Tác giả-tác phẩm
Quan niệm về giới báo chí của Guy de Maupassant trong tác phẩm
16:18 | 26/08/2008
HƯƠNG LANGuy de Maupassant sinh ngày 5-8-1850 ở lâu đài xứ Normandie. Trong một gia đình quý tộc sa sút. Khi mà nước Pháp vừa trải qua cuộc đụng đầu lịch sử giữa giai cấp tư sản hãy còn nhức nhối những vết thương thất bại của cuộc cách mạng năm 1848.
Quan niệm về giới báo chí của Guy de Maupassant trong tác phẩm

Vào những ngày nước sôi lửa bỏng đó, không có một dấu hiệu gì chứng tỏ rằng sau hai mươi năm cậu bé Guy De Maupassant (cái tên mà người ta đặt chỉ để nhớ rằng cậu thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời xứ Normandie) sẽ trở thành một nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng của nước Pháp và của cả nhân loại. Lớn lên vào thời Louis Bonaparte, tức hoàng đế Napoléon III, một kẻ luôn bộc lộ tính chất phản động trong tính chất đối nội và đối ngoại của mình. Trong nước, chính sách bần cùng hoá đã đẩy nhân dân lao động đến nước bần cùng, đối nghịch với cảnh ăn chơi trác táng của giai cấp thống trị, của tầng lớp thượng lưu Pháp. Đối với Guy De Maupassant, chiến tranh như một cơn ác mộng chết chóc. Ở đó, có lòng dũng cảm của những người bình thường yêu nước  - ông ca ngợi họ; và ông nguyền rủa sự hèn nhát, đê tiện của tầng lớp thượng lưu. Với quan niệm nghệ thuật, bằng đôi mắt nhà nghề các tác phẩm của ông tuần tự được xuất bản và ông nhanh chóng trở thành nhà văn hợp thời rồi nổi tiếng. Với tiểu thuyết “Anh bạn đẹp”. Guy De Maupassant đã tái hiện sinh động xã hội tư sản Pháp thế kỷ 19 qua hình tượng nhân vật Duroa đã chỉ ra căn bệnh của xã hội đương thời, bệnh sùng bái đồng tiền một cách mù quáng.
Giorgiơ Duroa -  một con người không nhân danh một cái gì chung rộng lớn, chỉ lấy dũng cảm riêng tư của mình làm động cơ thúc đẩy hành động. Trong tâm hồn Đuroa là một tập rỗng không một lý tưởng, không một ước mơ theo đúng nghĩa làm trai. Kiêu hãnh theo thói hoan lạc vô bổ, tự hào về khuôn mặt đẹp trai của mình, coi đó là một danh dự cao quý, hiếm hoi không mấy ai có được. Nhưng điều đáng nói ở đây là nhân cách nhân vật này được xây dựng trong giới báo chí, một công việc dành cho những con người với nghề nghiệp cao cả. Guy De Maupassant đã không kê ra đơn thuốc chữa trị căn bệnh ấy, nhưng khiến người ta kính phục mình ở chỗ đã nhìn thấy động lực gây ra hành động của con người trong sự đấu tranh giữa những lợi ích vật chất, cái động lực sẽ đẩy xã hội tới chỗ diệt vong. Mượn hình ảnh một cây tầm gửi Đuroa để nói lên cả một xã hội thối tha. Nếu xã hội không tạo cơ hội thì họ cũng không thể làm được những việc xấu xa đó, với Đuroa của Guy De Maupassant, sinh ra đã mang bản chất lười biếng nhưng lại muốn sống cuộc sống xa hoa. Từ một anh chàng công nhân đường sắt với lương tháng 1500 Frăng đã nghiễm nhiên trở thành nhà báo, khi mà y không hiểu gì về viết lách. Hai đồng tiền vàng chuẩn bị trang phục của Forextie đưa cho là hành trang bước vào làng báo của y, bước kế tiếp không phải là sách vở để y tập luyện mà y cần phải nhuần nhuyễn trong tác phong giao tiếp như:
- Thưa chị, chị có đôi hoa tai đẹp chưa tùng thấy.
- ... Nhưng cái tai cũng làm tôn lên giá trị của nó
Vinh quang tột đỉnh đã đến với Đuroa, một địa vị xã hội với rất nhiều hứa hẹn “Nghị viện chẳng hạn”. Đó là nhờ y có năm người đàn bà như những con ngựa trạm mà Đuroa đã bỏ lại dọc đường tiến thân.
Gói gọn trong một tác phẩm Maupassant tập trung thể hiện thái độ về những con người đang hành  nghề báo chí và tờ Đời sống Pháp. Có thể nói chân dung người làm báo hiện lên trong tác phẩm này rõ rệt hơn bao giờ hết, đông đảo mỗi người một dáng vẻ, một tính cách; nhưng họ đều chung một bản chất là sự suy đồi về đạo đức của những kẻ bất tài... Như việc ông giám đốc có vẻ quan tâm đến những quân bài hơn việc nhận hay thay đổi một nhân viên và công việc:
“Lão Vante cầm các quân bài, chơi hết sức chăm chú với những động tác hết sức ranh ma, trong khi đối thủ của ông hạ xuống, nhấc lên, điều khiển các quân bài bằng bìa cứng nhẹ tô màu một cách uyển chuyển, khéo léo và duyên dáng của tay chơi thành thạo. Norbe de Varent ngồi viết bài báo trong chiếc ghế bành của lão giám đốc, còn Jac Rivan thì nằm dài nhắm mắt trên ghế đivăng, hút xì gà”
Ông ta cần một bài báo,  ông đưa yêu cầu một nhân viên của mình là Forextie phải làm điều đó. Người hùng này đã nhân cơ hội để giúp đỡ bạn mình là Đuroa. Và bài báo đã có Đuroa được nhận vào làm việc khi mà ông giám đốc mới của anh ta vẫn chưa biết anh ta là ai. Và thế là xem như Đuroa đã được sinh ra hợp thời, cơ hội cứ dần dà đến với hắn. Từ việc bắt cóc con gái De Vante, rồi khống chế cả gia đình ông ta cũng như xỏ mũi vợ ông. Vậy là cái kẻ hai lần thi trượt tú tài đã một bước trở thành nhà báo rồi cướp được vợ con và cả địa vị của một ông giám đốc. Những nhân vật mà Guy De Maupassant xây dựng không ai là không tôn trọng đồng tiền, nên cái đau mà ông muốn nói không phải là cái đau của De Vante mà chính là cái đau của xã hội đương thời, một xã hội có những nhà báo như thế, những tổng biên tập như thế, những thượng nghị viện như thế. Tờ Đời sống Pháp không phải là nơi để nói về đời sống của người Pháp mà đó là nơi để những con người đó kiếm tiền, ăn chơi, thoả mãn những lạc thú cho nhau. Ở xã hội đó không có tình yêu chân thật, ở xã hội đó không có sự giúp đỡ chân thành cho nhau và cũng không có những con người thật sự xứng đáng với địa vị mà họ mang. Họ sống để lừa bịp, lợi dụng lẫn nhau.
Và Guy De Maupassant đã từng khóc cho sự tan vỡ không thể nào tránh khỏi của đạo đức con người. Hoặc ông đã từng than thở cho sự tan vỡ trước những cám dỗ của vật chất, của xác thịt. Tình trạng nhìn cái ác, cái xấu đang xâm nhập tổ ấm gia đình đến mức thừa nhận nó như một hiện tượng đang lên trong xã hội, như một cái mốt thời thượng được thể hiện ở chân dung ông chủ De Vante. Trong tờ Đời sống Pháp còn có một Ferextie, một nhân vật điển hình, một con người bạc nhược, một nhà báo bất tài. Những gì hắn có được, những gì hắn thành đạt là nhờ vào sự bán thân của vợ hắn là nàng Madơlen -  người đã đứng đằng sau viết những bài báo xây dựng cho y sự nghiệp, y có tiếng tăm, có tiền bạc và để y trở thành một nhà báo xứng đáng, được mọi người vị nể. Nhân vật nàng Mađơlen được tác giả xây dựng hết sức nhẹ nhàng nhưng lại là điểm mấu chốt của sự việc. Cả hai người chồng yêu quý, dốt nát của nàng, một kẻ bạc nhược, một kẻ láu cá, bịp bợm đều trở thành có danh tiếng nhờ vào vốn trời phú của nàng. Và tất cả họ thoả mãn với điều ấy, mọi cái đều đã được mặc cả. Và những con người như Đuroa sẽ cảm thấy thế nào với những gì họ đang có và đang làm:
“Đuroa trỏ thành nổi tiếng trong các nhóm chính trị. Y cảm thấy ảnh hưởng của mình lớn lên qua những cái xiết tay và cách ngả mũ chào cung kính của mọi người. Ngoài ra vợ y còn làm cho y sững sờ thán phục về đầu óc khôn khéo, thu nhập tin tức tài tình và sự quen biết rộng của nàng”
Từ điểm nghệ thuật của Guy De Maupassant, thế giới những người làm báo thể hiện lên đông đảo. Mỗi người một dáng vẻ, một tính cách. Được ông bóc trần một cách tài tình bản chất lưu manh của những ngài nghệ sĩ tư bản, những kẻ mà trên danh nghĩa là đại diện cho tiếng nói của quảng đại quần chúng ở nghị trường và trong chính phủ như: Larôs Maitiơ đã sử dụng chức danh nghệ sĩ của mình để phục vụ cho mục đích kinh doanh mờ ám, hoặc đứng sau tờ Đời sống Pháp giật dây điều khiển nó để dọn đường cho bước tiến thân trong lĩnh vực chính trị của mình.
H.L

(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng