Tác giả-tác phẩm
“Sông dài như kiếm” những kỷ niệm yêu thương một thời chiến tranh
15:22 | 20/08/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊNhà văn Nguyễn Quang Hà, trong lời bạt cuốn tiểu thuyết mượn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát (“Trường giang như kiếm lập thiên thanh”) làm nhan đề, đã xem đây là “những kỷ niệm đầy yêu thương suốt dọc đường chiến tranh” của mình.

Có lẽ ít có cuốn tiểu thuyết nào từ khi tác giả khởi thảo tới lúc sách ra mắt bạn đọc lại nhanh đến thế! Bản thảo viết xong ngày 27/6/2001 thì tháng 11/2001 đã có sách nộp lưu chiểu. Một cuốn sách dày 524 trang khổ 14,5x20,5 chữ nhỏ dày tít, cầm nặng cả hai tay chứ đâu có ít ỏi gì! Đây là một trong 8 tác phẩm đầu tiên “Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca và viết hồi ký về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (2001-2004)” được Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Chưa bàn đến chất lượng tác phẩm, chỉ riêng số trang dày dặn và “tốc độ” vưà kể đã chứng tỏ sức lao động đáng nể và cách chọn đề tài rất “trúng” yêu cầu công tác chính trị tư tưởng hiện nay của tác giả.
“Sông dài như kiếm”(SDNK) chủ yếu dựa trên bối cảnh chiến trường Thừa Thiên-Huế trong giai đoạn gay go sau chiến dịch Mậu Thân 1968 với nhân vật chính là Phan Hưng - một “cột trụ” của phong trào sinh viên Huế, sau khi bị địch truy nã, đã lên rừng, trải qua không biết bao nhiêu là thử thách để rồi trở thành người tiểu đoàn trưởng một đơn vị anh hùng. Cách lựa chọn “lý lịch” nhân vật và bối cảnh của tiểu thuyết đã cho phép tác giả tái hiện được những sự kiện có tính tiêu biểu của một chiến trường quan trọng: phong trào đấu tranh nổi tiếng của sinh viên Huế, cuộc chiến đấu khốc liệt giành dân, diệt ác ôn, xây dựng cơ sở cách mạng, cuộc sống muôn vẻ ở chiến khu và những trận đánh xuất sắc của quân chủ lực... Với thế mạnh là “người trong cuộc” - Nguyễn Quang Hà từng là một người lính, từng “nằm gai nếm mật” tại chiến trường Thừa Thiên-Huế trong nhiều năm - các trận đánh trong SDNK đã được miêu tả một cách sống động, thể hiện tinh thần dũng cảm và sáng tạo tuyệt vời của quân đội ta. Mặc dầu tác giả không trực tiếp hoạt động trong phong trào đô thị, nhưng nhờ có dịp được tiếp xúc, được sống cùng nhiều nhân vật chủ yếu của “phong trào” trong những năm qua và nhờ nguồn sống gián tiếp (qua sách vở, thơ ca...), phần đầu của tiểu thuyết đã dựng lại khá sinh động cuộc đấu tranh của sinh viên Huế với nhân vật chính là Phan Hưng - chủ bút tờ “Tiếng gọi sinh viên” và các bạn thân thiết của anh như Hoàng Lan, Lê Phùng, Hoàng Dũng, Ý Thảo... Tiếc rằng, không khí những trang viết này tạo nên cùng những mối quan hệ giữa các nhân vật trẻ tuổi này hầu như kết thúc ngay khi Hưng bị địch truy lùng phải lên rừng. Riêng Hoàng Lan, người yêu của Hưng, về sau cũng lên rừng và gặp lại Hưng, nhưng cuộc tái ngộ ngắn ngủi của đôi trai tài gái sắc này, với “đỉnh điểm” là cảnh “tắm chung” dưới ngọn thác vô danh giữa Trường Sơn, chỉ là cái cớ để những kẻ đố kỵ làm hại Hưng, chứ không đủ sức làm “sống lại” các nhân vật của phong trào sinh viên Huế và gắn kết họ với những nhân vật và sự kiện chủ yếu của tiểu thuyết. Giá như mối quan hệ Phan Hưng-Hoàng Lan, cặp nhân vật có những vẻ đẹp tiêu biểu cho tuổi trẻ Huế được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, trở thành linh hồn và xương sống của tác phẩm thì tiểu thuyết sẽ có kết cấu chặt chẽ hơn và có sức nặng hơn. Cũng có lẽ do tác giả không có ý định thể hiện sâu sắc và đầy đủ số phận loại nhân vật này cùng cuộc đấu tranh ở đô thị. Anh chỉ “mượn” nhân vật trí thức ở đô thị đem cọ xát với nhiều loại nhân vật khác trong cuộc chiến đấu khốc liệt, phức tạp địch-ta và cả trong tổ chức cách mạng, để làm bật nổi vấn đề. Quả là phần lớn số trang của tiểu thuyết đã dành miêu tả số phận long đong của Hưng. Anh lên rừng trong một hoàn cảnh éo le: Hiệp Vũ, thành uỷ viên - người trực tiếp chỉ đạo phong trào sinh viên, người duy nhất có uy tín “làm chứng” cho quá trình hoạt động ở đô thị của anh - bị địch giết hại. Vậy biết đâu Hưng là do CIA cài vào! Cái nghi án không hề có bằng chứng này đeo đẳng gần suốt chặng đường chiến đấu của anh: từ Ban dân vận chuyển sang đơn vị vận tải, rồi bị đẩy đi “trại sản xuất” và xuýt bị một “quan cách mạng” biến chất âm mưu thủ tiêu... Chính Lê Việt, người chiến sĩ an ninh đưa anh lên rừng, đã giải thoát cho anh. Với “mô-típ” gần như trong truyện cổ tích, cứ mỗi lúc gặp hiểm nguy do kẻ Ác gây ra, Hưng lại được ông Thiện phù trợ. Ở Ban Dân vận là Bí thư Thanh niên Thanh Trúc, về Đội Vận tải thì có Dư và Sa, khi không còn chỗ dung thân lang thang trong rừng, xuýt lọt vào ổ biệt kích thì gặp được Lê Văn Sích, một chỉ huy tài năng của quân chủ lực... Đặc biệt may mắn, Hưng đã được gặp con người huyền thoại Thân Trọng Một. Với tấm lòng độ lượng, với con mắt tinh tường của một nhà lãnh đạo từng trải, ông đã đón nhận Hưng như là một nhân tài. Cùng với Thân trọng Một, các nhân vật quần chúng bình thường như cô Bé cấp dưỡng ở Trạm trực Ban Dân vận, cô giao liên An Châu, những bà mẹ thầm lặng ủng hộ cách mạng ngay dưới nanh vuốt kẻ thù và cả người cha già cùng cô em gái của Hưng, được tác giả thể hiện bằng những trang viết sinh động với lòng ngưỡng mộ và tình yêu chân thật đã trở thành những “điểm sáng” của tiểu thuyết, cho dù họ chỉ xuất hiện như một ánh sao băng.
Với sự “dàn quân” như thế, tác giả đã có điều kiện gửi gắm những ý tưởng, những điều chiêm nghiệm từ điểm nhìn hôm nay, khi cuộc chiến tranh đã kết thúc gần ba chục năm. Đó là mối nguy hại khi những kẻ cơ hội, đố kỵ, bè phái giỏi nịnh bợ và khéo nấp ô dù chiếm được chỗ ngồi quan trọng trong tổ chức cách mạng, là bài học về dân chủ và thái độ tôn trọng nhân tài của người lãnh đạo... Vì thế, tuy những sự kiện diễn ra trong SDNK đã xảy ra cách đây ba thập kỷ, nhiều trang viết vẫn nóng bỏng tính thời sự. Có điều, người đọc hẳn là không khỏi phân vân trước một nhân vật bất tài, xấu xa nhiều mặt như Phú Nhuận lại có đất sống giữa cuộc chiến gian khổ và leo lên được chức Bí thư Huyện uỷ. (Đã đành, về sau, y đã bị vạch mặt, bị cách chức.) Vì tác giả sốt sắng muốn cảnh báo những tệ nạn trong đời sống xã hội hiện nay mà tô đậm nhân vật, hay cuộc sống vốn đầy cạm bẫy, phức tạp khiến con người thiếu bản lĩnh có thể tha hoá đến như vậy?
Chắc là để “tự vệ” trước lối phê bình tác phẩm văn nghệ thô thiển đem nhân vật, sự kiện trong sách đối chiếu với sự thật ở nơi này, nơi kia, nên trong “Lời bạt”, tác giả đã “xin không suy diễn”. Điều đó là rất cần thiết, nhưng mặt khác, nếu như trang viết thật sự có sức thuyết phục thì chẳng ngại gì sự “suy diễn”; khi đó, kẻ hay suy diễn chỉ làm trò cừơi cho thiên hạ mà thôi. Nhiều đoạn trong SDNK, nhất là đoạn kết, người đọc có cảm tưởng tác giả còn chạy theo chuyện, chứ chưa dụng công gọt rũa văn chương, chưa chú ý khắc hoạ tâm lý và tính cách nhân vật. Có thể tác giả muốn thể hiện nhịp điệu các cuộc hành quân và tính cách người lính qua tiết tấu câu chuyện và ngôn ngữ - câu văn trong SDNK thường gãy gọn, nhân vật thường nói “huỵch toẹt” ý nghĩ của mình; nhưng không phải chỗ nào cũng tạo được ấn tượng tốt. (Ví như khi Lan tỏ ý muốn xuống thác tắm, tác giả viết: “Tự nhiên Lan hứng lên...”; hoặc những câu có tính “đúc kết” cuối một đoạn văn thường không cần thiết và gây phản cảm: “Đó là một trong những hạnh phúc của người lính”; “Đó là biểu hiện một sự chăm sóc.”...)
Một tác phẩm không chỉ được ra mắt bạn đọc nhanh chóng mà còn được viết với một tốc độ “kỷ lục”(tác giả cho biết đã hoàn thành tác phẩm trong 2 tháng ngồi Trại viết Đà Lạt) nên chưa đạt đến độ hoàn mỹ là điều dễ hiểu. Tuy vậy, cần bổ sung thêm một chi tiết: Sau lần xuýt phải vĩnh biệt bạn bè vì căn bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Quang Hà đã nhiều lần nói: “Làm được cái gì hay cái ấy, chứ mình chưa biết chết lúc nào đây!”
Thế nên chúng ta càng trân trọng những “cái” nhà văn đã làm được trong những năm tháng này, trong đó có tiểu thuyết “Sông dài như kiếm” vừa đến tay bạn đọc giữa những ngày xuân mới.

Trường An-Huế, những ngày đầu Xuân 2002
N.K.P.
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)