Khói chiều lam, khói chiều lam/ Ngỡ hồn hoá khói, nhẹ tan giữa đời. Từ những câu thơ đẹp, mong manh như khói, nhẹ nhàng như nét bút trong tranh thuỷ mặc, là nỗi ám ảnh khôn nguôi về những gì đã mất. Có thể là một người bạn đã khuất: Hữu duyên mà vô ngộ/ Chợt đứt gánh nửa chừng/ Chỉ còn thơ sống mãi/ Suốt một đời bao dung... Có thể là một người yêu đã xa: Đã bao mùa cách biệt/ Ngồi nhớ lại tình xưa/ Người đi sao không hẹn/ Để hồn tôi ướt mưa... Có thể là chính tôi của ngày hôm qua: Vẽ tôi lên giấy trắng tinh/ Một khuôn mặt - Kẻ thất tình bao năm... Có thể là một điều gì đó miên man vô cùng, như những cảnh đời phù du mà dư âm còn dội lại trong ký ức: Chợt nghe trời đất giao hòa/ Nghe người thầm khóc. Nghe ta nực cười/ Nghe tuồng thiên hạ diễn chơi/ Nghe âm trống đánh. Nghe lời vỗ tay... Nỗi cảm hoài trước những biển dâu của đời người không làm thơ anh mất đi vẻ ngọt ngào đôn hậu. Tình người và đạo tâm là hai nguồn sáng êm đềm luôn rọi vào trong từng câu chữ, khiến nỗi hoài nhớ cuộc đời không chua xót sầu thương, mà luôn được hát lên trong tình yêu và niềm tin: Biết đời là cuộc vô thường Sao tim hòa nhịp vui buồn thế gian Bỗng nghe ai rót cung đàn Rót vào ta giọt bình an cõi người... Như cảm nhận được sự mong manh của kiếp người, Ngàn Thương luôn nâng niu những gì còn giữ được trong cuộc sống. Mỗi dòng thơ vì thế cũng như một ngọn nến giữa bóng chiều, với ngọn lửa khiêm nhường nhưng tận tụy sẵn lòng góp ánh sáng trong đêm. T.T.M
(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)
|