Tác giả-tác phẩm
Đôi điều muốn được trao đổi nhân đọc quyển "Côn đảo"
11:02 | 18/11/2009
NGUYỄN HỮU NGÔ Cuốn sách đồ sộ "Côn Đảo" của Nhà xuất bản Trẻ (1996) là một nguồn tư liệu quý mà những người làm công việc nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam không thể không tìm đến. Vì vậy sự chính xác về thông tin đòi hỏi phải khẳng định. Và cũng vì vậy tôi có đôi điều xin thưa với ban biên tập Nhà xuất bản Trẻ về những thông tin về nhân vật Mai Tấn Hoàng được coi là người tử tù cách mạng.
Đôi điều muốn được trao đổi nhân đọc quyển
(Ảnh: c.1asphost.com)

Trang 459, trong phần danh sách những người bị án tử hình có đoạn:

Mai Tấn Hoàng, sinh năm 1944, bị bắt năm 1968, nguyên là trung đội trưởng lực lượng thanh niên nổi dậy vũ trang thành phố Huế trong Tết Mậu Thân. Sau giải phóng, do bị xử lý oan, bị giam giữ 3 tháng, sau đó đi kinh tế mới, rồi lang thang từ Đắc Lắc đến Bà Rịa, vào tu trong chùa. Hiện nay đã được xét lại, giám định thương tật là thương binh hạng hai, nghỉ hưu ở thành phố Huế.

Theo chỗ tôi được biết thì ông Mai Tấn Hoàng chính là Mai Ngụ, can tội hình sự, ra tòa đại hình 1965 tại Đà Nẵng, bị kết án tử hình và bị giam giữ tại trại giam Thừa Phủ, Huế. Mùa hè 1968, ông Mai Ngụ được đưa ra Côn Đảo. Từ đó đến năm 1975, tội danh  và bản án của ông Mai Ngụ không có lý do gì để thay đổi cả. Những thông tin này có thể kiểm tra, dựa vào công báo của chính phủ Sài Gòn năm 1965 hiện còn lưu trữ tại thư viện thành phố Hồ Chí Minh. Cũng  có thể kiểm tra qua tìm gặp tiếp xúc với những nhân vật đã từng ở trại giam Thừa Phủ, những năm 65, 66, 67 và 68. Ở Huế có các ông Nguyễn Duy Thu Khiết, ông Lê Văn Sắt, ông Nguyễn Nam Đông và Nguyễn Hữu Ngô, kẻ viết những dòng này. Ở Đà Nẵng có các ông Hồ Duy Lệ (hiện là tổng biên tập báo Quảng Nam) ông Võ Thành Lê (phó tổng biên tập báo Đà Nẵng).

Phải chăng có việc nhầm lẫn trên của sách Côn Đảo là do một loạt bài báo của ông Lê Quang Vịnh trên báo Đại Đoàn Kết "Đi tìm người tử tù mất tích" đã làm xúc động dư luận một thời, riêng đối với chúng tôi, đã gây biết bao kinh ngạc. Và một vở kịch đã được trình diễn, đã được dựng thành phim màn ảnh nhỏ của tác giả Ngọc Tranh lấy cảm hứng từ nhân vật cách mạng Mai Tấn Hoàng này, đã gây cho chúng tôi bao sự bẽ bàng...

Những sự việc coi ra thật kỳ cục: thêu dệt, đặt điều thả cửa, biến không thành có... Tuy nhiên đối với ông Mai Ngụ thì sao? Tôi xin thưa. Ông Mai Ngụ là một con người trung thực, đáng nể. Ông đã ngượng ngùng biết mấy khi được xưng tung là đã có công thế này, đã đạt thành tích thế kia. Ông đã cấn cái biết bao nhiêu khi những bổng lộc gọi là chính sách đã ùa đến với ông... Và ông đã bỏ đi. Ông đã vứt bỏ không thương tiếc cái thành tích cách mạng dõm mà người ta đã gán cho ông, bỏ luôn cả cái sở nhà và sở đất người ta đã ban cho ông trên cả mọi điều mơ ước. Theo chỗ tôi được biết thì ông Mai Ngụ đã thanh thản về ở Pleiku, trên một vùng đồi thật yên tĩnh ở thành phố núi vô cùng dễ thương ấy...

Mọi sự đã rồi. Tất cả sẽ qua đi và mọi điều sẽ được lãng quên. Tuy nhiên cuốn sách "Côn Đảo" vẫn còn đó, vẫn nằm trong kho tàng tư liệu lịch sử cách mạng của thời đại chúng ta. Những thông tin về người tử tù Mai Tấn Hoàng chỉ là một sai sót rất nhỏ của cuốn sách. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần phải được đính chính.

N.H.N
(126/08-99)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng