Tác giả-tác phẩm
Khoảnh khắc và vô tận trong tiểu thuyết Vĩnh Quyền
08:25 | 28/12/2023

LÊ THỊ HƯỜNG

Lịch lãm, nhẹ nhàng dẫu viết về vấn đề gì, đó là ấn tượng từ những trang tiểu thuyết của Vĩnh Quyền.

Khoảnh khắc và vô tận trong tiểu thuyết Vĩnh Quyền
Ảnh: internet

Trong vô tận* là cuốn sách có thể đọc lại nhiều lần, bởi đằng sau những con chữ dồn nén, lắng, sâu là những vấn đề lớn của lịch sử, của thời đại. Truyền thống kết nối hiện đại, những trang sử xa xưa kết nối với biển đảo hôm nay, thư tịch cổ và tư liệu mới… Thực và ảo, tỉnh và mê, bụi bặm và trang nhã, chất thơ và chính luận. Nhà văn vừa đi sâu vào lịch sử, môi sinh, vừa biểu đạt thân phận con người; biến thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thành một thế giới phẳng với những vấn đề của thời đại mang tầm phổ quát.

Đồng hiện tuổi 25

Chuyện chủ yếu được kể từ ngôi thứ nhất với nhiều cái "tôi" kể chuyện. Thời gian ngắn, chỉ vài ngày, từ khi tôi đáp chuyến bay Los Angeles - Tân Sơn Nhất để về Huế thăm người cha bị hôn mê cho đến lần thức tỉnh cuối cùng của ông. Tuy vậy, nghệ thuật hồi ức, liên tưởng khiến các mốc thời gian nới rộng, không gian mở đến vô cùng, vô tận. Tác giả chọn mốc thời gian tuổi 25 để tái hiện cả một chặng dài mấy thế hệ, mấy đời người. Câu chuyện của hôm qua (từ cha tôi và cả một dòng họ) đan xen với những câu chuyện của hôm nay (qua tôi, người con đang du học, làm luận văn đề tài “Nước Đại Nam - cường quốc Đông Á”) bện xoắn vào nhau. Trong những câu chuyện được kể ở thì hiện tại vang lên những câu chuyện từ quá khứ, và ngược lại. Những miền ký ức đồng hiện, qua dòng ý thức triền miên, những vệt, mảnh của quá khứ đan cài trong các mảng hiện thực sống động “không vận hành theo lí thuyết phổ thông”. Qua diễn ngôn của các nhân vật chấn thương, mọi câu chuyện kể đều là những mảnh vỡ ghép nối từ kí ức đẹp và buồn.

Câu chuyện của tôi và ba tôi đồng hiện song song ở tuổi 25, và qua những trang ghi chép của ba tôi cuộc đời của cố tôi, nội tôi, những người đàn ông dòng họ Tôn Thất hiện lên sinh động. Một dòng họ, đàn ông mang dòng máu lãng tử, nghĩa khí, tài hoa, phong tình và cô độc; những người phụ nữ chung quanh họ yêu kiều, thanh thoát nhưng phận mỏng, phận buồn. Nhân vật của Vĩnh Quyền đa phần là những con người bị sang chấn tinh thần, luôn đắm chìm trong vùng ký ức thương tổn. “Tổn thương trong quá khứ cứ ám theo” khiến họ nhùng nhằng trong nhiều trạng thái cảm xúc. Người ông bao nhiêu năm sống trong ám ảnh vì đã giết người/kẻ thù dẫu trong chiến tranh. Trong phần đời còn lại, người cha luôn ám ảnh về cái chết của đứa con trai đồng tính bị chính ông sỉ nhục và ruồng bỏ. Trong hồi ức về tuổi 25, trong miền nhớ của cha tôi luôn nhói lên hình ảnh cái chết của Ayumi trong trận lũ, chỉ sau khoảnh khắc “tôi thận trọng dìu cô nằm xuống sàn đất lạnh ẩm, dịu dàng nhập vào cô…”. Cái chết nhanh đến bất ngờ, còn lại ở cha tôi là trạng thái chới với, u uất, chứng mất ngủ và ác mộng. Người lính Mỹ bị cầm tù trong vùng ký ức bị tổn thương nặng nề, suốt đời bị ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ, về thời trai trẻ “lấm bùn và máu”. Kể cả tôi, chàng thanh niên du học cũng bị ám ảnh không nguôi về câu chuyện tình yêu trong quá khứ. Đúng như lời triết lí của một nhân vật, “ký ức giúp con người hoàn thiện nhưng có thứ ký ức quá ngưỡng chịu đựng của một số người, trở thành nơi giam hãm”.

Cuốn tiểu thuyết dồn chứa nhiều vấn đề lớn. Ngầm ẩn trong những mảnh truyện là thông điệp về tuổi trẻ. Trong quá khứ của "tôi" có một mảnh vỡ về tuổi 18, 20, “những kẻ nổi loạn”, một thế hệ không hẳn là lạc lối nhưng có lúc “điên rồ”. Vĩnh Quyền viết kín. Tuy vậy, có thể nhìn thấy vệt ánh hiện sinh khi nhà văn khắc họa chân dung, tính cách của một kiểu dạng hippie, chẳng để làm gì chỉ để khác mọi người. Ban nhạc thời thượng The Red Rebels, xăm tay, áo thun đỏ, xe đỏ, mê tốc độ, những pha đánh đấm li kì… Rồi cơn sốt vỡ da cũng qua nhanh, quá khứ nông nổi còn lại từng mảnh đậm nhạt trong ký ức. Kẻ xuống tóc đi tu, người “lên xanh”, người làm báo để đấu tranh, phản chiến, người du học, kể cả cái chết. Họ biết sống và sống đẹp trong những ngã rẽ, khúc quanh của lịch sử, kể cả trong những hoàn cảnh đau thương. Họ luôn đặt ra những câu hỏi trĩu nặng trầm tư và mặc cảm. Có lúc chỉ là mặc cảm không làm được gì cụ thể cho đất nước, “một đứa lên đường du học khi một đứa đang lên tiếng bảo vệ ngư dân mình bị tấn công trên biển đảo của mình”. Có lúc là “…chưa nghĩ suy, chưa hiểu thấu, chưa làm gì vì tình trạng biển đảo của đất nước là có tội”. Hoặc cảm giác “xấu hổ dâng cứng ngực” khi tôi đứng trước một tủ kính trưng bày toàn sách chữ Nôm, trước tác của mấy đời gia tiên, cũng được thắp hương như một bàn thờ.

Bên cạnh “những kẻ nổi loạn” chúng tôi thời ấy còn là một thế hệ thanh niên quên mình trong lịch sử. Những nhân vật lịch sử như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề của Việt Nam Quang phục hội, của tuổi 25 thật đẹp. Cái đẹp của sự dũng mãnh, cái đẹp của đời thường trong tình yêu. Tình yêu tình nhà nợ nước phân minh mà lãng mạn. Chân dung một thế hệ trí thức trẻ, nói như lời vua Duy Tân, là những vệt son của lịch sử. Lịch sử tái hiện từ tâm hồn, từ suy nghĩ, nhận thức và hành động của những con người tuổi 25 đầy nhiệt huyết. Họ truyền thừa dòng máu của những kẻ sĩ, những trí thức nghệ sĩ yêu đất nước theo cách của mình. Sử trong tác phẩm là những trang hào hùng được lắp ghép, được lưu giữ qua những thế hệ tiếp nối, qua con mắt của bạn bè quốc tế, và được viết bởi ngòi bút của một nhà báo, nhà nghiên cứu. Những mảnh sử trong tác phẩm khơi gợi nhiều vấn đề về căn tính dân tộc, vận mạng đất nước. Không đi sâu vào từng nhân vật lịch sử như những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, lịch sử ẩn hiện qua những mảnh đoạn, những diễn ngôn đối thoại và độc thoại của một người kể chuyện biết nhiều, gợi, truyền tri thức và cảm xúc. Với tính chất phát hiện, Vĩnh Quyền lựa chọn “biển” như một mắt xích, một biểu tượng đặc thù của đất nước. Nằm trong những trang viết dở dang của “cha tôi”, lịch sử từ thuở khai thiên lập địa đến nay đều liên quan đến biển. Từ thuở Lạc Long Quân và Âu Cơ,… đến thế kỉ XXI (được mệnh danh là thế kỉ của đại dương) … và “vào những ngày này…”. Biển nối liền chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, biển nối liền chữ S thành một dải. Mất biển là tiêu vong. Giành lại biển là chiến thắng. Gắn liền với biển, lịch sử toàn vẹn qua cái nhìn phát hiện và sự dẫn dắt khéo léo của nhà văn. Với tinh thần đối thoại, phản biện, nhà văn đã gợi những vấn đề nhức nhối liên quan đến biển đảo Tổ quốc. Với niềm đam mê cổ sử, Vĩnh Quyền đã viết những trang “ghi chép” về lịch sử giàu niềm tự hào và trách nhiệm.

Khoảnh khắc và vô tận

Trong vô tận là cuốn tiểu thuyết ngắn đan xen các hệ thẩm mĩ. Kết hợp nhiều thể loại với văn phong khác nhau, lúc mềm mại, lúc khô khan chính luận, khi là những con số, những sự kiện thời sự, khi là những khúc đoạn tình yêu lãng mạn… tác phẩm luôn gợi cảm xúc về cái đẹp. Cái đẹp ngời lên từ nỗi buồn, từ những dang dở hoặc những khoảnh khắc một đi không trở lại. Nhân vật của Vĩnh Quyền thường sống trong những miền ký ức dở dang. Bàn cờ với những quân cờ dang dở ghim lại một cuộc chơi. Nơi đó, hằng đêm người con trai “trên xanh” bí mật trở về, đi một quân cờ, mỗi đêm một nước cờ. “Ván cờ ma cứ thế tiếp diễn”, từng đêm, rồi bẵng đi mấy đêm mới nối lại, “rồi dở dang mãi”. Ván cờ dang dở trở thành biểu tượng chia li, vĩnh biệt. Nơi đó người cha mong ngóng con trai trở về. Nơi đó, người mẹ dùng keo đính các quân cờ trắng -đỏ đúng vị trí dở chừng trên bàn cờ, “như thể cuộc chờ đợi không có điểm dừng”. Biết bao người cha, người mẹ ở đất nước này đã chờ đợi những đứa con trai không bao giờ trở về, nhưng cái bàn thờ có bàn cờ tướng và ván cờ đặc biệt, được đặt trang trọng trong lồng kính, được thắp hương thì xưa nay hiếm. Đó còn là những trang ghi chép chưa trọn vẹn, người cha chìm vào hôn mê khi những dòng chữ còn dở dang trên màn hình laptop; là tình yêu không thành, và nỗi buồn phiền thương nhớ trút nén vào bức tượng “dáng Phật dáng người” cũng dở dang.

Trong vô tận thường có những khoảnh khắc đẹp được nhà văn chộp lại như những giây phút thăng hoa cảm xúc. Có những tình tiết thoáng qua, có những tình huống ngỡ như tác giả vô tình chạm đến, nhưng cái chạm khẽ ấy lại bao chứa nhiều ý nghĩa. Cái khoảnh khắc bay lên giữa mười lăm bong bóng bay cỡ lớn của Nhàn thật kì diệu, bởi nó chạm vào vô tận, dẫu đứa bé 12 tuổi lúc đó nhắm nghiền hai mắt, không thấy gì và cũng “không cảm nhận được cái hạnh phúc một lần trong đời bay bổng như chim”. Hay cuộc điểm quân số kì lạ và thú vị trên boong tàu (thuyền trưởng hạ giọng: Thằng Cò? Bếp trưởng chỉ tay lên giàn ăngten: Có. Con cò trắng thản nhiên tỉa lông cánh, nổi bật trên nền trời xanh ngắt). Con cò được xem như một “biên chế” đặc biệt, bởi trong lòng các chiến sĩ trên con tàu cảnh sát biển này “đều có bóng dáng những cánh cò nơi quê xa…”. Bức tranh hoa gạo ma mị, tiếng sênh phách của ca nương Bắc, màn múa kiếm như thoát xác, tình yêu “lệch pha”… Người họa sĩ vẽ và xé, xé rồi lại vẽ không biết bao nhiêu lần một bức tranh. Và như vô thức sáng tạo, sau những khát khao, dồn nén cái đẹp hiện hình trong một phút xuất thần. Bức tranh hoa gạo ra đời trong cơn mê sảng sáng tạo, trong khoảnh khắc thăng hoa vô thức. Mọi sinh khí đã dồn vào bức tranh, họa sĩ gục chết trong khoảnh khắc mãn nguyện nhất của một đời nghệ sĩ đam mê nghệ thuật đích thực: trước cửa sổ mở toang tràn ngập ánh trăng rằm thu, “hoạ sĩ phủ phục trước bức tranh cây gạo trổ bông đỏ rực”. Bức tranh “trông thô vụng bí ẩn” lại có ma lực khiến người xem rùng mình nên bị đốt thành tro. Nhưng bản tranh thật bị vất bỏ trong nhà kho bỗng chốc sáng bừng lên cái đẹp vĩnh cửu - một “vẻ đẹp diệu kì ẩn dấu chờ giờ khắc thiêng” trở thành bất tử. Đó là cuộc múa kiếm như một đoạn phim đẹp kì bí của ông tôi, cuối đời ngồi xe lăn với những hoài niệm về một thời tuổi trẻ, “tôi sửng sốt với cảnh ông điều khiến xe bằng tay trái, nhanh nhẹ tiến thoái, xoay trở trong khi tay phải múa thanh kiếm vun vút giữa cơn mưa lá vàng đêm trở gió. Hết bài kiếm, người rũ xuống như chẳng còn sức lực, hai vai nhô lên rung khẽ”. Và như một chớp mắt, “ông tôi và chiếc xe lăn đã biến mất, gió cũng thôi xao xác, chỉ còn xác lá vương vãi trên sân im ắng”. Đó là dở dang sênh phách. Không còn người chơi đàn đáy cho ca nương gõ phách hát thơ; nỗi niềm lẻ bóng cùng nỗi nhớ quê hương khiến cô Bắc “vừa hát vừa khóc, hát rồi khóc, khóc rồi hát” khiến âm thanh phương Bắc trở nên kì diệu; sênh phách “biến hóa dồn dập, lúc khoan thai, lúc đối chọi, lúc đồng điệu với giọng hát” như chứa chất bao nỗi niềm.

Trong vô tận thường có những đường biên, những độ giao hư thực khơi gợi cảm xúc. Là “giao thức khai thông tình cha con trong vô tận”, là “ngã rẽ kinh sách mù khơi”, khoảnh khắc giao cảm giữa đạo và đời. “Đó là đêm tranh chấp giữa tiếng kinh Bát nhã vọng từ ngôi chùa lưng chừng đồi thông và giọng hát lý Mười thương cất lên từ con đò bên sông đầy ánh trăng”; là tâm trạng đa phức trong mối tình mang mặc cảm Oedipe với Nhàn, trong khoảnh khắc tôi lạc vào “vòng xoáy như sông gặp biển”, kể cả sau này trong một khoảnh khắc mơ. Là một giây phút không kìm nén được của Hoàng, trong khoảnh khắc tôi mê tỉnh trên đường biên sống chết, “không chút sức đề kháng, tôi nhắm nghiền mắt bất lực, chỉ có nước mắt ứa ra, thứ khiến Hoàng giật mình khựng lại”. Hoàng sống như một hảo hớn nhưng mang trong mình nỗi dằn vặt giới tính, nỗi khổ vì làm nhục gia phong. Những cuộc thư hùng, giang hồ tuổi trẻ với Hoàng chỉ để giải tỏa, một cách chống chọi niềm đam mê chính đáng của bản thân mình. Ngột ngạt với những thành kiến từ xã hội, nhất là gia đình, anh tìm đến cái chết như một cách giải tỏa cuối cùng, để thoát khỏi cái thế giới mà anh cho rằng không dành cho mình. Hoàng tự tử vì mối tình lệch pha không được công nhận. Đã có quá nhiều tác phẩm văn học viết về đồng tính, nhưng với Vĩnh Quyền, những phân đoạn ngắn ngủi viết về cái “lệch pha” tạo mỹ cảm khác, mới. Đồng tính được viết đầy cảm xúc và day dứt nhân tình. Nó không pha dục vọng xác thịt mà chỉ là cảm giác, cảm giác về tình yêu, hòa nhập, thấu cảm. Đó là khoảnh khắc ba tôi chìm trong hôn mê vô thức, mơ thấy mình ở tuổi 25, cái khoảnh khắc ông cười với bóng mình trong gương để vô thức thấy bóng cười lại với mình. Một cơn mê mà trải dài gần hết một đời người, chỉ trong khoảnh khắc mà kéo dài dằng dặc cả mấy thập kỉ với một cõi mịt mù hồi ức. Soi gương, đối ảnh, bóng đối bóng, giấc mơ, là khoảnh khắc thần giao cách cảm, là tương giao giữa tôi với những mảnh tôi, giữa những cái tôi của năm thế hệ, tự thuật, hồi ức về dòng họ, về mình. Tiểu thuyết Vĩnh Quyền là những mảnh vỡ được lắp ghép bất chợt nên mọi chuyện cứ dở dang, dẫu có là cái chết thì cũng không phải là chấm dứt một cuộc đời. Tất cả cứ kéo dài đến trong vô tận.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn nhan đề Trong vô tận. Chốn vô tận trong tác phẩm không hẳn là không gian, thời gian, chiều rộng, chiều dài mà còn là cái thăm thẳm của tâm linh, của hư vô. Cảm hứng vô tận dồn lại ở lời đề từ “Trong vô tận song song gặp nhau?”, mạch truyện khởi đầu từ khoảnh khắc ở “độ cao mười nghìn mét qua cửa sổ máy bay có thể nhận ra đường biên ngày đêm trên bề mặt trái đất. Bóng tối mon men tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó, chỗ chi chít bao la chỗ rải rác, lẻ loi lấp lánh tín hiệu hiện hữu của con người”. Kí hiệu về “trong vô tận” là “hố đen vũ trụ”, là biển tối vô tận mênh mông khi máy bay ở độ cao, là “thứ ánh vàng huyền hoặc pha phối giữa bầu trời và biển cát”, là “cuộc giao hoang âm dương lẫn lộn”. Có những khoảng vô tận vỡ oà một cõi uyên nguyên, hoang sơ và kì bí. Là giếng trời không đáy, thăm thẳm vàng rỡ ánh trăng, ở đó mỗi lần trăng tỏ “tôi lại có thể trông thấy hình hài trần trụi của mình và cả lòng giếng vàng óng bên dưới”. Là thiên nhiên mang “thông điệp thời gian mãi miết trôi… để rồi bắt đầu lại từ đầu từ vòng quay vô tận”. Kể cả dòng Hương, không chỉ là một dòng sông mà là cõi hư vô, nơi dòng nước đã hòa tan những bụi tro của các kiếp con người. Là sự cô đơn thăm thẳm của dòng họ, hay cõi vô thức của người cha đối với “những lao xao bất tuyệt của thế giới bên ngoài”. Là không. Rỗng. Hư vô. Mấy đời của một dòng họ chỉ còn lưu dấu qua những cái tên trong gia phả, qua khói hương, từ đường lạnh lẽo. Không nhấn mạnh đến sự bi thảm của cái chết, nhà văn triết lí nhẹ nhàng về hư vô, về kiếp nạn con người. Triết lí Phật giáo thấp thoáng mà sâu, về khổ nạn, buông bỏ, về duyên nghiệp, vô thường.

Tiểu thuyết của Vĩnh Quyền đa thể tài, nhiều giọng điệu. Với lối cấu trúc đa tầng bậc, ghép mảnh, dòng ký ức, Vĩnh Quyền khơi sâu vào thế giới bên trong con người. Trong vô tận là sự liên kết, xâu chuỗi các mảnh ký ức có phần rời rạc, đến mức có cảm giác nhà văn không can thiệp vào quá trình hình thành văn bản. Câu chuyện cứ tự nhiên diễn ra qua diễn ngôn của những cái tôi hồi ức, trải nghiệm, ám ảnh. Lời kể lồng vào lời kể, hồi tưởng, mơ tỉnh, đối thoại trong độc thoại; quá khứ xa xen lẫn quá khứ gần. Bằng liên văn bản, ghép mảnh, liên thể loại, nhà văn đã chuyển hóa những bộn bề đời sống vào văn chương một cách tự nhiên. Vĩnh Quyền đã lục lọi, xáo trộn, lắp ghép ký ức để từ quá khứ trình hiện cái đa chiều của thời hiện đại: “Trong vô tận song song gặp nhau?”

L.T.H
(TCSH51SDB/12-2023)

-----------------------
Trong vô tận- Nxb. Trẻ, 2019. Tác phẩm nhận Giải Văn chương Đông Nam Á năm 2021; giải thưởng banăm 2019, 2020, 2021 được tổ chức trao chung vào ngày 10/8/2023. Giải Nhì tiểu thuyết năm 2016 - 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng