TRẦN BẢO ĐỊNH
1. Là người con xứ Nghệ - vùng đất dày truyền thống học tập, tranh đấu, Võ Thu Hương nuôi chí thực hiện đam mê theo nghiệp văn và nhà văn nữ ấy, đã trưởng thành cùng gắn bó với văn chương Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà văn nữ họ Võ, quê Đô Lương (Nghệ An) nổi tiếng với dòng văn học tuổi hoa - những tác phẩm ấp iu tâm hồn của lứa tuổi mới lớn! Đây là lứa tuổi bắt đầu có những thay đổi về suy nghĩ và tính cách. Địa hạt văn chương thực sự khó khai thác. Từ Góc nhỏ yêu thương đến Yêu thương ở lại, sáng tác của Võ Thu Hương đã đồng hành cùng nhiều bạn nhỏ (sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 - Chân trời sáng tạo, tr.109). Trang văn của nhà văn Võ Thu Hương đã ít nhiều bồi đắp thêm vẻ đẹp trong sáng thanh khiết của lứa tuổi chập chững nhận thức thế giới xung quanh. Mặc dù đã xuất bản khoảng 10 tập sách cho thiếu nhi và thiếu niên nhưng Võ Thu Hương cơ hồ vẫn bền bỉ chuyển tải diễn ngôn “yêu thương” như phương thức vun bồi, chữa lành tổn thương tâm hồn tuổi hoa niên.
2. Diễn ngôn “yêu thương” của nhà văn Võ Thu Hương bắt đầu bằng sự phát hiện và nhận thức theo chiều sâu những lẽ mầu nhiệm của cuộc sống. Đó là, những điều vốn gần gũi dù nhỏ bé hay đơn sơ nhưng lắm khi chúng ta không phát hiện ra. Phần nhiều chúng ta lãng quên nó để rồi nó trôi đi một cách đáng tiếc - thật đáng tiếc. Nhà văn Võ Thu Hương viết như thể tái phát hiện những vẻ đẹp vốn có của cuộc sống.
“Chị tần ngần nhìn ngọn lửa vừa nhóm lên, nhớ những ngày còn thơ bé. Lúc là ngồi đợi củ khoai nướng thơm phức, khúc mía lùi ngọt lịm mẹ cho. Lúc mê mẩn nghe bà kể chuyện cổ tích và tưởng tượng có một kinh thành lung linh bên ngọn lửa. Chị tưởng như vị ấm áp của những tháng năm đã xa lan tỏa trong không gian. Tiếng gà trưa nhảy ổ đột ngột làm chị giật mình. Ngoài sân mưa bong bóng vỡ. Mịt mù những bọng mây sầm sì từng vệt dày đặc trên trời. Mưa chắc sẽ còn lâu lắm” (tr.143).
Ta dễ gặp những đoạn miêu tả đời sống như thế! Viết đối với Võ Thu Hương về cơ bản là sự tái phát hiện vẻ đẹp hiện thực thường ngày. Và, qua những cảm nhận bé xíu, trong sáng và tinh khiết như vậy, Võ Thu Hương gợi lên trong trí ta những chiêm nghiệm đời sống.
“Ông nhận ra khát khao theo đuổi những điều mới mẻ trong mắt con, khi con đứng quanh lũ trẻ làng ấy. Khi con nói dối để được đi theo cái khát vọng xen lẫn tò mò và ham muốn của mình. Khát vọng đi xa thật đẹp phải không? Đã có một thời, ông cũng như vậy. Chỉ có điều, khi muốn quay về với mẹ thì ta đã mất người, còn con…” (tr.13).
Trẻ con đọc văn của Võ Thu Hương tưởng như gieo hạt mầm trong tâm tưởng. Cứ vậy, và cứ vậy, hành trình đời sống ngày một xa hơn, ngày lại ngày vun bồi tưới tắm cho hạt giống ấy. Đến một lúc nào đó, hạt giống nảy mầm. Đứa bé năm xưa cầm trên tay trang sách của Thu Hương, bây giờ đã lớn và nhận ra những điều đơn sơ từng đọc hồi nhỏ. Bấy giờ, đứa bé đã biết “vì yêu thương mà trở về chứ không vì sợ cây roi của mẹ” (tr.14).
Không chỉ có niềm thương mà còn có nỗi đau! Người trưởng thành đọc văn của Võ Thu Hương tưởng như hồi cố năm tháng thơ bé. Còn những bạn thiếu niên đọc văn Thu Hương như tìm được người đồng cảm sẻ chia! Võ Thu Hương chia sẻ với bạn đọc về những thương tích đầu đời của tuổi mới lớn. Lứa tuổi mà cha mẹ vẫn xem là trẻ con nhưng đứa bé con ấy đã bắt đầu có những nhận thức của người lớn. Theo đó, nữ tác giả chia sẻ về những chấn thương và cách chữa lành cho lứa tuổi thiếu niên. Mà, chấn thương trước hết, chấn thương trong mái ấm gia đình. Mẹ mải mê chạy theo hạnh phúc mới, ba thất chí nhốt mình. Nhưng, nỗi đau con trẻ chịu đựng chừng như chẳng kém gì người lớn. “Không ai cần quan tâm ý kiến con cái, nhất là khi ba mẹ vẫn luôn coi nó như một đứa trẻ, dù đứa trẻ ấy đã lớn và biết suy nghĩ chín chắn từ lâu” (tr.17). Cùng nỗi đau chia cách người thân, Hải giúp Yến ngộ ra, chí ít Yến còn có thể gặp ba mẹ dù họ đã không còn ở bên nhau, trong khi ba Hải có lẽ muôn đời vùi thây dưới sóng biển, còn mẹ nằm yên dưới ba tấc đất. Hai đứa trẻ còn ở tuổi thiếu niên, bằng cách mở lòng sẻ chia, đã chữa lành cho nhau! Mới thấy, nỗi đau không thể vượt qua nếu cứ giữ khư khư và chôn chặt nó trong lòng. Ngược lại, phải đối diện và nhận thức được ý nghĩa của chấn thương đối với đời sống! Thế rồi, từ những đau thương, con người ngày một trưởng thành hơn!
“Yến quặn lòng. Cảm thấy nỗi đau của mình dịu dàng lắng xuống. […]. Thấp thoáng trong Yến một buổi sớm mai, mặt trời buông từng chùm nắng ngọt lành trên cát vàng. Mẹ, ba và nó lại cùng nhau đi bên nhau như những ngày thơ bé. Bên nó, Hải mỉm cười nhìn xa xăm, dõi theo hình bóng con thuyền đang trở về…” (tr.23).
Mang một tâm hồn đầy nữ tính, bạn dễ hiểu vì sao phần nhiều nhân vật của Võ Thu Hương là nhân vật nữ. Nhưng, có lẽ, xúc động nhất là hình ảnh người mẹ trong “Báu vật của mẹ”. Người mẹ của Võ Thu Hương là người đàn bà chịu đủ nỗi khổ ải, song vẫn trước sau một tình yêu thương - Tình yêu thương vô điều kiện của người phụ nữ: tha thứ cho chồng, thông cảm cho vợ mới của chồng, thương yêu đứa con riêng của chồng. Và, khi vợ bé của chồng bỏ đi vì ông chồng nát rượu vô công rỗi nghề, vì đứa con trai nối dõi tông đường được bác sĩ xác nhận “bị down”, thì mẹ lại tiếp tục gồng gánh nuôi ba chị em gái và đứa con trai riêng hết quãng đời còn lại. Báu vật của đời mẹ, cuối cùng chỉ là chiếc áo nâu vá chằng vá đụp ngày mẹ bồng bế dắt dìu bầy con về quê ngoại. Rốt cuộc, chỉ còn đứa con trai riêng của chồng ở lại với mẹ, trong khi ba chị em gái mỗi người một ước mơ và đời sống riêng. Võ Thu Hương khắc họa người phụ nữ, không oán giận, không thù hằn, không ghét ghen..., trước sau chỉ một lòng yêu thương - Yêu thương và yêu thương! Người mẹ thuần lương đó khiến người đọc vô cùng thấm ngấm niềm xúc động! Cuối cùng, nhà cửa xí nghiệp các chị chia với nhau. Đứa em trai khờ khạo chỉ xin giữ báu vật của mẹ - tấm áo cơ hàn ngày cũ. “Gần đó, mẹ vẫn như cười tủm tỉm - nụ cười bà Mụ dạy, không rõ buồn vui. Chỉ thằng Giàu là sung sướng reo lên: “Cho em giữ nha các chị. Em giữ lâu lắm, lâu suốt đời luôn”” (tr.68). Võ Thu Hương hay đưa nhân vật vào tình huống đời sống. Nhân vật liền bộc lộ và xuất hiện một cách rõ nét. Qua lời khắc họa gián tiếp của người kể chuyện hoặc xuất hiện qua lời nhận xét của nhân vật khác, nhiều hình tượng nhân vật của Võ Thu Hương hiện lên sắc nét, sống động. Nữ nhà văn cũng thường xây dựng các nhân vật với tính cách điển hình, khiến cho người đọc tràn lòng xúc cảm. Nhất là các hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đức hạnh, hồn hậu, tha thứ.
Chính vì vậy, có thể nói văn chương Võ Thu Hương thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ. Nhất là những người phụ nữ quê. Đó là những người phụ nữ, qua sự phát hiện của ngòi bút Võ Thu Hương, là những người phải chống chịu quan niệm của thời quá vãng. Trong thời hiện đại, có lẽ nhiều bạn trẻ tỏ ra xa lạ với quan niệm trọng nam khinh nữ. Nhưng phụ nữ quê, nhất là phụ nữ ở tuổi trung niên hẳn vẫn còn thấm thía! “Nội tôi suốt mấy ngày im lặng, có dịp thổ lộ nhỏ to hết. Tôi nằm căng tai lên nghe. Hình như nội bực mẹ tôi không sinh con trai, sau đợt ốm này bác sĩ lại bảo không sinh được nữa…” (tr.42-43). Phụ nữ Việt mới nửa thế kỷ trước chắc vẫn chưa lạ gì quan niệm ấy. Qua trang viết của Võ Thu Hương, bạn đọc thấy rằng người phụ nữ phải trải qua bản án phụ nữ. Nói theo lối các nhà nữ quyền, “chúng ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ” hay thậm chí họ cho rằng một số bà mẹ tự biến thành nô lệ của con cái. Kỳ thực, tất cả chúng ta đều hiện hữu không phải như định tính mà như là sự trở thành, không riêng gì phụ nữ. Nhưng các nhà nữ quyền cho rằng: sự áp chế của “nam tính”/ “nam quyền” khiến cho người đàn bà trở thành đàn bà. Người đàn ông biến phụ nữ thành “Cái Khác”, “Cái Ngoại Biên”, cái phần phụ kéo theo trong quy hệ của đàn ông. Cho nên, sự đàn bà là một sự bất hạnh. Nghĩ theo lối ấy, e rằng khi ta nhìn lại người phụ nữ Việt Nam sẽ nhận thấy ít nhiều khập khiễng. Kỳ thực cũng dễ hiểu, bởi tư tưởng nào cũng xuất phát từ cơ tầng văn hóa nhất định. Lẽ vậy, để hiểu người phụ nữ Việt Nam, hẳn phải xuất phát từ chính cơ tầng văn hóa Việt. Trang văn Võ Thu Hương giúp ta nhận diện được ít nhiều chiều sâu tâm hồn của người phụ nữ Việt, mà trên hết: đức hy sinh!
Điều này, không có nghĩa sự áp chế nam quyền trong các quy phạm xã hội đòi hỏi sự hy sinh mặc nhiên của người phụ nữ. Ngược lại, sự hy sinh đó chỉ là biểu hiện của đức tính còn vĩ đại hơn: tình mẫu tử! Chính “mẫu tử liền tâm” mới là đức tính mặc nhiên của người phụ nữ Việt Nam. Ai có thể áp chế, ai có thể đòi hỏi tình mẫu tử mặc nhiên của người phụ nữ ngoài núm ruột của chính người phụ nữ đó! Như vậy, đằng sau thiên tính nữ của người phụ nữ Việt, bạn thấy rằng không phải hậu quả của sự áp chế mà thiên tính mẹ đã khiến tạo ra những biểu hiện chịu thương chịu khó dễ thấy ở những người phụ nữ quê mùa trong trang viết của Võ Thu Hương (như người mẹ trong Báu vật của mẹ, người mẹ trong Bức tranh không có mùa xuân, người bà trong Xanh xanh miền nhớ,…).
Có lẽ, ta không nên phán xét, bởi phán xét nào cũng bộc lộ ít nhiều thành kiến. Chỉ là, qua trang văn Võ Thu Hương, bạn sẽ thấy “diễn ngôn” tàng ẩn bên dưới lớp chữ nghĩa. Cơ hồ, nhà văn cảm nhận và thể hiện một cách nhẹ nhàng (không phán xét, không đánh giá, càng không phê phán) thực trạng gia đình xưa mà hồn cốt phần nhiều được gìn giữ hun đúc qua bàn tay chắt chiu gồng gánh yêu thương của người phụ nữ; còn thực trạng gia đình nay với những tổn thương gây ra cho con cái từ cái tôi đòi hỏi hạnh phúc cá nhân của những bậc làm cha làm mẹ. Nữ nhà văn dường như tạo thế đối lập giữa hai không gian truyện: không gian thời quá vãng nào đó và không gian hiện đại với nhịp sống hối hả hôm nay. Truyện Xanh xanh miền nhớ khiến bạn đọc tiếc nuối về cuộc gặp gỡ tình cờ, đơn sơ, giản dị và trong sáng. Không có những ham muốn quá đáng, không có những tình yêu điên cuồng bạo liệt mà tình người đã nối kết hai con người với nhau. Để rồi vì hiểu lầm, hai người suốt đời chia cách. Sau ba năm biền biệt, anh quay về nghe tiếng người xưa ru con, đành ngậm ngùi rời đi. Còn chị đâu hay, cứ trông chờ anh, nương tựa vào đứa con - là kết quả lần gặp gỡ năm cũ. Câu chuyện khiến ta tiếc nuối vì hai người sắt son chung thủy nhưng lại muôn đời chia cách! Trong khi đó truyện Nghệ sĩ với mối tình sinh viên đẹp như thơ của chàng thi sĩ và người đẹp. Nhưng thời gian bào mòn tình cảm thi sĩ. Nhà thi sĩ mải miết rong ruổi theo những bài thơ và bài giảng đức hạnh trên mặt báo, cuối cùng cũng bỏ vợ con bay xa. Đứa con trong câu chuyện đóng vai người kể chuyện, cho thấy nhận thức đầu đời về người bố được thiên hạ kính mộ lại là người gây ra đau thương tuổi mới lớn. Càng đau hơn, khi đứa con lại thấy bố xuất hiện trên báo chia sẻ về nỗi khát khao hạnh phúc gia đình.
“Cái sợi dây trách nhiệm của bố theo thời gian cứ mòn dần, mòn dần. Mẹ cố chắp nối thế nào cũng không được. Cuối cùng, một ngày mùa đông, bố kéo cho sợi dây đứt hẳn rồi ra đi. Nó nhớ, có lần, trong một bài báo nào đó, bố đã nhắc tới gia đình như một bến đỗ đầy yêu thương mà bố luôn mong được ghé về. Nó thấy buồn cười, không hiểu sao lúc đó nó đã tin như vậy. Nó nhìn theo dáng bố đang khuất hẳn sau giậu râm bụt trước nhà, lại thấy thương cho mẹ hơn” (tr.156-157).
Qua đó, ta mơ hồ nhận ra một hiện trạng văn hóa gia đình đâu đó. Đời sống đương đại phải chăng đã tác động sâu sắc đến từng gia đình - từng tế bào xã hội. Và, khi thiết chế văn hóa gia đình run rẩy đảo lộn thì văn hóa xã hội e rằng không thể bình yên!
Nhà văn Võ Thu Hương cho thấy sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc những đau thương đầu đời của tuổi mới lớn! Nhà văn khiến chúng ta cũng nhận ra: những đau thương tuổi mới lớn sẽ là những vết sẹo suốt đời, thậm chí bóp méo hoặc giả làm thui chột tâm hồn của những mầm cây đang kỳ trưởng thành. Về mặt tâm lý, chấn thương gia đình nói riêng, chấn thương xã hội nói chung gây ra nhiều hậu quả lâu dài cho trẻ vị thành niên. Lý thuyết chấn thương phương Tây cho rằng: “Thứ nhất, chấn thương là hệ quả của một sự kiện gây hại đến con người về thể chất và đặc biệt là tinh thần. Sự kiện chấn thương này làm toàn bộ trạng thái tinh thần của con người đổ vỡ, phân mảnh, rối loạn, trầm uất... Thứ hai, cơ chế hoạt động của chấn thương rất đặc biệt, nó nằm sâu trong tiềm thức, không được nhận thức tại thời điểm xảy ra chấn thương mà thường quay trở lại ám ảnh ở giai đoạn sau qua những kí ức, khiến con người rơi vào những trạng thái không thể nói nên lời, bị kìm nén”1.
Trang văn Võ Thu Hương thực sự khiến ta nhận ra và thương cảm cho những đau thương thiếu thời mà rất nhiều người trong chúng ta từng trải qua. Và lứa thiếu niên được phản ánh trong sáng tác của nhà văn họ Võ cũng đang trải qua, tưởng như ta có thể thấy những đứa trẻ tội nghiệp ấy trong cuộc sống xung quanh mình!
Theo “Báo cáo Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam cho thấy, 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi”2. Số liệu ấy chỉ phản ánh phần nào thực trạng chấn thương tâm lý ở thiếu nhi và thiếu niên hiện nay. Những suy ngẫm trong trang viết dành cho tuổi hoa niên của Võ Thu Hương kỳ thực phản ánh vấn đề nhức nhối và rộng lớn hơn đang đặt ra cho mỗi người, nhất là những bậc làm cha làm mẹ đương thời! Tại sao thanh thiếu niên hiện nay ít cảm thấy hạnh phúc trong mái ấm gia đình! Quả thực có nhiều điều cần chiêm nghiệm về văn hóa gia đình hôm nay!
3. Qua hàng loạt vết thương (tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên, tuổi trung niên và những tâm hồn xế chiều sắp hết ngày), Võ Thu Hương dường như muốn phác họa hành trình cuộc đời con người. Mà, dọc theo đó, hàng loạt đau thương khiến cho mảnh đời ta đầy thương tích. Nhưng đáng nói, nữ tác giả khẳng định sau tất cả đau thương thì vẫn còn yêu thương ở lại! Yêu thương là đức tính đáng quý cùng với đức hy sinh của người phụ nữ Việt sẽ trở nên phương thức chạy chữa, hồi phục tâm hồn con người hôm nay.
Thế rồi, khi không còn trẻ nữa, cũng như đã trôi qua thời trung niên, thì ở tuổi lão niên, ta chợt thấy mình trở lại ấu thơ hồi nào không hay! Ta nhận ra đứa bé hằng hữu trong tâm hồn mình. Tin rằng, trang viết của Võ Thu Hương vừa chừng cho những cháu nhỏ, lẫn những cháu thiếu niên và nhất là rất vừa chừng để những người cao niên thưởng thức. Với người cao niên, trang sách của Võ Thu Hương có thể làm sống lại thơ ấu, những ngày tháng hoa niên nằm yên trong đáy tủ quá khứ. Nâng niu từng dòng chữ có thể khiến ta lặng lẽ phiêu du trong trí tưởng thời gian.
T.B.Đ
(TCSH422/04-2024)
-----------------
1 Đặng Hoàng Oanh (2021). Phác thảo hành trình của lí thuyết chấn thương trong lịch sử tư tưởng phương Tây. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM - tập 18, số 4 (2021), tr.666 (657-668).
2 Ngọc Lam (2023). Khoảng 20% trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trích xuất ngày 22/11/2023 (https://dangcongsan.vn/cham-soc-va-nang-cao-suc-khoe-nhan-dan-trong-tinh-hinh-moi/khoang-20-tre-vi-thanh-nien-viet-nam-gap-van-de-ve-suc-khoe-tam-than-653146.html).