Tác giả-tác phẩm
Có những ngày Huế lại khai sinh(1)
14:43 | 02/02/2024


LÊ THANH NGA

Có những ngày Huế lại khai sinh(1)
Nhà thơ, Tiến sĩ Lý luận phê bình văn học Lê Thanh Nga - Thành viên Ban Chung khảo đánh giá chung các tác phẩm dự thi

1. Cuộc thi “Thơ Huế 2023” trên Tạp chí Sông Hương đã khép lại với 101 tác phẩm của 33 tác giả được đề cử vào vòng chung khảo. 101 là một con số không hề nhỏ, lại càng không hề nhỏ với vòng chung khảo. Những con số ấy nói rằng, đôi khi mối lo về việc con người quay lưng với văn chương có vẻ hơi thừa. Tất nhiên, ở đây rất cần tính đến sức thu hút, uy tín của nhà tổ chức và của giải.

2. Dường như có một Huế rất yêu đang được đánh thức. Một Huế trầm tư trong hiện tại với tư cách di sản, về cả vật chất và tinh thần, cả vật thể và phi vật thể; có thứ vật thể trải mấy trăm năm còn hiện hữu, trở thành biểu tượng của xứ sở thần kinh, thành niềm tự hào của người dân Huế. Đấy là những Hoàng thành, Ngọ Môn, những cửa Hiển Nhơn, thần công, cửu đỉnh… “Trò chơi” vương quyền đến một lúc nào đó sẽ cô đặc thành ký ức văn hóa, đấy là một thú vị! Tôi nhớ Nguyễn Huy Thiệp kết thúc Vàng lửa bằng một nhận xét về triều Nguyễn, đầy thách thức và gợi mở: “Đây là triều đại để lại nhiều lăng”. Quả thật, lăng tẩm, thành quách, đền đài góp một phần rất cốt lõi làm nên giá trị văn hóa Huế. Và chúng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Vô tận, bởi mỗi cá nhân thi sĩ, với tinh thần của thế hệ họ, sẽ cấp thêm cho chúng những ý nghĩa mới, những giá trị mới!

Đương nhiên Thu Bồn đã viết rất hay về Huế - một bài thơ mà tôi không dám chắc lắm rằng đời sau có bài nào vượt qua được hay không ở cái nhìn xót xa, đắm đuối về bản sắc Huế với chén ngọc, đền đài, lăng tẩm, con người… Nhưng điều đó không cấm cản được sự bổ sung thêm các lớp ý nghĩa cho lăng tẩm, đền đài… với tư cách là những công trình nghệ thuật được xây đắp bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt, máu của các nghệ sĩ, nghệ nhân và thợ mạc. Ta có thể thấy ở đây, trong cuộc thi này, những Hoàng thành, Hộ thành ngập chìm trong những cơn mưa; một bình phong phủ đệ văng vẳng đâu đó phía sau tiếng chim đập cánh; một chén ngọc ghìm hơi tiếng thở dài; những cây thông trên đàn Nam Giao mải mê khâu nắng, khâu gió… Đó là những di sản đã quen thuộc với nhiều người, kể cả những người chưa một lần đến Huế (vì người ta đã nhắc nhiều về chúng trong các sách vở, trên báo đài, mạng xã hội…). Nhưng khi vào thơ, chúng vẫn ít nhiều mang đến cho người đọc cảm giác rằng chúng không phải những gì đã qua, mà là thứ vẫn tồn tại, vẫn sống.

3. Huế đẹp ở những di sản văn hóa, và Huế đẹp ở những sắc màu thiên nhiên. Hình như tạo hóa đặc biệt ban tặng Huế một thứ thiên nhiên khá cân bằng, hài hòa và ít cực đoan: núi cao vừa đủ để không thách thức khả năng chinh phục của con người; độ nghiêng địa hình vừa đủ để “con sông dùng dằng con sông không chảy” (thơ Thu Bồn). Những sắc màu thiên nhiên trong các tác phẩm dự thi lần này vẫn cơ bản giữ nguyên nét đẹp ấy, chỉ là có những điểm mới hơn về xúc cảm, về cách đánh giá và thể hiện. Một Huế sâu lắng, thâm trầm và kiên cường, cả lam lũ nữa, gửi gắm trong thông xanh núi Ngự, trong những tán bồ đề và trong vị mặn của đầm phá, trong “những ngọn đồi mây trắng lang thang” (riêng hình ảnh mây trắng lang thang tự nó đã nói được cái lãng mạn rong chơi vời vợi). Viết về thiên nhiên Huế, có những câu thơ thật sâu:

Gió vỗ sông Hương ngàn lớp dậy
Gió dìu An Cựu, nép Đông Ba
Gió ướp trên mình hương xứ Huế
Gom lại cho gần nỗi nhớ xa
           
(Tà áo Huế - Phong Lan)

Mùa xuân nước lên hương trầm
Tháng sáu mắt ngọc phỉ thúy
           
(Mở ra cánh lụa xanh dưới mặt trời - Bạch Diệp)

Nhưng ấn tượng hơn về thiên nhiên xứ Huế, trong các tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi này, vẫn là những cơn mưa, những dòng sông mà sông Hương là tâm điểm. Huế đương nhiên là xứ sở của mưa và thi nhân xưa nay đã không ít người nhanh tay chụp lấy những khoảnh khắc mưa, những mùa mưa. Hai câu thơ của Tố Hữu trong Nước non ngàn dặm, bằng kĩ xảo ngôn từ, có lẽ đã thể hiện được tận cùng trạng thái của mưa Huế:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”

Tôi hình dung trước mắt mình là những trang giấy sũng nước bởi độ phủ của những sông ngòi đầm phá, những cơn mưa. Mưa và nước kể cả trong sự xuất hiện của không ít loài động, thực vật, là những cánh cò cánh diệc, những tôm cá, sen, súng hay lục bình. Mưa và nước, cứ thế đi từ định mệnh của Huế đến định mệnh của thi ca về Huế. Đó là những “Sông thơm dài vằng vặc hồn quê” (Huế, những trăm năm… - Từ Dạ Thảo); là “Mưa như sương trắng trời Thương Bạc/ Từ Vỹ Dạ mưa ngược Kim Long/ Mưa Ngự Bình vuốt mặt Hương giang” (Mưa Huế - Từ Dạ Thảo). Cả ba bài thơ của Từ Dạ Thảo đều nói đến mưa, mưa trùng trùng điệp điệp. Điều đó lạ mà không lạ. Tuyệt đại đa số các tác giả khác ở mức độ khác nhau đều nói đến mưa, đến sông: là sông Hương “Mùa xuân nước lên hương trầm/ tháng sáu mắt ngọc phỉ thúy” (Mở ra cánh lụa xanh dưới mặt trời - Bạch Diệp); là sông Hương cho núi Ngự soi mình (Phía nào thương Huế - Hoàng Thị Hiền); là chiếc bình Hương giang để lữ khách cắm chiếc bóng mình (Đã từng với Huế - Hoàng Thụy Anh); là một “bến đò lặng lẽ đơm hương” (Có một dòng thơm - Hoàng Thụy Anh); là “Đêm miên du sông trăng ai hát” (Đêm biếc dòng Gia Hội - Huỳnh Thị Quỳnh Nga)…

Việt Nam là xứ sở của vài nghìn con sông lớn nhỏ rải đều trên cả ba miền. Người ta sống lệ thuộc vào sông cũng như lệ thuộc thiên nhiên mấy nghìn năm lẻ. Sông vì thế cất trong mình nó, không chỉ ý nghĩa sinh thái, mà còn là nhân sinh, là văn hóa. Như sông Hồng, sông Lam, sông Mã, sông Hàn, sông Hậu, sông Tiền…, sông Hương lắng trong mình những giá trị ấy của một vùng, một xứ. Dĩ nhiên khó ai có thể viết hay và đủ về sông Hương bằng những cảm nhận tinh tế, những suy tư sâu xa như Hoàng Phủ Ngọc Tường trong hành trình tìm người đặt tên cho dòng sông. Nhưng không bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường mà sông Hương cạn kiệt ý nghĩa. Nó như một văn bản nghệ thuật mà vẫn được bồi đắp trong sự “đọc” của ngày hôm nay. Từ Dạ Thảo nhìn thấy ở sông Hương từng gương mặt con người xứ Huế; Hoàng Đăng Khoa gặp trên sông Hương những nắng dậy thì; Nguyễn Thị Anh Đào bắt gặp thứ ánh sáng đủ để chiều hạ huyền lấy đi vài ba nỗi nhớ; Bạch Diệp nhìn sông Hương trong tương cảm với nắng trên cầu Mirabeau, nhận ra tính vô hạn của sông Hương trong một cơn mưa bất chợt đẫm chiều khi “Trường Tiền vén mưa” với “những cây dù nở bung hoa nấm”… Rồi thế, mỗi người đến với sông Hương, và neo mình ở đó, mãi mãi, bằng những câu thơ nhiều xúc động. Họ thấy sông Hương là nơi núi Ngự soi mình, là nơi cất giữ tinh thần Huế, là bể dâu thế sự và trầm luân kiếp người… Sông Hương cũng là nơi tựa nương, hóa giải, sẻ chia cho những tâm hồn đa đoan:

Dòng Hương xanh biếc giấc mơ
Em có hay đêm đắm chìm chén ngọc
Đêm nồng nàn hãy tựa vào thơ
           
(Đêm biếc dòng Gia Hội - Huỳnh Thị Quỳnh Nga)

Giọt chuông đẫm dòng Hương đêm niệm thoại
Bàn tay kỹ nữ buông trăng Chén ngọc nổi chìm phận hạc
           
(Giọt chuông xanh - Huỳnh Thị Quỳnh Nga)

Có một Huế rất đẹp, rất thơ như trăm năm vẫn thế. Nhưng còn có một Huế với thiên nhiên khắc nghiệt. Và đây có lẽ là một cái nhìn về một Huế khác. Không có nhiều tác phẩm nhắc đến điều này nhưng tôi vẫn muốn coi nó là một điểm nhấn (ở đây không bàn về chất lượng của sự thể hiện). Giữa cả trăm tác phẩm mải mê tìm vẻ đẹp mộng, thơ, cổ kính, trầm u của Huế, có vài tác phẩm khái quát về một Huế khắc nghiệt, tai ương. Và trong đó là cay đắng phận người:

Cuống cuồng giấc bão
Cố níu cố tìm
Những gì dành dụm đã trôi
Hơi hướm người thân đã mất
Trên con sông giãy nảy nỗi buồn ăn khuyết
Dẫu chỉ đâm sâu thêm vào nỗi đau
Của tận cùng mất mát

Chồi non mở mắt
Đã học bài chống bão
           
(Phố bão - Nguyễn Thiền Nghi)

Những chiều rơi vụn xa xôi
người cúi mặt soi bóng mình đã cũ
nhớ mẹ đò đưa khách trú
người Bắc người Nam biền biệt xứ nào
mẹ vội và những hạt ca dao
bao năm nhớ một mùi cơm quá lửa
           
(Sông ly hương - Vân Phi)


4. Văn chương trước hết viết về con người. Thơ viết về xứ Huế, dù có là miêu tả lăng tẩm, đền đài, núi Ngự, sông Hương… thì trên hết vẫn là viết cho ra con người xứ Huế. Ở đây, con người mà ta gặp, có lẽ trước hết vẫn là con người lãng mạn, bay bổng, thậm chí là “hoang đàng” như Hoàng Đăng Khoa đã viết. Vẻ lãng mạn ấy không chỉ thể hiện trong tà áo dài hay tiếng “dạ” thiếu nữ bất ngờ hút hết hồn vía của một khách phương xa, mà còn, và đặc sắc ở những suy tư bay bổng, những mộng ước linh tinh đôi khi có vẻ viển vông, phù phiếm, nhưng thực chất đằm thắm và đắm đuối:

Tôi treo giấc mơ vào tiếng chuông Thiên Mụ
Thấy mình rơi trong nỗi nhớ Đông Ba
           
(Huế, những trăm năm… - Từ Dạ Thảo)

Ngày Huế còn thương trải chỉ màu khung cửi
Đàn chim đã trở về đậu lên những giấc mơ
           
(A Lưới thương nhau trong tấm dèng - Hoàng Thị Hiền)

Đêm chảy ngược
Nghiêng vầng trăng rót cạn
Quán vắng thưa người anh vấp váp cơn say
    
(Huế, em, rượu và thơ - Huỳnh Thúy Kiều)

Người đọc còn có thể thấy một phong cách con người Huế, một tính cách con người Huế ở nỗi trầm mặc và sâu xa, ở sự thơ thới và thong dong, ở một hào hùng một bi tráng:

Huế không cần điểm thêm giọt buồn lên mắt thì tâm hồn đã rất sâu
Như sông Hương nhân từ nén chặt vào đáy lòng bao nhiêu giông bão
                       
(Huế - Hoàng Đăng Khoa)

Thuyền thiên nga rùng mình quẫy phải đuôi tiếng chuông Thiên Mụ
Bác xích lô đậy nón thơ thới ngủ dưới tán bồ đề
                       
(Huế - Hoàng Đăng Khoa)

Đêm nhìn về Chân Mây
Nghe rình rập bước hành quân chiến thuyền cổ lũy
                       
(Chân Mây - Vân Phi)

Giặc đã trong nhà, muốn cầu hòa là chuốc nhục non sông
Người dựng cờ Cần Vương nơi núi sâu, đèo hiểm
Chiếu ban,
chọn con đường quyết chiến
vọng một Hàm Nghi
Tân Sở chiều tà…
           
(Vọng một Hàm Nghi - Nguyễn Hữu Quý)

Và một con người Huế lam lũ, đắng cay:

Đêm trên chuyến tàu nhìn về Chân Mây
Tôi nghe bước chân người thợ xây từ tiền kiếp
Gió đắp lên những khuôn mặt người xứ Huế
Thổi mòn những vân chỉ thời gian
           
(Chân Mây - Vân Phi)

Tác giả đã chạm vào một ký ức rất Huế. Đó là sự thực về đời sống cực nhọc của một bộ phận người dân Huế. Ta đã chứng kiến không ít trong số họ làm những công việc nặng nhọc và nhiều khi nguy hiểm là thợ nề, như một chấp nhận và như một theo đuổi đam mê. Thợ nề xứ Huế nổi tiếng tay nghề cao và thường tỏa đi khắp nước. Nhưng đây cũng là niềm kiêu hãnh. Huế là cố đô, xưa kia, nhu cầu xây dựng thành quách, phủ đệ, đền đài, lăng tẩm của một trung tâm hành chính đứng đầu cả nước với sự tập hợp đông đảo tầng lớp vương công quý tộc đã sản sinh những nghệ sĩ, nghệ nhân trác tuyệt. Những công việc liên quan đến kiến trúc, xây dựng vì vậy đã trở thành, không chỉ là công việc mưu sinh, mà nhiều khi là nghệ thuật, là lẽ sống và đó là văn hóa. Không phải tự nhiên mà hàng năm, cánh thợ nề Huế luôn nhớ và mở tiệc tưng bừng vào ngày giỗ tổ nghề, dù họ mưu sinh ở bất cứ đâu.

Vẻ đẹp của con người, và sau đó, dĩ nhiên là văn hóa, thể hiện trong những cái tôi độc đáo và thi vị của người thơ. Huế không chỉ đẹp ở tự mình, mà còn, và quan trọng hơn là đẹp từ cái nhìn của chủ thể trữ tình, của cái tôi thi sĩ:

mẹ vội và những hạt ca dao
bao năm nhớ một mùi cơm quá lửa
           
(Sông ly hương - Vân Phi)

Có vẻ như tuyệt đại đa số các tác phẩm dự thi đều cố gắng tiếp cận Huế ở những vẻ đẹp truyền thống, ở “thiên tính nữ”2 truyền đời của Huế. Đấy là vẻ đẹp của sự cam chịu, thương khó và nết hạnh, như câu thơ trên đã thể hiện, và vẻ đẹp của tiếng dịu dàng dạ thưa:

Nhớ bóng mẹ tảo tần rơm rạ
Tiếng “dạ” chồng ngọt từ thuở tóc mai
           
(Huế, những trăm năm… - Từ Dạ Thảo)

Rồi em sẽ kể con nghe
Về chuyến tàu rước dâu lúc năm giờ chiều
Trôi dạt một mùa mưa xa xôi
Người con gái cúi đầu lạy dòng sông mẹ
           
(Mở ra đôi cánh lụa xanh dưới mặt trời - Bạch Diệp)

Một bạn gái Huế của tôi nói rằng ngay từ thuở lên năm, bạn ấy đã được mạ dạy dỗ cách bước đi như thế nào cho ra dáng người con gái Huế. Có thể đấy chỉ là một lời nói quá. Nhưng nói quá được như thế thì bản thân ý nghĩ cũng đã đẹp biết bao. Đấy là nết hạnh cả xứ sở mà tôi hình dung, mỗi thiếu nữ đều mang trong mình ít nhiều phong vị Tôn nữ, đôi khi, dù chỉ là một xíu thôi.

5. Đã có một Huế rất yêu, rất thơ với nhiều góc nhìn khác nhau, và cuộc thi đã dựng được một diện mạo Huế vô cùng đáng sống, một Huế đang rất sống, kể cả cái sống tự ngàn xưa: sông Hương và núi Ngự; cầu Trường Tiền và phá Tam Giang; lăng tẩm và đền đài; ly trà và khúc Nam Ai; hoa sen hồng và bông sứ trắng… Một Huế đặc Huế, không lẫn với xứ khác. Nhưng có thể còn một Huế khác chưa được khai thác? Hình như các tác giả đã trót dồn tâm huyết cho bờ Bắc mà chưa có nhiều rung động với bờ Nam, nơi có một Huế đang ngày càng sôi động, hiện đại, tươi mới. Quá đắm đuối với truyền thống đôi khi chưa hẳn đã có lợi cho trường tồn. Vĩnh cửu nhiều khi được tạo bởi vận động và biến đổi.

6. Có cảm giác các tác giả có tác phẩm dự thi lần này hoặc cùng thế hệ hoặc, gần độ tuổi - từ trẻ đến trung niên. Nói vậy bởi tôi thấy giữa họ có những điểm gần gũi, thậm chí là gặp gỡ trong cách tiếp cận, khám phá; trong giá trị của cái tôi trữ tình và cả cách thể hiện những suy tư về Huế. Họ trẻ ở những điều mới mẻ, nhất là trong lối viết nhìn chung mang màu sắc hiện đại, trong mạch tự sự và chất suy tưởng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, bất cứ một bài thơ hay nào, tự nó phải đạt đến độ hài hòa, cân bằng thông tin giao tiếp với thông tin thẩm mỹ.

Ninh Bình - Hà Nội, tháng 12/2023 - tháng 1/2024

L.T.N
(TCSH420/02-2024)

---------------------
1 Mượn câu thơ của Khét.
2 Chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến để định danh một đặc điểm trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng