MỘT ĐỜI LAO LỰC - MỘT ĐỜI CÙNG CỰC -MỘT ĐỜI THƠ PHÙNG QUÁN - TÌNH YÊU -CHIẾN ĐẤU - VÀ SỰ VĨNH HẰNG Bắt đầu từ tình yêu quê hương nung nấu tâm hồn nhà thơ để đến với tình yêu em : ... Sáng chủ nhật. Hoàng đế mặt trời khoác long bào chói lọi hào quang, từ Tử Cấm Thành - biển Thuận An, xa giá lên vòm trời cổ tích Cố Đô. Ban nhạc cung đình chim sáo, chim cà cưỡng, chim sẻ, chim sâu... khắp các lùm cây trong thành phố ríu ran tấu nhạc. Con sông Hương tắm vàng nấu chảy... Sông Hương ơi ! Gió thổi chi nhiều rứa ? Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ Tôi ngồi... đá mọc thành thơ Ngóng về cửa Thuận... tôi chờ đò lên... Một đò lên... Hai đò lên... Ba đò lên... Mà tôi chẳng thấy bóng em trong đò... Bến sông đá tạc thành thơ Đá thơ ngơ ngẩn ngẩn ngơ đợi đò Một đò lên... Hai đò lên... Ba đò lên... (chương 8 Đợi đò) Trên vực thẳm vô cùng của hạnh phúc Tôi thấy mình đương đứng quá cheo leo... (chương 10 Trái bí xanh) Đối với Phùng Quán khi đã yêu hết mình anh trở thành "tội nghiệp" cái tội nghiệp đáng tôn vinh : ... Tôi biết em đâu phải Hằng Nga ngủ trong rừng? em có con phải nuôi có chồng phải bỏ em phải biết giá rau ngoài chợ... nhưng tôi vẫn quỳ xuống xin em ngay cả những phút nổi khùng em cũng đừng nói những lời chua chát em cũng đừng nói những lời cay độc... Rồi như để biện minh cho mình nhà thơ tự an ủi : ... tôi chỉ biết với riêng tôi em là mái nhà giữa đồng hoang, trên sa mạc cho tôi ẩn trốn những trận mưa xấu xa dung tục những trận mưa làm thối mục cuộc đời những trận mưa ngày càng nặng hạt !... Cũng có đôi lúc gã si-tình-bi-tráng-Phùng-Quán ấy vẫn mơ một giấc mơ hoang tưởng : Trái tim tôi như trái cây bị dập nát rụng xuống từ cành cao tình tuyệt vọng là ngọn sào chọc cho trái cây rụng xuống...
trái cây rụng vẫn mơ giấc mơ hoang tưởng may ra được gót chân em dẫm nát để trước khi tan vào bụi đất còn được hôn gót chân yêu... Yêu như kiểu của nhà thơ Phùng Quán thì chúng ta xin bái phục. Không biết các thế hệ mai sau có yêu như thế không? ... quá đau khổ tôi trở thành lì lợm tôi xin em bớt giận... nếu không được ngồi thì tôi xin đứng cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà nếu không được thở... tôi sẽ xin nín thở như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ tôi xuýt chết dưới đáy giếng làng vì mải lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên... Và khi Phùng Quán bị người yêu ruồng bỏ xua đuổi ta lại càng thấy yêu thêm Phùng Quán, bỗng nhiên cái mất lại hóa ra được. Cái tình yêu đơn phương lại hữu hiệu trong biểu trạng tính cách nhân vật. Cái tình yêu lì lợm ấy chỉ có trong bản thể của Phùng Quán mà thôi : ...em giận dữ la lên : - đứng trong xó nhà cũng không được đứng ! ... thì tôi ra đứng trước hiên... - đứng trước hiên cũng không được đứng ! ... thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ... - đứng ngoài ngõ cũng không được đứng ! ... thì tôi xin ra đứng đầu đàng Tôi nhìn vào khung cửa nhà em môi rát bỏng những lời yêu thương... Và cuộc đối thoại của tình yêu đến hồi quyết liệt ta tưởng chừng tan vỡ : - đứng đầu đường cũng không được đứng lời yêu thương cũng không được nói ! ... thì tôi xin chết... Tim ta như muốn ngừng đập và tưởng chừng như anh chàng thương binh đã từng là lính trinh sát của trung đoàn đã chọn nhầm đối tượng nên bị nhồi máu cơ tim có thể ngất đi, nhưng không ta lại nghe nhà thơ trỗi dậy nói :
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh............ Và như để khóa lại lời cam kết của mình nhà thơ thốt lên : dù hỏa táng dù chôn xuống chín tầng đất trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình ! Chưa hết, nhà thơ còn chưa để cho mối tình tan biến đi trong không gian và thời gian : nếu dại dột một sớm mai nào đó em bỗng bay mất tôi sẽ tan vào mưa Huế những ngày đông xối xả xuống tất cả những nơi nào em đã đặt chân ! Khi tình yêu đã mất nhà thơ chỉ biết lấy chén rượu để giải sầu và vắt kiệt sức lao động của mình để bù vào chén cơm manh áo. Nhà thơ đã viết ... cạn kiệt thơ giữa cuộc sống thị thành, tôi quyết định rời bỏ gia đình bạn hữu giữa cái tuổi ngoài 50, lên rừng tìm đào bới mạch thơ giữa thiên nhiên. Tôi đã sống một mình suốt ba năm (6-1981 đến 8-1984) trong cái lán lợp tranh lá mía, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu vùng đồi núi Thái Nguyên. Quanh ngôi lán mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh.Trước mặt lán là con suối Linh Nham. Mùa mưa lũ, nước đỏ ngầu phù sa cuốn theo củi rều lá mục, cây rừng trốc gốc, xác súc vật chết... cuồn cuộn dâng cao... Trong ba năm tôi đã ăn thịt được ba chục con hổ mang chì, giết chết vài chục con rắn lục, săn bắt vài chục con móc xiết - một loài chồn răng sắc như gươm sinh sống bằng thịt rắn - đốt phá hơn chục tổ ong lỗ... Tôi sống cùng với một con chó, một con heo, một bầy gà cùng sắn bắp rau lang ốc suối và tôm cá tự đánh bắt lấy. Trong ba năm chỉ có hai người bạn cũ từ Hà Nội lên thăm. Một giáo sư sử học và một nhà thơ. Gặp lúc ốm đau, tôi tự chữa bệnh với lá xông, rượu tự cất lấy bằng sắn và men lá, và tia cực tím của mặt trời. Tôi phải lên rừng Hái lá khổ sâm tự mình cất lấy ly rượu sống...
Ơi rượu khổ sâm đắng lắm ! đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian...
bạn hữu thân thiết ơi !
xin đừng trách cứ tôi sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng chỉ vì tôi vừa ngâm ngợi câu thơ vừa cạn chén rượu đời cất bằng lá khổ sâm... Nhưng rồi lá khổ sâm cũng không còn nữa, những con cá con cua cũng rời bỏ nhà thơ, những con rắn con cheo trong rừng cũng lẫn tránh nhà thơ... Sức tàn lực kiệt gót nhọc lòng đau, nhà thơ đành tìm về với mẹ - đó là đất Cố đô. Sông Hương mở lòng ra đón đứa con lưu lạc trở về : ... nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra trái-tim-thơ-trong-sạch và gương mặt Thơ-bi-thiết -của tôi... Đó là câu thơ đầu tiên khi gặp lại Huế tôi nức nở thành lời. Văn hữu và thi hữu quê nội hay tin tôi trở về đã quây quần săn sóc, đùm bọc chiêu đãi tôi. Văn hữu thi hữu quê tôi nghèo lắm, có lẽ nghèo nhất đất nước. Thế mà vẫn chiêu đãi tôi theo cung cách các vương hầu thời chiến quốc chiêu đãi bạn. Ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn. Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước. Tôi van các bạn rượu thì đắt mà các bạn thì nghèo, đừng cho tôi uống nữa! Các bạn gạt đi... Đất Cố đô bao giờ chịu mang tiếng Để một nhà thơ phải đói rượu giữa quê hương ! Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng thơ, ngất ngưởng say. Và tôi ngất ngưởng gặp nàng... Chết đi sống lại bâm dập bao lần thế mà mới hồi sức lại ngất ngưởng yêu. Yêu như thế thì đến trời cũng phải sợ. Người đọc cũng bật cười nhưng cười ra nước mắt. Năm 1950 Phùng Quán là chiến sĩ trinh sát của trung đoàn. Trong một trận chống càn ở chiến trường Bắc Thừa Thiên, tiểu đội trinh sát bị giặc bao vây tiêu diệt, chỉ còn một mình Phùng Quán may mắn sống sót, chân bị thương. Nửa đêm, từ giữa cánh đồng khô nẻ, anh bò vào làng tìm nước uống. Anh bị rơi xuống một con lạch sâu xâm xấp bùn. Anh vùi mặt vào bùn để dịu bớt cơn khát... Những câu thơ ập đến trong đầu, tưởng chừng như nó vọng lên từ lòng mẹ. Đất ru đứa con chiến sĩ vào giấc ngủ kiệt sức mất máu... ...ai yêu đất bằng tất cả cuộc đời mình sẽ được nghe đất hát... Đất ơi ! Con nguyền yêu người với tất cả máu xương với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi ! Trong trận công đồn diệt viện Phò Trạch Thừa Thiên, Phùng Quán đã viết quyết tâm thư bằng máu : nếu tôi chết xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả Hãy chôn tôi ngay chính nơi tôi đã ngã ! dù đồng xanh hay giữa núi đồi dù bãi lầy trảng cát xương rồng gai hay ngay bên rệ đường tôi nằm phục kích mà không ngày nào đinh giày và xích xe tăng địch không xéo dày lên phần mộ của tôi dù thế đi nữa các đồng chí ơi ! cũng đừng đưa tôi đi đâu hết cả hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã !
để mát dạ những người đã khuất người ta trồng cây đẹp rủ bóng lên nghĩa trang nhưng quanh mộ tôi xin đừng trồng bạch đàn liễu biếc hay thủy dương hãy trồng cho tôi một nghìn mũi chông nhọn hoắt mỗi mũi chông đều nhớ tẩm thứ thuốc độc mạnh nhất
viếng mộ tôi xin đừng đốt hương hãy đốt cho tôi ngọn lửa đốt đồn khắp cả quê hương đều ngó thấy soi sáng hết những nơi nào máu nhân dân đương chảy.
Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mình xin các đồng chí đừng do dự gì tất cả Hãy đào mộ tôi lên quẳng hài cốt tôi đi ! và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ !
xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả hãy chôn tôi nới chính tôi đã ngã ! (Di chúc chiến sĩ 1952) Chừng đó thôi đã quá đủ để ta hiểu về con người Phùng Quán, chưa kể đến Vượt Côn Đảo, Chống tham ô lãng phí, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Hôn, Lời mẹ dặn, Trường ca cây cà, Anh là ai và anh từ đâu đến, Tuổi thơ dữ dội... ... Tất cả những gì bạn nếm trải suốt cuộc đời tận cùng niềm vui tận cùng nỗi khổ với bạn cũng chỉ là chơi. khi không còn cách gì chơi mới nữa bạn chơi ung thư... bạn sẽ xuống địa ngục ? hay bạn lên thiên đường tôi chắc bạn đến cả hai nơi bạn chơi luôn cả thiên đường địa ngục ! (thơ đọc trước linh cữu Trần Thịnh hiệu là Thịnh Râu đạo diễn điện ảnh) Bài thơ tặng cho bạn và cũng tặng cho mình, không lâu sau nhà thơ Phùng Quán cũng chơi cái trò chơi "tuyệt vời" đó. Khúc bi tráng nhà thơ còn dang dở anh đã ra đi giữa lúc tài năng đau chín. ... đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác dân máu lệ khôn cùng thơ chết áo đắp mặt ! ... ... đừng buồn nữa em ơi chuyện ngàn năm... ngàn năm... (Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe) Phùng Quán ơi ! Bây giờ trước cái chòi ngóng sóng ở mé Hồ Tây nhà anh, quán nhậu mọc lên nghi ngút, che khuất những bầy sâm cầm đương hạ cánh xuống hoàng hôn. Cái nhìn của anh cũng đói, nhưng ở thế giới bên kia anh đâu có ngán : trong trăm nghìn nỗi đói tôi nếm trải cả rồi tôi chỉ kinh khiếp nhất là nỗi đói tình người (Đói, thơ Phùng Quán) Nhà thơ Phùng Quán có viết tặng Hoàng Cầm bài thơ có tựa đề là : Viết tặng Hoàng Cầm thi sĩ trong giây phút anh ngã lòng suy sụp, trong bài thơ ấy có một đoạn : ... tôi có một niềm tin chắc như đinh đóng cột ngày mai anh nhắm mắt đi sau linh cữu anh có cả con sông Đuống ! ... Để kết thúc bài tưởng niệm ngắn nầy tôi xin mượn ý bạn trong đoạn thơ trên nhưng xin phép chữa một câu : Tôi có một niềm tin chắc như đanh đóng cột ngày mai anh nhắm mắt đi sau linh cữu anh ngoài bạn hữu gia đình có cả thiên đường và địa ngục. 16-12-1998 THU BỒN (nguồn: TCSH, 3.1999) |