Tác giả-tác phẩm
Bây giờ nơi chốn xa xôi
15:17 | 10/07/2008
UYÊN CHÂU(Nhân đọc “Mùa lá chín” của Hồ Đắc Thiếu Anh)Những ai từng tha phương cầu thực chắc chắn sẽ thông cảm với nỗi nhớ quê hương của Hồ Đắc Thiếu Anh. Hình như nỗi nhớ ấy lúc nào cũng canh cánh bên lòng, không dứt ra được. Dẫu là một làn gió mỏng lướt qua cũng đủ rung lên sợi tơ lòng: Nghe hương gió thổi ngoài thềm / Trái tim rớm lệ trở mình nhói đau (Đêm nghiêng).
Bây giờ nơi chốn xa xôi


Sau cái nhói đau của trái tim, ta nghe rõ tiếng thở dài của Thiếu Anh, của một người đằng đẵng xa quê, mà lúc nào tâm hồn mình cũng hướng về: Bây giờ nơi chốn xa xôi / Nhớ em, nhớ Huế, nhớ trời quê hương”.
Hình ảnh quê hương lúc nào cũng thấp thoáng trong ký ức mình, đó là tâm trạng của những người yêu quê hương lắm mà phải xa. Chính vì vậy, khi những người đồng hương cùng cảnh ngộ gặp nhau thì ríu rít hẳn lên. Hồ Đắc Thiếu Anh cũng ở trong cảnh ngộ ấy, nên viết được những câu thơ trĩu nặng: Người Huế gặp nhau líu lo giọng Huế / Giành nhau kể chuyện quê nhà / Lời nồng nàn hương chanh hương bưởi / Lòng sương thu trĩu nặng tiếng ầu ơ. (Hương vị cỏ)
Âm hưởng của những cuộc gặp nhau líu lo giọng Huế là hình ảnh quê hương cứ hiện mãi trong lòng. Giống như có cái cớ để thức dậy nỗi nhớ mỗi lúc một da diết.
Và Thiếu Anh nhớ tà áo dài thiếu nữ Huế:  Huế ơi từ ấy chia xa / Xin cho tìm lại đôi tà áo xưa.
Tất cả thiếu nữ Huế đến trường đều mặc áo dài trắng thướt tha. Bầy nữ sinh đi trên đường, giống như một bầy thiên nga, làm cho đường phố rực rỡ hẳn lên. Cho đến bây giờ tà áo dài ấy vẫn được coi là một “đặc sản” của Huế. Bầy thiếu nữ xưa ấy đi học, thường qua đò ở bến Thừa Phủ:
Bến đò xưa, bến đò xưa
Thuyền qua Thừa Phủ còn chờ đợi ai?

Trong nỗi nhớ, ta thấy Thiếu Anh vẫn nuối tiếc, hình ảnh con đò chờ khách vẫn làm cho nhà thơ thẫn thờ, tưởng như không thể dứt lòng mình ra được: Xin cho trăng mộng đêm dài / Biết đâu Thành Nội dấu hài còn nguyên / Biết đâu Vĩ Dạ cau nghiêng / Tóc thề đợi lá trầu duyên lỡ làng. (Bóng chiều sương)
Chỉ bằng sáu câu thơ, ta cảm thấy cái thảng thốt của Thiếu Anh từ bến đò đến dấu hài trong Thành Nội, từ dáng cau, cho tới mái tóc thề thiếu nữ. Không có những kỷ niệm da diết, không thể viết nổi những câu thơ có hồn như vậy. Hèn chi có lần tôi gặp Thiếu Anh ở Huế, nàng thơ không phóng xe ào ào trên đường phố, mà mặc áo dài tím, đội nón bài thơ, tha thẩn bên bờ sông Hương, suốt từ bến Thừa Phủ, qua nhà Kèn, đến Vĩ Dạ. Tưởng như người thiếu nữ ấy đang mất một cái gì và đang chăm chú đi tìm. Đọc thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh mới rõ, nàng thơ đang đi tìm những kỷ niệm xưa. Tôi trân trọng những kỷ niệm ấy, nên dù lúc đó rất gần Thiếu Anh mà không dám gọi, sợ làm đứt đoạn suy nghĩ của nhà thơ.
Huế rất dễ bị cám dỗ, nên hầu như nhà thơ nào qua Huế cũng để lại một bài thơ. Người Huế hầu như ai cũng thuộc một câu thơ của Thu Bồn: Con sông dùng dằng con sông không chảy, Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Thiếu Anh lại là một người Huế đích thực thì làm sao không rung động trước một dòng sông, một bến đò, một điệu hát trên con sông thơ mộng này. Thiếu Anh đã viết đúng tâm trạng mình:
Nhặt từng sợi nhớ đi qua
Hồi chuông chùa cũ ngân nga buốt lòng
                                     (Chiếc dằm thơ).
Nỗi nhớ nhất của Thiếu Anh là nỗi nhớ về người mẹ, với mảnh vườn mẹ đã chắt chiu nuôi mình lớn khôn.
Thiếu Anh cất tiếng gọi “Mẹ ơi”, phá cách khổ thơ 4 câu rất tài:
Mẹ ơi
Vườn chuối nhà mình trổ buồng chưa
Mẹ có làm thân chuối muối dưa
Bên ni trời lạnh thèm da diết
 Nồi cá kho tiêu mẹ đang chờ
.
Nhớ mẹ, nhớ quê, nên nơi đất khách quê người, Thiếu Anh cũng tậu được một miếng đất làm một mảnh vườn riêng.
Mỗi cây trong vườn là một kỷ niệm. Đây là mảnh vườn của Thiếu Anh:
Mẹ ơi
Vườn con có giăng giậu mồng tơi
Dặm thêm bồ ngót lá xanh tươi
Ước chi gởi được về bên nớ
Một bát canh rau nửa phương trời
.
Có rau cỏ quê nhà mà Thiếu Anh đem giống từ mảnh vườn mẹ, làm cho ấm lại nỗi cô đơn tha phương, và mỗi miếng ăn là một lần nhắc nhở tình mẹ nơi phương trời xa:
Mẹ ơi
Vườn con giàn mướp lại đơm hoa
Đất khách con gieo hạt quê nhà
Bữa cơm ấm áp hương tình mẹ
Cho đỡ nhói lòng nơi phương xa
.
                        (Hương xa)
Không biết được mấy người xa quê, đem giống nơi vườn mẹ trồng nơi mình ở như Thiếu Anh để mỗi lần nhìn thấy bóng cây, mỗi bữa ăn rau quê nhà làm lòng mình ấm lại.
Đọc thơ của Thiếu Anh viết ở chốn xa xôi, tôi cảm thấy như đọc những trang nhật ký từng ngày, từng ngày Thiếu Anh trải lòng mình ra trang giấy. Thiếu Anh đã rút ruột mình ra để làm thơ, tâm trạng của chính nhà thơ đã đủ rung động thành thơ rồi. Nếu không, làm sao viết nổi câu thơ đầy xúc động này:
Con từ xuôi ngược đến chừ
Vẫn còn ấp ủ lời ru ngọt ngào
.
Đó chẳng phải là tiếng lòng đó sao.
Lần Thiếu Anh về thăm quê, lại đúng vào một ngày mưa. Khác với mưa ở nhiều nơi, mưa Huế rất buồn. Nguyễn Bính đến Huế gặp mưa, ông đã viết về cảnh mưa buồn ấy: Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày/ Hôm qua còn sót hai đồng bạc, hai đứa bàn nhau uống rượu say/ Mái tranh, nón lá mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay. Nhưng chiếu mưa của Thiếu Anh lại rất ấm:
Cảm ơn một chiều mưa
Mưa như cầm chĩnh đổ suốt ngày
Huế đắm chìm trong khói mưa bay
Lòng tím hoa sim một lần Vĩ Dạ
Sóng sánh tách cà phê
Chiều mưa như phép lạ
Rót ấm vào tim người xa về
.
            (Cám ơn một chiều mưa)
Phải là một người yêu quê hương lắm, nên phút trở về mới có được tình cảm ấy.
Và khí nhìn nét cong của bờ sông Hương. Thiếu Anh như nhận ra lòng mình:
Hương Giang êm ả vòng tay
Ôm bờ phố đếm tháng ngày đục trong

Ba chữ: “ôm bờ phố”, tác giả đã nhân cách hoá để nói lên tình cảm da diết của mình.
Hiện nay Hồ Đắc Thiếu Anh vẫn đang còn đi xa, thỉnh thoảng có việc mới về lại Huế. Nhà thơ muốn làm một cái gì cho Huế đó mà chưa làm được, giống như một món nợ chưa trả. Thiếu Anh cũng bộc lộ tâm trạng ấy:
Nợ sông Hương một lời thề
Đành xin hẹn lại mai tê đáp đền
.
Thiếu Anh ơi, người xa quê nhớ quê da diết thế cũng là một cách đáp đền rồi, song nếu Thiếu Anh làm được một cái gì cho Huế nữa thì càng tuyệt. Rất mong được gặp Thiếu Anh để ta trò chuyện với nhau về nỗi mong muốn này. Biết đâu chúng ta sẽ tìm ra một điều thú vị cho Huế của nhà thơ.
                                                                   U.C

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)