Tác giả-tác phẩm
Những nốt trầm giăng ngang mặt đất
14:40 | 05/01/2024

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Một trong những yếu tố tác động đến các nhà thơ trẻ đó là tính toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa, tiếp nhận những trào lưu thi ca qua internet, sách báo, mạng xã hội...

Những nốt trầm giăng ngang mặt đất

Cái không khí chộn rộn ấy dường như Đoàn Văn Mật đều biết, đều thấm cả. Nhưng anh lại chọn một hướng đi khác, hướng đi của riêng anh, một người sống chậm và thực hành nghệ thuật một cách điềm tĩnh, anh chia sẻ: “Sự điềm tĩnh cũng là để cho mình khỏi bị đi lạc trong văn chương, đồng thời nhìn thấy rõ nhất với văn chương. Nghĩa là tránh sự hoang tưởng đối với mình”. Và tập thơ “Ngoài mây trời đầy trống vắng* cộng hưởng với những tập trước đó như “Giữa hai chiều thời gian”, “Bóng người trước mặt”, “Sóng trầm biển dựng” đã thực chứng lối sống và lối viết của anh. Tập thơ mới của anh: “Ngoài mây trời đầy trống vắng”, được chia làm 5 phần nhỏ: Sợ làm lay chiếc bóng, Những con mắt mở lời thú tội, Nơi chưa từng dừng lại, Chờ một mùa lá mới, Sinh ra từ trắc ẩn. Mỗi phần gồm 10 - 13 bài thơ chảy theo mạch tâm trạng và chủ đề riêng. Với kết cấu này, “Ngoài mây trời đầy trống vắng” có một hình hài của tập thơ trong tập thơ, hay nói cách khác mỗi phần như một căn phòng trong ngôi nhà nhỏ và mỗi bài thơ chính là những viên gạch nhiều trăn trở và ám ảnh. Nguồn cảm thức về cuộc đời, cái tôi, mùa thu, hoa cỏ, thời gian, người lính… hiện lên vừa trọn vẹn, vừa mơ màng, như một cung đàn xa vắng của những nốt trầm bềnh bồng.

Tôi thật sự ấn tượng khi nhà thơ đưa ra một định đề: “tôi ăn dặm trường/ dấu chân mòn mỏi/ tôi ăn tha nhân/ trong tôi cát bụi” (Tôi ăn bóng tôi). Chỉ bốn câu ngắn ngủi đã khái quát cả một kiếp người lang thang vô định qua những khoảng không gian “dặm trường”, là mòn mỏi của những dấu chân di thê đây đó. “Tha nhân” và “cát bụi” không mới khi đã là những khái niệm được triết học và tôn giáo hằng định, lụy giải nhưng Đoàn Văn Mật đã thi hóa “tôi ăn tha nhân/ trong tôi cát bụi”. Động từ “ăn” đắt giá, đặt đúng chỗ đã tái diễn một bản thể mới đầy trắc ẩn, bất lực trước sự vận động của tạo hóa. Cảm thức này tiếp tục được nhận diện, là cuộc đi/về, là sự không dừng lại, không ngừng nghỉ trong xê dịch của địa lý, của ý nghĩ: “những vùng đất mới/ sinh ra từ trắc ẩn/ mỗi dấu chân dựng lại một dặm trường...” (Sinh ra từ trắc ẩn). Trong sâu thẳm, cái sự đi của thi nhân đã mang nhiều hấp lực, không dừng lại ở dấu chân, dặm trường mà đi để thấy “gặp dưới đất một trời cao/ gặp trời cao một đường nào vừa đi” (Nghe). Câu thơ trúc trắc, giàu tương phản đất - trời - đường dài rộng, mênh mông, vời vợi đi trong một kiếp người. Nhiều khi thi nhân lại đặt ra một mệnh đề chứa hình ảnh huyền ảo đầy ẩn dụ: “phía trời đêm/ những con hạc đang bay/ ngàn năm chưa ai thấy mặt” (Cuối đường). Sự dịch chuyển của không gian và thời gian tâm thức đã cô kết lại qua những gạch nối của cánh hạc, của cát bụi mà tha nhân trong hành trình đi tìm bản ngã đương nằm ngoài những nhịp đập thực tại. Ngay cả mùa thu cũng bước đi, cũng xê dịch: “thu vẫn còn một lối cúc để đi/ hoa vàng quá làm buổi chiều sa ngã” (Lối cúc). Ở một thoáng cái nhìn lãng đãng của mùa thu, thi nhân vẫn họa lên một bức tranh ám ảnh vàng đến cả “buổi chiều sa ngã”.

Đoàn Văn Mật lại chầm chậm đi qua những khúc quanh, những ngã tư nhiều trạng thái, những đếm đong của sự đối diện, tự vấn. Những tiếng lòng cất lên trong cô tịch, đơn lẻ để nhìn lại: “im lặng vẽ gương mặt mình/ những đường quá vãng/ mẹ sinh ta lúc tang tảng sáng/ ngõ chùa đằng đẵng chuông ngân” (Vẽ một người). Tiếng bình minh reo gọi thao thiết của sự mở đầu và tiếng chuông đằng đẵng quê nhà Nam Định thuở hài nhi vẫn còn vang trong trí tưởng. Thơ Đoàn Văn Mật xen lẫn bóng tối và ánh sáng, là sự khởi đầu của ánh dương le lói rồi đến hồi tỏa rạng đầy sức sống. Cái sống trong bức tranh sáng tối ấy có quy luật của nó: “giữa lẻ loi cô độc/ ánh sáng vẫn tìm nhau/ nhưng không ai thấy được” (Cuối đường). Chân lý tìm về chân lý, tri âm tìm đến tri âm như “Ánh sáng vẫn tìm nhau” là một phát hiện về mặt nghĩa đa tầng và mặt lý của sự rạng ngời. Điều này tương đồng với phát hiện “Chạm vào bia đá/ mơ hồ nghìn năm trượt đi/ chỉ còn lại trong ta là chữ” (Gặp ở Văn Miếu). Dấu ấn thời gian là sự hiện diện mơ hồ, nghìn năm cũng như tích tắc lạnh giá của tấm bia đá vô tri chỉ còn văn hiến cẩn bút trên con chữ.

Đoàn Văn Mật rất nhạy cảm với thời gian, thời gian luôn cho anh những dấu hỏi: “người ngồi đó, mùa qua chẳng gõ/ rừng mê man tre trúc nhập thiền” (Tam Đảo). Thời gian trôi đi “chẳng gõ” mà người đã ngưng đọng “nhập thiền”. Thời gian còn lục lọi trong trí nhớ, những con mối ăn sách hay những con mối sinh ra từ bên trong “ngươi ăn ta từng phần/ ăn hiện tại và ăn ký ức” (Những con mối). Con người tự hồng hoang đã bất lực trước sự lướt trôi không thể níu giữ của thời gian, chấp nhận thích nghi như một quy luật. Thời gian vô hình, vô tướng; tướng và hình ảnh khắc vết lên con người và tự nhiên như: “một bông hoa vừa rời khỏi cuống/ cánh tàn lay đêm trăng xa” (Mùa di tịch). Và cả con người vừa trần trụi vừa hiền minh, “thấy người như một câu kinh/ sa thân lẫn giữa vô hình xa xôi” (Còn ngôi sao ở cuối trời). Có lẽ vì thế mà thi ca có sự tồn tại của nó, khi giữ lại thời gian cùng tâm trạng trong một khoảnh khắc khó có thể quay trở về: “và đêm nay tôi đọc chính mình/ với những ngày tháng qua/ từ bài thơ đã chết” (Bài thơ). Bài thơ đã chết cho những ngày tháng qua nhưng vẫn hiển hiện trong cái “tôi đọc chính mình”. Thi ca đã bứt phá thời gian, nằm ngoài thời gian mặc dù trong ước lệ của thời gian. Những bài thơ cũ, bài thơ mới tự thân là một dấu vết, một niềm tin để thi nhân cầm nắm: “tôi gửi em bài thơ cũ/ ngày đôi mươi nắng soi thấu trời/ sương mòn bay mắt người mơ ngủ” (Gửi một bài thơ cũ). Trong cái mộng mơ của tuổi trẻ “sương mòn bay mắt” đang dần qua ấy, Đoàn Văn Mật đã kịp níu giữ lại những “mơ ngủ” của cái sống đang hiện sinh của ước mơ, của đong đầy: “mười năm mơ một ngôi nhà/ đựng vừa tiếng trẻ” (Vẽ một người). Lại một khoảng thời gian của mười năm, tròn vẹn một thập kỷ, một bước ngoặt của đời người trong niềm mơ ước giản dị, cần thiết. Ngôi nhà “đựng vừa tiếng trẻ” ấy là mục tiêu, là sự tạm khép của một diễn trình vận động sinh thể và tâm thế. Nhưng thực tại vẫn còn đây và đầy cật vấn phải đối diện: “Buổi sáng anh và em/ quán lạ phố quen/ lai rai những mặt người/ dai không nuốt nổi” (Trong buổi sáng an lạc). Hiện thực đã quay về với thực tại với những nỗi niềm “dai” như vậy. Đó không phải là dấu chấm hết, là dấu chấm lửng… đang tiếp tục vòng quay của nó. Thơ Đoàn Văn Mật luôn có sự dịch chuyển thầm lặng như vậy như chính anh từng bộc bạch đó là “sự dịch chuyển của những năng lượng sống đang ngày một nhọc nhằn, đầy lo âu đổ vỡ và bất trắc”.

*

Đoàn Văn Mật đặc biệt mê hoa. Trong thơ anh, cả một vườn hoa âm thầm nở/tàn, lặng lẽ mang hương quyện từng con chữ. Tôi đọc kỳ hết những bài viết về hoa, nhắc về hoa trong “Ngoài mây trời đầy trống vắng” và lỡ “va phải” một câu vẫn đậm hương khi gấp trang thơ lại: “những bông hoa sau lưng/ hương bay thầm trước mặt” (Sau lưng). Chỉ có người yêu hoa, hiểu về hoa, thậm chí ứng thân vào hoa mới viết được câu xuất sắc như thế. Hình ảnh thi vị, giàu tính mỹ học và triết lý nhân sinh này nằm đủ trong hai dòng, mười chữ. Các cặp từ sau/ trước, lưng/mặt đối nghĩa với nhau để làm cho cặp từ hoa/hương lên đến độ chín “bay thầm” của nó, lan sang cả người thưởng thức.

Hoa trong thơ Đoàn Văn Mật thơm hương và tỏa sắc riêng theo tâm trạng hay từng khoảnh khắc của cái đẹp đến độ chín muồi. Dường như hoa cúc, mùa thu chiếm không ít những sáng tác của anh trong sự tinh tế, đồng hiện được đặc tả một cách tài tình: “thu vẫn còn một lối cúc để sang/ cây cầu cũ, những ngày nông nổi gió” (Lối cúc). Nhưng hoa của Đoàn Văn Mật không cô độc, hoa luôn có người thưởng thức, thấu hiểu và cũng chính hoa là một “chứng nhân” cho khoảnh khắc thi nhân: “tôi ngồi trong bóng cơn mưa/ đan cùng bóng tôi trên tường/ rồi lặng lẽ bước đi/ thu hắt lại mặt bàn cúc trắng” (T&T). Có khi hoa trở thành hình tượng của một hoán dụ phiêu du: “người ngồi đó, có thành cổ tự/ mắt nâu trầm hoa bay trong sương” (Tam Đảo). Câu thơ gầy nên một hình ảnh đẹp, ví tranh có thể họa được “mắt nâu trầm hoa bay trong sương” để làm thương nhớ những tháng ngày cũ, người cũ đã trôi đi biền biệt cùng sương, cùng mùa. Và hoa cũng có mục đích sống, cũng có ý nghĩa tồn tại riêng: “hoa lặng lẽ tìm lên cao điểm/ cả rừng hoa không nở cho mình” (Hoa đào Vị Xuyên).

*

Trong tập thơ này, phần Nơi chưa từng dừng lại viết riêng cho những người lính, cho những đồng đội nhiều thế hệ mà anh cùng khoác chung màu áo. Mỗi bài thơ trong phần này là những cuộc chiến, người lính, thân phận, những vinh quang, hào hùng và cả mất mát, đớn đau… Đó là lời buốt than còn vương lại bên màu xanh Thành Cổ: “tôi ra đường gặp ngọn gió khuya/ thổi buốt trời Quảng Trị/ thổi trắng những mộ bia/ linh hồn các anh từ gió mà về” (Những ngọn gió khuya). Chiến tranh còn là tội ác khi ngày nào đó thảm sát Sơn Mỹ vọng tiếng khóc hờn: “không ai sống hai lần/ nhưng có thể chết nhiều lần/ khi tội ác nhân lên/ cũng nhiều lần như thế/ những người dân vô tội nơi này!” (Dấu chân Sơn Mỹ). Những người lính, những đồng bào ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn đây thổi buốt lòng người ở lại. Nơi thẳm sâu hang đá, pháo nổ cày nát dòng Thanh Thủy, Hà Giang ngày nào còn đọng trên cả mùa xuân: “Nở trong dìu dặt mưa xuân/ những cánh hoa phớt đỏ/ tựa máu đã tan vào đất/ lại âm thầm theo mạch trồi lên”. (Hoa đào Vị Xuyên). Cuộc chiến đã kết thúc nhưng lòng người chưa thôi đoạn kết, vẫn âm thầm trồi lên những xót xa, bi phẫn. Nhà thơ đã chiêu cảm quá khứ, nghĩ tưởng về những mất mát như còn mới đây. Tưởng nhớ những người lính hy sinh trên đảo Gạc Ma, Đoàn Văn Mật đã cảm tác một màu trắng chia ly: “Những ngôi nhà trắng/ những nấm mồ trắng/ trôi âm thầm trên tóc trắng mẹ tôi” (Bài thơ trắng). Màu trắng ấy thật tàn nhẫn, màu trắng của thời gian, lịch sử, hy sinh, chia lìa... Mỏ neo của hiện thực trong đáy lòng “trôi âm thầm trên tóc trắng mẹ tôi”, là trắng cả cuộc đời của mẹ thầm khóc lặng lẽ. Màu trắng theo cha về phía biển rằng “cha cúi xuống/ xin biển cho gặp các anh/ biển dâng một đàn hạc trắng” (Tưởng niệm biển). Màu trắng đến run rẩy mặt đất, che khuất bầu trời: “những bông hoa trắng/ những con tàu trắng/ đàn sếu căng qua cánh trắng ngang trời” (Bài thơ trắng). Tất cả những dòng thơ ấy được viết bằng nước mắt, bằng rung động của một người lính về chiến tranh, hòa bình và biết trân trọng, tri ân những con người ngã xuống vì độc lập, tự do, vì hòa bình, thống nhất. Tất cả những dòng thơ ấy cũng được anh lý giải trong bài “Đêm ở nhà số 4”: “bao nhiêu chữ đã sang sông/ bao nhiêu chữ sáng cùng hy vọng/ bao nhiêu chữ lẳng lặng vào dĩ vãng/ chữ chữ như mây, như khói đưa đường” về những người lính cầm bút, trao cho anh những ngọn lửa mãnh liệt cháy cho đến tận hôm nay.

Đoàn Văn Mật quan niệm rằng: “Nếu thơ ví như con lạc đà thì hẳn con lạc đà thơ ấy không chỉ mang trên mình nó những câu chữ, những ý niệm, những miền xúc cảm để đi qua sa mạc,… mà phải chở thêm cả ngàn nỗi ưu tư của thân phận con người đang cùng đi với nó”. Và tập thơ “Ngoài mây trời đầy trống vắng” đã trưng dẫn những điều anh chiêm nghiệm và thực hành. Anh đã sống, nghĩ, nói luôn chậm rãi, thủng thẳng bước đi cùng thời gian, cùng cái đẹp vấn víu trong từng hơi thở. Thời gian đã kết tụ, hoa vẫn thơm trước mặt, bóng dài đổ trên tường và những chuyến đi của chữ vẫn phiêu bồng trên một hành trình không biết trước của hoài cảm, của âm thầm, của những trắc ẩn luôn chực chờ gieo vần năm tháng.

L.V.T.G
(TCSH51SDB/12-2023)

 

-----------------------
* “Ngoài mây trời đầy trống vắng”, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2023.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng