Tác giả-tác phẩm
Gửi sông thao
15:10 | 04/06/2008
(Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.

Trở mình chưa đúng cách lắm. Đúng ra phải gọi là giở mình. Tiếng giở mình của ngâu (ngâu lạnh thêm), tiếng giở mình của người, tiếng giở mình của bưởi, trong cùng một thời khắc sang canh. Trời Đất, cỏ cây, con người cùng giao hoà trong thời khắc ấy. Cặp câu thơ đồng hiện thật tài. Đắc địa hơn, động từ gạt lại ẩy hơi thở vào không khí Liêu Trai; đọc bằng mắt mà da tay, da mặt dại hẳn đi, nổi gai lên; thật sướng hết chỗ nói. Đó mới đích thị là câu thơ “anh hoa phát tiết”, thật sự quý hiếm.
37 bài thơ của Gửi sông Thao thua hai câu thơ trên một bậc, tuy cùng một tác giả; song lại được cái Tình, cái Nghĩa và cái nết chất phác của giọng điệu, của từng câu. Ta cùng vào sâu một cụm thơ tiêu biểu để thấy đôi nét những đặc tính nêu trên. Ở bài Mai vàng, tác giả mở ra:
            Bạn tôi đi công tác phía ra
            tặng tôi cây mai hoa vàng rực rỡ
            mẹ tôi bảo giống cây này quê tôi không có
            hàng xóm nghe tin sang xem
Một liên hệ thuần phác của người mẹ ở làng quê. Trong trái tim phúc hậu của mẹ, trong tình làng nghĩa xóm còn có thêm bầu bạn của con trai mẹ. Con trai mẹ, con trai làng, đã đi những đâu, đã đến những đâu? Mẹ làm sao biết hết được! Chỉ khi cây mai vàng hiện diện thì mẹ mới rõ. À ra thế! Cây mai vàng! Ở trong mẹ không chỉ còn riêng duy nhất con trai mẹ nữa, mà còn có cả bầu bạn của nó. Những miền đất nó đã ở. Những miền người nó đã quen thân. Tứ thơ mở ra đến cõi non sông yên bình. Đất nước mở ra trong trái tim mẹ. Ngày xưa con trai mẹ lũn cũn đi theo mẹ. Bây giờ tâm tưởng mẹ lọ mọ đi theo con trai mình:
            Mừng tuổi mẹ chân bùn tay lấm
            biết thêm phần đất nước ở nơi xa
Tứ thơ đẹp. Câu chữ ôn hoà. Chỉ một cây mai mà nói được sự đoàn viên của đất nước, của dân tộc, thật không dễ.
Bài Phượng cũng khá lạ. Tác giả đi trong đêm (dĩ nhiên là một mình), trên con đường đầy hoa phượng vĩ, và tư lự:
            Đỏ đường rực lối người đi
            Tưởng hoa phượng thức soi gì cùng ta
            Bước khuya, lắng mắt phố già
Ánh đèn ánh phượng tràn qua... ánh mình
Câu thứ 4 giỏi. Chính từ cái ánh của các sự vật mà tác giả cảm nhận ra được cái ánh của riêng mình. Thêm nữa, câu 3 lại góp xuống một động thái lắng, khiến mối suy tư sâu hơn.
Ngắm chim bói cá kiếm ăn một mình trên một khúc sông vắng, tác giả không chỉ giới hạn ở miêu tả:
            ... Trên lưng một vòm trời
            đáy nước một vòm trời
            bốn bề mây gió cuộn
            một mình mà thành đôi.
Vòm trời trong đáy sông là vòm trời no đủ của bói cá, vòm trời giúp bói cá sống và tồn tại. Hẳn bói cá không để ý đến bóng mình trong đó. Nhưng tác giả thì để ý đến con bói cá và cái bóng của nó. Để rồi không nói thêm gì nữa. Ấn tượng chim bói cá kiếm mồi buộc người đọc nảy sinh mối liên tưởng về trách nhiệm đối với chính mình của mỗi người trước cuộc sống.
Bên cạnh cụm thơ khá tiêu biểu này, Gửi sông Thao còn có một vệt thơ về các bậc danh nhân: Lý Bạch, Đoàn Thị Điểm, Tam Nguyên, Chế Lan Viên, Văn Cao... Bạn đọc thấy được dụng công của tác giả trong việc tìm từ, tìm cách thể hiện. Tìm ra được ao thu mặt cốm là tinh. Bẻ câu 8: Giữa trưa/ngày cũng xẻ đôi//nữa là... cũng tạm ghi nhận được. Nhìn tổng thể thì phép dụng công đó hiệu quả chưa thu được là bao.
Ưu thế của thơ Đỗ Quý Bông là không dài lời. Nếu phải xử lý một vấn đề rộng lớn, bao giờ anh cũng đầu tư khá lớn cảm xúc, suy tư và tình cảm. Bài Mẹ của anh là một tiêu biểu. Bạn đọc, bạn hữu đang chờ đợi ở anh nhiều nữa những bài có trữ lượng tình cảm lớn, cảm xúc lớn, sau tập thơ đầu tay này.
Hà Nội, 17-10-2001

TRẦN QUỐC THỰC
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng