nhà thơ trong ông thật là đáng quý mến. Đã mấy nhà thơ thời ấy dám như ông hay được như ông?

L.A
(TCSH55/05&6-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng