Tác giả-tác phẩm
Đọc thơ Ngô Minh
15:55 | 05/03/2010
MAI VĂN HOANTrong số bạn bè cùng lứa thì Ngô Minh bước vào làng thơ muộn màng hơn cả. Nếu Lâm Thị Mỹ Dạ được chú ý ngay khi còn ngồi trên nghế nhà trường, Hải Kỳ có thơ in trên báo Văn nghệ những năm 69,70 thì Ngô Minh vẫn chưa hề có ai hay biết.
Đọc thơ Ngô Minh
Nhà thơ Ngô Minh - Ảnh: LVT

Ngày ấy, Ngô Minh đang mải miết hành quân trên đường Trường Sơn. Cho đến khi trở về Huế, bạn bè vẫn chưa biết Ngô Minh làm thơ. Ngô Minh xuất hiện một cách khá đột ngột và nhanh chóng khẳng định bằng những thành công liên tiếp. Ngô Minh được dư luận chung đánh giá là cây bút có bản sắc.

Ngô Minh viết nhiều đề tài khác nhau những nổi lên trong thơ anh là hình ảnh người mẹ nghèo quê cát.

Ở làng quê của anh có những loài chim “biết thương người đỏ hoe mí mắt”, có những nấm mồ “vừa lấp gió khỏa bằng”, có những túp lều tranh chơ vơ cồn cát và đặc biệt là có người mẹ già lam lũ tảo tần. Hơn ba lần Ngô Minh nhắc đến ngày mẹ sinh anh:

            Mẹ ơi! Sao mẹ chọn mùa thu sinh con
            Để mỗi đám mây đều bất thần mưa đổ.
            ...
            Mẹ giữ ngày sinh con nơi chỗ đau núm ruột
            Nhắc con ghi lý lịch đời mình

Trong bài thơ dài “Cát xanh” kỷ niệm này hiện lên hết sức cảm động:
            Mẹ sinh con trên hai bàn tay
            Manh áo rách ủ làm chăn đắp
            Đêm trời nổi cơn bão cát
            Cuốn mịt mù bốn phía không gian
            Nhúm rau chôn với tên làng
            Chôn với cửa sông trong veo màu nước.

Bởi vậy, dù ở đâu, đi đâu, làm gì Ngô Minh cũng không quên được mẹ; không thể nào quên được cái làng cát Thường Luật của anh:

            Năm ở chiến trường nửa dêm nóng ruột
            Biết gió mùa về cát buốt ngọn khoai
            Gặp lá lốt rừng nhớ ngọn trầu cay
            Bên vại nước mệ ngồi trong cát ướt
            Đêm khoảng sáng cánh rừng xao xác
            Bóng mẹ già nơi làng cát ngóng trông.
                                                (“Đứa con của cát”)

Cùng với nỗi nhớ về mẹ là nỗi nhớ năm tháng Trường Sơn. Những năm tháng này trở thành nỗi nhớ thường trực trong anh. Nỗi nhớ ấy như sợi dây đàn kéo căng chỉ cần chạm khẽ là ngân lên cung bậc. Vốn sống phong phú những năm tháng ấy đã tạo cho anh sự liên tưởng nhạy bén. Thăm lăng tẩm những ông vua triều Nguyễn, thoáng thấy dáng ngựa đá, Ngô Minh nghĩ ngay dến những người lính:

            Gió xa xưa thổi bốn phía đồi
            Nhắc người lính thời trai lưng ngựa
            Móng gõ thành ao, hoa súng nở
            Yên ngựa thành đèo gọi tuổi tôi lên

Và phải là người từng xông pha trận mạc, luôn nghĩ về đồng đội của mình, luôn cảm thấy như máu đồng đội chưa khô trên vạt áo còn nguyên bụi của mình mới có được nỗi đồng cảm sâu xa, khi đến bên ngựa đá:

            Biết tìm đâu người lính buổi xa xăm
            Ai đang còn bạc phơ mái tóc
            Nấm cỏ vô danh- ai người đã khuất
            Nhớ cuồng chân người hóa đá đứng chờ
                                    (“Ngựa đá và những bông hoa cỏ”)

Cũng nhờ cái vốn phong phú mà chỉ một làn gió thổi qua dã thức dậy trong anh bao nhiêu hồi ức:

            Gió lặng im trinh sát mở đường
            Gió líu ríu bản làng thân thuộc
            Gió nhắc chừng có mùi giặc khét
            Gió mỉm cười qua chốt giặc tan hoang
                                    (“Gió tuổi hai mươi”)

Ngô Minh không chỉ sống với quá khứ, anh còn sống với hiện tại. Hiện tại đang đặt ra bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu vấn đề, do vậy thơ anh viết về hiện tại đầy băn khoăn, trăn trở của một người có trách nhiệm, một người từng góp xương máu mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước. Trong thơ anh “có ngày vui hiên nắng” nhưng cũng có cả “ngày buồn vườn mưa”.

Mưa -từ lâu đã trở thành nguồn đề tài độc đáo trong những bài thơ viết về Huế. Từng dầm trong mưa Huế gần ba chục năm nay, vì vậy Ngô Minh rất hiểu thế nào là mưa Huế. Các câu thơ cứ kéo dài ra nối tiếp nhau như những trận mưa dai dẳng, triên miên. Mưa Huế trở thành trường liên tưởng đan xen: giữa thực và mộng, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ... Tất cả ẩn hiện, chập chờn trong mưa Huế, tạo thành bản giao hưởng: khi trầm lắng khi sôi nổi, khi gấp gáp khi chậm rãi khoan thai. Người đọc bắt gặp trong bản giao hưởng Mưa Huế của Ngô Minh những kỷ niệm bạn bè:

“Chúng mình cứ đi như thế suốt mùa đông; mặc áo mưa dầm, mang thơ đến những căn phòng nhỏ, nơi đèn không đủ sáng để nhận ra nét gầy guộc bạn bè, chỉ những nụ cười thoáng hiện trên môi góp lửa cho thơ nóng bỏng”.

Người đọc lắng nghe trong bản giao hưởng của Ngô Minh những âm thanh quen thuộc:

“Căn phòng tôi- góc mùa đông bé nhỏ vọng tiếng mưa, tiếng guốc em về”.
Có trong bản giao hưởng đó những mảnh đời hiện tại: “Tiếng em bé rao: Ai mì nóng không? Xe xiết trong mưa khuya...”. Có trong bản giao hưởng bao suy tư, trăn trở: “mưa ơi, tôi biết lòng mưa vô bờ bến nhưng mưa chẳng phải là mưa thánh để tôi có thể vẩy cho em giải thoát khô nghèo”...

Trong thơ Ngô Minh người đọc bắt gặp nhiều phác thảo chân dung của một số nhà văn, nhà thơ, chân dung bạn bè và cả “chân dung tự họa” của chính anh. Nếu trong hai đoản khúc thơ văn xuôi mạch liên tưởng tuôn trào, triền miên như những cơn mưa Huế  thì ở những bức chân dung Ngô Minh chọn cách thể hiện khác: dồn nén, cô đúc. Câu thơ bị ngắt ra, tiết kiệm lời đến mức tối đa. Phần lớn thơ chân dung được Ngô Minh viết bằng nội lực. Tình cảm lắng xuống chiều sâu, lí trí nổi trội lên với những suy ngẫm, nhận xét, khái quát vừa sắc sảo vừa cụ thể sinh động. Viết về Văn Cao, Ngô Minh so sánh:

            “Ông gầy như cái vỏ chai
            Bảy mươi hai năm đầy vơi mắt rượu
            Bảy mươi hai năm không đựng lẫn thứ gì
            Ngoài men
            Và lửa”

Viết về Nguyễn Tuân, Ngô Minh kết luận:
            “Không ai trùm che nổi ông
            Ông cũng chẳng trùm che ai
            Bóng mát văn ông chim về xây tổ”

Số phận long đong của nhà thơ Phùng Quán cũng được Ngô Minh đề cập đến qua cách nói ngắn gọn đầy ấn tượng:

            “Anh trở thành nhân vật chính mình
            Ba mươi năm
            Văn nương
            Rượu chịu
            Ba mươi năm
            Vịn câu thơ đứng dậy
            Cả cười!”

Về Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh phát hiện:

            “Người như bão con đò thì mỏng
            Chưa nhổ sào đã chuếnh choáng sông trăng”

Ngô Minh còn viết về một người bạn thơ không may lâm nạn với một nỗi đau đớn, thương xót, uất nghẹn:

            “Chàng gục xuống dưới trời đau đớn
            Với hai bàn tay trắng đất ơi
            Lũ phàm tục ôm con quỷ nhảy
            Những trận cười sặc sụa máu tươi”
                                    (“Cổ tích thơ”)

Bên cạnh chân dung các nhà văn nhà thơ, Ngô Minh còn vẽ “chân dung tự họa” của chính mình. Ở đây ta bắt gặp một Ngô Minh “Tuổi bốn mươi ki vôi lên tóc” (Thơ tặng tuổi Bốn mươi), một Ngô Minh... “rơi về góc Huế”. Nhà thơ Thu Bồn có lần đến Huế để tìm em nhưng chỉ thấy “nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền”. Ngô Minh thì “rơi về góc Huế” để tìm Huế và tìm lại chính mình. Suốt bao nhiêu năm anh đi lang thang hết đêm này qua đêm khác, hết ngày nọ đến ngày kia khi thì “lả chả trăng như nước mắt” lúc thì “lập lòe lửa nhang góc phượng sương mờ”... Trong cuộc tìm kiếm lặng lẽ và kiên nhẫn ấy anh đã gặp những con người, những số phận “ngoài cuộc đời”. Ngô Minh lên núi Ngự Bình không phải để chiêm ngưỡng cái thế bình phong hay nghe tiếng thông reo vi vu mà để thăm ngôi mộ của “đứa con sinh thiếu tháng”:

            Cháu là người ngoài cuộc đời
            Chỉ được nhìn Huế năm ngày qua lồng kính

Tìm về với “đứa con sinh thiếu tháng” là Ngô Minh tìm về với nỗi đau mất mát, tìm về với những oan hồn, tìm về với thế giới tâm linh. Anh không chỉ đứng trên cầu Tràng Tiền ngắm “những con đò mộng” đang “lả lướt đi về trong gió mai” mà còn đứng ở bệnh viện ngay khoa sản để lắng nghe “Cửa hạnh phúc đầy tiếng rên la”. Ngô Minh cũng không tìm đến những tòa biệt thự sang trọng, đầy đủ tiện ngghi mà tìm về với “góc nghĩa địa lều tranh Dương Thành Vũ”:

            Bạn như người ngoài cuộc đời
            Uống bóng mình xạm đen râu ria đáy chén
            Câu thơ không đủ ấm
            Kể chuyện tiếu lâm nghe tiếng mình cười.

Đọng lại trong tâm trí người đọc là hình hảnh “mệ già ngồi bên đường, chìa mê nón xin đời bố thí”:

            Bốn mùa mệ không đổi dáng ngồi
            Như tượng đài thời gian rách nát
            Mệ cũng là người ngoài cuộc đời

Bởi là “người ngoài cuộc đời” nên cái “tượng đài thời gian rách nát” kia không mấy ai để ý:

“Dân xe cúp, xe con rú máy vèo qua xả khói vào mê nón. Rơi vào mê nón nắng mưa nhiều hơn đồng hào”.

Thật là trớ trêu: Người giàu sang, chức quyền thì vô tình, dửng dưng trước cái “tượng đài thời gian rách nát” còn thi sĩ hay động lòng trắc ẩn thì lại rỗng túi. Anh cảm thông với mệ:

            Thơ không bán được, mệ ơi!
            Thơ cũng ở ngoài cuộc đời, thưa mệ!

“Tìm tôi, tìm Huế” như thiên phóng sự chắt lọc những chi tiết đời thường. Những chi tiết rất thực ấy được Ngô Minh tái hiện một cách giản dị. Ta tưởng như không phải anh đang làm thơ mà chỉ ghi lại những mảnh đời, những thân phận tuy khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp, cảnh ngộ nhưng giống nhau ở một điểm: họ đều là những người “ngoài cuộc đời!”. Mà đâu chỉ có họ, Ngô Minh cũng tự nhận mình là người “cùng hội, cùng thuyền” với họ”

            Huế trăm năm lớp lớp oan hồn
            Chính tôi- một oan hồn đang sống!

Điều này đã giải thích cho chúng ta hiểu vì sao anh lại cảm thông với họ sâu sắc đến như vậy.

Có thể nói “Tìm tôi, tìm Huế” là một phần “chân dung tự họa của Ngô Minh. Trong bài thơ này anh giới thiệu về mình khá cụ thể, chẳng khác gì bản “sơ yếu lý lịch”. Anh “kê khai” hoàn cảnh “Một vợ hai con có bìa hộ khẩu”. Anh “kê khai” chỗ ở” “Đường Phan Bội Châu số nhà ba mốt”... Anh kể những việc mà ngoài đời người ta cố giấu đừng nói là đưa vào thơ như: “mỏi rời chân đứng chờ vợ đẻ”. Nhiều lúc Ngô Minh cũng “hờ hững”, cũng “láo nháo nói cười”, như tôi như anh như tất cả chúng ta. Vâng, đó chẳng qua là cái bên ngoài... Còn một Ngô Minh “trầm ngâm trước mộ đứa con trai sinh thiếu tháng”, một Ngô Minh “thắp nhang bên gốc xà cừ”, một Ngô Minh luôn trăn trở, tìm kiếm... thì đã mấy ai biết đến?

Ngô Minh có sở trường về thơ thế sự. Những bài thơ thế sự của anh chiếm được cảm tình của rất nhiều độc giả. Thơ anh chính là máu thịt cuộc đời. Nếu chỉ “láo nháo nói cười” làm sao Ngô Minh có thể viết được những câu thơ gan ruột như “Tìm tôi, timg Huế”?!

M.V.H
(132/02-2000)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng