Tác giả-tác phẩm
Nhớ một đời thơ Trần Nhật Thu
15:34 | 03/12/2009
NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH       (nhân Đọc "Từ những bờ hoa gió thổi về")Ông Trần Nhật Thu sinh năm 1944 ở Quảng Bình. Ông  lớn lên, làm thơ, đoạt giải thi ca cũng từ miền đất gió cát này. Năm 1978 ông rời Quảng Bình như một kẻ chạy trốn quê hương. Nhưng hơn hai chục năm nay miền quê xứ cát vẫn âm thầm đeo bám thơ ông. Qua đó lộ cảm tâm trạng ông vẫn đau đáu miền gió cát này.
Nhớ một đời thơ Trần Nhật Thu
Nhà thơ Trần Nhật Thu - Ảnh: evan.vnexpress.net

Từ những sáng tác thơ cách đây hơn ba chục năm, ông Thu luôn cố gắng ép theo phương thức cố vươn lên, bay lên chất lý tưởng. Lý tưởng đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu con người. Nhưng tiếc thay, thơ ông không để lại dấu ấn từ những cố gắng này mà, như một sự vô tình cái còn lại của thơ ông lại là chất trữ tình dào dạt, rưng rưng như một ám ảnh, không dễ buông tha. Chất trữ tình đó nó gieo hạt, ẩn náu trong thơ ông khi ông còn trẻ dại, nó lớn dần lên theo thời gian và như một trò đùa của số phận, nó nở hoa khi đời ông đã bắt đầu xế bóng.

Những bài thơ hay nhất của ông đều được sinh ra từ những bóng chớp thoáng qua của nỗi vui buồn rớm lệ trong tâm hồn ông. Một tâm hồn yếu đuối lúc nào cũng tỏa hương dìu dịu ái ngại cho miền quê xứ cát nghèo đói khắc nghiệt và xót xa cho những mối tình trai gái lỡ dở, muộn màng. Tôi khẳng định thơ ông Thu là thơ trữ tình vì phần lớn nó được đẻ ra từ những xúc cảm bên trong tâm hồn cho dù ông chỉ biết xử dụng thủ pháp miêu tả - một thủ pháp rất dễ là tù nhân của các giác quan và tư duy trừu tượng. Nhưng có một điều cần nói rõ hơn ấy là dù có xử dụng thủ pháp miêu tả, thì thủ pháp này cũng được tưới đẫm những cảm xúc run rẩy. Hay nói cách khác thơ ông Thu đều bắt đầu từ một tâm trạng nào đó của đời sống bên trong ông. Thơ ông không có chỗ đứng cho lý trí. Bản tính thi sĩ của ông giống như một tiếng rên nhẹ nhàng. Vì vậy nó mang thân phận một con mồi, một vật tế thần cho thơ ca trữ tình mà thôi. Nhưng chính tất cả những dị biệt đó lại tạo nên phong cách thơ Trần Nhật Thu quán xuyến và thống nhất trong cả đời thơ của ông.

Cách biểu đạt bên ngoài thơ ông Thu không có gì đáng lưu ý bởi ông chỉ biết tự đồng hóa mình trong các ẩn dụ, các hình tượng và so sánh để cố trình bày cái hiện thực đời sống một cách tự nhiên qua niềm hứng khởi của cảm xúc. Ngôn ngữ thơ ông Thu trau chuốt một cách lộ liễu đến đạm bạc. Ông dùng nhiều điệp âm, điệp phụ âm và vần điệu để tạo nên chất nhạc trong thơ. Vì vậy khi đọc lên, thơ ông có cái thánh thót lộ liễu như giai điệu bài hát.

Con đường thi ca tiếng Việt mấy chục năm nay là con đường vận động liên tục trên thông lộ lý tưởng, trữ tình, lãng mạn. Thơ ông Thu nằm trong dòng chảy lớn kiếm tìm và sinh nở đó. Thơ ông để lại dấu vết khiêm nhường như một cột cây số nhỏ bé nằm náu mình dọc con đường thi ca của dân tộc.

N.Đ.C
(124/06-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng