Tác giả-tác phẩm
Về "con mắt thơ" (1)
09:48 | 15/03/2024


NGUYỄN VŨ QUỲNH NHƯ

Về "con mắt thơ" (1)
Ảnh: goodreads.com

Phong trào thơ mới ra đời cách đây hơn sáu mươi năm - khoảng thời gian dài cho những biến đổi trong sáng tác và phê bình văn học. Tuy nhiên, trong phê bình, chỉ những năm gần đây mới xuất hiện một số ít cây bút bổ sung cho phê bình văn học truyền thống, kiếm tìm những điều chưa có tên trong tác phẩm văn học: những ám ảnh, sự tồn tại của tác phẩm văn học trong ngôn từ, trong văn bản...

Xuất hiện sau "Thi nhân Việt Nam" (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân tròn một nửa thế kỷ, "Con mắt thơ" (1992) của Đỗ Lai Thúy là cuốn sách gợi mở những chiêm nghiệm Thơ Mới ở nhiều góc độ.

Từ "Khúc dạo: Thơ Mới, nhìn từ góc độ cái tôi" đến "Khúc ngân: Thơ Mới, hành trình cái tôi, hành trình nghệ thuật (2) Đỗ Lai Thúy tạo một cái nhìn triết học có tính nhân sinh về Thơ Mới. Đó là những quan niệm về con người, về thời gian, về không gian. Và thời gian, không gian lại chính là hai trong "số những hình thức nghệ thuật của nghiên cứu thi pháp học - một bộ môn nghiên cứu văn học hướng tới những tiềm ẩn trong tác phẩm từ các hình thức biểu hiện bằng ngôn từ nghệ thuật. Thời gian và không gian trong Con mắt thơ là sự ám ảnh của Xuân Diệu, là nỗi khắc khoải của Huy Cận và hắt bóng nhẹ nhàng lên Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương…; góp phần tạo dựng cái tôi đặc thù ở mỗi nhà thơ. Không phải đến Đỗ Lai Thúy mới nói đến cái tôi mà ngay từ khi Thơ Mới ra đời, nhiều người đã nói đến nó như một trong những yếu tố làm thay đổi toàn bộ nền thơ Việt Nam. "Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi" (Thi nhân Việt Nam). Với Đỗ Lai Thúy, câu thơ của Xuân Diệu "Ta là một, là riêng, là Thứ Nhất" mở đầu cho một loạt những cái tôi riêng của từng nhà thơ, cái tôi đa dạng của cả phong trào Thơ Mới. Bắt đầu từ "phạm trù cái tôi" qua "chữ tôi đích thực" được xác định với "diện mạo cụ thể, diện mạo của cá-nhân-chủ-thể-sáng-tạo" để giới thiệu một trong những người mở đầu cho phong trào Thơ Mới. - Thế Lữ "Người bộ hành phiêu lãng". Đỗ Lai Thúy viết: "Thế Lữ dắt tay người khách lạ ấy vào thơ để giới thiệu cùng bạn đọc,... đưa ra rất nhiều định nghĩa về cái tôi" Tiếp sau đó, với bức "Chân dung tự họa", cái tôi phát triển dưới nhiều loại hình "cái tôi đô thị", "cái tôi trữ tình", "cái tôi siêu ngã", cái tôi "đồng hóa nó với nội tâm", "cái tôi cá thể", "cái tôi hiện đại cá nhân", "cái tôi tâm linh bí ẩn"... Đỗ Lai Thúy tạo một thế giới Thơ Mới “ấm nóng cảm xúc cá nhân” mang “dấu ấn cá nhân”. Những giăng mắc, từ đầu đến cuối tác phẩm, có thứ tự của cái tôi - từ lúc ra đời cho đến khi tự khẳng định bản ngã, như vặn xoáy vào đáy lòng người đọc những dấu ấn, những khẳng định của một thời "cải tạo thế giới một cách thi vị".

Trong "Con mắt thơ" cái tôi được phản ánh, được nghiên cứu đan xen giữa không gian, thời gian và những ám ảnh. Những yếu tố này tham gia vận động cùng ngôn ngữ, nhập vào đời sống tâm linh của nhà thơ. Một Xuân Diệu gấp gáp với "nỗi ám ảnh thời gian". Một Huy Cận suy tư trong "sự khắc khoải không gian". Một Nguyễn Bính ôm mối hoài niệm da diết với quê hương. Một Vũ Hoàng Chương khi say "lạc lối đào nguyên" tạo những hư ảnh diệu kỳ. Một Hàn Mặc Tử trữ tình trong "cõi siêu hình cao tột bực". Một nghệ sĩ ngôn từ Bích Khê. Và mơ say những ám ảnh, những con người vĩ đại ấy đã chiếm lĩnh thời gian, chiếm lĩnh không gian, thu vào mình cái chấp chới của thời gian, cái rợn ngợp của không gian để rồi tạo ra "Tôi là một người khác" (Je suis un autre - Arthur Rimbaud). Khi đó con người không còn là một con người giản đơn, mà hòa nhập với "âm thanh, màu sắc, hương thơm", cảm nhận những điều tinh tế, khó nắm bắt của vũ trụ: "cành biếc run run chân ý nhi", "những luồng run rẩy rung rinh lá" (Xuân Diệu) hay "Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm/ Có thứ gì rơi giữa khoảng im/ Rơi tự thượng tầng không khí xuống/ Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim" (Hàn Mặc Tử). "Con mắt thơ" của Đỗ Lai Thúy phóng chiếu cái nhìn thấu thị đến từng nhà thơ, dựa vào văn bản ngôn từ, dò tìm những đáy sâu cảm giác.

Đỗ Lai Thúy viết: "Điểm xuất phát cho hành trình đi tìm "Con mắt thơ" của tôi là tác phẩm... chính xác hơn phải là ngôn ngữ tác phẩm".

Trong lịch sử ngôn ngữ học, ngôn ngữ được mệnh danh là một nữ thần (nàng Vak). Nữ thần thể hiện phép nhiệm màu qua ngòi bút của người sáng tác, tạo nên cấu trúc thơ nằm trên "bề nổi của tảng băng trôi": "Ta là một khách chinh phu” hay "Thế Lữ là một chàng kỳ khôi" (Đỗ Lai Thúy trích thơ Thế Lữ). Mà theo Đỗ Lai Thúy "đây là cú pháp thuần túy khoa học nhằm làm nổi bật bản chất của sự vật, hiện tượng". Nhưng linh thi không được gợi ở chỗ này; Đỗ Lai Thúy nghe về những "tiếng gọi", những "tiếng nói” những biến hoá thần diệu của nàng Vak trong tiềm thức con người; Tiếng, Lời, Khúc, Vần, Điệu trong các tựa đề của thơ Thế Lữ là những yếu tố tạo thành nền thơ, nằm dưới "phần chìm của tảng băng".

Có thể nói, thơ là một diệu biệt của nghệ thuật ngôn từ, của thanh-sắc-hình. Một loại hình ngôn từ có "khoảng cách" với các loại hình ngôn từ khác. Và khi đó, "thi sĩ trở thành người lạ" (Le poète arrive à l’inconnu - Arthur Rimbaud). Đi tìm chất lạ là quá trình nhà "phê bình hoá thân thành "dòng sông trong suốt, trôi và uốn lượn xung quanh tác phẩm" (Jules Lemaître). Dòng sông của Đỗ Lai Thúy tạo ra những chỗ xoáy - những cảm giác hút người đọc, khi bị xô giạt theo những cụm từ như "bẹp dí hình ảnh/ "phồng lên đầy sinh khí", lúc trầm mình xuống với nỗi "buồn khổ, cô đơn đặc quánh, vón cục" hay cuốn theo dòng cảm xúc thơ Bích Khê (trang 176-177)...

Trong khi tìm được những "Con mắt thơ" của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Bích Khê chính Đỗ Lai Thúy đã tìm thấy những "con mắt phê bình" của anh, phương pháp phê bình mới - Thi pháp học đan xen trực giác nghệ thuật tinh tế.

"Con mắt thơ" của Đỗ Lai Thúy là một thành tựu, băng lướt một lối mới vào phong trào Thơ Mới.

Hà nội 21-2-1993
N.V.Q.N
(TCSH57/09&10-1993)

---------------------
(1) Con mắt thơ - Đỗ Lai Thúy. Nxb Lao động, 1992.
(2) Hai khúc mở và kết trong phần viết của Đỗ Lai Thúy.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng