NGUYỄN KHẮC THẠCH
Nhìn thấu mà không nói thấu là đỉnh cao cảnh giới xử thế trí tuệ. Nói theo thuật ngữ Phật học, cái trí nói chung có ba phần hợp thành là trí thức, trí tuệ và trí huệ.
Cả ba đan xen vào nhau, khó nhìn ra chúng nhưng vẫn có phương pháp phân tích học chỉ ra xự xâm thực lẫn nhau tinh tế đó. Trí thức luôn trồi lên bề mặt chiếm ngôi vị chủ đạo nhường chỗ sâu cho tuệ, chỗ xa cho huệ.
Đọc tập thơ mini của Hồ Thế Hà dễ thấy tứ thơ “ý tại ngôn ngoại” hơn miêu tả bằng lời. Cái thấu mà không nói được luôn hàm chứa một nỗi buồn lung linh và giới hạn không giới hạn của ngôn ngữ. Trong cái có luôn luôn có cái không tức là cái không có. Có mà không, không mà có là sự thách thức hằng hữu đến khốn cùng của trí tuệ.
Hồ Thế Hà tâm sự trong cảnh giới bàng hoàng, trống rỗng: “Con tàu lao về phía trước/ Để lại sân ga buồn/ Rỗng một toa ly biệt”! Lối ví von so sánh theo phương thức “Đoạn chương thủ nghĩa” cũng là vô lượng nghĩa. “Là thời gian thực chứng những gì đã qua/ Những gì sắp tới/ Ta thực chứng đời ta vui buồn, lầm lỗi”.
Thơ hiện đại thường là sự trình diễn mơ hồ những chân trời sự kiện, những lượng tử hạt và sóng nhưng thị hiện chỉ được một, hoặc là hạt hoặc là sóng bởi quy luật tâm bất khả nhị chi phối. Chủ nghĩa khắc kỷ luôn coi đám đông là nấm mồ của những người khôn ngoan. Ở Huế có quán cà phê Gác Trịnh: “Cà phê một mình Gác Trịnh/ âm thanh tràn kín không gian/ nấm mồ khâm liệm thời gian”. Xứ Huế có nhiều đặc sản nhưng đặc sản thuộc ngành văn hóa lại có ưu thế hơn cả. Gác Trịnh là quán cà phê được mang danh nhạc sĩ tài hoa người Huế và cả nước, rồi một phần của nhân loại. Ông còn được công chúng mến mộ, tôn sùng cùng với nhạc sĩ Văn Cao là hai gương mặt tiêu biểu của nước nhà qua mọi thời cuộc. Nếu Văn Cao giáng thiên đàng xuống phàm tục thì Trịnh Công Sơn lại nâng phàm tục lên thiên đàng. Hai nhạc sĩ thuộc hai trường phái nghịch lưu như hai dòng chảy giữa đời và đạo.
Hồ Thế Hà tích lũy vốn sống qua truyền thống hiếu học nâng tầm uyên bác trong mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi lúc. Nổi bật là cuộc đi phượt miền Tây xứ Nghệ. Đoàn đi có năm người, Huế 3, Nghệ 2. Nhóm Huế có Nguyễn Khắc Thạch, Võ Kim Thanh, Hồ Thế Hà. Nhóm Nghệ có thi sĩ Lăng Hồng Quang và nhạc sĩ trẻ nhất đoàn, cô Thục Khuyên. Cô Võ Kim Thanh được nhóm mời làm trưởng cho cả đoàn Huế - Nghệ. Trên đường đi có nhiều trò vui đùa, lãng mạn. Không biết Hồ Thế Hà hay Thục Khuyên ngẫu hứng sáng tác 4 câu thơ tại cổng trời Mường Lống.
Em dắt anh lên tận cổng trời
Mây núi nhìn anh… kẻ chịu chơi
Mường Lống núi mây quây tứ phía
Ai níu chân ai nỏ muốn rời!
Nói chung dù Huế hay Nghệ thì cả đoàn đang ở trên đất hồi môn của Việt - Chàm. Huyền Trân Công chúa là "món quà tơ vương" mà ông cha đã ủy quyền cho con cháu.
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Không biết trong tâm trạng của mỗi người có gì hay không nhưng đoàn phượt qua những thử thách vẫn tồn tại đến nay trên mỏ neo Huế - Nghệ êm đềm, trong sáng.
Hồ Thế Hà nối tiếp tâm sự: “Qua tập Thẳm Xa, tôi không dám nghĩ rằng mình đã thực hiện được những nội dung có tính lý thuyết như trên, chỉ mong gửi gắm những tình cảm và suy nghĩ của mình và các quan hệ nhân sinh, quan hệ xã hội - tinh thần mà mình cảm nhận và chiêm cảm từ cuộc sống. Vì là trong một cấu trúc ngắn gọn, lại phải tuân thủ tính chỉnh thể hình thức và nội dung nên tôi phải huy động nhiều biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, biểu tượng, đối lập, các biện pháp nói lái, dụng điển… với tư cách là những tín hiệu nghệ thuật để hỗ trợ nội dung ngữ nghĩa nhằm thể hiện một trạng thái cảm xúc và bình giá hiện thực một cách kiệm lời mà giúp hiểu đa nghĩa ngoài văn bản một cách thú vị, bất ngờ.
Dù mong muốn là vậy, nhưng trong thực hành, nhiều lúc mình cũng tự bất lực với từng suy nghĩ và ngôn ngữ của chính mình nên những bất cập và thiếu sót là không thể tránh khỏi. Duy chỉ tấm lòng yêu thơ trong tôi là thành thật và mê đắm.”
Khi ngôn ngữ hiện sinh tư tưởng
Tứ thơ lần tách vỏ trong ngôi nhà tâm hồn
Mọi tín hiệu được đánh thức!
Nhưng từ ước mơ đến hiện thực bao giờ cũng còn một khoảng cách khó có thể xích lại gần. Đó chính là hành trình đầy gian khổ và là giới hạn mà mỗi chủ thể sáng tạo luôn nỗ lực vượt qua.
Đọc tập thơ “Thẳm Xa” của Hồ Thế Hà, ta thấy ông là sự kết tinh nồng nàn, ấm áp cho tình tri kỷ, tình huynh đệ, và tình đang là…
N.K.T
(TCSH55SDB/12-2024)