Tác giả-tác phẩm
Hồ Quý Ly - cách tân hay bạo chúa?
10:47 | 24/05/2010
ĐỖ NGỌC YÊNHồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử có thật. Hơn nữa ông đã từng làm đến chức quan Thái sư dưới thời nhà Trần khoảng từ năm 1370 - 1400, và lập nên nhà Hồ từ năm 1400 - 1407.
Hồ Quý Ly - cách tân hay bạo chúa?
Hồ Quý Ly - Ảnh: Internet
Nhưng cho đến nay giới sử gia trong và ngoài nước vẫn chưa tìm được tiếng nói thống nhất về con người lắm tài nhiều tật này. Vì thế việc chuyển hóa nhân vật Hồ Quý Ly và thời đại lịch sử mà ông đã sống thành những hình tượng văn học vừa là một lợi thế, vừa là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn.

Ảnh: nhasachtritue.com

Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly dày gần 850 trang, được chia làm 13 chương, mở đầu bắng Hội thề Đồng Cổ và kết thúc bởi Hội thề Đốn Sơn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã làm sống lại thời kỳ bi tráng của triều đại nhà Trần những năm cuối cùng và khởi đầu của triều đại nhà Hồ, mà ở đó Hồ Quý Ly nổi lên như là một nhân vật trung tâm đang ra sức lái con thuyền lịch sử dân tộc vượt cạn.

Theo tôi thành công lớn nhất của tiểu thuyết Hồ Quý Ly chính là ở chỗ các mối quan hệ ấy luôn được miêu tả một cách chân thật, tự nhiên và sống động trong suốt gần 850 trang tác phẩm. Chúng quện chặt với nhau thành một khối thống nhất, cái này vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của cái kia và ngược lại. Nhân vật này là tấm gương phản chiếu đối với nhân vật kia. Và không ai khác chính nhân vật Hồ Quý Ly đã bổ sung thêm những phẩm chất mới mẻ, mà có lẽ trước đó không một vị trung quan nào có được. Đó là một con người kiêu ngạo mà giản dị, cứng rắn mà dịu dàng (tr 93), và cũng rất đa nghi: Cái lo của nhà vua là ở chỗ tin người. Mình tin người sẽ bị người kiềm chế... Gần đến như vợ, thân đến như con, còn không thể tin; cho nên không tin ai vậy... (tr 473). Mặt khác là em con cô con cậu với Trần Nghệ Tôn, nên Hồ Quý Ly luôn mang trong mình mặc cảm ngoại tộc. Dù ông có làm tốt chức quan Thái sư và thanh liêm đến mấy thì vẫn bị những người trong tôn thất nhà Trần coi ông chỉ là kẻ giúp việc cho họ. Những đức tính kiêu ngạo và cứng rắn ấy với tham vọng nhằm canh tân đất nước lại bị mặc cảm ngoại tộc chèn ép ắt Hồ Quý Ly sẽ phải đi theo hướng tư tưởng vừa dân chủ vừa độc tài; vừa cách tân, lại vừa thủ cựu.

Hồ Quý Ly muốn muôn dân trăm họ đều có nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng trước thực trạng đất nước đang gặp vấn nạn từ nhiều phía cả giặc ngoại bang lẫn quân nội phản: Ở phía Nam, quân Chiêm Thành đã không ít hơn 10 lần tiến quân ra giao chiến với nhà Trần; phía Bắc nhà Minh cũng đang lăm le dòm ngó Đại Việt; bên trong vừa mới tiễu trừ được quân phiến loạn của Dương Nhật Lễ thì đến Phạm Sư Ôn ở lộ Quốc Oai kéo xuống đánh chiếm Thăng Long 3 ngày làm vua Nghệ Tôn phải rút về Bình Than lánh nạn. Chính Hồ Quý Ly đã biết quá rõ ràng vận mệnh xã tắc lúc này như ngàn cân treo sợi tóc. Vua tôi nhà Trần đã đến thời mạt vận. Triều đình lục đục, công việc triều chính bỏ bễ chẳng ai quan tâm, phần lớn các quan lại từ trưng ương đến địa phương thì tham nhũng, lo đục khóet của dân, trở thành những tham quan, kẻ thì ăn chơi sa đọa suốt ngày rượu và gái, một số người khác có tâm hơn thì trốn vào nương nhờ cửa Phật. Thời này, thời đại loạn, thời của những mưu sâu, kế lạ; đâu có phải thời của những kẻ hữu dũng vô mưu (tr 225). Trước tình cảnh đó cải cách nền chính trị quốc gia, tổ chức lại bộ máy của triều đình là việc làm hết sức cấp thiết, dù có mất mát và thiệt hại. Hồ Quý Ly đã nói với con trai Nguyên Trừng: đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một sự thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên,tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố gắng cho bớt cảnh đầu rơi máu chảy (tr 486). Về khía cạnh khách quan ý tưởng đó của ông đã đem đến cho xã hội lúc bấy giờ một cuộc cách tân theo khuynh hướng tích cực và một bầu không khí dân chủ. Không rõ Hồ Quý Ly coi đây là một cơ hội để canh tân đất nước này hay là số phận đã định sẵn. Có lẽ là cả hai. Hồ Nguyên Trừng đã không ngần ngại nói về quan điểm của cha mình:sự tranh giành ấy cha tôi bảo là điều lành mạnh, ông bảo những người sinh ra nơi cửa quyền quý phải hiểu điều đó, ta đâu có thoát được số phận của mình, nên đón nhận nó bằng lòng cam chịu can đảm, để điều khiển nó (tr 58- 59).

Trong tình thế như vậy Hồ Quý Ly đã cho ban hành một loạt chính sách như hạn điền: bắt người có ruộng tự cung khai, cắm biển đề tên ruộng, ai thừa số quy định thì sung công (tr 468). Làm như vậy vì Hồ Quý Ly không muốn trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm sổ hộ khẩu khắp nước. Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải trách nhiệm chú ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng (tr 559). Về chính sách hạn nô, Hồ Quý Ly chỉ cho phép nhà giàu giữ lại một số nô tì nhất định, còn số thừa ra phải trả họ về với gia đình và bắt các sư sãi hoàn tục,không được lợi dụng nhà chùa để trốn tránh nghĩa vụ quốc gia. Những chính sách đó nhằm mục đích tập trung sức người, sức của để chống thù trong giặc ngoài, nhằm cứu đất nước ra khỏi cơn nguy khốn lúc bấy giờ là hết sức cấp thiết và mới mẻ. Và theo ông: khi cơ đồ đã rệu rã; khi mà toàn bộ quan lại chỉ là lũ sâu mọt; khi mà nhà Trần không có nổi một nhân tài tầm cỡ; khi mà tất cả phải cày xới lên để gieo giống mới, thì dù nhà Trần có công với Đại Việt cũng phải trải qua một nạn kiếp, muôn dân cũng phải trải qua một cuộc đổi đời (tr 476).

Một nhân vật được Trần Nghệ Tôn lúc sinh thời rất tin dùng là nhà chép sử Văn Hoa (tất nhiên đây là nhân vật hoàn toàn hư cấu), chỉ vì viết cuốn Minh Đạo luận có ý chống lại tư tưởng cách tân và sau đó dâng tấu phản đối ý định dời đô vào Tây Kinh của Hồ Quý Ly, đã bị ông bắt và tra tấn bằng cách làm nhục. Ông lệnh cho Hồ Nguyên Trừng: Hãy giam hắn vào hầm xử chém, đeo gông cổ thật nặng, cùm chân tay, mồm đóng hàm thiếc, bỏ đói, bỏ rét... Sau đó một sáng sớm. mang ra pháp trường. Hãy cho hắn sợ đến vãi cứt, vãi đái ra...đến lúc đó, con hãy mang lệnh của ta đến, ân xá cho hắn, đuổi về thôn quê (tr 551). Cuối cùng lúc về già cũng đã bị Hồ Quý Ly dùng tay chân giết chết bằng cách cắt bỏ ngọc hành tại ngôi chùa đổ ở giữa đất kinh thành Thăng Long và sau đó đốt luôn cả ngôi chùa để phi tang.

Dưới con mắt của một người vừa giàu mưu lược lại vừa đa nghi như Hồ Quý Ly, đứng giữa cũng có nghĩa là chống lại tư tưởng canh tân và phát triển đất nước lúc bấy giờ, mà muốn canh tân và phát triển đất nước trước hết cần phải thay đổi triều đình, đó là logic tự nhiên của lịch sử và đã hối thúc Hồ Qúy ly dấn sâu vào công việc đó. Nhưng vì nóng lòng, muốn làm nhanh để đưa đất nước vừa thoát ra tình trạng bế tắc trì trệ, vừa muốn chứng minh rằng nhà Trần đã hết thời và để giải thoát tâm trạng ngoại tộc của mình nên Hồ Qúy Ly đã hành động như một bạo chúa. Và đến phút chót ông đã nhổ được cái gai làm vướng tầm mắt trên con đường đi tới thực hiện ý đồ chiến lược của mình, tức là bức ông vua tu sỹ Thuận Tôn phải tự vẫn. Trước và sau đó còn biết bao người chống đối từ quan tư đồ Trần Đĩnh, quan thiếu bảo Trần Tôn, Trang Định Vươnng Trần Ngạc cho đến Trần Nhật Đôn, quan hành khiển Hà Đức Lân, thượng thư Lương Nguyên Bưu... đều đã bị Hồ Qúy Ly giết hại (tr 605 và 815).

Sự diễn biến tâm lý và tư tưởng của nhân vật Hồ Qúy Ly trong tác phẩm rất phức tạp. Ông đứng trước sự lựa chọn của những quan hệ đầy mâu thuẫn và đối địch nhau ở mức đỉnh điểm. Đó là các quan hệ Phụ - Tử, Quân - Thần, Quyền lực - Đạo đức, Phật giáo - Nho giáo... Tình thế lúc này không cho phép ông chần chừ và tính toán quá kỹ càng. Cái này tạo được sức ép tâm lý ưu trội hơn thì cái đó sẽ chiến thắng. Mặc cảm ngoại tộc và tham vọng chấp chính để thay đổi triều đình và canh tân đất nước lúc này dường như đã chín muồi và là hai nhân tố quan trọng nhất được chuyển thành nội lực mãnh liệt trong lòng cậu bé thích chơi với lửa từ tuổi ấu thơ và muốn một ngọn lửa không bao giờ tắt (tr 564), đã đè bẹp các quan hệ tình cảm và đạo đức khác. Từ sự đan xen, chồng chéo và ràng buộc của các mối quan hệ kể trên đã tạo nên một sự dồn nén tâm lý cùng cực trong con người Hồ Quý Ly, và không biết từ lúc nào nó đã trở thành sức mạnh không cưỡng lại được, buộc ông phải lựa chọn tức thì, như là một phản xạ bản năng vô thức để tự vệ. Và thế là các quan hệ đạo đức và tình cảm đã vô tình trở thành vật thế chấp, làm mồi cho tham vọng quyền lực của ông. Hồ Quý Ly bẩm sinh là một con người thích phiêu lưu, ưa mạo hiểm và luôn có nhu cầu muốn thay đổi tình thế Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân (tr 534) là điều mà ông hằng tâm đắc. Trò chơi giữ lửa trong hang với quận chúa Huy Ninh thuở nhỏ và truyền thuyết dân gian về con cáo đen có 9 đuôi đã sống trong hang hàng ngàn năm hóa thành yêu quái có thể biến hóa vạn cách thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Sau đó đẻ được 9 con, 8 con và mẹ nó đã bị Long quân giết chết chỉ còn một con duy nhất chạy thoát về Diễn Châu và Hồ Quý Ly là cháu của con cáo đó (tr 56) đã phần nào nói lên tính cách không bình thường về nguồn gốc xuất thân của con người này.

Qua tác phẩm ta thấy ông ngoài quan hoạn Nguyễn Cẩn là kẻ duy nhất trung thành với Hồ Quý Ly và được ông ân sủng, còn lại tất cả từ Hoàng đế, Thái Thượng hoàng, đến các hoàng thân, quốc thích của nhà Trần; từ vợ con, cháu chắt cả nội lẫn ngoại đến anh em họ hàng, kết nghĩa; từ các sư sãi đến nhà chép sử; từ các người thầy dạy chữ và dạy võ đến các học trò... đều sớm muộn nằm trong tầm giáo trừng phạt của ông. Chỉ có khác là mỗi người chết theo một cách, tùy thuộc vào quan hệ thân sơ, tước vị và khả năng ngăn cản của họ đối với tham vọng cá nhân của ông. Và tình thế lịch sử lúc bấy giờ càng như đổ thêm dầu vào đám lửa ở một con người có tính khí thất thường, giàu tham vọng đổi mới và đầy mặc cảm ngoại tộc đã bùng cháy, khiến ông càng đẩy nhanh quá trình canh tân bao nhiêu, thì càng lún sâu vào chém giết bấy nhiêu. Điều đó làm cho nhiều người dễ có những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về ông: Người đời bảo ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng (tr 524). Còn nhà chép sử Văn Hoa lại cho rằng: Chí của cha con họ thật rõ ràng như vậy. Một người thì muốn làm mây làm mưa để thấm nhuần cho toàn thiên hạ. Một người ngày từ lúc trẻ đã dự định làm rường cột cho nước non (tr 538). Nhưng ở một chỗ khác khi Thượng tướng Trần Khát Chân giao cho Văn Hoa viết một cuốn sách về Hồ Quý Ly thì nhà chép sử lại nói: Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan... ông ta là một người dám trên đầu chẳng có ai (tr 661)

Cùng với những cải cách về kinh tế, chính trị, Hồ Quý Ly còn là người đầu tiên trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam chủ trương dùng tiền giấy thay tiền đồng. Tiền đồng đã được sử dụng từ lâu và trở thành một thói quen trong đời sống dân sinh. Thay đổi nó tức là thay đổi một tập quán lâu đời, mà trước đó chưa một vị vua nào dám làm, ngoài Hồ Quý Ly ra. Vì thế dễ bị mọi người phản đối. Một chủ trương nữa mang tính cải cách rõ rệt là từ khi Hồ Quý Ly giữ chức quan Thái sư ông đã đệ trình với nhà vua đặt chức liêm phóng sứ để dò la những kẻ tham nhũng chống đối (tr 307) và làm sổ hộ khẩu để biết thực lực số người trong nước (tr.136) vì ông đã quan niệm rằng: Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình (tr 559). Những việc là đó thể hiện Hồ Quý Ly là người khá mới mẻ và táo bạo. Trong khi ông chỉ là một quan ngoại thích nhà Trần mà vẫn muốn làm người nước Nam đầu tiên dám xem xét lại đức Khổng Phu tử (tr 484).

Nhưng chính những chính sách cách tân đó đã gây cho ông bao phen lao đao trong khi trên danh nghĩa ông chỉ là một người giúp việc cho Hoàng thượng. Hồ Quý Ly đã phạm và chính danh nên kẻ sỹ trong nước nhao nhao phản đối. Lại cũng vì muốn nhanh nên chính sách thay đổi trong khi người dân đen chỉ muốn ăn no ngủ kỹ (tr 486) Thật khó có thể biết được rằng đó là sự nhìn xa trông rộng của một người đầy mưu lược như Hồ Quý Ly, là một chủ trương cải cách xã hội hay là sự thúc ép của những tham vọng quyền lực trong con người ông chi phối. Những chính sách mới ấy luôn là con dao hai lưỡi mà bản thân Hồ Quý Ly lại luôn tin rằng mình đã nắm được phần chuôi dao. Hồ Quý Ly càng chủ động ra sức cải cách bao nhiêu thì ông càng biến mình trở thành kẻ chống lại tôn thất nhà Trần bấy nhiêu. Càng tìm cách chống lại tôn thất nhà Trần ông càng bị cô lập, và những người như ông, nỗi cô đơn là bạn đồng hành (tr 571). Càng cô lập và cô đơn, ông lại càng phải tiến thêm những bước mới trong việc trừng phạt kẻ thù. Càng chống lại kẻ thù thì càng đẩy nhanh công cuộc cải cách.

Có thể nói ở chỗ sâu xa nhất Hồ Quý Ly là hiện thân của một con người chứa đầy mâu thuẫn và những bi kịch cá nhân và thời đại. Ông càng ra sức gỡ thì tình thế càng trở nên rối thêm, càng rối lại càng ra sức để gỡ. Cứ thế trong cái vòng luẩn quẩn đó, Hồ Quý Ly đã có lúc rơi vào trạng thái hư vô trống rỗng, nên ông muốn làm một cái gì đó để thoát khỏi sự ám ảnh của nỗi cô đơn đến cùng cực trong lòng một kẻ ngoại thích. Hồ Quý Ly đã biết cách hay nói đúng hơn là bằng mọi cách, dù cho nó có tàn bạo, nhẫn tâm đến mấy ông cũng kiên quyết giành cho bằng được quyền lực từ tay nhà Trần. Và ông đã làm được điều đó, mà nhiều người cho rằng ông đã tiếm vị nhà Trần. Âu đấy cũng là cái giá đáng phải trả cho một cuộc hóa sinh của một người giàu tham vọng thích đổi thay, nhưng trên danh nghĩa lại chưa phải là một người hoàn toàn có quyền lực. Xét cho cùng từ cổ chí kim, từ đông sang tây có cuộc chiến nào không đẫm máu, nhất là cuộc chiến tranh giành ngôi báu và quyền lực. Bởi vì: Hỡi ôi! Kẻ làm quan làm vua có thể chẳng ác nhưng phải làm ác. Cái ác gắn với vua quan. Cái ác làm món ăn của vua quan. Cái ác là đôi cánh của vua quan. Thiếu cái ác một ngày ngai vàng buồn rầu. Thiếu cái ác vài tuần trăng ngai vàng rung rinh. Thiếu cái ác một năm ngai vàng sụp đổ. Cái ác là nguồn sống của vua quan. Điều đó đã ghi rành rành trong sử sách (tr 723) Thanh trừng phe cánh đối lập không bằng sự thuyết phục của các ý tưởng mới mẻ và táo bạo, mà bằng sự chém giết lẫn nhau để dẫn đến cảnh nồi da nấu thịt mà Hồ Quý Ly đã áp dụng thực sự cũng là cái cách mà xưa nay các triều đại phong kiến phương Đông vẫn hay làm. Vậy là ông càng ra sức canh tân bao nhiêu thì ông càng thủ cựu bấy nhiêu, càng dân chủ bao nhiêu thì càng độc tài bấy nhiêu. Xét đến cùng canh tân hay thủ cựu, dân chủ hay độc tài chỉ là tương đối và không có ranh giới thật rõ ràng. Nó giống như điểm đầu và điểm cuối của một đường tròn trong quá trình vận động của những quy luật lịch sử.

Qua Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh không chỉ mang đến cho thể loại tiểu thuyết lịch sử một sinh khí, nâng vị thế của nó lên một tầm cao mới về nội dung đề tài, chủ đề, kết cấu tác phẩm, cách xây dựng tính cách nhân vật và hình thức thể hiện. Nhưng theo tôi với tiểu thuyết này Nguyễn Xuân Khánh đã giải quyết một cách căn bản và khá dứt khoát rằng tiểu thuyết lịch sử cao hơn biên niên sử vì nó hoàn toàn có khả năng vươn ra và vượt lên trên những sự kiện lịch sử bởi khả năng lựa chọn các sự kiện lịch sử để hư cấu và miêu tả, thông qua việc thổi vào đó luồng xúc cảm thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo, làm cho các sự kiện ấy trở nên sinh động hơn, gây hứng thú cho bạn đọc. Từ đó bạn đọc có thể nhận thức sâu hơn về bản chất của quá trình vận động lịch sử, tự rút ra cho mình những bài học bổ ích và lý thú. Điều này biên niên sử rất khó có thể đạt tới và không phải ai cũng làm được như Nguyễn Xuân Khánh.

8/2.000
Đ.N.Y
(140/10-00)




Các bài mới
Các bài đã đăng