Tác giả-tác phẩm
Hoàng Trần Cương - Trầm tích miền Trung
10:52 | 16/03/2010
ĐỖ NGỌC YÊN…Thơ Hoàng Trần Cương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những chất liệu, hình ảnh và ngôn ngữ của đời sống, với sự đào sâu những suy tư, khát vọng sống của con người và một vùng quê mà anh đã nặng nghĩa sinh thành...
Hoàng Trần Cương - Trầm tích miền Trung
Nhà thơ Hoàng Trần Cương - Ảnh: vnca.cand.com.vn

Sau 2 tập thơ: Đường chân trời (Nxb Trẻ, 1989), Dấu vết tháng ngày (Nxb Hội Nhà văn, 1991), vừa qua tháng 10/1999 Hoàng Trần Cương đã cho ra mắt cùng một lúc 2 tập nữa là Trầm tích Quà tặng hành tinh. Như vậy sau 8 năm trầm tích anh mới lại có dịp đem đến cho công chúng yêu thơ một món ăn tinh thần rất Hoàng Trần Cương.

Trầm tích là trường ca đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1989 - 1990 cùng với hai bài thơ Vết rạn chân chim Dấu vết tháng ngày in trong tập năm 1991 của Hoàng Trần Cương. Trước đây anh mới chỉ cho in rải rác một số chương. Lần này anh đã cho công bố trọn vẹn trường ca Trầm tích gồm 19 chương với gần 2.000 câu thơ và một tập thơ lẻ Quà tặng hành tinh gồm 45 bài. Có những bài anh mới viết trước lúc bản thảo được đưa đến nhà in và cả những chương trước đây đã được công bố trên các sách báo, đến lần in này anh đã sửa chữa, bổ sung đáng kể và cấu trúc lại theo một ý tưởng mới và mỗi chương có một tên riêng.

Trước khi đến với thơ, đầu những năm 1970, khi còn là người lính của binh chủng Phòng không, Hoàng Trần Cương anh đã có mặt ở nhiều chiến trường và đã viết khá nhiều truyện ký và truyện ngắn, có truyện đã đoạt giải A cuộc vận động sáng tác về lực lượng vũ trang 1970 - 1972 của tạp chí Văn nghệ Quân đội *. Như vậy ở cả hai lĩnh vực văn xuôi và thơ, với gần 30 năm cầm bút, anh đã có những thành công và đóng góp nhất định cho văn học nước nhà.

Âm hưởng chủ đạo toát lên từ các tập thơ của Hoàng Trần Cương là sự trăn trở, nỗi buồn khôn nguôi khi còn chưa báo đáp được ân nghĩa với quê hương. Người đọc như thấy anh luôn tự đặt cho mình một trách nhiệm là phải làm một điều gì đó cho đất nước, quê hương, cho con người và mảnh đất xứ Nghệ - miền Trung quê anh, và suốt đời anh đau đáu kiếm tìm điều ấy. Ước vọng đó luôn chất chứa và bị kìm nén lại trong anh như đá núi Trường Sơn trầm tích nắng mưa, đến mức không còn cách nào khác tự nó đã là thơ rồi.

Thơ Hoàng Trần Cương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những chất liệu, hình ảnh và ngôn ngữ của đời sống, với sự đào sâu những suy tư, khát vọng sống của con người và một vùng quê mà anh đã nặng nghĩa sinh thành. Hơn ai hết anh là người hiểu rất rõ mảnh đất miền Trung là chiếc đòn gánh tre oằn trên vai mẹ suốt đời khốn khó gánh trọn hai đầu đất nước với những đợt gió Lào bỏng rát và những trận lũ quét đã từng cuốn trôi bao đồng loại, cùng những ngôi nhà, mái trường, ngõ phố từng thấm đầm bao mồ hôi, nước mắt và có khi là cả mạng sống của con người nơi đây mới có được. Phải chăng vì thế mà trách nhiệm lịch sử của nó càng thêm nặng nề và lớn lao hơn:

           
Ôi quê hương
            Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước
           
            (NGUỒN CỘI - TRẦM TÍCH)

Nhưng cớ sao trời đất lại thù oán và bất công đối với con người và mảnh đất miền Trung quê anh đến như vậy:

            Gió bão thù chi với mảnh đất này
            Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen xì ngoài biển
            Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến
            Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh
            Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh
            Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt

                                    (NGUỒN CỘI - TRẦM TÍCH)

Cái đói, cái nghèo không phải là chuyện mới mẻ gì trong cuộc sống của những người nông dân Việt Nam, nhưng đối với những con người miền Trung bao giờ nó cũng dữ dằn và nhức buốt tận gan ruột. Quanh năm suốt tháng cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương mà vẫn đói, vẫn nghèo thì có phải là tạo hóa đã bất công?

            Dằng dặc dải làng quê thưa thắt
            Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
            Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
            Tảng cháy cạy đi rồi
            Còn hằn vết móng tay
            Cày lên
            Sưng cả đáy nồi
                        (NGUỒN CỘI - TRẦM TÍCH)

Hoàng Trần Cương không ngại ngần, giấu giếm cái đói cái nghèo của quê anh. Ngược lại anh rất tự hào và thẳng thắn nói ra điều ấy. Ai yêu và chấp nhận anh thì phải biết rằng quê anh không phải là mảnh đất mộng mơ và dễ dàng làm ăn sinh sống. Trái lại tai họa luôn ùn ùn kéo đến đè lên kiếp người. Đến nỗi câu hát ví dặm từ ngàn xưa cũng phải nhọc nhằn bới lên vùi xuống, sàng đi sẩy lại năm lần bảy lượt để rồi khi nghe luôn cảm thấy day dứt quặn lòng:

            Miền Trung
            Câu ví dặm nằm nghiêng
            Trên nắng và dưới cát
            Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
            Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm...

            Bao giờ em về thăm
            Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
            Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
            Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
            Không ai gieo cũng mọc trắng mặt người
                       
(MIỀN TRUNG - TRẦM TÍCH)

Miền Trung là thế đó! Nếu ai không tin xin hãy một lần trải nghiệm.Sự nghiệt ngã của thiên nhiên nơi đây hàng bao đời nay càng làm lắng sâu thêm trong họ nghĩa đời, đạo người. Nhìn bề ngoài không dễ mấy ai nhận ra được nỗi u buồn sâu thẳm kết đọng sau nét mặt của người con trai miền Trung buồn như đá bị ai đó vứt ra ngoài đồng. Lầm lì và buồn thảm đến thế là cùng. Nhưng ẩn sau những khuôn mặt ấy lại là những tấm lòng rất trọng đạo lý và nghĩa tình. Họ sẵn sàng xả thân vì sự sống còn của quê hương đất nước cả khi địch họa lẫn lúc thiên tai. Trận lũ lụt vừa qua đã tràn ngập miền Trung không khỏi làm nhà thơ đau đớn và anh đã từng thức trắng đêm khi nhìn thấy bà con mình đang quật nhau với lũ. Hình như cứ mỗi lần lũ đến miền Trung là một nhát dao chích vào làm tim anh nhói đau. Bài thơ Đầy tràn miền Trung (Tuần báo Văn nghệ) và bài Lộ thiên (Báo QĐND) mới in gần đây là nỗi niềm riêng của một người con miền Trung:

            Cái lũ lụt cứ tống vào tôi tất
            Giông bão ơi cứ nhè tôi mà quật...
            Miễn là xả đều khắp ngả
            Miễn là buông thả miền Trung...
            Tội tình chi giông lại gồng theo bão
            Tươm tướp ngày đêm đánh đáo mảnh đất nghèo...
            Tôi là con của Mẹ
            Tôi đầy tràn miền Trung
                                   
(ĐẦY TRÀN MIỀN TRUNG)

Chỉ có những người nặng nghĩa sinh thành với miền Trung như Hoàng Trần Cương mới có thể viết được những câu thơ cháy lòng đến như vậy. Cùng với Trầm tích, những bài thơ gần đây nhất của anh hình tượng người Mẹ miền Trung luôn nổi lên giữa bức tranh hoành tráng như là hiện thân của sự gian khổ, hy sinh suốt đời, nhưng vẫn một mực thương chồng thương con. Đọc những vần thơ miền Trung của Hoàng Trần Cương ta thấy dường như những người mẹ ở đây sinh ra là để gánh chịu thiệt thòi, mất mát và hy sinh một cách âm thầm, không một lời oán trách, kêu than. Mẹ cứ sống như những gì đã và cần sống cho cõi đời này. Khi lũ lụt ập vào nhà thì:

            Treo vội con lên chạn
            Mẹ xắn quần đi giằng lại cái xanh đồng sứt quai
            Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ
            Rồi một tay chắn gió
            Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
            Nuôi tôi giữa nước và trời
                                   
(CẬT TRE - TRẦM TÍCH)

Thật cảm động và đáng khâm phục biết bao những người mẹ vừa quả cảm, không sợ lũ lụt thiên tai, nhưng lại vừa biết chắt chiu, quý trọng những cái do chính bàn tay lao động của mình làm ra, tiết kiệm đến mức:

            Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
            Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút
                                   
(THÓC GIỐNG - TRẦM TÍCH)

Bằng những việc làm thường nhật, mẹ đã nhóm lên trong tâm khảm những đứa con yêu của mình đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hơn ai hết, mẹ hiểu rằng con người muốn đi xa bay cao thì phải bám chắc vào cội rễ, không bao giờ được quên nơi chôn rau cắt rốn và những người đã nặng công sinh thành:

            Một năm đôi lần về viếng mộ tổ tiên
            Đốt nén hương thơm khấn cầu làng cũ
                                   
(NHỮNG VIÊN ĐÁ LẺ - TRẦM TÍCH)

Và càng không bao giờ được đùa giỡn, mỉa mai hay quay lưng lại với quá khứ đói nghèo, lam lũ và đau thương của chính mình và của đồng bào mình.Chính quá khứ ấy đã hun đúc và tạo dựng ở mẹ lòng vị tha và sự nhân hậu đối với con người trong những khi khốn khó. Thiết nghĩ những lời nhắn gửi của nhà thơ đối với những ai đang sống cho hôm nay và cho mai sau không bao giờ thừa:

            Thôi thì đành sống chung với lũ
            Thôi thì đành nhịn nhường nhau mà dỡ rào mở lối
            Sông có phận sông
            Người có cõi người
            Mắc mớ chi mà tính toan hoán đổi
            Mắc mớ chi mà sấp mặt tối mày
                                   
(TẢO MỘ - TRẦM TÍCH)

Mẹ cần mẫn như con ong cái kiến, xuyên thời gian và xuyên cả không gian. Với mẹ dường như chẳng có cái gì là khó khăn, cực nhọc vì đã bao giờ mẹ sống cho riêng mình. Tấm lòng vị tha hỷ xả như Đức Phật từ bi của mẹ đối với con, với đời, thì dù có hy sinh cả thân mình cũng chẳng thấm vào đâu:

            Đói khát chen nhau gầy rạc lời ru
            Nuốt lống ngày vui có giấc mơ năm ngoái
                                   
(NHỮNG VIÊN ĐÁ LẺ - TRẦM TÍCH)

Những người mẹ như thế ắt phải sinh ra những đứa con vác gươm múa khắp làng từ tuổi ấu thơ, để rồi khi lớn lên rong ruổi khắp rừng sâu núi thẳm, sợ chi thiên tai hay địch họa.

Người lính cũng là một chủ đề nổi trội trong suốt cả 4 tập thơ và cả chặng đường gần 30 năm cầm bút của Hoàng Trần Cương. Anh đã cảm thông sâu sắc và sẻ chia với nhưng mất mát hy sinh của họ. Đó những người lính ra đi hết thời trai trẻ đã không thể trở về hoặc có trở về thì người yêu đã đi lấy chồng. Nhưng nào các anh có oán trách, đòi hỏi gì đâu. Ngược lại họ chỉ bần thần ngơ ngác và thầm thán phục, cảm ơn đến mức không thể ngờ được rằng người yêu của mình vẫn một lòng thủy chung chờ đợi. Đọc đoạn thơ này ta có cảm giác nhà thơ hoàn toàn bất lực trước tấm lòng thủy chung chờ đợi của người yêu, đến mức anh không còn cách nào khác là để cho nguồn mạch xúc cảm tự nhiên tuôn trào và chỉ có thể buông những câu thơ xuất thần đến như vậy:

            Từ mặt trận trở về
            Không thể ngờ em còn đứng đợi
            Tóc em xanh như trời
            Tôi ngơ ngác đi qua
                                   
(MƯA ỐC ĐẢO - TRẦM TÍCH)

Thơ Hoàng Trần Cương mỗi nơi, môi lúc là một tâm trạng, cảnh huống riêng biệt độc đáo không hề bị lặp lại. Hình ảnh người mẹ ăn sâu vào tâm trí nhà thơ ở hầu hết các chương trong Trầm tích và không một tập thơ nào mà anh không nhắc đến. Mẹ chính là điểm tựa cho những người con cất cánh bay xa, bay cao và cũng là đích cuối cùng để con hướng tới. Hình tượng người Mẹ trong thơ Hoàng Trần Cương chính là người Mẹ miền Trung trong những ngày tháng gian nan vất vả với những chiều kích cụ thể và mới mẻ.

Hoàng Trần Cương đã có những phát hiện táo bạo trong việc tạo dựng hình tượng cũng như cách sử dụng ngôn ngữ thơ. Hình tượng và ngôn ngữ thơ anh mộc mạc chân thành, tự nhiên tuôn chảy như dòng đời, kiếp người, vì thế nó đằm thắm, da diết có khi quặn đau cháy lòng. Những trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống thường nhật của nhà thơ, bản thân nó đã tạo nên một phần máu thịt trong anh. Do vậy thơ anh là sự thăng hoa của những nỗi đau quằn quại, những khoảnh khắc giằng xé tâm trạng tưởng như ngoài thơ ra không thể có gì diễn tả hết được. Anh không câu nệ nhiều đến câu chữ, vần điệu mà luôn tôn trọng tiếng nói cuối cùng của ngôn ngữ đời sống. Thơ Hoàng Trần Cương trọng ở mạch nguồn tự nhiên, hơn là vần điệu, nên ít bay bổng điệu đà hay triết lý vòng vo như thơ của một số người khác. Chính vì thế nó lì lợm và xù xì như đá núi miền Trung trầm tích những nỗi đau rớm máu của kiếp người, nhiều đoạn đọc lên nghe đến sởn gai ốc:

            Mặt anh buồn như đá
            Ai vứt ra ngoài đồng
                       
(ĐỢI - QUÀ TẶNG HÀNH TINH)
Hay
            Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo toan, một miền khắc khoải
            Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua
            Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi
            Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà
                       
(DẤU VẾT THÁNG NGÀY - QUÀ TẶNG HÀNH TINH)

Bạn đọc tìm đến thơ Hoàng Trần Cương là tìm đến những con người, sự việc, những tâm trạng, cảnh huống rất thực và phía sau đấy là những số phận trớ trêu và nghiệt ngã của bao kiếp người, là cuộc vật lộn hóa sinh không chỉ để tồn tại mà còn là để ngẩng cao đầu làm NGƯỜI. Là người đã từng bước ra từ cuộc vật lộn ấy, nên thơ anh là nhân chứng cho sự việc và con người thực đã sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất đau thương và kiên cường - miền Trung.

Cho xuất bản Trầm tích và Quà tặng hành tinh lần này cùng với một số bài thơ viết lẻ về đề tài miền Trung, Hoàng Trần Cương đã giải quyết một cách dứt khoát vấn đề về mối quan hệ của thơ ca với những bài toán kinh tế và công việc của nhà quản lý. Không hề có sự đối lập tuyệt đối nào giữa các lĩnh vực đó, mà chỉ là độ chín muồi của tài năng nghệ thuật và những rung động thẩm mỹ sâu sắc được cất lên từ chiều sâu nhân bản của nhà nghệ sỹ trước những niềm vui và nỗi đau của đồng loại.

Mặt khác thơ anh cũng đã góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn của đời sống văn học nước ta hiện nay. Những tác động của kinh tế thị trường có làm cho công chúng không còn thì giờ và tâm huyết để đến với thơ ca nữa không? Theo chúng tôi thực chất vấn đề là chất lượng thơ ca hôm nay không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của các thượng đế khó tính. Nó không đủ sức níu kéo công chúng lại phía mình, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật nội hóa khác ở nước ta hiện nay. Lịch sử phát triển của văn học nghệ thuật đã chứng minh hùng hồn rằng ở mọi thời đại chỉ có những tác phẩm văn học nghệ thuật dở, chứ không hề có công chúng tồi.

Điểm cuối cùng là liệu nền kinh tế thị trường có phải là mảnh đất tốt cho trường ca hiện đại phát sinh và phát triển không hay nó chính là kẻ đào mồ chôn cảm hứng sáng tạo của nghệ sỹ đối với thể loại này như một số người đã nghĩ? Tất cả những điều tôi vừa phân tích trên chính là những yếu tố tạo nên những giá trị trầm tích của thơ Hoàng Trần Cương mà không phải ai cũng có thể có, nhưng lại ít được gió nghiên cứu, lý luận phê bình quan tâm đúng mức.

11-1999
Đ.N.Y
(133/03-2000)

---------------------------------------
* HẠNH PHÚC HÔM NAY, Ký sự, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1971 (in chung), BẦU TRỜI QUẢNG TRỊ, Truyện ngắn, Nxb Thanh niên, Hà Nội 1972 (in chung), DƯ ÂM, truyện ngắn, Nxb Lao động, Hà Nội, 1976 (in chung).
           
           



 

Các bài mới
Các bài đã đăng