Tác giả-tác phẩm
Dương Tường: viết không khác người ta thì đừng viết
09:15 | 30/10/2009
Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường.
Dương Tường: viết không khác người ta thì đừng viết
Nhà thơ Dương Tường

Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn. Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.
Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.

*
Nguyễn Đức Tùng (N.Đ.T): Xin đọc một bài thơ của anh. “Tình khúc 24”.
24 phím cầm chiều / 24 nhành sương mím / 24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em / cầu thang 24 bậc / tờ thư 24 gác mưa / làn menuetto 24 âm xưa
Gửi lại em / Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm / Ga khuya 24 lần đưa đón / Bài huê tình 24 lối sân sau
24 có phải là tuổi trẻ không? Rất vui và cảm động được ngồi với anh như thế này. Thưa anh, những người yêu thơ Dương Tường vẫn còn theo dõi các hoạt động của anh.
Dương Tường (D.T): Mình mới gặp các bạn lần đầu mà đã thấy thân thiết như bạn bè lâu ngày. Hôm qua, Trinh, vợ tôi, cũng nói rằng, không hiểu do một giao cảm đặc biệt nào, gặp các anh thấy rất mến.

N.Đ.T: Ngoài tuổi trẻ, thơ Dương Tường cũng như đi ra từ chính tuổi thơ của tác giả, nghĩa là vượt qua những quy ước thông thường của ngôn ngữ người lớn.
D.T: Nhà thơ Áo Rainer Maria Rilke có nói cái ý là sung sướng thay cho những người có một tuổi thơ như là kho báu để nhìn lại mỗi ngày. Tôi nghe anh Nguyễn Đức Tùng mở lời hôm nay thì tôi biết ngay là người đang nói chuyện với tôi là một người hết sức giàu có tuổi thơ.

N.Đ.T: Craig Powell, một nhà thơ–phê bình (poet-critic) và là bác sĩ tâm lý người Úc, đã từng sống và làm việc tại Canada, cho rằng ngôn ngữ thơ là các quá trình tâm lý sơ cấp (primary process), trong khi ngôn ngữ văn xuôi là các quá trình tâm lý thứ cấp (secondary process) [1] . Đọc thơ anh có lẽ nên nhìn từ góc độ đó chăng? Tôi e rằng những người biết đến tên Dương Tường thì nhiều, nhưng những người hiểu Dương Tường có lẽ là ít, ngay cả trong giới phê bình văn học. Có đúng thế không thưa anh?
D.T: Tôi e rằng đúng như thế. Hiểu được thơ của mình cần phải có cái nhìn rất mới, nếu không thì không đồng cảm được.

N.Đ.T: Anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ?
D.T: Tôi bắt đầu làm thơ từ những năm 1950, thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng chỉ làm thơ cho mình và cho bạn bè, nghĩa là không xuất bản. Cho đến những năm 1988 hay 1989, với tập thơ đầu tay in chung với Lê Đạt, đó là tập Ba mươi sáu bài tình. Như thế là từ khi bắt đầu làm thơ đến khi bắt đầu xuất bản là hơn ba chục năm.
Từ lúc bắt đầu làm thơ là tôi đã có một tâm niệm là tôi viết phải khác những người khác. Nếu viết không khác người ta thì đừng viết ra. Vì mỗi người có một tính cách khác nhau nên thơ nếu là của anh thì nó phải phát lộ cái personality (nhân cách) của anh.

N.Đ.T: Nhân cách của nhà thơ biểu hiện qua phong cách, giọng điệu. Phong trào Thơ Mới và văn học trước 1945 như Tự lực Văn đoàn, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng thời với anh, đã ảnh hưởng đến phong cách của anh ra sao?
D.T: Tôi sinh năm 1932. Như thế là tôi sống qua thời kì Thơ Mới, tất nhiên là thế hệ của tôi, bạn bè tôi đều thấm đẫm tinh thần của thời kì vàng son rực rỡ đó. Nhưng ảnh hưởng của họ đối với tôi thì không đơn giản. Ví dụ như vào thời đó nhiều người thích thơ Xuân Diệu nhưng tôi lại không. Thời đó tôi thường nói đùa với bạn bè rằng ông Lamartine ngủ với ông Verlaine thì đẻ ra Xuân Diệu.

N.Đ.T: Ý anh nói là Xuân Diệu không có gì mới cả.
D.T: Đúng thế. Ông ấy chính là hậu duệ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà Lamartine và Verlaine là tiêu biểu, chứ đối với tôi vào thời đó thì không có gì mới cả.

N.Đ.T: Vào thời đó mà nghĩ như thế quả là táo bạo. Nhưng Xuân Diệu lại là một tài năng lớn.
D.T: Đúng thế. Có những người là thiên tài nhưng tôi vẫn không thích. Victor Hugo lớn lắm chứ, rõ ràng là thiên tài, nhưng tôi không thích.

N.Đ.T: Những nhà thơ Việt Nam nào ảnh hưởng tới anh nhiều nhất?
D.T: Đinh Hùng và Huy Cận.

N.Đ.T: Mặc dù làm thơ từ rất sớm, nhưng lúc nào thì thơ Dương Tường là Dương Tường như hiện nay?
D.T: Thơ viết từ khoảng 1950 đến 1960 tôi đều bỏ hết, vì sau này đọc lại tôi thấy chúng không phải là tôi, mà thật ra là bắt chước. Từ những năm 1960 thì thơ Dương Tường mới là của tôi. Trên đây tôi có nói về Đinh Hùng và Huy Cận. Tôi cho là cái chất lãng mạn, triết lý và sầu muộn của hai ông đã ảnh hưởng đến tôi nhiều.

N.Đ.T: Nhưng kĩ thuật làm thơ của anh hoàn toàn khác với kiểu cổ điển của Huy Cận và Đinh Hùng. Hầu hết các bài thơ của anh là thơ tự do.
D.T: Hồi đầu tôi cũng làm thơ có vần. Về sau thì biết rằng muốn thoát ra về nghệ thuật thì phải làm mới các thể thơ. Nhưng tôi vẫn chú trọng đến âm nhạc trong thơ. Các nhà thơ trẻ hiện nay ít chú ý đến điều này.

N.Đ.T: Trở lại hoàn cảnh sáng tác những  năm 1960 của anh tình trạng thơ không có độc giả, sáng tác không có tiếng dội lại, không có phản hồi đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sáng tạo của anh?
D.T: Tôi đã tâm niệm từ đầu rằng con đường thơ của tôi sẽ không thay đổi. Tôi đã chọn con đường ấy, đã chịu nhiều hệ luỵ, nhưng sẽ đi đến cùng. Vì vậy tình trạng không in được thơ, không có độc giả, không ảnh hưởng nhiều đến con đường của tôi. Tất nhiên là tôi cũng có những độc giả riêng của mình, đó là những bạn bè thân quen. Nhất là những bạn trẻ yêu mến thơ tôi, có khi họ ghi chép lại, nhờ thế mà nhiều bài thơ tôi bị mất vẫn tìm lại được, nhờ sự ghi chép của các bạn trẻ.
Tuy vậy, trong sáng tác văn học, cái feedback của độc giả và nhà phê bình là rất quan trọng. Nếu tôi có những feedback như thế, kịp thời, chắc là thơ tôi đã có nhiều thay đổi. Vì chỉ có một nhóm bạn bè thân, và vì khá cô độc, cái mạch nguồn của thơ tôi không phát triển thành các nhánh rẽ khác mà lẽ ra nó phải có. Đó là một hạn chế đáng tiếc. Rất đáng tiếc.

N.Đ.T: Tôi đã đọc tuyển tập Thơ Dương Tường [2] của anh, trong đó có những bài tôi thích như bài “Tình khúc 24”, bài “Bella”, hay phần thơ “Tôi đứng về phe nước mắt”. Ngôn ngữ của anh giản dị, nhưng thật ra không dễ hiểu. Giản dị và dễ hiểu là hai khái niệm khác nhau. Tiếc rằng hiện nay nhiều người không phân biệt được điều này. Có những câu hay đột ngột, nhưng cũng có những câu chưa thuyết phục lắm. Xin phép được trích dẫn trước mặt anh.
Mặt trời Colorado/ dậy sớm/ Đánh cắp của ta quà tuyết đêm qua
Là bài hay và dễ hiểu.
Bao giờ/ về/ thượng nguồn thơ/ nghe/ u ơ
Cũng hay và dễ hiểu.

Đến như:
Bao giờ về/ U tịch/ Bên kia?/ Thì phạm vào lỗi lặp lại (non-originality).
Hồ môi thơ lã chã âm xưa/ bản nháp chiều tơ liễu/ đưa mưa
Thì hay nhưng hơi khó hiểu. Rõ ràng là thi pháp tượng trưng, hơi bị lộ.
Khoảnh khăk/ Phố nằm tênh hênh/ Con jó thôk/ bỗng chốk/ vú nũm cau/ phau phau
Thú vị và bất ngờ. Nhưng dễ rơi vào tình trạng tự bắt chước mình. Một khuyết điểm mà Trần Dần cũng không tránh được. Còn những câu như:
Người đàn bà hít mùi mồ hôi ba năm chờ/ cười vô lối/ Cửa sổ sóng sánh tiếng huýt sáo của một người/ Đi chơi đêm
Rất đặc sắc. Mang dấu ấn riêng của Dương Tường. Chúng đã làm tôi liên tưởng đến E. E. Cummings (1894-1962), một nhà thơ dùng hết cuộc đời mình để nắm bắt những giây phút sống động đầy cảm giác thực tại, bằng cách lược bỏ các suy tư vốn dễ phát sinh về thực tại đó.
When by now and tree by leaf/ She laughed his joy she cried his grief/ Bird by snow and stir by still/ Anyone’s any was all to her
Viết như thế thì tuyệt quá.
D.T: Cám ơn anh Nguyễn Đức Tùng đã đọc thơ tôi. Nếu có thì giờ tôi rất muốn nghe những phê bình góp ý khen chê của một nhà thơ và nhà phê bình thuộc thế hệ trẻ và ở nước ngoài như anh. Tôi rất cần sự thưởng thức và đánh giá của người đọc.

N.Đ.T: Hôm nay ngồi trước tập thơ mới nhất, tập thơ Đàn của anh. Đó là một thứ thơ ngoài lời. Tôi xin nói rằng có thể gọi anh là nhà thơ đứng ở biên giới của ngôn ngữ. Điều đó không phải bao giờ cũng có lợi cho anh. Không phải ai cũng đọc được, hoặc họ đọc được mà không tán thành. Nếu anh có những feedback kịp thời, có lẽ anh sẽ còn phát triển hơn nữa về hướng này.
D.T: Những feedback ấy đã không có vào đúng lúc mà nó ra đời. Khi người ta viết lại quá khứ và công nhận tác phẩm của mình, thì cái mạch nguồn thơ của mình vào lúc ấy đã không còn nữa. Tôi nghĩ ở Việt Nam đã có nhiều người cũng rơi vào tình trạng như tôi.

N.Đ.T: Tập thơ Đàn cần một thứ độc giả riêng của nó. Nó gồm ba mươi trang gồm các hình vẽ với các ghi chú rải rác. Tôi thích bức số một, số hai, số ba, số năm, theo thứ tự trong tập này. Chúng gây cảm giác mênh mông khó tả. Nhưng những bức khác như hình số bốn có dáng như một ly rượu, một nhánh cây leo, và con bướm đậu trên chân ly, tôi không thích vì nặng tính quy ước. Thưa anh, như vậy thơ đã hoá thành hội họa hay một thứ nghệ thuật sắp đặt trên giấy rồi chăng?
D.T: Không phải. Thơ không phải là hội họa dù rất gần với hội họa. Các tác phẩm của tôi cũng không phải là tranh, mặc dù nhìn như những bức tranh. Đó là một thứ thơ không dùng đến ngôn ngữ thông thường và sử dụng các biểu đạt siêu ngôn ngữ (meta-language).

N.Đ.T: Theo nhận xét riêng, tôi cho rằng Dương Tường là một trong những nhà thơ trí thức của Việt Nam hiện nay còn sống. Một thứ scholar. Một tinh thần như thế, một phong cách trí thức như thế làm lợi hay làm hại cho thơ? Và như thế nào?
D.T: Tôi bắt đầu thực hiện tập thơ Đàn khi cảm thấy cần mở rộng biên giới của ngôn ngữ, nếu tôi được phép dùng theo cách nói của anh Nguyễn Đức Tùng ngày hôm qua. Anh Châu Diên, người viết lời giới thiệu cho tập thơ Đàn cũng nói rằng: “Thơ không lời, theo cách gọi của Trần Dần, thực ra không phải là một cái gì dị thường lắm. Ở đầu nguồn, có lẽ là những calligrammes của nhà thơ cách tân hàng đầu của Pháp Guillaume Apollinaire, những bài thơ được trình bày bằng cách viết biểu hình, mà tôi tạm dịch bằng một từ Hán Việt tân tạo: thư đồ thi. Cũng như cái mắc áo, cái bồn tiểu lật sấp của Marcel Duchamp là tiền đề cho hình thức installation (sắp đặt) sau này, thư đồ thi của Apollinaire, theo tôi nghĩ, là tiền đề cho thơ ngoài lời hay thơ không lời mà Dương Tường và Trần Dần thể nghiệm vào giữa những năm 1970”.

N.Đ.T:
Ai bẻ ghi tôi/ Tu-huýt còi/ Hoang ga em?
Đúng là có thể xem Dương Tường, trong một số bài, là một E. E. Cummings của Việt Nam. Do những điều kiện lịch sử khắc nghiệt, trải qua những hoàn cảnh như Nhân văn giai phẩm chẳng hạn, một Cummings như thế đã không có điều kiện để tạo dựng hình ảnh (image) của mình lớn hơn, vươn được lên đẳng cấp thế giới, cả về nghệ thuật lẫn ảnh hưởng.
Các nhà phê bình văn học Việt Nam hiện nay hình như không ai đọc Dương Tường như một nhà phê bình, và giúp cho người đọc trung bình có khả năng tiếp cận nó ở mức độ phổ thông. Theo anh có phải vì các nhà phê bình Việt Nam không thiết tha hay bởi vì họ vướng phải những chuyện nào khác?
D.T: Các nhà phê bình không quen với cách viết của tôi nên họ ngại. Chúng ta thường chậm hơn trong những cách tân văn học và nghệ thuật. 
Có một điều thú vị là tập thơ Đàn của tôi có một bức được dùng làm bìa cho cuốn sách quan trọng của Victor Shklovsky, cuốn A Sentimental Journey - Memoirs, 1917-1922 do Nhà xuất bản Dalkey Archive Press, Illimois (Mỹ), ấn hành năm 2004 (Xem ảnh). Quả là một bất ngờ khi tôi nhận được thư của Nxb này xin phép được dùng một trang trong tập Đàn làm bìa cho cuốn sách đó.


N.Đ.T: Kể về số phận, Dương Tường là người đi xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, và là người tham gia, mặc dù không phải là nhân vật chính, vào các sự kiện sôi động ở miền Bắc. Thế thì toàn bộ tư tưởng của anh, suy nghĩ và hành động của anh trong đời sống, như một công dân, đã ảnh hưởng đến thơ của anh như thế nào. Dòng thơ ngôn ngữ của anh, và sau này dòng thơ ngoài lời, đã được cắm rễ trên mảnh đất ấy như thế nào? Thơ có phản ảnh đời sống của anh không? Anh có chủ định mang những vấn đề của đời sống vào thơ không hay anh cố tình gạt chúng ta khỏi toà lâu đài của thơ ca?
D.T: Nếu đọc kĩ, sẽ thấy trong thơ tôi nhiều dấu ấn của dòng đời. (Đọc thơ)
Ở đây tất cả đều tủn mủn/ Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng/ Thôi chào Tovarish [3] Thế kỉ/ Giờ lũ hồng rồi/ Tôi chẳng còn thì giờ dặn dò cái chậu giặt/ Kìa con chim xứ rét đã về
Ngậm một nhành IM hoá thạch/ Tôi đi/ Hành tinh hoang

N.Đ.T: Có ba nhà thơ cùng thời mà ngôn ngữ thơ của họ có những nét giống nhau, tôi xin xếp loại là dòng thơ ngôn ngữ ở Việt Nam, đó là Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, trong đó Dương Tường có những nét riêng. Anh so sánh như thế nào giữa thơ anh và thơ của Trần Dần, Lê Đạt xét về mặt nghệ thuật?
D.T: Về thơ tôi gần với Trần Dần hơn cả, và có chịu ảnh hưởng của anh ấy. Lê Đạt và tôi cũng có những điểm tương đồng. Lê Đạt tự gọi mình là phu chữ, còn tôi đã từng viết rằng mình một đời ăn nằm với chữ. Tiếng Việt, ăn nằm có nghĩa là vợ chồng. Nhưng đối với Trần Dần, thì tôi coi anh ấy vừa là bạn vừa là thầy của tôi. Những người thầy của tôi trên thế giới có Apollinaire, E. E. Cummings, còn ở trong nước thì tôi chịu ảnh hưởng của Huy Cận, Đinh Hùng, nhưng tôi có hai người thầy trực tiếp là Trần Dần và Tất Vinh. Tất Vinh là anh ruột của vợ tôi. Tất Vinh không phải là một người cách tân lắm, nhưng từ buổi đầu anh ấy là người đã truyền cho tôi cái đam mê về thơ.

N.Đ.T: Từ sau kháng chiến chống Pháp, xét về mặt lịch sử và về mặt nghệ thuật, thơ Việt Nam có nhiều nhánh rẽ, ít nhất là năm hay sáu nhánh: thơ miền Bắc chính thống, thơ miền Bắc phi chính thống, thơ miền Nam, thơ hải ngoại, thơ trẻ cách tân. Từ 1954 đến 1975, về mặt nghiên cứu và phê bình văn học, miền Bắc đã thiết lập xong những thành tố căn bản, như việc đào tạo những tài năng về lý luận, nghiên cứu, phê bình, và các viện nghiên cứu. Trong khi đó về mặt sáng tác, miền Nam đã có được một nền văn học phát triển, trong đó thơ ca mang lại nhiều thành tựu, với các tên tuổi còn lại từ thời tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, đi qua các giai đoạn kế tiếp với Nguyên Sa, Bùi Giáng, Quách Thoại, rồi sau đó là Tô Thuỳ Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, và một truyền thống dư dật về tiềm năng, sau này còn kịp gieo những hạt giống sáng tạo bay bổng của nó ở khắp nơi v.v… Anh nghĩ sao về dòng thơ miền Nam trước đây?
D.T: Do điều kiện lịch sử anh em chúng tôi ở miền Bắc rất ít được đọc miền Nam, ví dụ như anh Du Tử Lê mà tôi mới gặp hôm qua cùng với anh, tôi mới chỉ được đọc một hai bài, cho đến hôm nay mới có trên tay cuốn sách của anh Nguyễn Đức Tùng vừa tặng mà chưa kịp đọc (Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn [4] ). Đối với những người mà tôi đã được đọc tương đối đầy đủ, thì ở miền Nam ngoài Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng là những nhà thơ mà tôi hết sức yêu mến từ thời trước, những người khác như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, và một mảng nào đó của Nguyên Sa, là tôi đặc biệt kính trọng.

N.Đ.T: Các nhà thơ trẻ thường dành cho anh sự yêu mến. Nhận định của anh về sáng tác của các nhà thơ trẻ trong nước hiện nay như Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lý Đợi, Nguyễn Thuý Hằng v.v… ra sao?
D.T: Tôi là người rất kì vọng ở lớp trẻ, rất hoà đồng với họ. Tính tôi thì rất ham…

N.Đ.T: Ham vui?
D.T: (Cười) Ham vui thì đúng rồi. Nhưng ý tôi muốn nói là ham hoà đồng vào lớp trẻ. Tôi cho rằng nếu gọi những đóng góp của họ là những đóng góp lớn thì không đúng hoặc nên dè dặt, nhưng đó là những thứ quặng. Quặng thì không phải là vàng, nhưng nếu biết gạn đục khơi trong thì sẽ có thể tìm ra vàng trong đó. Họ cần sự tinh luyện.

N.Đ.T: Sự tinh luyện đó là gì? Lớp trẻ cần làm gì và học gì để có sự tinh luyện đó?
D.T: Sự tinh luyện nằm ở chỗ không được thỏa mãn với chính mình. Thường xuyên học hỏi thêm nữa. Rất nhiều. Khi họ được lăng xê, thì đó chỉ là bước đầu mà thôi. Đọc nhiều, học nhiều, tư duy thơ nhiều hơn nữa.

N.Đ.T: Ở gần chỗ ngồi của chúng ta hôm nay có chân dung rất đẹp của Dương Tường treo trên vách, do Vi Thuỳ Linh dựng trong ngày hội thơ tháng giêng ở Hà Nội. Vi Thuỳ Linh tạo ra nhiều dư luận khen chê khác nhau. Có những dư luận thuần tuý văn chương, và những dư luận phi văn chương. Anh nghĩ sao về thơ của cô? Nói cụ thể hơn, với tư cách một người làm thơ lớp trước và là người đã từng viết phê bình và điểm sách, anh nhận định những mặt mạnh và những mặt yếu của thơ Linh ra sao? Tôi cũng có đọc bài phê bình của Nguyễn Thanh Sơn về Vi Thuỳ Linh.
D.T: Tôi là một trong những người cổ vũ Vi Thuỳ Linh và giới thiệu cô với độc giả. Tôi cũng là người đã dịch thơ Linh ra tiếng Pháp đăng trên Europe, một tạp chí lớn ở Pháp. Tôi cho rằng thơ Linh có được cái cảm xúc nguyên chất và tạo ra một mạch chảy của riêng mình. Sau tập thơ Đồng tử, tôi có nói với Vi Thuỳ Linh rằng nếu cô cứ tiếp tục làm như thế thì cô sẽ hết vốn, hết tinh hoa. Vốn đây là vốn chữ. Vì mỗi nhà thơ có một lượng chữ tinh cốt nhất định.

N.Đ.T: Anh muốn nói là từ vựng?
D.T: Đúng thế. Từ vựng. Mỗi người chỉ có một từ vựng giới hạn mà thôi. Tất nhiên, tôi nói từ vựng đây là từ vựng đặc thù của nhà thơ, mang dấu ấn của nhà thơ. Đừng có tiêu phí chữ. Cái đó là cái yếu của Vi Thuỳ Linh. Cô ấy cứ viết ào ào đi. Cần phải biết dừng lại để suy nghĩ, nói chung là phải biết dừng lại.

N.Đ.T: Một nhà văn nữ Hoa Kỳ trong một lớp dạy về văn học mà tôi được tham dự mới đây, có nói đại ý rằng: khi viết thì viết cho hết ý mình, đừng có để dành lại cho cuốn sách khác, vì đến lúc đó lại có cái khác.
D.T: Điều đó rất đúng, nhưng trong một tác phẩm cụ thể thì mình phải tập viết ngắn. Vi Thuỳ Linh viết thơ rất dài, vì cô không thể nào viết ngắn được. Tức là chưa biết tạo ra tinh chất.

N.Đ.T: Rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở miền Bắc thuộc thế hệ thơ chống Mỹ, hoặc của miền Nam trước đây và ở hải ngoại, đều đồng ý với nhận định rằng thơ trẻ hiện nay lẫn lộn giữa thật và giả, và rằng các xúc động của thơ trẻ là ít có thật. Anh nghĩ thế nào về nhận định có phần nghiêm khắc này?
D.T: Tôi cho rằng những người đưa ra nhận định như thế hoặc là giáo điều, hoặc là không chịu đọc kĩ các nhà thơ trẻ và chịu khó kiểm nghiệm họ. Cần phải hoà đồng với tâm thức của giới trẻ hiện nay, đứng trong góc nhìn của họ thì mới hiểu và thông cảm được. Cần phải thấy cái suy nghĩ dằn vặt, cái thao thức của lớp trẻ hiện nay, chứ nếu mà đứng xa cách như thế và đưa ra sự phê phán thì tôi cho rằng nếu không phải hồ đồ thì cũng chưa được chín chắn cho lắm.

N.Đ.T: Kế hoạch viết của anh như thế nào trong một hai tháng tới hay một hai năm tới?
D.T: Trong một năm nay tôi không viết gì nhiều, đúng ra viết rồi lại xé, vì khi đọc lại tôi thấy thơ của mình chưa có gì mới. Nó thiếu cái evolution.

N.Đ.T: Tiến bộ, tiến hóa?
D.T: Cũng không phải là tiến hóa, evolution, theo cách tôi hiểu, có nghĩa là triển diễn, không nhất thiết là “tiến”. Khi tôi không thấy được cái đó trong thơ mình, thì tôi xé bỏ bản thảo. Chưa khác được những cái tôi đã làm trước đây. Có thể nói là tôi đang ở trong giai đoạn khủng hoảng sáng tác. Nhà thơ bao giờ cũng phải tìm cách vượt qua cái mình đã làm, và không được lặp lại.

N.Đ.T: Anh là một trong những người rất hiếm hoi am tường những bộ môn nghệ thuật khác nhau. Những người làm thơ có nên có những hoạt động khác ngoài thơ không? Điều đó có giúp ích gì cho họ không?
D.T: Tôi không phải là người thường đưa ra lời khuyên. Nhưng tôi tin rằng người làm văn học cần có cái culture generale, tức là cái nền văn hoá chung. Không có cái nền văn hoá như thế thì anh chỉ viết một thời gian rồi hết vốn liếng, không đi xa được. Tuy nhiên, do làm nhiều thứ quá, từ dịch thuật cho đến hội họa, tôi cũng thấy mình ôm đồm nhiều quá, ôm nhiều quá thì không chặt. Qui trop embrasse mal étreint, người Pháp nói thế. Trong lời bạt cuốn Chích chòe tôi cũng gợi ý để anh Lê Đạt khi viết lời bạt nhắc đến điều này.

N.Đ.T:
Ở đây tất cả đều tủn mủn.
Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng
Là những câu thơ hay và dễ hiểu của Dương Tường. Nhưng viết như thế này:
Em đi/ môi mọng/ đùi mọng/ vú ấm/ tim trống/ đầu trống/ Em đi - nhớt đêm/ Em đi - trời nghiêng/ Em - đời bỏ quên
Thì theo tôi, Dương Tường đã tạo ra được một lối viết mới với cách dùng chữ táo bạo.
D.T: Muốn làm ra những điều táo bạo, tôi nghĩ phải có những kiến thức thông thường và những kiến thức sâu sắc về văn hoá, lịch sử. Sự không đọc nhiều hiểu rộng của lớp trẻ bây giờ cũng là một điều đáng lo, đáng báo động.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG thực hiện
(248/10-09)



-----------------
[1] “Poetry, as the language of the unconscious and of dreaming, has its roots in primary process experience and is closer to the primordial union with the mother than the secondary process language of prose. The poems that move us most deeply are those which evoke the poignancy of that lost union, when in fantasy the boundaries of self and other were melted away.” (Craig Powell, được trích dẫn bởi Gary Geddes, 20th Century Poetry and Poetics, Fouth Edition, Preface pg. xv, Oxford University Press, Toronto, 1996). Tạm dịch: “Thơ ca, như là ngôn ngữ của vô thức và giấc mơ, bắt nguồn từ các kinh nghiệm thuộc quá trình sơ cấp và gần với sự hòa hợp nguyên sơ của tình mẫu tử hơn là ngôn ngữ văn xuôi vốn thuộc về quá trình thứ cấp. Những bài thơ làm chúng ta rung động một cách sâu xa là những bài thơ dấy lên được nỗi xúc cảm về sự hòa hợp đã mất này, khi trong giả tưởng những biên giới giữa cái tôi và người khác trở nên nhạt mờ.”
[2] Dương Tường. Mea Culpa và những bài khác. Tuyển tập thơ. Nhà xuất bản Hải Phòng 2005.
[3] Tovarish, tiếng Nga, nghĩa là đồng chí.
[4] Nguyễn Đức Tùng. Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn. Tuỳ bút và phê bình. Tự Lực Bookstore xuất bản. California 2007
[5] Dương Tường. Chỉ tại con chích choè. Tạp luận. Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2005.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng