Tác giả-tác phẩm
Các kiểu thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Một ngày dài hơn thế kỷ của Chinghiz Aitmatov
15:49 | 16/07/2008
HÀ VĂN LƯỠNGBài viết này như là một nén nhang tưởng niệm nhà văn Aitmatov vừa qua đời ngày 11-6-2008)
Các kiểu thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Một ngày dài hơn thế kỷ của Chinghiz Aitmatov

1. Trong nền văn học Xô Viết nhiều dân tộc (Liên Xô cũ), Chinghiz Aitmatov nổi bật là nhà văn lớn của dân tộc Kirghizia và Nga. Những sáng tác của ông viết bằng hai thứ tiếng (tiếng Kirghizia và tiếng Nga) như Giamilia, Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Vĩnh biệt Gunxarư, Con tàu trắng, Đoạn đầu đài…và đặc biệt là Một ngày dài hơn thế kỷ đã đưa danh tiếng của Ch.Aitmatov đến với toàn thế giới và ông được xếp vào trong số ít những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ XX. Không chỉ nổi bật ở lĩnh vực sáng tác văn xuôi, Ch.Aitmatov còn được nhiều người biết đến với tư cách là nhà viết kịch bản phim, chủ yếu được chuyển thể từ những tác phẩm của nhà văn. Ông là tác giả kịch bản những bộ phim được chiếu rộng rãi ở , Nga và nhiều nước trong Liên Xô cũ và cả ở nhiều nước khác. Đó là những bộ phim: Tiếng vọng của tình yêu (1974), Người thầy đầu tiên, Con chó khoang chạy ven bờ biển (1990), Một ngày dài hơn thế kỷ
Những sáng tác của Ch.Aitmatov nổi bật ở tình yêu đối với con người, thiên nhiên và cả loài vật, vì vậy nó mang ý nghĩa triết lý nhân sinh và giá trị nhân đạo sâu sắc. Hiện thực cuộc sống được tái hiện một cách sống động bằng một tư duy nghệ thuật đặc sắc của ông đã tạo nên một sự lôi cuốn, hấp dẫn và hứng thú đối với độc giả. Cùng với việc hướng đến và phản ánh những vấn đề hiện thực mang tính trữ tình lãng mạn thấm đẫm chất thơ và chất sử thi nhích dần đến với huyền thoại dân tộc; quan tâm những vấn đề mang tính đạo đức xã hội trên bình diện triết học ở tầm vĩ mô của cả loài người… sáng tác của Ch.Aitmatov nổi bật việc tái tạo thời gian nghệ thuật ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm góp phần chuyền tải những tín hiệu thẩm mỹ đến với người đọc. Chính điều đó đã tạo nên phong cách Ch.Aitmatov và hệ thống thi pháp của nhà văn. Khảo sát những tác phẩm của ông, chúng tôi thấy xuất hiện các kiểu thời gian nghệ thuật khác nhau, đặc biệt là trong tiểu thuyết Một ngày dài hơn thế kỷ.
2. Trong sáng tác văn học, thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều kích thước khác nhau và xuất hiện dưới những dạng khác nhau tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Nó gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật và như một hệ quy chiếu mang tính chất ẩn để phản ánh hiện thực, thể hiện tư duy của tác giả. Phạm trù thời gian nghệ thuật gắn với mỗi thể loại văn học nhằm cung cấp những cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học
Tiểu thuyết Một ngày dài hơn thế kỷ thể hiện một cách sinh động và phong phú các dạng thời gian nghệ thuật khác nhau mà nổi bật là ba kiểu thời gian: thời gian hồi tưởng, thời gian huyền thoại và thời gian sóng đôi. Thời gian một ngày nhưng chứa đựng các sự kiện và con người diễn ra trong suốt một thế kỷ. Đó là ngày đưa đám tang Kazangap và những hồi tưởng về quá khứ của nhân vật Êđigây. Thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai đan quyện với nhau xuyên suốt tác phẩm tạo nên một thời gian nghệ thuật đặc sắc gắn bó mật thiết với nhân vật chính của tác phẩm.
2.1. Thời gian hồi tưởng “bị quy định bởi điểm mốc của điểm nhìn trần thuật” và là thời gian được kể lại. Trong Một ngày dài hơn thế kỷ, điểm nhìn trần thuật được tác giả đặt vào nhân vật ở ngôi thứ ba - nhân vật Êđigây. Nhân vật Êđigây tự kể về mình, tự độc thoại với mình có sự xen kẽ của lời nhân vật và lời tác giả.
Trong nhiều trang văn, giọng điệu tác giả như hòa quyện vào giọng điệu của nhân vật: “Ôi những ngày ấy không bao giờ trở lại. Tất cả qua rồi, đã trôi qua đi như một giấc mơ. Và giờ đây trước mắt ta là một người lớn, con người này chỉ gợi nhớ một cách xa xăm về cậu bé ở cái tuổi thơ ngây kia - cậu bé có đôi mắt lồi và cái miệng hay cười; còn bây giờ thì con người ấy đã đeo kính trắng” [1-46]. Thời gian hồi tưởng của nhân vật được tác giả bắt đầu bằng những từ như; “Êđigây nhớ lại…” [1-28], “cùng nhau hồi tưởng lại…” [1-36], “lại nhớ đến…”, hay “Êđigây cứ hồi tưởng mãi…”. Chính sự tái hiện thời gian hồi tưởng bằng hình thức dẫn dắt như vậy đã giúp người đọc nắm bắt một cách chính xác các chiều thời gian. Thời gian hiện tại chỉ diễn ra trong một ngày - ngày đưa đám tang Kanganzap, nhưng qua sự hồi tưởng của Êđigây, cả một quãng thời gian dài đằng đẵng trong một thế kỷ hiện ra với biết bao sự kiện gắn với nhân vật chính và các nhân vật khác. Từ điểm mốc vào cuối năm 1944, Êđigây nhớ lại những sự kiện diễn ra trước và sau thời điểm đó liên quan đến chính cuộc đời của nhân vật. Cả một thế kỷ được tác giả dồn nén lại trong một ngày với biết bao những sự kiện diễn ra. Chính thời gian một ngày là thời điểm hiện tại và thời gian một thế kỷ là dòng thời gian quá khứ được tái hiện thông qua sự hồi tưởng của nhân vật Êđigây. Vì thế trong Một ngày dài hơn thế kỷ, thời gian quá khứ chiếm số lượng nhiều hơn cả so với thời gian hiện tại. Mặt khác, sự xuất hiện của thời gian hồi tưởng qua sự nhớ lại của nhân vật diễn ra với nhịp điệu khác nhau, có khi chậm rãi, dềnh dàng, khi gấp gáp được tính bằng từng phút từng giây.
Như vậy, từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật trần thuật, thời gian hồi tưởng trong Một ngày dài hơn thế kỷ là một kiểu thời gian đặc trưng của tác phẩm góp phần vào việc tái hiện cuộc sống, đào sâu thêm thế giới nội tâm của nhân vật Êđigây.
2.2. Thời gian huyền thoại xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Ch.Aitmatov, đặc biệt ở những tác phẩm Con tàu trắng, Con chó khoang chạy ven bờ biển, Vĩnh biệt Gunxarư, Đoạn đầu đài Một ngày dài hơn thế kỷ. Thời gian huyền thoại gắn với những truyền thuyết và huyền thoại của mỗi dân tộc. Là một dạng thức của thể loại Folklore cho nên thời gian huyền thoại là thời gian không xác định cụ thể, mang tính phiếm chỉ, bất biến. Các sự việc, sự kiện và con người xuất hiện trong các câu chuyện của tác phẩm không rõ ràng, cụ thể về thời gian. Ở Một ngày dài hơn thế kỷ, thời gian huyền thoại thường xuất hiện với những cụm từ như: “vào cái thời gian nào đó, bọn giặc Choang Choang đã đánh chiếm vùng đất này trong một thời gian dài” [1-198], “thời đó các thương gia thường qua lại… thời đó ở đây mưa nhiều…” [1-199], “ngày xưa, có những người sống ở rất xa…” [1-200], “vào những thế kỷ xa xưa…” [1-201]. Sự không xác định và mơ hồ về thời gian trong tác phẩm đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn của cốt truyện, đồng thời đưa người đọc bước vào một không khí cổ xưa của huyền thoại.
Nếu nhịp độ thời gian hiện tại và thời gian hồi tưởng diễn ra với những biến tấu khác nhau phụ thuộc vào điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện, mang tính chủ quan thì thời gian huyền thoại dường như không biến đổi. Tuy nhiên, nhằm hướng đến sự khách quan và chính xác, trong thời gian huyền thoại cũng thỉnh thoảng xuất hiện thời gian cụ thể, chi tiết: “Chỉ đến ngày thứ năm bọn giặc Choang Choang mới trở lại xem còn có người tù nào sống sót không…” [1-204], “và hai ngày bà quanh quẩn bên cạnh Mahakumđưsap luôn luôn lo sợ sẽ phải đụng đầu với bọn giặc Choang Choang” [1-221]. Những chi tiết cụ thể của thời gian huyền thoại không hề phá vỡ lôgic của kiểu thời gian huyền thoại mà chính sự đan xen đó đã đem lại một sức hấp dẫn mới đối với người đọc làm cho họ tin hơn vào những điều được tác giả mô tả. Câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn và bi kịch của chàng Rajmaly và Beginaj cũng diễn ra trong một khoảng thời gian không xác định. Những cụm từ “một hôm…”, “hôm ấy…”, “trời đã ngả về chiều…” trong tác phẩm nhằm diễn tả tính không xác định và cụ thể về thời gian diễn ra mối tình của hai người. Những yếu tố thực, hư mang tính kỳ ảo đó, một mặt đưa người đọc bước vào một thế giới mờ ảo của huyền thoại lung linh, mặt khác góp phần vào việc khám phá thế giới nội tâm phong phú và đa dạng của tâm hồn con người. Sự sắp xếp các lớp thời gian huyền thoại tạo nên nhiều lớp nghĩa mang tính đa thanh làm cho tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Sử dụng thời gian huyền thoại như một thủ pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng trong tác phẩm Một ngày dài hơn thế kỷ, Ch.Aitmatov đã tạo cho mình một phong cách riêng, độc đáo trong việc nắm bắt và thể hiện cuộc sống.
2.3. Thời gian sóng đôi là một kiểu thời gian đặc biệt trong tiểu thuyết Một ngày dài hơn thế kỷ. Nếu thời gian hồi tưởng và thời gian huyền thoại thuộc về quá khứ thì thời gian sóng đôi thuộc về hiện tại. Thời gian sóng đôi là trong cùng một thời điểm cụ thể có nhiều sự kiện cùng diễn ra trên một phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Trong tác phẩm Một ngày dài hơn thế kỷ, có sự đan cài nhiều tuyến cốt truyện gắn với những nhân vật và sự việc khác nhau. Thoạt nhìn tưởng như nó tách bạch không liên hệ với nhau, nhưng nếu đặt trong một khoảng thời gian cụ thể và trong một không gian định hình thì thấy rõ sự liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Thời gian tuyến cốt truyện của những con người cần cù lao động trên trái đất ở tuyến đường sắt vùng thảo nguyên Xarư-Ôzek có quan hệ với tuyến cốt truyện vũ trụ nói về các nhà khoa học và du hành vũ trụ Nga - Mỹ trên hành tinh Ngực Rừng. Thời gian diễn ra đám tang Kazangap cũng là ngày diễn ra những biến cố xảy ra trên trạm “Pariter”. Nhà văn khéo léo đặt hai sự việc xa nhau đó trong cùng một thời gian nhất định: “Trong cùng khoảng thời gian Êđigây bàn giao công việc và cùng với Edinbai Cao kều trao đổi về những việc vừa xảy ra… Đúng vào các giây phút ấy, trên không trung bỗng loé lên một vệt sáng và tiếp theo là một tiếng nổ rền như ta thường thấy ngoài mặt trận, làm đất rung lên” [1-38]. Hai sự kiện đó cùng diễn ra một lúc vào nửa đêm khi mọi người trở về nhà sau đám tang Kazangap. Để diễn tả thời gian sóng đôi, trong tác phẩm nhà văn thường dùng các cụm từ: “đúng giờ phút ấy…” [1-38]. “cũng vào giờ này…” [1-76], “vào giờ phút ấy…” [1-54]… Chính việc dùng các cụm từ để chỉ thời gian cùng lúc xảy ra các sự kiện đã làm cho các sự việc, con người ở xa nhau nhưng vẫn có mối liên hệ với nhau tạo nên một cái nhìn mang tính tổng thể ở phạm vi vĩ mô của tác phẩm. Việc đặt một con người lao động bình thường nhưng cần mẫn như Êđigây ở tuyến đường sắt xa xôi bên cạnh sân bay vũ trụ; cái vành đai bằng da lạc đà bao quanh đầu những người nô lệ cũng chẳng khác gì vành đai tên lửa bao bọc quanh trái đất của các siêu cường trong cuộc đối đầu chiến tranh lạnh… tất cả nhằm làm nổi bật vai trò lao động, sự gắn bó giữa con người với nhau và phê phán việc chạy đua vũ trang của các quốc gia mạnh. Điều này vừa mang ý nghĩa triết lý sâu sắc vừa là lời thức tỉnh lương tri của con người, đặc biệt là những quốc gia lớn trong việc “vũ trang hoá” hành tinh trái đất.
Tạo nên kiểu thời gian sóng đôi, Ch.Aitmatov đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự của nhân loại và hướng đến một vấn đề lớn hơn là: con người phải được sống chung trong một bầu không khí thoải mái, hiểu biết lẫn nhau, không có sự phân biệt và mỗi cá nhân và cả loài người phải có trách nhiệm đối với hành tinh mà mình đang sống. Thông điệp mà tác giả nhắn gửi là phải bảo vệ hành tinh chúng ta.
3. Các kiểu thời gian biểu hiện trong Một ngày dài hơn thế kỷ rất phong phú với nhiều dạng thức khác nhau. Sự phân chia của chúng tôi như trên cũng chỉ là một hướng tiếp cận. Sáng tác của Ch.Aitmatov là những chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc lấp lánh sắc màu tạo nên phong cách độc đáo và đưa ông trở thành nhà văn nổi tiếng. Để làm nên giá trị tác phẩm, bên cạnh xây dựng thời gian nghệ thuật, tác giả còn sử dụng nhiều yếu tố nghệ thuật khác.
Những sáng tác của Ch.Aitmatov trong thế kỷ XX đã trở thành quá khứ, nhà văn đã từ giã cõi đời, nhưng những giá trị nghệ thuật của Một ngày dài hơn thế kỷ nói riêng và toàn bộ sáng tác của ông nói chung vẫn là di sản văn học quý giá đối với nền văn học Xô Viết nhiều dân tộc và vẫn lay động trái tim người đọc nhiều thế hệ.
H.V.L

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)