Tôi ngờ rằng thời này, các bậc cha mẹ thường hay dùng ngày tháng âm lịch ghép với năm dương lịch. Bèn thử coi ngày 10 - 7 là ngày âm lịch, ghép với 12 giờ sinh khác nhau trong ngày xem sao. thì thấy vào giờ Ngọ ngày 10 - 7 năm Canh Tuất sừng sững hiện lên một cấu trúc Hà Lạc chỉ thuộc về Nguyễn Tuân chứ không ai khác. Đó là tám chữ can chi: năm Canh Tuất, tháng Giáp Thân, ngày Tân Hợi, giờ Giáp Ngọ. Cấu trúc Hà Lạc của ông gồm bốn quẻ Dịch: Thuần Cấn, quẻ soi sáng thêm là Lôi Thủy Giải, Hỏa Sơn Lữ, soi sáng thêm là Trạch Phong Đại quá. Trước hết tôi coi thử mấy thời điểm dấu ấn trong đời là mấy năm ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm Kỷ Tị (1929) ông gặp quẻ Thiên Trạch Lý. Lý là Lễ, là Trật tự, Pháp luật, Thánh nhân có lời răn người quẻ Lý: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn là hanh thông. Hào 2 chủ mệnh bảo rằng: phải hết sức kín lặng, không được khinh xuất. Năm này chàng trai Nguyễn Tuân khinh xuất dẫm lên đuôi cọp. Ông tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam, và ông bị đuổi học. (Theo Nguyễn Đình Thi - Người đi tìm cái đẹp, cái thật - Tuyển tập Nguyễn Tuân tập 3. Nxb Văn học 1998. Từ đây những chú thích không ghi chú riêng là trích trong TTNT nói trên, các tập 1,2,3). Năm Canh Ngọ (1930) hào 3 quẻ Càn bảo rằng: Mạnh đấy, như rồng lên, nhưng thế chưa vững. Làm người thức thời nhưng suốt ngày trí não căng thẳng như nơm nớp lo sợ ở thế nguy. Năm này chàng trai lại bị thực dân Pháp bắt ở Băng Cốc đưa về giam ở Thanh Hóa. Còn đây là năm Tân Tị (1941) ông được quẻ Tiết, chủ mệnh hào 3 bảo rằng: năm nay không giữ chừng mực, sống bê bối, gặp chuyện buồn, phải lo, than thở. Đó là năm ông lại bị bắt ở Hà Nội, giam ở Vụ Bản - Hà Nam (Theo Nguyễn Đình Thi. Sách đã dẫn). Lại thử coi một năm khởi sắc trong đời ông. Năm Mậu Tý (1948) ông được quẻ Địa Thiên Thái. Thái là hanh thông, thời thịnh. Chủ mệnh hào 3 bảo rằng, giữa thời thịnh cực, phải nhớ cái gian nan sẽ đến mà giữ lòng cho ngay thẳng. Năm này, giữa cuộc kháng chiến gian nan chống Pháp, ông được bầu giữ chức vụ nặng nề: Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Việt Nam. Mấy thời điểm ứng nghiệm ấy đủ cho tôi tin rằng tôi đã tìm đúng ngày giờ sinh (giờ Ngọ, ngày 10 - 7 năm Canh Tuất) và cấu trúc Hà Lạc của Nguyễn Tuân. Nhưng cái niềm tin gây hứng thú đối với tôi lại chính là hai quẻ Dịch phản ánh sâu xa cuộc đời và chân dung văn học của ông: Thuần Cấn va Hỏa Sơn Lữ. Quẻ Thuần Cấn phản ánh cái nguyên thể 42 năm đầu đời của Nguyễn Tuân. Thuần Cấn là liên kết trùng hợp hai quẻ Cấn. Cấn có tượng thiên nhiên là Núi. Thuần Cấn có tượng là trùng điệp Núi. Theo Kinh Dịch, Núi là tượng của sự đứng yên, sự tĩnh lặng, sự cao sâu, sự trọng hậu, sự ngăn trở, sự ngừng. Trong những tính chất trên thì tính trọng hậu là bao trùm hơn cả. Trọng hậu là dày dặn về sau, do cao sâu mà dày dặn, càng về sau càng dày dặn. Người trọng hậu là người ăn ở đầy đặn, có trước có sau, càng về sau càng đầy đặn. Nhưng nói tới Núi trước hết phải nói tính ngăn trở, tính ngừng là đặc trưng hơn cả. Chữ Hán Cấn, Phan Bội Châu dịch là ngừng, là chỉ (trong nhóm từ đình chỉ là bắt buộc ngừng lại). Ngô Tất Tố dịch là Đậu. Đậu là dừng cánh và đặt chân. Đã lên núi mà đậu có nghĩa là ngừng ở nơi tĩnh lặng nhất. Ý đó vận vào con người có nghĩa là ngừng ở lưng. Bởi vì trong cơ thể con người cái lưng là nơi tĩnh nhất. Ngừng ở lưng, câu nói chất phác, đơn giản mà triết lý rất sâu, Phan Bội Châu phải để hàng trang, giải từng chữ, để cho rõ đạo Cấn. Ngừng ở lưng là dừng lại, đậu lại, để lại, để cho tinh thần lắng đọng lại ở nơi tĩnh nhất, nơi đây đối với người quân tử, bên trong thì quên cả bản thân không thấy thân mình (quên mình), bên ngoài thì đi trong sân (là nơi có người) mà không thấy người (bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình bất kiến kỳ nhân). Nghĩa là người quẻ Cấn, đi giữa cuộc đời, đi giữa mọi người đấy, mà "trong óc và trong con mắt" chỉ thấy có đạo rất lành (chí thiện) mà thôi. Nguyễn Tuân là một người như thế. Giời đất giao cho ông cái mệnh Cấn là giao cho ông thiên sứ nhìn ngắm thiên nhiên và cuộc sống tìm ra sự rất lành, chí thiện và kể lại, tả lại. Để tìm ra cái chí thiên ấy, ông phải biết quên thân mình và coi như đi trong sân mà không thấy người. Theo cách nói ngày nay là hết mình vì cái hay cái đẹp. Hào chủ mệnh chi phối thời Cấn của Nguyễn Tuân là hào 1 âm quẻ Cấn, cho biết ông tuy có thiên mệnh cao cả như trên, nhưng vận mệnh còn đang ở bước sơ khởi của thời Cấn, phải biết ngừng ngay từ ngón chân, có nghĩa phải thận trọng ngay từ những bước đầu tiên, khiêm tốn giữ phận nhỏ, nếu biết giữ đường đi nước bước cho ngay thẳng, bên bỉ (chính bên) thì sẽ có kết quả hay, tránh được tai nguy. (xem Tám chữ Hà Lạc và ... Sđd, quẻ 52- Thuần Cấn tr. 346 - 347). Nhìn một cách tổng quát suốt đời Nguyễn đã sống và viết như thế: dấn thân đấy mà thận trọng đấy, thận trọng tỉ mỉ trong việc tìm kiếm tư liệu, dẫn liệu, phóng túng trong cảm hứng mà thận trọng khi đặt bút viết, trong chọn chữ, đặt câu sao cho mẫu mực tài hoa một cách riêng. Một đời viết, viết rất hay mà không nhiều lắm, tổng cộng khoảng 1665 trang tính theo bộ tuyển đầy đủ nhất xuất bản gần đây. Và như trên đã điểm một vài sự kiện: trong thời trẻ, chỉ cần sơ xuất coi thường về pháp luật (trong đời thường) là gặp tai biến ngay, trong vòng 11 năm hai lần bị thực dân bắt giam. Để thực hiện thiên mệnh hết mình vì cái hay cái đẹp, Nguyễn đã chọn đúng một thể loại văn chương đắc địa: thể tùy bút bút ký. Và ông đã tung hoành suốt nửa thế kỷ với thể loại này, đặc biệt là thể tùy bút. Như cái tên của nó, tùy bút là thể văn xuôi cho phép người viết tự do phóng bút, đưa bạn đọc đi theo những ý tưởng nhiều khi nẩy sinh theo tùy hứng của tác giả. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cắt nghĩa: Có thể hiểu một cách đại khái thế này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải qua để nhân đấy, nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng" (Tuyển tập Nguyễn Tuân. Nxb Văn học - Hà Nội - 1981. Lời giới thiệu, tr. 66). Dĩ nhiên viết ký thì cái tôi phải hiện lên. Phải bắt đầu từ cái tôi. Vậy mà Kinh Dịch lại bảo người quẻ Cấn phải biết quên cái tôi (quên thân mình), phải "hành kỳ đình bất kiến kỳ nhân", đi trong sân mà không thấy người. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy trong văn chương Nguyễn Tuân. Cái Tôi trong các bài viết của ông chỉ là phương tiện. Ông bắt đầu từ cái tôi để chiếu một góc nhìn đầy mỹ cảm vào sự vật, cái đẹp xưa còn vang bóng, cái đẹp nay ẩn tàng trong hiện thực đời sống, cái đẹp độc đáo trong văn chương của những tác giả kiệt xuất: Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Tônstôi, Tsêkhốp, Đốtxtôiépxki... Cái tôi của ông nhiều khi lẫn vào với nhân vật trong các truyện ngắn, hoặc nói cách khác trong nhiều nhân vật truyện thấy thấp thoáng cái tôi của Nguyễn. Chùa Đàn là một ví dụ. Truyện kể rằng toàn bộ phần Hai của chuyện mang tên Tâm sự của Nước Độc là do một người tù cách mệnh là Lịnh ghi chép, nhưng đọc lên thì ai cũng thấy đó là văn Nguyễn Tuân chứ không phải ai khác. Thậm chí trong tác phẩm Nguyễn, tự truyện hẳn hoi, ông để ở đầu truyện: "Kính tặng tôi". Đây cũng là một đặc điểm của người quẻ Cấn. Nguyễn Hiến Lê giảng: Không phân biệt mình với người, coi nhân (người), ngã (mình) chỉ là nhất thể, đó là nghĩa sâu sắc của quẻ Cấn. (Tám chữ Hà Lạc và... Sđd tr. 347). Như vậy, viết tùy bút, bút ký thì phải bắt đầu từ cái tôi, nhưng ở Nguyễn Tuân cái tôi ấy ẩn chìm vào trong công việc cốt yếu đi tìm cái chí thiện. Nguyễn Đình Thi quả là có linh cảm trong bài Thay lời bạt ở Tuyển tập Nguyễn Tuân (Sđd tập 3, tr. 511) gọi ông là Người đi tìm cái đẹp, cái thật. Cái đẹp và cái thật đối với Nguyễn Tuân phải chăng chính là cái chí thiện? Và phải chăng nó đã được thể hiện một cách tối ưu trong tác phẩm xuất chúng Vang bóng một thời (VBMT), tác phẩm vừa ra mắt đã có sức chinh phục ngay tức khắc bạn đọc? Dưới ánh sáng Hà Lạc ngày nay chúng ta thấy hơn thế, đó là tác phẩm bắt nguồn từ thiên mệnh của Nguyễn Tuân. Cái đẹp mà ông tìm thấy và phô diễn ở đây là cái thú vui tao nhã của một lớp kẻ sĩ thượng lưu vốn được coi như lớp người tiêu biểu một thời. Đó là cái thú "đánh thơ", thả thơ", uống rượu nhắm với cuội bọc kẹo mạch nha ướp hương lan và ngâm thơ (Hương cuội). Đó là cái sành sỏi uống trà bằng "những chiếc ấm đất" nung, cái thú nhắp "chén trà sương". Đó là cái khao khát cháy bỏng muốn có một hàng chữ đẹp của một văn nhân tội chết (Chữ người tử tù). Đó là lòng biết ơn chí thành đối với tổ nghiệp của hai chị em học trò nghèo cất công rước thầy địa lý về đặt lại "ngôi mả cũ". Và đó là câu chuyện huyền thoại về thiên nhiên bí ẩn và thiêng liêng "trên đỉnh non Tản". Tất cả những cái mà Nguyễn Đình Thi gọi là cái đẹp, cái thật, chính là cái chí thiện, cái cực tốt lành, nó không chỉ là lối sống riêng của lớp kẻ sĩ thượng lưu, nó là niềm ao ước của mọi người bình dân Việt Nam hướng về một lối sống hòa bình, thân thiện, có văn hóa, yêu cái đẹp, cái tinh tế, yêu thiên nhiên thuần khiết, hướng về tổ tiên... Chính vì thế, trong đông đảo bạn đọc mấy ai đã được biết những thú vui tao nhã ấy, mà người ta vẫn thích đọc VBMT, đến nay vẫn thích. Trong VBMT có điểm một "bữa rượu máu" (sau gọi là "Chém treo ngành") kể chuyện một tên đao phủ tập phạt cây chuối để chém đầu người sao cho có "nghề". Chuyện kết thúc bằng cảnh 12 cái thủ cấp những người nghĩa quân Bãi Sậy, "còn dính vào cổ người chết", "dưới trận gió xoắn giật, hút cát bụi lên", "xoay vòng quanh đám tử thi và lật rơi chiếc mũ trắng" của tên quan Tây công sứ, "lăn lộn mấy vòng"... Chính bữa rượu máu cực kỳ độc ác đen tối ấy tạo nên cái phản cảm để tỏa sáng vẻ đẹp cực tốt lành (chí thiện) của những thiên truyện còn lại, làm cho bức tranh VBMT càng thêm long lanh vẻ chí thiện thuần khiết, bức tranh của một nhà văn thuần Cấn. Người ta đọc VBMT còn để thưởng thức cái đẹp của văn chương tiếng Việt, sau này là để thấm thía "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Nguyễn Tuân viết VBMT trên một chặng đường đẹp thứ hai của thời Thuần Cấn, đó là đại vận hào 5 quẻ Thuần Cấn từ năm 1937 đến năm 1942 (Xem phụ lục), khi nhà văn 28 đến 33 tuỏi, cái tuổi trưởng thành, tuổi chín nục nạc của một đời văn. Hào 5 bảo rằng, người quẻ Cấn đến chặng đường này biết ngừng (đậu) ở vấn đề ngôn ngữ, là người có đức, có lời nói hay, lập ngôn, nói năng "có thứ tự", đâu ra đấy; lớn thì làm nhà ngoại giao, nhỏ thì làm nhà giáo, bình thường thì cũng ngâm nga như Đào Tiềm, luận bàn kim cổ, được bạn bè hội tụ... (TCHL và... Sđd trang 350). Cứ như là giới đất đã giao cho ông sứ mạng hết mình vì cái chí thiện thì cũng giao luôn cho ông cái chặng đường tỏa sáng về ngôn ngữ, lập ngôn. Chính cái chặng đường lập ngôn này để lại dấu ấn rất sâu sắc trong đời sống văn học của Nguyễn Tuân. Trong VBMT truyện nào cũng ý vị khác nhau, nhưng nếu phải bầu chọn một truyện hay nhất, thì Cấu trúc Hà Lạc của Nguyễn Tuân mách bảo tôi: Đó là Trên đỉnh non Tản. Biểu tượng thiên nhiên đi vào cuộc đời và văn chương Nguyễn Tuân là núi trùng điệp Núi, tượng của quẻ Thuần Cấn. Cái khí chất Núi, tính chất Núi cao sâu, trọng hậu, trùng điệp ngăn trở, chứa chất đầy bí ẩn, đi vào Nguyễn từ thuở đưa nôi, không biết đã tích tụ trong tuổi trẻ Nguyễn như thế nào, bỗng vụt sáng lên thành Trên đỉnh non Tản. Đó là một bài ca hòa quyện giữa óc tưởng tượng và tài hoa ngôn ngữ với tình yêu núi non rừng suối, vốn có nguồn gốc từ cấu trúc mệnh, hình như chính Nguyễn cũng chưa từng cắt nghĩa. Đó là một huyền thoại mới trên nền của huyền thoại cổ tích Sơn Tinh Thủy tinh. Một huyền thoại mang dấu ấn thế kỷ Hai Mươi. Bởi vì bên cạnh cái không khí huyền ảo của các thần tiên, còn có con người hiện đại, cánh thợ mộc tài hoa làng Chàng thôn, những nhật vật trần lục, dân gian, được thần non Tản bí mật gọi lên chữa ngôi đền thượng sau những năm bị Thủy tinh dâng nước lên làm hư hỏng. ... "Thế rồi người con gái đi khuất. Thế rồi được lời như mở tấm lòng tục, bọn thợ mộc khuân rất nhiều đá cuội, cứ từng đống có ngọn một, mang về trước lều làm gạo nấu cơm và chế rượu uống. Họ đập đá bừa bộn, không cần để riêng hòn xanh hòn vàng. Mà có cái lạ, là không cần phải nấu nướng gì, những nhân đá xanh vàng kia, cứ đập rời ra, bốc bỏ mồm là đủ hương vị một hạt cơm, một hạt xôi rồi. Nhân đá trắng, thả vào những gióng tre đằng ngà khổng lồ, đựng nước suối, đem uống với nhau, thấy ngà ngà mà say, lâng lâng mà khuây vợi lòng tha hương". ... "Hiệp thợ mộc vẫn tuần tự tiến hành công việc. Ngày tháng trên này không biết lấy gì mà đo tính, bởi vì chỗ sơn thượng không có đêm không có ngày. Đây là nơi của ánh sáng vĩnh viễn, nhờ nhờ như màu ngọc liệu, như chất nước quế trắng chính sơn pha loãng. Những buổi trời tái hẳn lại vì khí núi âm u, thì một vài hòn ngói trên lòng trần đền hình mai luyện, lại sáng rực hẳn lên như một nguồn lửa...". "Vào những phút này, mấy thân cây cột gỗ chò vẩy mới tỏ rõ cái đẹp cái quý của một thứ gỗ đặc biệt. Dưới ánh lửa ngói sáng choang, cột gỗ chò nhấp nhánh lộng lẫy chớp chớp lên như vẩy rồng vàng cốm chạm nổi". Trên bức tranh VBMT sừng sững một mảng xanh xanh non Tản óng ánh một tình yêu thiên nhiên chí thiện. Đó chính là tín hiệu đầu tiên của một nhà văn Thuần Cấn, sau này ta sẽ thấy cái tượng núi non chi phối văn chương ông đến như thế nào. Chẳng bao lâu sau, lối viết Trên đỉnh non Tản đạt đến "phong độ đỉnh cao" trong Cô Dó và Chùa Đàn. "Làng Hồ Khẩu có nhà họ Chu làm giấy nổi tiếng đã đến mấy mười đời liền". Truyện Cô Dó bắt đầu như thế. Giấy nhà họChu nhắm mắt lại mà sờ cũng không lẫn. "Nó nhẵn mặt mà không cứng mình, mà chất lại dai, và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng đến chỉ như cái lông hồng. Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấy thấy mát cả lòng tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó ấm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi, tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mộc thảo còn tươi sống". Thứ giấy quý ấy từ vua quan trong triều đình, sĩ tử bốn phương đến người bình dân, không ai không biết. Nhưng không ai biết rằng nó lại là kết quả của một mối tình siêu đẳng giữa một chàng trai ông tổ nhà họ Chu với cô Dó, thần nữ của cây dó cổ thụ trên nương dó rừng Hoành Bồ. Chàng trai nghe đồn có cô gái ẩn trong cây dó thần, hát hay lắm, đã lên rừng về xuôi, biến vào phiến đá xanh nghè dó vẫn để ngoài sân, đêm đêm hiện lên tình tự và giúp chàng nghè dó. Từ đấy ái tình và cần lao huyền diệu đã giúp nhà họ Chu làm ra thứ giấy khiến người đời kính nể, đời này sang đời khác. Với "Trên đỉnh non Tản" và "Cô Dó", tôi nghĩ đủ để Nguyễn Tuân (cùng với Nguyên Hồng) xứng đáng được các nhà văn công nhân thời nay - trong đó có người viết bài này - tôn vinh làm ông tổ của mảng văn học đề tài công nhân hiện đại. Chùa Đàn cũng là một chuyện xảy ra trên "đường ngược". Nhưng phong cảnh miền núi ở đây chỉ để làm đường viền cho một câu chuyện huyền ảo, bi tráng về sự siêu việt của nghệ thuật ca trù. Cái huyền ảo đã chứa chất trong "Trên đỉnh non Tản" và "Cô Dó" nay chỉ còn việc tiếp nối. Còn cái bi tráng thì bắt nguồn từ những đam mê nghệ thuật "ả đào" từ thời trẻ, và cái cảm nhận nguy cơ mất mát sẽ đến. Điều lý thú là Chùa Đàn được viết vào năm Bính Tuất (1946), năm Địa Lôi Phục (hào 1) của Nguyễn Tuân, trên chặng đường đẹp nhất của Thời Cấn (xem phụ lục). Phục là Trở lại. Khí dương đi đã lâu, nay bắt đầu trở lại, là tượng hồi xuân, khí thế hanh thông, thân thể tráng kiện, sự nghiệp hoàn thiện, đó là vận trời. Ngay sau năm Cách mạng tháng Tám Nguyễn vừa thấy mình cần phải "lột xác" vừa có nhu cầu nóng bỏng trở lại một cách chính đáng với cái đẹp mà ông cho là chưa hết mình với nó nếu không một lần trở lại. Hào 1 bảo rằng: Trở lại như thế, lầm lỗi đấy, nhưng thời gian chưa xa (còn cho phép), vẫn cứ là tốt lành, không đến nỗi ăn năn lớn, tốt đấy (Tám chữ Hà Lạc và... Sđd. Hào 1 quẻ Phục. Tr. 188). Lòng ở việc thiện (ý nói trong lòng đã tâm niệm việc gì chí thiện), tiến trên đường đạo (ý nói tiến trên con đường lý tưởng đã chọn). Tài lớn, tiến hay ngừng đều hợp lý. Vận năm (tuế vận) của hào 1 quẻ Phục còn cho biết: năm nay đối với giới sĩ là năm đỗ cao. Vậy là, như có sự mách bảo của số phận, Nguyễn quyết phải làm một cái gì đó cho nghệ thuật ca trù, một là vào lúc này, hai là không bao giờ. Dưới ánh sáng Hà Lạc tôi cho rằng Chùa Đàn đã ra đời như thế. Và ông đã viết được những trang tuyệt tác, ở đỉnh cao thời Cấn và vào thời điểm hào 1 dương quẻ Phục. Phần hai thiên truyện mang tên Tâm sự của Nước Độc, cái tên quả thực hơi khó hiểu, nhưng bạn đọc hãy bỏ qua cái tên đó, đọc một mạch sẽ được thưởng thức một áng văn rất đẹp về sự trung hậu của con người, về sự hấp dẫn, lôi cuốn "chết người" của nghệ thuật ca trù, cùng với thứ văn chương huyền ảo mà hiện thực, mang đầy đủ dấu ấn Nguyễn Tuân trước khi đi vào cuộc kháng chiến 9 năm. Hai chữ Nước Độc (tên riêng) cũng như cái thủ pháp nghệ thuật "bữa rượu máu", cốt tạo ra một phản cảm để tôn cái rất lành, cái chí thiện bên trong. Gọi là nước độc đấy, nhưng thực ra đó là một ly nước mát lành trong trẻo tuyệt trần đấy, bạn đọc hãy yên tâm mà uống. Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết ra được. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hưu hưu ngọn vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời. Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Tuy nhiên cái lầm lỗi mà hào 1 quẻ Phục đã chỉ ra, liệu có không nhỉ? Trong đời sống riêng, không biết nó là sự việc gì, nhưng trong Chùa Đàn thì có đấy. Nó ở phần Một mang tên Dựng. Tác giả đã tưởng tượng ra một nhân vật cách mệnh tên Lịnh, người ghi chép thiên ký sự Tâm sự của Nước Độc, khó được bạn đọc đưong thời chấp nhận. Chính vì thế, Chùa Đàn ra đời chưa được bạn đọc hoan nghênh ngay. Nhưng ngày nay bạn đọc thông cảm với tác giả. Không có phần Dựng ấy, không có lý do để trở lại với Tâm sự của Nước Độc. Hào 1 quẻ Phục còn nói: Không có gì phải ăn năn lớn. Câu cuối cùng trong Chùa Đàn là: Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, cô Tơ ạ. Chúng ta hiểu đó là tâm sự thiết tha của tác giả. Ngày nay mọi người đều biết, trong cuộc cách mạng của chúng ta, tiếng hát đã từng át tiếng bom, nhưng riêng với nghệ thuật ca trù, cũng phải hơn 40 năm sau Chùa Đàn, trong cuộc đổi mới đất nước, những Cô Tơ mới tìm lại được tiếng tơ tiếng phách của mình. Và Chùa Đàn trở lại nguyên văn trong Tuyển tập Nguyễn Tuân năm 1998. Tượng thiên nhiên Núi trùng điệp Núi trong mệnh Nguyễn Tuân còn đi theo ông đến hết đời. Ngay trong kháng chiến chống Pháp đó là hai tập Tình chiến dịch và Tùy bút kháng chiến và hòa bình thấm đẫm một mối tình mây núi chiến khu. "Chắc giữa Hà Nội đầu năm 1950 này, vào những buổi sớm chiều đau thương, cũng có những tâm hồn xám hối, đi tàu điện lên Hồ Tây thèm thuồng nhìn lên sơn hệ Tam Đảo mờ xa mà tự nói rằng sau cái chòm mây trắng đỉnh Tam Đảo tít xa ấy là thế giới của lẽ phải, của tươi sáng và hy vọng". "Những người sống ở Việt Bắc, đi trong mây ấy, gây cơ sở trong khu vực mây ấy, đắm đuối với việc làm tranh thủ thời gian, bốn mùa ngụp trong mây cụ thể, quen quá đến nỗi quên cả mây". "Tôi ngồi bên cửa sổ có bóng mây, nghĩ đến những đơn vị đi Tây Bắc đang luồn trong mây đèo phía bên ấy, và ghi lại ít sắc thái chiến trường thu đông vừa qua dưới bầu mây biên giới đông bắc". Những năm sau này là Tình rừng, Người lái đò sông Đà và toàn tập Sông Đà với những Đường lên Tây Bắc, Giăng liềm, Tây Trang, Phố Núi, Gió Than Uyên. Tập ký Nguyễn Tuân với Suối quặng, Nhật ký lên Mèo, Mỏm Lũng Cú tột bắc... Nguyễn Tuân chọn Lũng Cú để mà nhớ Cà Mau. "Lũng Cú tột bắc và Cà Mau cực nam Nam Bộ trong đó là hai cái mũi nhọn cùng nằm trên một đường kinh tuyến 105 độ, mũi Lũng Cú đây ngả ngả sang mặt Đông, và mũi Cà Mau trong ấy chênh chếch sang phía Tây. Nó cũng là một chữ ét-xì hoa nhưng gập góc hơn so với chữ ét-xì viền theo con đường biển từ bãi cát Móng Cái đến bờ biển Hà Tiên". "Ngồi ở mỏm Lũng Cú này, ngồi ở nhà cụ Mèo Dềnh đây, tưởng như mình là người thợ ngõa nào khom mình trên một nóc thượng lương để nghe tổ quốc đang như một bác thợ cả không ngớt lời truyền cho mình những bài học thấm thía về xây dựng cơ bản và giữ cửa giữ nhà. Lại thấy quý mến Hà Giang, cái tỉnh núi đã được đất nước ông bà giao cho cái trọng trách đặt một cái nón lá lên đầu người khổng lồ tổ quốc. Và nếu mũi Cà Mau trong kia là cái ngón chân cái người khổng lồ chưa khô bùn vạn dặm, thì mũi Lũng Cú đây đích thị là cái chóp nón một cái nón bài thơ muôn đời đó". Tôi nghĩ, dưới ánh sáng Hà Lạc có lẽ sau này ta phải tập hợp một tuyển Nguyễn Tuân toàn các tác phẩm về Núi non, bắt đầu từ Trên đỉnh non Tản. Ta sẽ được chiêm ngưỡng một cách kỳ thú một cái mệnh đời, mệnh văn Núi trùng điệp Núi và phát hiện những vẻ đẹp khác nhau của ông khi tả núi tả rừng, tả sông núi sông rừng. Và khi ta đọc lại Tình rừng chẳng hạn, ta sẽ nhớ ngay đến trận hồng thủy miền Trung cuối năm 99, và sẽ thương ông vô cùng đã phải từng phen lên bờ xuống ruộng với cái tình rừng đó. Trong Tình rừng, ông đã báo động từ lâu cái nạn hồng thủy sẽ xảy ra sau này: Tôi còn biết rằng, rừng và cây rừng điều tiết được và cầm chịch cho mực nước sông Hồng, sông Đà. Núi hói đến đâu và rừng trọc đến đâu thì dưới đồng bằng không có rừng, đê điều càng dâng cao và mọc dài vòng quai, thành ra đã đê ngoài lại còn đê trong nữa. Gốc cây già, gốc cây trẻ rừng đại ngàn, nay thấy đúng là những công trình thủy lợi giời xây sẵn cho mình từ trên thượng nguồn. Mỗi năm lũ to kéo về sông Hồng như một dòng nước mắt đỏ lừ của những cánh rừng của những cây ngàn bị giết oan trong những trận hỏa táng cũ mới không cần thiết. Dại dột có tính chất dốt nát gây ra đốt sách, đốt kho thuốc, và dâng mãi hồng thủy lên sát mặt đê. Chao ôi, căm thù cao độ Mỹ phá hoại miền Bắc kiến thiết xã hội chủ nghĩa và quên đi sao được tội ác Mỹ ném bom đê đập. Nhưng những người chủ nhân ông tập thể chân chính của đất nước ngày nay càng thêm canh cánh những nỗi niềm giữ nước giữ rừng. ... ... ... ... ... ... X.C (139/09-00) |