Tác giả-tác phẩm
Vài ý kiến qua công tác biên soạn và phiên dịch trong một số sách ra đời gần đây, có nội dung liên quan đến Thừa Thiên - Huế
14:29 | 01/12/2023


NGUYỄN LƯƠNG TÀI

Vài ý kiến qua công tác biên soạn và phiên dịch trong một số sách ra đời gần đây, có nội dung liên quan đến Thừa Thiên - Huế
Ảnh: tư liệu

Mấy năm lại đây, một số sách nghiên cứu, giới thiệu có nội dung liên quan đến Thừa Thiên - Huế may mắn được các nhà xuất bản, các tổ chức văn hóa văn nghệ cho ra mắt bạn đọc. Trong tình hình hoạt động văn hóa chung hiện nay, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, khi đọc các quyển sách ấy, chúng ta thấy có điều đáng tiếc từ phía những người biên soạn và phiên dịch là đã không làm việc một cách thận trọng, để lại những sai sót về nội dung đáng lẽ không nên có. Tất nhiên, một quyển sách dù biên tập hay phiên dịch kỹ đến đâu cũng không mấy khi thập toàn, nhưng sai sót chỉ có thể được cho phép trong các trường hợp đặc biệt hoặc trên một hạn độ nào đó mà thôi. Do không nắm hết được các quyển sách đã ra đời và trong mỗi quyển, phạm vi một bài báo không cho nói hết những sai sót đã có, nên ở đây, chúng tôi chỉ đi vào một số tập mang nội dung văn hóa và nhặt ra một số hạt sạn "cộm", cốt để nhắc nhở nhau về khâu biên soạn, phiên dịch và phần nào giảm bớt sự tiếp thu bị chệch đi của bạn đọc, chứ không có ý bôi bác gì cả, mong các bạn thông cảm.

Chúng tôi nghĩ rằng trong khi biên soạn một tài liệu mang ít nhiều tính lịch sử, người viết cần phải lưu ý đến sự chính xác của khung cảnh và thời gian xảy ra sự việc. Đây là yêu cầu đầu tiên. Tuy vậy, tác giả tập "Chuyện cũ cố đô"(1) trong khi kể lại nhiều mẩu khá lý thú hoặc nhiều giai thoại khá hợp lý, đã quá tin vào sách báo cũ, không bỏ công kiểm tra, để rớt lại một chuyện hoàn toàn vô lý. Đó là chuyện "Tìm được bạn thơ rượu trong trường thi", kể việc Nguyễn Hàm Ninh đi chấm thi trường Hà Nội năm 1825 đã phát hiện danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho Tùng Thiện công Miên Thẩm. Đúng là Nguyễn Hàm Ninh có đi làm phân khảo trường thi Hà Nội, nhưng đó là vào năm 1846, tức là 21 năm sau. Vào thời điểm Nguyễn Văn Siêu đỗ á nguyên ở trường này, Nguyễn Hàm Ninh mới chỉ là một anh học sinh 18 tuổi, chưa đỗ đạt gì cả. Khi ông ta được cử đi chấm thi thì Nguyễn Văn Siêu đã đỗ Phó bảng, đã ra làm việc tại Nội các và chơi thân với Tùng Thiện công đến những 8 năm rồi. Cũng do lơi lỏng khâu kiểm tra như vậy, chuyện "Một ông hoàng dám nói" trong Hương giang cố sự (2) đã trở thành chuyện thiếu xác thực. Chuyện kể việc Tùng Thiện Công, nhân ngày lễ khánh thọ dưới triều Tự Đức, đã mạnh dạn đọc bài "Mại trúc dao" được viết ra khi ở bên bờ sông Lợi Nông, hàng ngày bọn bán than củi, tranh tre qua lại luôn, do hiểu rõ hoàn cảnh của họ", vì vậy "thiếu khẩu khí vương tôn". Kể như vậy là sai với thực tế. Vì sự thực là "Mại trúc dao" đã được sáng tác vào đầu năm 1843, lúc Tùng Thiện công còn ở phường Liêm Năng trong kinh thành và mãi đến 6 năm sau mới về ở cạnh sông Lợi Nông. Trong 6 năm này, sau "Mại trúc dao", tác giả còn viết nhiều bài dữ dội hơn, như "Kim hộ thán, Thể xa dao, Phù lưu tiền hành" và nếu "Mại trúc dao" thiếu khẩu khí vương tôn thì mấy bài này có thể nói là còn thiếu hơn nữa.

Trong tập sách Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa (3) về phần thơ ca của các tác giả Thừa Thiên - Huế, những sai sót của người biên soạn còn đáng tiếc hơn. Đó là việc dựa vào một bài thơ trong tập L trai thi chân bn để xác định tên tác giả, song lại thiếu sự kiểm tra chặt chẽ cần thiết nên đã lầm lẫn Đặng Văn Thiêm thành Lê Văn Phú. Gặp những trường hợp như thế này, lời giới thiệu không những không nên có tính khẳng định mà nên nhường chỗ cho sự tồn nghi thì hơn. Như vậy mới khoa học. Ngoài ra, về phần giới thiệu và dịch thơ của Tùng Thiện vương cũng có một số sai sót, chúng tôi thấy cần phải trao đổi ý kiến thêm. Bài "Nhị nguyệt, nhị thập thất nhất chi dạ..." có câu: "Chấn dã, Thắng dã vi tiền du", đáng lẽ dịch là: ông Chấn, ông Thắng đi tiên phong" chứ không thể dịch: "Đánh, thắng, xông tới phía trước" được. Câu "Hào hoàn phủ da..." dịch là: "Việc làm thích quay trở lại..." cũng không ổn, nên dịch là: "Không báo phục ngay nữa hay sao...”. Chữ "khởi hiệp" chép sai ra "khởi linh" nên dịch ra cũng có hơi khó hiểu. Nhưng sai sót về chữ nghĩa đáng nói đến hơn nhiều hơn là ở bài "Tống Hình bộ Phạm Bạch Hiên thị lang...". Thực tình, chúng tôi không biết vì sao hai câu 2 và 4:

Chư hầu thừa vũ hịch
Lục truyện phát sơn thành

lại giới thiệu thành:

Chư hầu thừa nguyệt hịch
Lục phó phát sơn thành

dẫn đến hai câu dịch không còn đúng nghĩa nữa. Có lẽ người chép chép tháo quá khiến người ghi ghi lộn chăng?

Những sai sót nêu lên trên đây dầu sao cũng chỉ rải rác trong từng tập không có chủ đề và thể văn tập trung, người đọc có thể thông cảm. Đến như tập Thơ Tùng Thiện vương(4) chỉ tập hợp thơ một tác giả, lại do hai bạn tuyển dịch có nghề nghiệp biên soạn và một nhà xuất bản chuyên về văn học cho ra đời, vậy mà vẫn không tránh khỏi một số sai sót không nhỏ mới thật là đáng tiếc. Cái sai thứ nhất là về công tác văn bản, nhận ra chủ yếu qua bài phiên âm và đối chiếu trong câu dịch, vì nhà in đề lỗi quá nhiều. Lấy một bài "Ngự Bình sơn đăng cao” để dẫn chứng: bài này chỉ có 56 chữ, nhưng đã có 4 câu với 9 chữ phiên âm và chép sai: Lật trượng thoa hài, tham tá, hồng du đấu kiện tàm nhi nữ, thóa hồ xao khuyết, ngoài ra còn 2 chữ sai: tùng vân gian, vạn hộ. Chỉ mấy chữ "trĩ điệp, Long sơn" hiểu không đúng nghĩa và nhất là những chữ "đấu" chép thành "môn", "tam" (thẹn) thành "trảm" (chém), "thóa hồ" (ống nhổ) với điển cố liên quan thành "thùy a" ("gươm"), bài thơ đã không còn giữ được ý nghĩa của nó nữa. Một số bài chép sai chữ ít hơn, nhưng chữ sai cũng quan trọng như "Lăng ba mộ sĩ" chép là "Tuần ba mộ thổ" (Đặng Thúy Vân sơn hữu cm), "hậu môn" (ra đợi ở cửa) chép là "hầu môn" (“cửa hầu" - Thuận An qui châu), "Cẩm thùy" chép là "miên mộc" (Cẩm thủy là sông Cẩm Lệ), do đó nội dung ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng sai sót nhiều hơn cả, nặng hơn cả là hai bài "Kê minh đại ca" và "Quỷ khốc hành". "Kê minh đại ca" (bài ca đập nước Gà gáy) kể lại chuyện Tề Võ đế vi hành đến bắn trĩ ở núi Chung, con là Vân Anh có dâng khải xin khoan dân, nhưng chẳng được, tác giả viết ra nhằm gián tiếp can gián vua Tự Đức, tiếc rằng một số câu chữ bị chép sai, hiểu sai, như trĩ môi kiều (đẹp chứ không phải cầu), Hàm Đan Siêu (không phải lưỡi siêu), bạch long ngư phục (rồng trắng đội lốt cá, chỉ việc nhà vua vi hành, đâu phải điềm gỡ), Vân Anh (tên tự của Tiểu Tử lương, con Tề Võ đế), Tần Tỳ phê nghịch lân (thị trung của Ngụy Văn đế là Tần Tỳ can gián, làm nhà vua tức giận, chẳng phải là chuyện lân què bị giết), thành ra không còn nguyên vẹn ý nghĩa. Với bài "Quỷ khốc hành", số lượng chữ chép sai, chép lẫn danh từ riêng chung, như "đệ" thành "sách", "bất dữ" thành "hạ dữ", "Đồ Quỹ, Tuân Oanh; Nữ (Tương Như)" thành danh từ chung, khi dịch lại không nắm điển tích và ý từng chữ, cho nên không tránh được một số câu dịch tối hoặc sai nghĩa. Đáng tiếc nhất là dịch giả không lưu ý đúng mức những chữ "từ kinh, phân thống, khổng hoài, tương tiên, thích sầu Tào Tử Kiến, thiện phúng Nữ Tương Như, Tích Linh... dẫn đến nghĩa hai chữ "đồng sinh" bị chệch khiến chỗ đứng và mục đích của bài hành, không đọc không thể nào nắm được. Một tập thơ của một tác giả cổ nổi tiếng, nhiều bài tuyển chọn tốt và dịch hay như vậy, giá tránh được những hạt sạn trên đây thì đọc thích thú biết bao nhiêu.

Trên đây, chúng tôi chỉ có điều kiện điểm sơ một số sách có nội dung liên quan đến Thừa Thiên - Huế. Như vậy, chắc gì những quyển sách hay tạp chí có nội dung liên quan đến các địa phương khác đã tránh được tình trạng này. Vấn đề chung chúng tôi muốn nêu lên là trong tình hình xuất bản khó khăn hiện nay, các nhà nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch chúng ta cần lưu ý sao cho tác phẩm ít sai sót được chừng nào hay chừng ấy, giữ lối làm việc thận trọng, không xô bồ, vội vã. Đây là trách nhiệm đối với bạn đọc hôm nay và cũng là trách nhiệm đối với nền văn hóa dân tộc, đối với người xưa, một trách nhiệm không thể có lý do gì cho phép xem nhẹ được.

N.L.T.
(TCSH56/07&8-1993)

----------------------
1 Hội Văn Nghệ BTT xuất bản năm 1987.
2 Tủ sách Sông Hương 1986.
3 Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh - 1987.
4 Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1991.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng