Lần ấy theo lời mời của Bí thư Tỉnh uỷ Bảy Hữu, anh vào thăm Phú Khánh (nay tách trở lại thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) ngay sau Tết và dự lễ khởi công công trình thuỷ lợi Đá Bàn, một công trình thuỷ lợi lớn đầu tiên của Phú Khánh xây dựng ở vùng căn cứ chiến khu xưa. Trong giờ giải lao buổi nói chuyện thơ của ông ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, khi mọi người đang quây quần quanh nhà thơ, một nữ sinh mạnh dạn hỏi: "Thưa bác, năm nay bác bao nhiêu tuổi rồi ạ?" Đang vui, Xuân Diệu chợt lặng đi giây lát rồi nghiêm giọng, nhìn thẳng cô gái: "Đối với nhà thơ đừng bao giờ hỏi tuổi! " Mọi người cùng cười vui, tán thưởng câu trả lời của nhà thơ, còn cô nữ sinh vừa hỏi xấu hổ, gục mặt vào vai bạn, không dám nhìn lên. Năm ấy Xuân Diệu đã ngoài sáu mươi tuổi. Quả thật, xuân Diệu có một tâm hồn thơ "trẻ mãi không già ". Thông thường, với nhiều nhà văn, nhà thơ khác, chỉ cần đọc qua tác phẩm sáng tác ở thời gian nào đó, có thể phần nào đoán ra tuổi tác của người viết. Với Xuân Diệu, điều này thật khó. Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên dài trán ngây thơ, mắt như lưu luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái". Hình ảnh Xuân Diệu được nhà thơ Thế Lữ giới thiệu trong lời đề tựa cho tập "Thơ thơ" xuất bản năm 1938, khi Xuân Diệu mới ở tuổi 21 trên đây dường như mãi đậm nét trong lòng người đọc. Nhớ lại những năm trước đây, có lần tôi nói với nhà văn Tô Hoài: "Trông bác Nguyễn Tuân dạo này già đi nhiều". Tô Hoài nói ngay: "Ông ấy già từ lâu rồi chứ! Hồi tôi còn trẻ đã thấy ông ấy già!" Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng ngẫm lại, thấy có phần đúng. Người ta có thể gọi “bác Nguyễn", "ông Tuân", "cụ Tuân", "cụ Chế".... Nhưng với Xuân Diệu, có thể gọi "anh" ở bất kỳ giai đoạn nào và nhà thơ cũng luôn muốn được gọi mình như thế. Đọc Xuân Diệu, dù là thơ hay lời bình, bút ký hay chính luận, người đọc đều có thể cảm nhận cái sôi nổi, thiết tha, đôi khi đến cuồng nhiệt của một tâm hồn đa tình, đa cảm như một ngọn lửa luôn bùng cháy và toả sáng. Khi còn trên ghế nhà trường, đọc thơ Xuân Diệu, tôi hình dung ra ông là một con người trẻ, đẹp trai và khi làm thơ thì ung dung, thư thái với những câu thơ rất bay bổng của mình. Sau này, được gặp, tiếp xúc và làm việc với ông, tôi mới biết mình lầm. Công việc sáng tác với ông luôn như một thứ lao động cực nhọc bắt buộc và ông luôn tự nghiêm khắc với mình. Mỗi lần tôi đến nhà ông, nhờ viết bài cho một tập sách nào đó của Nhà xuất bản, sau khi ghi yêu cầu và thời gian vào cuốn lịch để bàn, ông thường nhắc: "Cậu cần ghi số điện thoại của mình để gần đến ngày nộp bài, phải nhắc mình. Cứ nhắc thật ráo riết, đừng ngại. Ghi vào lịch rồi nhưng mình nhiều việc cũng dễ lười. Cậu nhắc cho dữ vào như là vặt vào thịt mình. Có thể lúc ấy mình bực bội, lo lắng nhưng khi viết được xong, mình lại cảm ơn cậu. Nhớ đấy!". Thường thì không bao giờ ông trễ hẹn. Những năm tháng chiến tranh, Hà Nội hay mất điện bất thường. Đến căn phòng vừa ở vừa làm việc của ông ở 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) vào những lúc mất điện, thấy ông phải xoay trần ra đánh vật với từng trang bản thảo chắc chẳng ai dám nghĩ làm thơ là nhàn hạ. thong thả được. Thời gian biểu hàng ngày do ông tự đề ra rất sít sao. Trừ thời gian họp hành, đi giảng bài, đi nói chuyện ở nơi này nơi khác, hầu hết thời gian còn lại ông dành cho đọc và sáng tác. Mùa hạ cũng như mùa đông, sáng chưa rõ mặt người đã thấy ông mặc quần đùi, may ô, có khi ở trần chạy trên đường Cột Cờ và quanh công viên Lê-nin. Người ta thường nói đến chuyện Xuân Diệu kỹ tính, thường quan tâm có phần hơi quá mức đến chuyện tiền nong, chi tiêu và ăn uống. Chuyện này xem ra có vẻ hơi dị ứng với thơ và người làm thơ. Tôi thấy không hẳn như vậy. Ngoài cá tính riêng, do hiểu được lao động nghệ thuật là thứ lao động rất vất vả, cực nhọc có phần độc hại nữa, đường đi lại rất dài không biết đâu là cái đích cuối cùng, rất cần đến sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai, trong khi ông phải sống độc thân, chẳng có ai chăm sóc trong cuộc sống hàng ngày. Lúc ốm đau dầu có bệnh viện, có bạn bè đến thăm hỏi nhưng làm sao có thể thay thế được, nếu có một gia đình êm ấm. Vậy ông phải tự lo cho mình trước hết. Do đó, ngay ở những buổi họp long trọng, có liên hoan vật chất hay tiêu chuẩn bồi dưỡng, bao giờ ông cũng sốt sắng, nhiệt tình nhận cho hết, không hề từ chối hoặc khách khí, làm ra vẻ cao đạo không quan tâm. Có lần, một cơ quan Bộ mời ông tham gia Ban giám khảo cho một cuộc thi sáng tác văn học của ngành cùng với một số nhà văn, nhà thơ khác. Buổi họp đầu tiên có cả Bộ trưởng tham dự. Sau khi nghe mục đích, yêu cầu và những công việc sẽ làm của Ban giám khảo, người đại diện Ban tổ chức đề nghị xin ý kiến đóng góp. Xuân Diệu xin giơ tay phát biểu đầu tiên: "Tôi có ý kiến là trước khi bàn vào công việc đề nghị nói rõ chế độ bồi dưỡng cho giám khảo như thế nào? " Cũng may là vấn đề này cũng đã được Ban tổ chức cuộc thi chuẩn bị rõ ràng, chu đáo nếu không thật lúng túng, khó xử. Người ta nói rằng, khi Xuân Diệu xách túi vào chợ mua thực phẩm thì ngay cả các bà bán hàng ranh ma nhất hãy coi chừng. Ông nắm rất vững giá cả lên xuống thường nhật từ con cá, lạng thịt, mớ rau, các loại hoa quả... Đừng hòng nói thách hay nói ngon ngọt, tâng bốc hàng của mình để đánh lừa ông. Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống khó khăn, mọi nhu yếu phẩm đều phải phân phối theo chế độ tem phiếu. Mặc dù so với nhiều người, tiêu chuẩn phân phối của ông ở mức cao, nhưng trong túi xách của ông luôn có chiếc túi vải lớn được gấp cẩn thận, dự trữ. Chẳng là ở những hội nghị, đặc biệt là những hội nghị quan trọng thời gian ấy thường có ngành thương nghiệp mang hàng tới tận nơi phục vụ, nhiều thứ hàng được miễn tem phiếu. Xuân Diệu hưởng ứng điều này rất tích cực. Lần ấy có hội nghị các nhà văn đảng viên bàn về những vấn đề lớn đặt ra cho sự phát triển văn học và xác định nhiệm vụ cho các nhà văn. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng đến dự. Hội nghị tổ chức ngay ở hội trường gác 2 nhà 51 Trần Hưng Đạo. Giờ giải lao, tôi vừa bước ra cửa hội trường đã thấy nhiều người đang xếp hàng đôi dọc theo hành lang, phía trước là một chiếc bàn được kê chắn ngang làm quầy bán hàng, mấy cô mậu dịch viên đang loay hoay với những thùng hàng vừa được chở tới. Thấy Xuân Diệu nét mặt hân hoan, đang đứng ở hàng thứ ba với chiếc túi vải trên tay, tôi lại gần hỏi ông: "Xếp hàng mua gì thế anh?" Xuân Diệu khoát tay nói lớn: "Nùng đứng vào hàng ngay đi, kẻo lại tiếc! Nhà nước mình bán thứ gì cũng quý cả! ". Tất nhiên, tôi cũng phải chạy ngay xuống nối vào hàng người mỗi lúc thêm dài theo hành lang. Thật ra những thứ hàng mà chúng tôi nao nức xếp hàng mong mua được ở những quầy ưu tiên đột xuất dạo ấy đâu có gì ghê gớm. Mấy túi kẹo Hải Châu. Hộp bánh bích quy. Chiếc khăn mặt, may ô, bao thuốc lá. Mấy lưỡi dao lam, vài chiếc kim, cuộn chỉ... Vậy mà ai được mua rồi, bước ra khỏi hàng, mặt cũng tươi hơn hớn như mình vừa được lĩnh thưởng. Còn những người đang xếp hàng phía sau đang phải chen chúc nóng bức vẫn vừa lo bám trụ, chốc chốc lại nghển lên nhìn vào quầy hàng chỉ sợ khi mình xếp hàng tới nơi thì hàng đã hết! Xuân Diệu là người có tài bình thơ, nói chuyện thơ. Kể cả trong những năm chiến tranh và hoà bình, ông có hàng trăm cuộc nói chuyện thơ với cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân từ thành thị, nông thôn đến biên giới hải đảo ở cả hai miền Nam - Bắc. Hầu như ở đâu ông cũng được đông đảo người nghe hoan nghênh, tán thưởng. Nhưng những người lãnh đạo có trách nhiệm đứng ra tổ chức lại thường lo lắng, hồi hộp, nhiều lúc tỏ ra không vui, thậm chí đôi khi bất mãn về những yêu cầu, đòi hỏi của nhà thơ cho cuộc nói chuyện. Từ chỗ đứng, bục nói chuyện phải đặt chỗ nào để khi nói chuyện nhà thơ có thể nhìn bao quát thính giả và mọi người cũng có thể nhìn diễn giả rõ nhất. Từ nước uống cho diễn giả phải là loại gì, âm thanh, ánh sáng, tối thiểu phải ra sao? Nghĩa là mọi việc chuẩn bị đều phải lo sao cho tốt nhất trong điều kiện có thể và theo yêu cầu của nhà thơ. Ông nói ra điều này rất thẳng thắn, rõ ràng, chẳng cần tế nhị, ý tứ, khiến những những ai lần đầu mới được tiếp xúc mời một diễn giả như thế phát hoảng. Quả thật, những đòi hỏi của ông chỉ có mục đích sao cho mỗi buổi nói chuyện phải đạt hiệu quả cao nhất. Ông thường khoe với bọn trẻ chúng tôi: “Mình phải "thâm canh" các bài viết của mình. Thường là trước tiên mình gửi cho Đài phát thanh và yêu cầu được trực tiếp đọc trước máy. Thế là, vừa được diễn tả theo đúng ý mình vừa được nhuận bút lại được "nhuận mồm". Tiếp đó mình mới gửi in báo. Sau cùng, tập hợp in thành sách Như vậy một bài biết mình có thể được nhiều lần nhuận bút, lại có nhiều người nghe, người đọc, chẳng tốt hơn sao? ". Ông là người đi khỏe, viết khoẻ, nói khoẻ và... ăn cũng rất khoẻ. Lần vào Phú Khánh theo lời mời của đích thân Bí thư Tỉnh uỷ lên dự lễ ra quân khởi công xây dựng công trình thủy lợi lớn ở Đá Bàn, Tỉnh uỷ và ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức buổi chiêu đãi rất trọng thể ở Nhà khách huyện Ninh Hoà, nơi có món nem Ninh Hoà, đặc sản nổi tiếng từ xưa. Tất nhiên món đầu vị để đãi khách hôm ấy là nem Ninh Hoà. Những khay nem cao ngất được xếp xen kẽ với bia trên bàn, trước mặt khách. Ngoài các quan khách trong tỉnh còn có khách từ Trung ương và các tỉnh bạn. Sau tiệc chiêu đãi, buổi tối có chương trình nhà thơ gặp gỡ, giao lưu với anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh. Tôi được ngồi gần anh, nghe anh kể đầy hứng thú: “Cậu biết không, bữa nay mình mới thật sự ăn thoả thích món nem Ninh Hoà. Vào tiệc, mấy vị lãnh đạo nói dài quá mà cả khay nem ngồn ngộn trước mắt, mình không nhịn nổi. Thấy không ai để ý, mình nhẹ nhàng nhón một "nàng nem" bóc ăn thử. Thứ nem này mình đã mê từ bé, khi ở Quy Nhơn, mỗi lần mẹ đi Ninh Hoà lại mua về làm quà. Mọi người vẫn mải nghe "diễn thuyết", chẳng ai để ý. Thế là mình cứ lặng lẽ bóc trần từng "nàng nem" ngon lành để "thoả lòng mong ước bấy lâu!" Quả là nem Ninh Hoà rất ngon, có hương vị đặc biệt không nơi nào có được!". Hôm ra thị xã Tuy Hoà nói chuyện thơ buổi tối, anh không về nhà khách của Tỉnh mà nghỉ ở nhà anh bạn thơ trẻ Trần Thiện Lục để mấy anh em có dịp tâm sự khuya. Biết tính anh, trong bữa tiệc chiều, Trần Thiện Lục đã chuẩn bị khá thịnh soạn, gồm đủ "tam sinh" (gà - lợn - bò) trong đó, riêng thịt bò đã làm tới 2 ký thịt ngon nhất. Xuân Diệu ăn rất khoẻ, khen ngon. Mãi tới mười một giờ đêm, mấy anh em chúng tôi còn thấy no bụng, nhưng sợ khuya liền mời nhà thơ đi nghỉ kẻo mệt. Bất ngờ, Xuân Diệu hỏi Trần Thiện Lục: "Bây giờ còn cái gì có thể ăn được không?" Thật là bí. Vào giờ ấy phố xá đã vắng, các hàng ăn đều đã đóng cửa. Nghĩ một lát, Lục nói: “Giờ này thì chẳng có thể tìm mua được gì. Trong vườn nhà em chỉ có củ sắn nước (củ đậu), anh ăn được không?" "Sắn nước à, ăn được chứ?" Thế là hai anh em mang đèn pin ra vườn. Xuân Diệu ăn hết hai củ đậu lớn, khen ngọt, vẻ thoả mãn, sau đó mới chịu đi ngủ. Sau này, trong bài thơ "Ôi cái gió Tuy Hoà" những củ sắn nước trên đây cũng vào thơ: Ra về nhớ sắn nước - Tới mùa, mệt sức ăn - Vỏ bóc, da trắng nõn - Thị dòn, cắn ngập răng..." Việc ăn, đối với ông không chỉ là nhu cầu cần thiết cho cơ thể mà cần phải hứng thú, luôn chủ động tiếp nhận, do đó, phải luyện cho mình có một dạ dày khoẻ. Cả con người ông như một cỗ máy khổng lồ, luôn vận hành với công suất tối đa, không được lãng phí. Trong ông là cả một thế giới phong phú, đa dạng, tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại thống nhất, bổ sung cho nhau, hài hoà để tạo nên một "tính cách Xuân Diệu": Một nhà thơ với tâm hồn lãng mạn, bay bổng; một học giả uyên thâm; một nhà cách tân nhưng luôn gắn với cội nguồn dân tộc; một người tình cuồng nhiệt luôn sợ già, sợ chết, sợ cô đơn; một chính khách lớn; một con người dân dã, chân thực, không hề giấu diếm ngay cả những điều người ta coi là "trần tục". Ông tự hào là "con một nhà nho của một tỉnh miền Bắc và một người làm nước mắm của một tỉnh miền , tôi bắt rễ đến hai lần trong dải đất Việt của tôi". Ông là "Nghìn trái tim mang trong một trái tim"; "Ông tìm gần gũi vì ông quá riêng tư, ông thấy nỗi mênh mông của tâm hồn nên ông muốn thành một cây kim để hút vào mình thiên hạ " (Thế Lữ - tựa "Thơ thơ" - 1938). Gần bảy mươi tuổi đời, gần nửa thế kỷ say mê hoạt động văn học, sáng tác Xuân Diệu đã để lại cho văn học Việt Nam hiện đại một gia tài đồ sộ với 17 tập thơ, 7 tập truyện ngắn và bút ký, phê bình, tiểu luận cùng hàng chục tập sách giới thiệu dịch thơ của các nhà thơ lớn thế giới. Có lần, Chế Lan Viên đã phải thốt lên: "Xuân Diệu là cả một viện nghiên cứu văn học trong anh". Riêng ở lĩnh vực thơ tình - ông tự coi là "đặc sản" của mình - và những công trình nghiên cứu, giới thiệu các nhà thơ cổ điển lớn nhất của Việt Nam như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu..., cho đến nay ông vẫn đứng ở hàng đầu, chưa ai sánh kịp. Ông rất tin, khi ông đã đi xa, nhiều câu thơ, trang viết của ông sẽ còn ở lại mãi với đời: "Dẫu rằng hữu hạn đôi ta, yêu thương một thuở thành ca muôn đời". Ông từng tự nhận xét về mình và tâm sự: Trước cách mạng tôi là nhà thơ của một số ít người. Sau cách mạng, tôi trở thành nhà thơ của đông đảo quần chúng. Con dế mèn trong đám cỏ gáy lên không phải để cho riêng mình. Nó gáy lên để tìm bạn. Nhà thơ mong muốn sao lời ca của họ được hàng triệu người nghe... Tôi là học sinh của nhiều nhà trường, mãi mãi tôi vẫn là học sinh. Dù vậy, tôi đi trên đôi chân mình và điều cơ bản nhất mà thơ tôi hiến cho bạn đọc là những giọng điệu của tôi, là tâm khảm, linh hồn của tôi". Chúng ta cũng tin và hiểu đúng ông như vậy. Hơn thế nữa, ông luôn là "chàng thi sĩ trẻ mãi không già" trong nhiều thế hệ bạn đọc không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi mai sau.
NGUYỄN GIA NÙNG (nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001) |