Tác giả-tác phẩm
Cõi lòng người lính
16:38 | 18/08/2008
YÊN CHÂU(Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:                “Những lo toan năm tháng đời thường                Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

Những người sống được chăng hay chớ sống, nước chảy bèo trôi không thể có được tâm trạng dằn vặt cho “Khát vọng” của mình đến vậy. Tôi gấp sách lại; đoán xem đường đi của tác giả trong tập thơ này. Anh vốn là một người đã có ít thơ đăng trên tạp chí Sông Hương của Huế chúng tôi. Nhưng chưa có một câu tâm trạng nào viết thành thơ hay thế.
Mở sách đọc tiếp, bài “Cao thấp”, vẫn tâm trạng thăm thẳm ấy:
            “Bây giờ
            Chúng mình lớn lên
            Những trang đời
            Up mở..
Những đồng tiền
Sâp ngửa
Đỏ đen...”
Tôi có cảm giác bão tố đang cuồn cuộn trong Kiều Anh Hương.
Đến bài thứ ba “Tặng em gái tên Ngọc Hà”
            “Bài thơ nào viết cho mẹ và em
            Lời chân thật bỗng trở thành xa lạ
            Cuộc sống cứ ù à ù ập...”
Lắng lại phút chốc, tôi bỗng nhận ra đây đúng là con người cần thiết của cuộc đời này, của hôm nay, của cuộc sống đầy biến động đang vây quanh chúng ta từng ngày. Người không có trách nhiệm với cuộc sống có kẻ thì thở than, có kẻ thì quay mặt, có kẻ phát khùng chửi bới, cũng có cả kẻ bi quan, yếm thế nữa. Nhưng Kiều Anh Hương dám đối mặt. Đối mặt bằng chính thơ của mình.
Khi biết Kiều Anh Hương vốn là người lính trận mạc đã đánh Mỹ ở A Lưới, Tà Cơn, Động Tranh và ngay cả ở Huế nữa thì tôi yên lòng. Chỉ có người lính thực thụ, đã dám sống xả thân, sống cho một khát vọng, bây giờ đứng trước “đỏ đen” mới vật vã mình đến vậy.
Tôi gỡ rối bằng cách lần tìm đầu mối của Kiều Anh Hương. Rất may tôi đã gặp.
Anh đã giải thích cái lẽ cầm súng của mình:
            “Tháng giêng tháng hai
            Cái mủng rách mẹ mòn tay
            Qua nhà người mượn vay cầm cố
            Em đói lăn khóc lả trên nôi
            Cha thì lo ngược rừng
            Kiếm củi kịp về chợ chiều đổi sắn”
Sự cơ cực là điểm xuất phát vùng lên của dân tộc này. Phải thấm nỗi đau, nỗi nhục hai triệu rưỡi người chết đói năm 1945 mới hiểu nỗi khát khao “Độc lập”. Thế hệ đàn anh của chúng tôi cũng lên đường cùng một cảnh ngộ: “Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” chỉ có cách giải thích ấy mới hiểu cội nguồn được cái lẽ: “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” vì “ta yêu sao làng quê non nước này”. Cái quê hương của những người cầm súng chúng tôi có một tên gọi đầy hãnh diện: “Việt ”. Điều đó cũng lý giải được vì sao khi chúng tôi đã đi trong hàng ngũ cách mạng thì coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Những người không cùng thời khó hiểu được “Ngày hội của cách mạng” là như thế nào. Kiều Anh Hương đã nói rất đúng tâm trạng của chúng tôi, của thế hệ chúng tôi thời ấy, thời khát vọng tự do đã gặp được chân lý:
            “Họ đã sống một thời sáng choang quả cảm
            Không sợ đói nghèo
            Chỉ sợ không được đi đánh giặc”.
                                               
(Nhớ một thời)
Đội ngũ những người lính đúng là “Người người, lớp lớp”. Dù hoàn cảnh nào dáng đi của họ vẫn hiên ngang.
            “Quãng đời quàng vai súng
            Chân dép lốp lội rừng
            Lưng cõng đầy gió núi”
                                               
(Thấy lại tuổi hai mươi)
Đó là một dòng thác hăm hở, dòng thác xuyên rừng, băng qua mọi gian lao:
            “Mồ hôi đẫm ướt ba lô
            Súng quàng vai lá nhấp nhô điệp trùng”
                                               
(Ở rừng)
Song nói tới người lính là phải nói tới súng đạn. Chính ở chỗ đó mới là nơi đích thực thử thách khát vọng của mình. Mới là nơi đủ chứng cớ để nói rằng đâu là “dạ sắt gan vàng”. Kiều Anh Hương tả “Cái hầm trên đèo” của mình trong tư thế người lính ấy:
            “Sáng sáng mưa bom
            Chiều chiều bão đạn
            Đêm đêm pháo sáng
            Hầm vẫn bám đường”
Và rồi ở điểm chốt “Tà Lương” chỉ cách Huế chừng ba chục cây số thao thức chờ từng đợt bom dội trên đầu, không biết liệu mình có sống qua được sau trận bom tiếp theo.
            “Tà Lương một ngày không tính bằng một ngày
            Chỉ được tính bằng những lần đang thức
            B52 không chia thành khoảng cách”
Có chờ bom B52 trong đêm mới hiểu mỗi giây trôi qua nặng nề đến thế nào.
Nhân cách người lính là ở chỗ đó, dám đối mặt với bom đạn. Nói một cách khác là không sợ chết. Tức là dũng cảm. Người Quảng Trị đã tổng kết: Mỗi người dân Vĩnh Linh, mỗi người chịu bình quân 7 tấn bom đạn trên đầu. Chiến trường Huế cũng không thua gì chiến trường Quảng Trị đâu. Nghiệt ngã vô cùng, không chỉ bom đạn nghiệt ngã, mà cả miếng ăn cũng nghiệt ngã. Có lá thư của anh em viết ra, suốt bảy ngày không có cơm để dán phong bì. Có người chết vì đói quá ăn phải quả độc. Phải ở chiến trường mới hiểu thế nào là bom đạn, đói khát. Có lúc trong mặt trận Thừa Thiên, nơi mà Kiều Anh Hương đã sống, chúng tôi đã tâm sự thật với nhau rằng: nếu ai sống ba năm, kiểu sống của người lính chúng tôi ở đất Thừa Thiên đói cơm, đói đạn nhường ấy đã xứng đáng là anh hùng rồi. Sống kề bên cái chết như thế, súng đạn dạy con người ta lòng nhân ái. Những kỷ niệm năm tháng nặng lòng đã cho Kiều Anh Hương những tứ thơ thật hay:
            “Chỉ có trái tim bạn bè
            Mới nhận ra nhau
            Giữa cuộc đời thường”
                                   
(Cao thấp)
Tôi tin rằng người lính, vâng người lính, đã trả giá cuộc đời bằng máu xương mình nên họ bao giờ cũng nhân ái. Tôi rất đồng ý với Kiều Anh Hương khi anh nói:
            “Tấm màn lính quây tròn kỷ niệm
            Vẫn phồng căng hơi thở bốn phương trời”
Tôi dám nói vậy, vì tôi đã đọc ở đâu câu thơ này: “Từ khi gắn ngôi sao vàng trên mũ, ta đã là con của vạn nhà”. Chính người chiến sĩ Việt là người có hạnh phúc nhất, vì đi đến đâu họ cũng có “Người mẹ”. Bất cứ người mẹ Việt nào cũng gọi các anh bộ đội là “Con”. Có chuyện thật này: anh bộ đội trong hầm bí mật. Mỹ nguỵ tới, bắt bà mẹ tra khảo. Lấy tôn quấn quanh bà, dùng rơm đốt nóng dần, nóng dần, mẹ vẫn không khai. Cuối cùng mẹ chết. Người chiến sĩ lên hầm, mở tôn ra, da thịt mẹ dính vào tôn. Anh bất giác oà khóc và gọi: “Mẹ ơi!”
Không có tình cảm ấy, Kiều Anh Hương không thể có được những câu nghĩ về bạn bè mình sâu nặng đến như thế, dù lúc đó anh đã ngồi trên ghế trường Đại học:
            “Biết giờ này bạn ở nơi nào
            Rừng biên giới hay sóng xô hải đảo
            Mảnh trăng cuối tuần còn bên sườn núi
            Cánh võng phập phồng... giấc ngủ có ngon không?”
                                               
            (Đêm ký túc xá)
Kiều Anh Hương gắn bó lòng mình với đồng đội như thế đấy.
Và phải thật là người lính anh mới nhìn Tổ quốc mình một cách hết sức rạch ròi. Đau đấy, có lúc thật đau. Nhưng bình tĩnh. Chả thế mà chỉ trong một bài thơ, hai khổ thơ để cạnh nhau, anh đã thấy ở Tổ quốc mình dáng vươn vai đứng dậy hào hùng, dẫu mới 25 năm.
            “Tấm huân chương
            Năm một chín bảy lăm
            Không đổi được áo cơm cho con thời hậu chiến
            Năm 2000 đến thật kia rồi
            Con chợt thấy ngực cha lấp lánh
            Tấm huân chương cuộc đời
            Được tô lại bằng mồ hôi nước mắt
            Bằng trái tim kiêu hãnh làm người
Tôi hiểu hình tượng “Cha” trong thơ Kiều Anh Hương là Tổ quốc.
Vậy Tổ quốc chúng ta kiêu hãnh làm sao. Đọc ba câu đầu, tôi giật mình. Đọc tiếp năm câu sau; tôi trút một hơi thở dài, khoan khoái, như trút được một gánh nặng.
Kiều Anh Hương rất giản dị giải thích những trạng thái tâm hồn mình, có lý, có tình:
            Một chút hương hoa thôi
            Cũng ấm nồng bao thương nhớ”
Đọc thơ Hương, quả thật như tôi được sống lại tuổi hai mươi của đời mình. Chúng tôi được sống hôm nay đã là may lắm. Đại đội tôi 155 đứa. Bây giờ còn 39 đứa đây. Càng nhớ thương bạn càng hiểu cuộc đời. Sự cảm thông ấy giúp cho tôi gặp Hương ở cái mối hàn nối hiện tại bây giờ với quá khứ ngày xưa:
            “Tôi thắp lên thơ tôi một nén trầm
            Để nhớ về bao đồng đội”
Thơ Kiều Anh Hương là một tấm lòng người lính T rị Thiên.
22/12/2001
Y.C

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 


---------------------------------------
(*) N.X.B.Hội Nhà văn.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)