Tác giả-tác phẩm
Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam...
14:35 | 18/03/2008
Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KXO6 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Văn hóa chính trị truyền thống Việt là một đề tài quan trọng của công trình.
Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam...
Làng quê đất Việt

VĂN HÓA CHÍNH TRỊ TRUYỀN THỐNG VIÊT TRONG TÁC PHẨM "VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIÊT TRUYỀN THỐNG VÀ HIÊN ĐẠI" CỦA NGUYỄN HỒNG PHONG

 


Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KXO6 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Văn hóa chính trị truyền thống Việt là một đề tài quan trọng của công trình.
Kết thúc Phần một bàn về Văn hóa chính trị trong xã hội Việt Nam truyền thống phương Đông Khổng giáo, tác giả chỉ đích danh Khổng giáo "là một tác nhân văn hóa đã gây trở ngại, kìm hãm làm chậm sự phát triển" (xem tr. 135), nhưng mở đầu phần này là những trang viết rất hay về những truyền thống tốt đẹp của Khổng giáo nguyên thủy, những truyền thống này hẳn là đã thấm vào tâm thức người Việt những thế kỷ trước và trong tâm thức người Việt hiện đại không thể nói là đã mai một hoàn toàn. Trước nghịch lý này, một câu hỏi được đặt ra: phải chăng cái Khổng giáo mà tác giả lên án là Tân Khổng giáo (Hán Nho, Tống Nho) rất khác với Khổng giáo nguyên thủy đã từng được Phan Chu Trinh ca ngợi và bẵng đi một thời gian rất dài, những năm gần đây mới được một số học giả quan tâm.
Phân tích ảnh hưởng lớn và lâu dài của Khổng giáo nguyên thủy tới văn hóa chính trị truyền thống ở Việt Nam, tác giả nhấn mạnh những truyền thống nhân văn, dân chủ mà những tư tưởng tiêu biểu là: nhân nghĩa; lòng dân là ý trời; dân là quý; dân là gốc nước; vua là thuyền, dân là nước, nước chở thuyền, nhưng nước cũng làm đắm thuyền... Một khi không phải vua quan mà dân mới là quyền lực tuyệt đối, có thể nói đến một tư tưởng "sợ dân" như một nét đặc thù của tư tưởng Nho giáo "mà ở châu Âu hoặc ở các nền văn hóa khác ngoài Nho giáo không thấy có tư tưởng này" (tr.24)
Từ ngàn xưa xã hội Việt là một xã hội phương Đông. "...chìa khóa của chế độ phương Đông, đó là việc không có chế độ tư hữu ruộng đất" (Lê Nin) (xem tr. 48). Không phải ngẫu nhiên tác giả đã dành cả một chương (Ch. II) để nghiên cứu sự biến đổi của tương quan giữa quốc gia-công hữu (tức là sở hữu nhà nước và sở hữu công xã) và tư hữu  về ruộng đất trong xã hội Việt suốt thời trung đại. Những thế kỷ đầu thời kỳ độc lập, sở hữu nhà nước và sở hữu công xã (gộp lại và gọi tắt là quốc gia-công hữu) về ruộng đất chiếm ưu thế. Do những kẽ hở của chế độ sở hữu này,tư hữu (tức là sở hữu tư nhân) về ruộng đất hình thành và phát triển. Tác giả nêu lên hai đợt tư hữu hóa ruộng đất trong lịch sử trung đại Việt .
1. "Đến đầu thế kỷ XIII, dưới thời Trần Thái Tông, nhà nước quý tộc ban hành những chính sách nhằm khẳng định quyền tư hữu ruộng đất, cho phép phát triển chế độ tư hữu ruộng đất. Đó là điều lệnh năm 1254 cho bán ruộng công làm ruộng tư "mỗi diện ruộng là 5 quan tiền cho nhân dân mua làm của tư" ..." (tr.62)
2. "Trong chính sách quan điền đời Lê sơ, quý tộc từ tước vương cho đến tước bá, ngoài phần được cấp ruộng đất được hưởng một đời, có phần được cấp vĩnh viễn. Ví dụ cao nhất là thân vương được cấp 1.530 mẫu ruộng dể thu tô thuế một đời và 600 mẫu ruộng thế nghiệp (H.N.H.tô đậm) làm tư sản vĩnh viễn. Tước bá ruộng thế nghiệp là 200 mẫu. Nói chung ruộng thế nghiệp chiếm 25% số ruộng được phong cấp" (tr.81)

 

Những quá trình tư hữu hóa ruộng đất một mặt có tác động giải thể sở hữu công xã, mặt khác góp phần phát triển sở hữu tiểu nông và kinh tế tiểu nông.
Tác giả đưa ra một nhận định quan trọng về khuynh hướng tư hữu ruộng đất ở Việt thời trung đại:
"Thực ra, khuynh hướng tư hữu ruộng đất nói chung cũng như khuynh hướng phát triển sở hữu lớn về ruộng đất đã không phát triển theo hướng đi lên, tập trung ruộng đất tuyệt đối như thời kỳ phong kiến hóa ruộng đất ở châu Âu... Ở đây sự tập trung ruộng đất lại theo quy luật: tập trung-phân tán-rồi lại tập trung-phân tán".
Tác giả đã chỉ ra hai nguyên nhân tác động tới khuynh hướng này:
1 "Các làng xã... ngăn trở và chống lại sự phát triển chế độ sở hữu lớn về ruộng đất". (tr.89). Làng xã bảo vệ ruộng công, bảo vệ những loại ruộng không bao giờ có thể mua bán chuyển nhượng, ví dụ ruộng hậu thần, hậu Phật.
2 "Nhà nước đã hạn chế sự phát triển địa chủ tư nhân về ruộng đất" (tr.89). Tác giả nêu ra hai đợt quốc hữu hóa do nhà nước phong kiến chủ trì mà tác động là sự kìm hãm, gây trở ngại cho khuynh hướng phát triển tư hữu về ruộng đất theo chiều hướng đi lên, tập trung ruộng đất quy mô lớn.
- Năm 1397, Hồ Quý Ly lập phép hạn điền "nhằm tước bỏ sở hữu lớn của quý tộc địa chủ", "chỉ còn lại ruộng của tiểu nông bao gồm cả phú nông" (xem tr.74)
- "Vào đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn sau khi thiết lập được sự thống trị của mình trên đất nước thống nhất, liền thực hiện hàng lọat chính sách nhằm khôi phục chế độ sở hữu nhà nước và chế độ sở hữu ruộng đất công" (tr.90)
Do hai nguyên nhân nói trên - cũng phải kể thêm một nguyên nhân nữa là "chế độ chia gia tài đều cho con trai và con gái" - trong lịch sử trung đại Việt Nam, chế độ tư hữu ruộng đất tuy có phát triển nhưng phát triển một cách ỳ ạch, tâm tịt và kèm theo, ý thức tư hữu về ruộng đất có thức tỉnh nhưng thức tỉnh một cách nửa vời. Sự thức tỉnh nửa vời này phản ánh một thực trạng hệ tư tưởng và pháp lý-cũng là một thực trạng văn hóa - của xã hội Việt Nam truyền thống: "Trên nguyên lý và theo truyền thống quyền sở hữu tối cao về ruộng đất toàn quốc thuộc về nhà nước, đứng đầu là nhà vua, quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất là thiêng liêng, bất khả xâm phạm chưa bao giờ được xác nhận trên pháp luật Việt Nam." (tr.91)
Phải chăng tình trạng phát triển ỳ ạch, tậm tịt của chế độ tư hữu ruộng đất và thức tỉnh nửa vời của ý thức tư hữu ruộng đất là chìa khóa để hiểu xã hội phương Đông truyền thống và "phương thức sản xuất châu Á"? Phải chăng tình trạng này là nguyên nhân sâu xa của sự trì trệ của xã hội Việt truyền thống những thế kỷ cuối thời trung đại, đặc biệt sang thế kỷ XIX khi đứng trước âm mưu xâm lược của đế quốc phương Tây? Tôi đặt ra những câu hỏi này nhân đọc bài báo Sự thức tỉnh vĩ đại của Latous, một học giả Pháp, trong đó sự xuất hiện của ý thức về tư hữu được xem xét như một "sự thức tỉnh vĩ đại", nó đã, "trở thành tác nhân kích thích mang tính xã hội lớn lao đối với sự phát triển". Tư hữu là một trong những nghịch lý lớn của nhân loại. Tác giả bài báo đã triển khai xuất sắc một ý tưởng của Mác: mặt trái của tư hữu bộc lộ ngày càng trầm trọng, đó là khủng hoảng, lãng phí, thất nghiệp... thế nhưng không thể phủ nhận công lao to lớn của nó trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Tôi đặc biệt chú ý luận điểm sau đây trong bài báo:

 

... Ở phương Đông sự thức tỉnh diễn ra sớm hơn, có lẽ khoảng 6000 năm trước hoặc trước nữa. Điều này đã cho phép xã hội phương Đông đạt được những thành tựu vượt bực so với phương Tây. Tuy nhiên do sự thức tỉnh ở khu vực này mang tính chất nửa vời (tôi tô đậm H.N.H.), biểu hiện ở sự duy trì công hữu về ruộng đất, thứ tư liệu sản xuất quan trọng nhất, cho đến tận thế kỷ XIX, vì thế phương Đông đã không thể đi nhanh được. Ngược lại, sự thức tỉnh ở phương Tây diễn ra muộn hơn nhiều, nhưng lại triệt để (tôi tô đậm H.N.H.) hơn. Ở phương Tây ngay từ thời cổ đại ruộng đất đã dựa trên cơ sở tư hữu. Sở hữu tư nhân về ruộng đất đã thúc đẩy việc tăng năng suất, cải tiến nông cụ, đẩy mạnh sự phân công lao động, và từ đó là trao đổi, thương mại. Tất cả những điều đó cuối cùng làm phân chia giai cấp ngày càng sâu sắc và thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Vì thế phương Tây đã đi nhanh hơn và cục điện thế giới từ vài thế kỷ trở lại đây nghiêng hẳn về phương Tây. Tuy vậy, cuối thế kỷ XX đã xuất hiện những nhân tố mới. Phương Đông, khởi đầu là Nhật Bản, bắt đầu nhận thấy thiếu sót trong nhận thức của mình. Và lần thức tỉnh thứ hai này đã đem lại cho châu Á một làn sóng thứ hai của sự phát triển... (số Tạp chí đã dẫn, tr.25).
Làng Việt được tác giả khẳng định như một hiện tượng nổi bật của văn minh Việt và lịch sử  văn minh.

 

Đặc trưng của văn minh Việt là Làng-nước (làng-nước chứ không phải là nước-nhà như Trung Hoa).

 

Nếu quốc gia Hy Lạp cổ đại là liên minh của những đô thị thì quốc gia Việt là liên minh của những làng xã.
Các làng xã làm nông nghiệp, các làng xã cũng làm công nghiệp và thương nghiệp. Trong làng không chỉ có nông, có cả công, thương, sĩ. (xem tr.98, 99)
Làng Việt truyền thống thuộc kiểu "làng công xã" (nông nghiệp)
Tác giả nhấn mạnh thế nhị nguyên của làng công xã thể hiện trên hai mặt: cá nhân và cộng đồng, chung và riêng.
Những cái chung là: ruộng đất công, là lãnh thổ làng với lũy tre bao bọc, là việc chống cướp, chống thiên tai và hàng loạt nghĩa vụ liên đới trách nhiệm khác.
Những cái riêng là: ngôi nhà và tài sản riêng của gia đình cá thể, là phần ruộng được chia "mà cá nhân làm chủ và ra sức khai thác giữa hai kỳ phân chia lại, đó là cái bờ ruộng có thể được làm rộng ra, là nước có thể tháo riêng cho vào ruộng hoặc để bắt cá...", cái riêng còn  được phát huy nhờ nỗ lực cá nhân "có học vị, chức tước phẩm hàm hay tài sản để leo lên các thang bậc cao trong làng..." (xem tr.132, 133)
Tính nhị nguyên của làng xã "đã tạo nên tính hai mặt của tính cách con người tiểu nông Việt Nam... vừa vị tha, có tinh thần cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, đồng thời hay kèn cựa, hiếu danh, tư lợi" (tr.133)
Trong quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa chung và riêng tác giả có một nhận xét lý thú về một "điệu múa" khá quen thuộc và phổ cập, đó là "điệu múa" "vẫy vùng để biến chung thành riêng, để ngoi lên vị trí cao hơn trong xã hội làng".
Chương 7 phần một Tác nhân văn hóa của sự chậm phát triển là một chương quan trọng. Đặt vấn đề: Việt hội đủ những tác nhân kinh tế để phát triển (tài nguyên nông nghiệp tương đối phong phú, lực lượng lao động dồi dào, cần cù, tỷ lệ người biết chữ rất lớn...) vì sao kinh tế lạc hậu trì trệ? tác giả đưa ra hướng nghiên cứu: phải giải thích sự lạc hậu của nền kinh tế Việt là ở trong văn hóa (tr.135).
Và đã chỉ ra đích danh:
"Khổng giáo... là một tác nhân văn hóa đã gây trở ngại, kìm hãm làm chậm sự phát triển".
Trong xã hội Việt trung đại, nhân vật trung tâm đứng đầu bảng xã hội là sĩ. Và "sĩ ở đây là quan lại". Xã hội phân thành hai tầng lớp chính : quan và dân. Vì nhà nước (vua chúa, quan lại) "chiếm toàn bộ thặng dư của người lao động, cho nên trong xã hội Việt cũng như trong xã hội Trung Quốc cũ, quan là tầng lớp duy nhất có thế lực" (tr'135). Vì vậy, các gia đình trung lưu đều đầu tư vào con đường đi học để làm quan. Giáo dục khoa cử Nho giáo chủ yếu đào tạo những người làm quan, không đào tạo chuyên gia. Một xã hội công kỹ bị coi là mạt nghệ, thương bị khinh rẻ, lại thiếu hụt chuyên gia... làm sao kinh tế phát triển được?
Một nguyên nhân khác được tác giả nêu lên cũng nằm trong văn hóa :
"Lớp trung lưu - lực lượng chủ yếu trong xã hội đã không đóng được vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển. Lối sống "tiêu dùng" của xã hội cộng đồng Khổng giáo đã làm cho lớp người này phung phí của cải tích lũy trong những ma chay, cưới xin giỗ chạp, cúng bái, hội hè, thết đãi chè chén (tr.137).
"Tóm lại, nguồn gốc của sự nghèo khổ là nằm trong văn hóa" (tr.137), đây là câu kết luận của chương này.
HOÀNG NGỌC HIẾN
(nguồn: TCSH, 1.1999)
------------------------------------------
* Nguyễn Hồng Phong - Văn hóa chính trị Việt , truyền thống và hiện đại - Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển & NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội 1998.
* Sự thức tỉnh vĩ đại - Lotous, bản dịch của Ngô Tự Lập, tạp chí tia sáng số 10/1998.

Các bài mới
Các bài đã đăng