NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Từ cội rễ này” - Hồi ức của Nguyễn Hạc Đạm Thư - Nxb. Thuận Hóa, 2024)
Trong một bài viết mấy năm trước, tôi dẫn câu “số phận chứa một phần lịch sử” và tưởng rằng sự đúc kết rất đáng suy ngẫm này là của nhà văn - đạo diễn Đặng Nhật Minh. Hóa ra tôi đã nhầm.
Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, trong tác phẩm dự thi “Chân dung cuộc sống” viết về cuộc đời của nhà cách mạng Nguyễn Minh Vỹ (Tạp chí “Nhà văn & Cuộc sống” số 8/2022), đã dẫn câu thơ của thi sĩ Nga Evgueni Evtushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”… Vậy là anh Đặng Nhật Minh - một nghệ sĩ không xa lạ với văn hóa Nga đã dẫn câu thơ của Evtushenko khi giới thiệu cuốn sách mỏng gồm những câu chuyện về cuộc đời kỹ sư Trần Đăng Nghi do chính phu nhân của ông - nhà báo Nguyễn Hạc Đạm Thư ghi lại (“Người tuổi ngựa có cánh” - Nxb. Thanh niên, 2016). Cũng có thể gọi đây là một “cặp đôi hoàn hảo” và mỗi người đều thuộc thế hệ có “số phận chứa một phần lịch sử”. Cả hai đều có “duyên” với Huế; nên nhà báo lão thành 90 tuổi xuân Đạm Thư đã gửi gắm hai cuốn sách cuối đời cho nhà xuất bản ở Huế. Năm 2023, Đạm Thư cho xuất bản cuốn sáchảnh “Tiếng vọng Trường Sơn” (Nxb. Thuận Hóa) ghi lại những kỷ niệm và hình ảnh về vùng cao A Lưới từ trong hai cuộc kháng chiến cho đến cuộc sống mới hôm nay. Cuối năm 2024, Đạm Thư vừa cho in “Từ cội rễ này” (TCRN) - Hồi ức (do Đoàn Khuyên chấp bút - Nxb. Thuận Hóa, 2024). Cuốn “Tự truyện” dày 400 trang khổ lớn không chỉ là cuộc đời của một “tiểu thư” Hà Nội mà ôm chứa vô số những câu chuyện “chứa một phần lịch sử”…
Chị Đạm Thư có “duyên” với Huế; còn tôi lại có “duyên” quen biết nhà báo lão thành là do chị và cả anh Trần Đăng Nghi, sau thời gian du học ở Pháp, đều nhờ anh tôi là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đang phụ trách Việt kiều ở Pháp lúc đó “lo giấy tờ” tìm đường về nước; sau đó, chị lại cộng tác với BS Nguyễn Khắc Viện trong Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em. Hơn thế, khi chị về công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam, Phó Ban Quốc tế của Trung ương Hội thì chị tôi - Nguyễn Thị Phương Thảo (năm nay 97 tuổi), đang là Ủy viên Ban Thư ký (Ban Thường vụ) Trung ương Hội, người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hội - “nữ tướng” Nguyễn Thị Định… Vì thế, những cuốn sách chị cho in chục năm gần đây, chị đều gửi cho tôi; cuốn hồi ức TCRN mới xuất bản, tôi được đọc khi còn là bản thảo…
Chị Đạm Thư có “duyên” với Huế, trước hết do gặp anh Trần Đăng Nghi khi đang du học tại Pháp. Cặp đôi Trần Đăng Nghi - Đạm Thư có nét tương đồng như nhiều “cặp đôi hoàn hảo” Quốc học - Đồng Khánh - hai ngôi trường nổi tiếng sóng đôi bên sông Hương ở Huế - chỉ khác Đạm Thư là nữ sinh Trường Đồng Khánh - Hà Nội (sau mang tên Trường Trưng Vương) và hai người bén duyên nhau từ bên trời Tây xa xôi.
Trần Đăng Nghi trở thành học sinh Trường Quốc học Huế do một tình cờ số phận. Thân phụ anh gốc Hà Nội, thời gian vào Huế đảm nhiệm một cương vị thuộc ngành công chính miền Trung đã “phải lòng” cô gái ở phố cổ Bao Vinh. Trần Đăng Nghi thành dân Huế và sau Cách mạng Tháng Tám, khi đang là học sinh Trường Quốc học, anh xung phong làm liên lạc cho Giải phóng quân Huế. Sau đó, anh bị bắt, bị tra tấn; thân phụ anh không muốn anh theo con đường Trần Đăng Đạt - người anh đã bị giết hại tại Côn Đảo năm 1943, nên đã bảo lãnh và đưa anh Trần Đăng Nghi vào Sài Gòn học; nhưng đó cũng là lúc phong trào học sinh, sinh viên sôi động sau khi Trần Văn Ơn bị sát hại, nên gia đình đưa anh sang Pháp du học…
Cũng khoảng thời gian đó, tại Hà Nội, chị Đạm Thư được thay mặt toàn Trường Trưng Vương nhận phần thưởng ưu đẳng tại Nhà Hát Lớn. Đạm Thư có điều kiện trau dồi chữ nghĩa từ nhỏ do gia đình nội ngoại đều dòng dõi khoa bảng, lại có nhà mặt phố cổ hạng nhất Hà Nội là Hàng Gai và Hàng Đào. Thân phụ của chị từng là dược sĩ hạng nhất tốt nghiệp tại Paris năm 1933; thân mẫu của chị là cháu nội cụ Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản - vị đại quan có nhiều năm gần gũi với vua Tự Đức và đã hết lòng ủng hộ hoạt động canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện… Vì thế, tôi gọi chị Đạm Thư là “tiểu thư” và từ khi chị tham gia biên soạn cuốn “Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản - Ngoại giao đi sứ & Khát vọng canh tân” (Nxb. Khoa học xã hội, 2021), chị càng quan tâm đến Huế. Trong Chương 1 cuốn TCRN với nhan đề “Bố mẹ kính yêu” và Chương 2 có tên “Ngôi nhà ở khu phố Tây”, tác giả không chỉ “tự thuật” về gia thế của mình mà còn dựng lại một cách khá sinh động phong thái sinh hoạt, nền nếp giáo dục con cháu của Hà Nội xưa. Nét đẹp truyền thống góp phần quan trọng xây dựng phẩm cách con người còn được Đạm Thư nhắc đến ở nhiều chương sau. Đọc những dòng trích yếu được đưa lên trang đầu và bìa 4 cuốn sách, chúng ta hiểu tác giả nhấn mạnh nội dung vừa đề cập đâu phải để… khoe gia đình mình mà muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp - cũng là “cội rễ” tạo dựng nên nhân cách con cháu. Bìa 4 cuốn sách đã ghi đậm một danh ngôn của Sheila Kaul (Ấn Độ) như sau: “Mỗi con người giống như một cái cây, cây chỉ khỏe mạnh vươn cao trong cuộc sống nếu như được cắm rễ trên mảnh đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng là gia đình. Cội rễ mỗi con người nằm ở đó. Bộ rễ càng khỏe mạnh, bám chặt vào lòng đất thì nuôi thân cây càng vững, cành lá sum suê nhiều hoa trái…”. Trên trang đầu cuốn sách, tác giả cũng ghi hai câu về vai trò hệ trọng của cha mẹ và thầy cô giáo trong việc tạo “nhân cách gốc” cho con cháu “trên bước đường chập chững vào đời”.
Cặp đôi Đạm Thư và Trần Đăng Nghi đã trưởng thành, vượt qua nhiều giông bão nhờ có “Cội rễ” bám sâu vào lòng đất màu mỡ…
*
Điều thú vị nữa trong sách TCRN rất đáng suy ngẫm là cũng như Trần Đăng Nghi, một tiểu thư có xuất thân từ tầng lớp thượng lưu như Đạm Thư, lại sớm tham gia cách mạng, nghe qua có vẻ ngược đời; đó là tư duy thời “chủ nghĩa thành phần” và lý lịch đang thống trị; nhưng thực tế cuộc sống không một chiều giản đơn như thế và nếu ngẫm kỹ, sẽ thấy lớp người tinh hoa thuộc tầng lớp thượng lưu không phải cực nhọc vì tấm cơm manh áo, mới có điều kiện nhìn xa trông rộng, tiếp xúc với các giá trị tiến bộ của thế giới, vượt qua các lợi ích tầm thường, nhỏ hẹp, tìm đến con đường sáng mà nhân loại đã lựa chọn…
Trong không khí sục sôi sau Cách mạng Tháng Tám, đến vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu còn hăng hái ủng hộ chính phủ cụ Hồ, thì cô nữ sinh Đạm Thư đam mê sách văn học Việt Nam và Pháp, sớm tham gia phong trào học sinh kháng chiến khi giặc Pháp trở lại đánh chiếm Hà Nội là điều dễ hiểu. Chị bị mật thám Pháp bắt năm 1952 khi đang học lớp Tú tài 2 do chúng bắt được lá thư chị thay mặt nữ sinh Trưng Vương viết gửi các nữ sinh quân y dược ở Việt Bắc. Chúng đánh đập và tra điện nhiều lần, nhưng chị chỉ khai là “viết đơn hộ”… Thân phụ Đạm Thư không may mất sớm, bù lại, thân mẫu của chị đúng là “con nhà nòi”, đã tận lực và khéo léo tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chị. Bà từng chịu đau đớn khi có người cháu họ mồ côi do gia đình nuôi dưỡng, đã tham gia “hội kín” từ năm 1928, đến năm 1931 bị bắt ở Hải Phòng khi đang in truyền đơn cho ngày Quốc tế 1 - 5 rồi bị kết án tù khổ sai và đã chết tại nhà tù Sơn La năm 1933. Thấy con gái bị tra tấn dã man, bà quyết phải cứu con mình bằng được nên đã phải đơn từ nhờ xin cho chị tại ngoại. Bọn chúng đổi sách lược, cho người đến đe dọa và thuyết phục: “Sao cô dại thế? Con nhà được ăn học tử tế… Thật phí hoài cả tuổi thanh niên…”. Sau mấy tháng bị giam, không khuất phục được cô gái 17 tuổi, rút cục, chúng chấp nhận cho mẹ chị bảo lãnh đưa chị về nhà, chờ ngày hoàn tất hồ sơ ra tòa án binh. Trong mấy tháng “giam lỏng”, Đạm Thư đã tự học và thi đậu bằng Tú tài 2, nhưng muốn chị học lên cao và thoát khỏi “nhà tù lớn” là Hà Nội bị tạm chiếm, thân mẫu chị lại chạy vạy khắp nơi và rút cục tìm được người bạn với thân phụ cô từ khi còn học tại Trường A. Sarraut Hà Nội, lúc đó phụ trách học chính ở phủ Cao ủy Sài Gòn can thiệp, nên cũng như Trần Đăng Nghi, cô cựu nữ sinh Đồng Khánh (Hà Nội) hăng hái chống thực dân Tây đã được sang Pháp du học. Những người lo chạy cho Trần Đăng Nghi và Đạm Thư cũng như không ít thanh niên thuộc lớp “tinh hoa” thời đó sang Pháp du học tưởng rằng cuộc sống sung túc ở một nước tư bản phát triển có thể làm nhụt chí và “cách ly” họ khỏi phong trào yêu nước; nhưng ngược lại, hầu như tất cả, họ đã trở về nước cống hiến tài sức cho kháng chiến và xây dựng Tổ quốc.
*
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” - Trần Đăng Nghi “tỏ tình” với Đạm Thư khi họ gặp nhau tại Pháp gần như là lẽ tự nhiên. Có điều không hẹn nhau mà cả hai quyết định trở về Tổ quốc cùng một thời điểm, mặc dù hoàn cảnh khác nhau. Đạm Thư sau một thời gian theo học trường kỹ sư điện toán và luyện kim, thấy mình không thể trở thành một kỹ sư suốt ngày bên kính hiển vi và máy móc, trong khi chị bạn cùng hoạt động thời Trưng Vương báo tin rằng Hà Nội sau giải phóng đang cần giáo viên cấp 3, đúng với ước mong của chị thời còn là nữ sinh trung học… Thế là chị xin thân mẫu được trở về Hà Nội.
Hoàn cảnh Trần Đăng Nghi thuận lợi hơn. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp, anh vào làm việc cho một công ty hóa chất, lương tập sự từ 50.000fr, nhanh chóng được tăng lên 75.000fr/ tháng, thừa để tiêu pha và trả nợ học bổng… Nhưng giữa năm 1956, anh quyết định từ bỏ cuộc sống sung túc trên đất Pháp, trở về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Mặc dù gia đình anh ở Huế và Sài Gòn, anh xin về Hà Nội để được gặp lại, được chung sức với những con người ưu tú mà anh từng quen biết ở Huế như giáo sư Tạ Quang Bửu và các đàn anh ở “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế” Cao Văn Khánh, Đặng Văn Việt… Trong Chương 10 có tên “Lòng ta chung một cơ đồ”, tác giả kể lại: “Tôi nhớ lần cuối cùng gặp anh Nghi ở Paris khi chúng tôi ngồi trò chuyện cả buổi ở vườn Luxembourg. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế dài đã tróc sơn, dưới bóng các cây dẻ cao to, xòe rộng tán lá xanh rì làm nền cho các bức tượng các bà hoàng bằng cẩm thạch nổi bật những đường nét thật duyên dáng. Tôi muốn thuyết lần cuối cùng hãy hoãn lại chuyện về nước hai năm khi bác sĩ điều trị cho anh có kết luận là thận trái của anh đã bị teo…”. Mặc cho bác sĩ khuyên phải theo dõi hai năm, phải kiêng lao động nặng…; mặc cho Đạm Thư nhắc đời sống miền Bắc lúc đó rất gian khổ, thiếu thuốc men mà chị vừa xem trên các phim tài liệu chiếu ở Pháp, nhưng Trần Đăng Nghi kiên quyết: “Thôi đừng bàn lùi như các bạn tôi nữa. Tôi đã làm thủ tục rồi, không rút lui đâu. Ở lại đây ấy à. Rồi vài năm lại quen cảnh sung túc không dứt ra nữa, rồi mua ô tô, mua nhà, lấy vợ sinh con… Tôi tuổi con ngựa. Tôi xác định thà làm ngựa chiến vất vả nhưng có ý nghĩa còn hơn là làm con ngựa gỗ sơn son “tốt mã” ở cửa đền…”.
Đầu tháng 6/1956, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện báo cho anh Trần Đăng Nghi biết mọi thủ tục trở về Hà Nội đã xong, đoàn gồm năm người, đi theo tuyến đường biển mới mở: qua Tiệp Khắc, sang Ba Lan rồi lên tàu biển. Anh để lại mọi thứ, vì coi như đi “du lịch” - chuyến du lịch vất vả dài đến 40 ngày! Đạm Thư may mắn hơn, sau mấy tháng giúp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm báo “Quyết Thắng” của Hội Việt kiều tại Pháp, trong khi chờ các thủ tục, tháng 11/1956, được trở về Thủ đô bằng máy bay của hãng Air France.
Chỉ mấy ngày sau khi về đến Hà Nội, chàng đã tìm đến thăm nàng đang tạm trú trong nhà bà cô ở đường Phan Chu Trinh. Dù đã sống và bén duyên bên Tây, “cặp đôi hoàn hảo” chưa dám tính chuyện hôn nhân vì còn phải xin phép hai gia đình, lúc này đều đang ở rất xa; nàng thì còn lo học tiếp đại học, chàng thì đang dồn tâm trí cho công việc trong một môi trường sống khác biệt ở Hà Nội sau giải phóng, so với Paris như một trời một vực. Chị Đạm Thư kể, trong những lần ghé chơi, chàng cũng tâm sự về những “va vấp” trong sinh hoạt. Ví như chuyện lương bổng, một chuyên gia được trọng dụng ở Pháp, nhưng hồi mới về Trường Đại học Bách Khoa, anh chỉ được hưởng lương 25đ/tháng, nạp tiền ăn 18đ/tháng, nên buổi sáng phải nhịn đói. Thật may, tại một cuộc họp quan trọng, chuyện đối đãi “kỳ quặc” này đến tai Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Vụ trưởng Đại học Hồ Đắc Di, nên chỉ tháng sau, anh được tăng lương lên 50đ/tháng. Đến lúc này, vị cán bộ tổ chức mới biết lương Trần Đăng Nghi ở Pháp, chỉ 3 tháng đủ mua một chiếc ô tô! Tuy vậy, anh vẫn tỏ ra rất thú vị với công việc chuyên môn ở Trường Đại học Bách Khoa, nhất là khi anh được thủ trưởng Tạ Quang Bửu mà lâu nay anh ngưỡng mộ trực tiếp nói chuyện, lắng nghe anh trình bày đề án xây dựng phòng thí nghiệm với quy mô chính quy, hiện đại…
Đặc biệt hơn, Đạm Thư ngạc nhiên thấy không những thần thái anh ấy trẻ trung và dáng dấp cũng nhanh nhẹn thoải mái, khác hẳn những ngày tôi mới gặp anh như ông cụ ở Paris mấy năm trước, cả khi anh đi hàn đê Mai Lâm về đen nhẻm đen nhèm mà tỏ ra vui vẻ vì được sát cánh với bộ đội ngày đêm, vác các bao tải đá hàn đê.
“Cặp đôi” này cũng có những giờ phút “lãng mạn” bên nhau. Nàng thú nhận mình đã “xiêu lòng”, nên sau khi nhận được chiếc xe đạp Peugeot chuyển về nước theo đường biển - xe dùng từ năm 1950, nhưng hàng “Tây gốc” vẫn còn “ngon” - bèn rủ chàng dã ngoại, thăm các chùa ở Hà Đông… Sau chuyến dã ngoại được gần gũi bên nhau chốc lát, có trời đất chứng kiến, ai lại về nhà nấy. Phải đợi ý kiến của “các cụ”; mà “thầy mợ” chàng lúc đó ở Sài Gòn; thư từ Hà Nội phải đi vòng qua Paris rồi mới “nhập cảnh” Sài Gòn được! Cho đến ngày 23/3/1958, họ mới thực sự là “cặp đôi” trong một đám cưới tại Hà Nội.
Có lẽ Đạm Thư muốn tập trung số trang kể lại cuộc đời mình nên nhiều câu chuyện về anh Trần Đăng Nghi đã in trong cuốn sách xuất bản năm 2016, chị không đưa vào TCRN. Tác giả cũng “bỏ qua” nhiều câu chuyện rất hay về bạn bè quốc tế mà Đạm Thư có dịp gặp gỡ, cộng tác… Gần đây, ngay trước Xuân Nhâm Dần 2022, từ Thành phố Hồ Chí Minh, chị bỗng gọi điện thoại cho tôi kể rằng chị qua Mỹ có gặp hai người trong một tổ chức từ thiện Mỹ từng được quân giải phóng cứu thoát ngay trong những ngày bom đạn Tết Mậu Thân… Có thể tác giả cũng ngại kể hết “mọi chuyện” như thế thì sách quá dày. Tuy vậy, cũng hơi tiếc. Hồi ức của nhà văn Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn và một số người khác nữa đã dành nhiều trang viết về những người bạn. Vậy nên xin phép tác giả “bổ sung” thêm một vài chuyện khá thú vị về kỹ sư Trần Đăng Nghi.
Đó là câu chuyện có tên “Tấm Huân chương Lao động hụt” thật đáng suy ngẫm. Vào lúc Trần Đăng Nghi được điều về Nhà máy Cao su Sao vàng, anh đã thí nghiệm và trực tiếp chỉ đạo sản xuất chất “sulfate tribassique chì” làm ổn định cho nhựa PVC tráng mỏng lên vải bạt, tạo nên các sản phẩm che mưa, theo yêu cầu cấp bách của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) năm 1965. Có thể nói đây là một cống hiến đặc biệt có ý nghĩa của Trần Đăng Nghi đối với bộ đội Trường Sơn và các căn cứ ở miền Nam giữa cuộc chiến đấu đang ngày một ác liệt. Vì thế, khi sản xuất thành công, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã nói với Giám đốc nhà máy phải thưởng ngay Huân chương, nhưng Ban thi đua “đã lờ đi… vì cả nhà máy này chưa ai được thưởng huân chương lao động, mà ông Nghi này chỉ là “chân trắng”, không phải đảng viên thì sao lại được?...”
Cũng vì là một chuyên gia về hóa học, sau 1975, anh được cử vào tiếp quản một xí nghiệp sản xuất bao bì bằng nhựa ở Chợ Lớn. Đây cũng là lần đầu anh gặp lại gia đình sau 27 năm xa cách, mừng mà tủi khi tóc mẹ đã bạc trắng và 3 đứa em phải đi học tập cải tạo… Nhờ có chuyên môn, lại biết sử dụng khả năng của người giám đốc cũ, mạnh dạn đứng ra vay tiền để phục hồi sản xuất, mặc dù có lúc bị cấp trên “phê bình” là “mất lập trường”; tuy vậy, từ kết quả sản xuất, rút cục Tổng cục lại muốn cử anh ở lại, chính thức làm giám đốc, nhưng anh đã từ chối và từ chối cả bữa ăn chia tay của người chủ cũ…
Con người không màng đến vật chất và chức vụ này nọ, nhiều lần từ chối tiền “bồi dưỡng”, thậm chí, trong dịp “về Huế ăn Tết năm 1988, đứng trên cầu Trường Tiền, anh đã nhẹ nhàng thả tấm Huân chương kháng chiến cùng Huy hiệu chiến sĩ thi đua xuống dòng sông Hương như một cử chỉ tri ân với quê mẹ”, nhưng “anh vẫn tiếc cái Huân chương Lao động mang dấu ấn tâm lực, trí lực, sức lực thật sự của anh trong một thời điểm quyết định…”.
Việc Trần Đăng Nghi được Thủ tướng Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm lại là sự đánh giá công lao của anh từ ngày anh về hưu, được mời sang Pháp thực tập giảng dạy và thi nhận bằng chính thức dành cho các giáo sư dạy tiếng Pháp. Ngay tại trên bục giảng, với tính cương trực, không nhân nhượng những việc làm vô nguyên tắc, anh đã không ít lần đấu tranh ngay cả với người Pháp nên càng được nhiều người kính nể… Có lẽ vì thế mà ông Alexis Andrès, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp, gọi người thầy dạy tiếng Việt cho mình là “người tuổi ngựa có cánh”, đúng theo sách tử vi là người tuổi Canh Ngọ như Trần Đăng Nghi, qua năm 60 tuổi mới hết cảnh ngựa kéo xe và trở thành “ngựa có cánh” như trong thần thoại!
Chỉ tiếc là ngày Trần Đăng Nghi… bay lên trời, anh không được nhìn thấy cuốn sách mà người bạn đời đã kịp cho ra đời vào dịp kỷ niệm tròn 60 năm ngày anh trở về Tổ quốc, đồng thời là dịp kỷ niệm 120 năm Trường Quốc học Huế - nơi gắn liền với bao hoạt động sôi nổi thời trẻ của anh trên quê mẹ, đúng như ước nguyện cuối đời của anh…
*
Trong nhiều chương cuốn TCRN, tác giả, trong khi kể lại cuộc đời mình, đồng thời cho chúng ta biết thêm nhiều tình tiết bên lề các sự kiện lịch sử đất nước; có thể nói, những trang sách như thế, làm cho chính sử sinh động hơn. Ví như chương 5 có tên “Sống giữa tháng ngày lịch sử”, Đạm Thư đã ghi lại nhiều chi tiết ở Hà Nội trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lúc đó, Đạm Thư mới 10 tuổi, “đứa bé tóc lơ thơ, thân thể gầy còm, nhưng có sức khỏe và đôi mắt sáng… đã biết hướng các giác quan và tâm trí của mình ra bên ngoài”. Nhờ thế, Đạm Thư đã ghi lại cảnh nạn đói kinh hoàng năm 1944 - 1945 ngay giữa phố phường Hà Nội và chính trong những người bà con; không chỉ chết vì đói mà rất nhiều người chết vì bệnh dịch tả, dịch chấy rận và bệnh lao…
Đặc biệt, khung cảnh Hà Nội sục sôi trong Cách mạng Tháng Tám được thể hiện với những tình tiết chưa phải ai cũng biết. Như cảnh giật đổ các tượng đài thực dân Pháp dựng lên trước đây. Theo lệnh ông Trần Văn Lai ký ngày 31/7/1945, sáng 1/8, công chúng kéo nhau đến các vườn hoa rất đông. Đạm Thư kể lại: “Tôi ở Hàng Đào, chờ chị Hồng Phấn đi tàu điện từ Hàng Bột lên, hai chị em hòa vào đám đông người kéo nhau đi xem giật đổ tượng đài, xóa đi những dấu ấn ngạo nghễ của người Pháp suốt thời kỳ đô hộ. Tượng đài đầu tiên bị giật đổ là tượng Paul Bert ở gần hồ Hoàn Kiếm. Nhớ lại chuyện mẹ kể về việc cụ Nguyễn Tư Giản, cụ tổ đằng ngoại của tôi đã từ quan vì không thúc dân hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên dưới quyền góp tiền xây cái tượng này, tôi thầm nghĩ kết cục của cái tượng đáng đời. Ông tổ tôi mà được chứng kiến chuyện này hẳn cụ rất vui.”.
Tuy vậy, riêng có tượng bán thân của bác sĩ Pasteur được giữ lại cho đến hôm nay. Chị Đạm Thư cũng kể lại khá chi tiết lúc chị tham dự cuộc mít tinh ngày 19/8 tại Quảng trường Nhà hát Lớn và cả lễ mừng Độc lập mồng 2 tháng 9: “Tôi cùng với chị Hương Thư và chị Châu Minh mặc áo dài, quần dài trắng, đi bộ từ nhà tôi ở Phan Chu Trinh lên vườn hoa Ba Đình. Cứ theo dòng người mà đi, muôn dòng tụ về một chỗ… Còn có đội OSS Mỹ đang ủng hộ Việt Minh chống phát xít cho máy bay hai thân bay rất thấp, lượn đi lượn lại để chụp không ảnh của sự kiện. Tôi nhìn rõ thân máy bay có hình ngôi sao kèm hai vạch trắng của không quân Mỹ kể từ ngày ấy…”.
Trớ trêu thay là hơn hai chục năm sau, khi Đạm Thư được điều về dạy Trường Lâm Nghiệp sơ tán “đúng tâm điểm tam giác đều mà các đỉnh là Hà Nội, Lạng Sơn và Hải Phòng” thì lớp học luôn phải dừng vì “các tốp máy bay Mỹ cứ như đàn ruồi bay từ phía biển tới, tiếng rít máy bay gầm thét rung chuyển bầu trời…”. Những năm 1966 - 1968, Đạm Thư phải vừa nuôi con nhỏ, vừa dạy học trong khung cảnh như thế với đủ mọi khó khăn, thiếu thốn, nhưng cô giáo “tiểu thư - Việt kiều” vẫn hết lòng với công việc, với học sinh, nhất là khi phải phụ trách lớp gồm học viên từ chiến trường và các khu vực dân tộc ít người. Có năm, Đạm Thư được bầu chiến sĩ thi đua, nhưng lên “Hội đồng” chỉ duyệt hai thầy giáo là đảng viên; còn Đạm Thư bị “trượt” vì “bà ấy học ở bên Tây về thì làm gì mà dạy chả giỏi!” Chuyện “thế kỷ” trước nhắc lại nghe cũng… vui. Mặc, Đạm Thư vẫn cứ kiên nghị và… bướng nữa, như hồi còn là nữ sinh trường Trưng Vương bị tù, không khuất phục bọn mật thám. Có ý kiến gì hợp lý là Đạm Thư nói thẳng, dù bị “phê” là “yếu về lập trường chính trị”; như đề nghị không nên cho sinh viên học Trung văn mà nên học tiếng Anh, thì cô giáo được lời khuyên: “Chị nên đi học tiếng Nga đi! Học gì cái tiếng tư bản ấy!” Cũng lại là một chuyện… vui nữa! Nhưng thôi, cuốn TCRN có quá nhiều sự kiện, chi tiết thú vị, kể lại sao cho xiết!
Do sức khỏe suy sụp, Đạm Thư phải xin chuyển về Hà Nội, công tác tại Viện Lâm nghiệp; cho đến năm 1972, nhờ có “duyên” sao đó, Đạm Thư đi khám bệnh, gặp lại người bạn thời hoạt động Trường Trưng Vương 22 năm trước, nay là Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam; thế là “bỗng chốc”, Đạm Thư trở thành nhà báo, được cử vào tổ “Giáo dục và đời sống” đang cần người - công việc đúng với sở trường của chị. Chỉ ít lâu sau, Hà Nội bước vào cuộc chiến sinh tử cuối tháng 12/1972 với hàng đàn pháo đài bay B.52. Tuy phụ trách mảng đề tài khác, nhưng theo yêu cầu tòa soạn, Đạm Thư đã xông xáo viết bài từ các điểm “nóng” lúc đó như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên… là những nơi bị bom B.52 tàn phá… Nhờ làm báo, ngay sau khi đất nước thống nhất, Đạm Thư đã có chuyến đi xuyên Việt đặc biệt, lần đầu đến Huế và “ra mắt gia đình nhà chồng sau 15 năm đám cưới”. Thời đoạn Đạm Thư làm việc ở báo Phụ nữ Việt Nam (1972 - 1980), báo in đến hàng vạn bản, nhiều bài viết của Đạm Thư rất được hoan nghênh, trong đó, có bài về nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa và bài về mẹ con nhạc sĩ Thái Thị Liên - Đặng Thái Sơn được tác giả chọn in lại trong Phần Phụ Lục cuốn sách. Dù vậy, những năm Đạm Thư chuyển công tác về Ban Quốc tế Hội Phụ nữ Việt Nam (từ năm 1980) mới là thời gian chị thỏa sức “tung hoành” đúng sở trường của mình, có được những trải nghiệm rất đặc biệt. Đó là những chuyến tháp tùng bà Nguyễn Thị Thập và Nguyễn Thị Định - hai vị Chủ tịch Hội Phụ nữ đáng kính, đi thăm nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt hơn nữa, với sự bảo lãnh của chị “Ba Định” - nữ tướng ở miền Nam, Đạm Thư đã đồng hành và trở thành bạn thân thiết với Lady Borton - nhà văn Mỹ gắn bó nhất với Việt Nam ngay từ khi Mỹ còn cấm vận; trong suốt các năm từ 1987 - 1994, Đạm Thư cùng Lady (có tên Việt Nam là Út Lý) đã có nhiều chuyến “ba cùng” tại nông thôn miền Bắc và miền Nam, giúp nhà văn Mỹ hoàn thành cuốn “After Sorrow” xuất bản ở New York năm 1995. Cuốn sách viết về những người phụ nữ Việt Nam can trường rất xúc động được tái bản ở Mỹ 2 lần và bản tiếng Việt với tên “Phía sau nỗi buồn” do Nxb. Thế giới in cũng đã tái bản 3 lần!...
Vẫn chưa hết chuyện “đặc biệt” của nữ nhà báo 90 xuân này. Chỉ nói thêm cái “duyên” gắn bó cô tiểu thư Hà Nội này với Huế lại từ người bên Tây, như hồi đầu gặp anh Trần Đăng Nghi trên đất Pháp. Chỉ khác, nhờ làm việc ở Ban Quốc tế, Đạm Thư được mời tham gia dự án nghiên cứu xã hội học: “Sự hồi sinh của thung lũng A Lưới sau bom đạn Mỹ và chất độc da cam” do nhà nghiên cứu Jacques Maitre người Pháp làm chủ nhiệm. Dự án kéo dài 10 năm (2002 - 2012). Không thể kể xiết công phu và những gian khổ trong các chuyến lên A Lưới của nhóm nghiên cứu khi con đường từ Huế lên vùng cao này còn nhiều gian nan. Cho đến năm 2023, Đạm Thư lên A Lưới lần thứ 8 để hoàn thành cuốn sách “Tiếng vọng Trường Sơn”… Chuyện này, tôi đã viết một lần, nên chỉ nhắc qua vậy, bạn đọc đã có thể hình dung tấm lòng của cô “tiểu thư - Việt kiều” gốc Hà Nội với những số phận không may mắn ở vùng đất miền Tây thành phố Huế đang ngày một đổi mới…
Như vậy đó! “Một phần lịch sử” Việt Nam, suốt từ thời cụ Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản nuôi khát vọng canh tân, đời vua Tự Đức cho đến Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến tranh chống hai đế quốc, thống nhất đất nước, cải tạo tư sản, gian khổ “bao cấp”, Đổi mới và hội nhập quốc tế… đã được tái hiện phần nào trong cuốn TCRN. Hy vọng là còn nhiều người có “duyên” với Huế đang ở khắp mọi miền sẽ viết tiếp những hồi ức tương tự như TCRN.
N.K.P
(TCSH56SDB/03-2025)