Tác giả-tác phẩm
VILI là ai?
09:06 | 28/06/2011
TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)
VILI là ai?
Bìa tập thơ "Phim đôi - tình tự chậm" - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đọc thơ Linh, muốn hiểu Linh dường như người ta buộc phải đặt lại câu hỏi thơ là gì? Thơ cần thiết cho ai? Nhưng ngay sau khi băn khoăn ấy xuất hiện độc giả lại gặp một khó khăn gấp bội là không có cách nào định nghĩa được thơ qua ngôn ngữ của Linh. Điều này có vẻ nghịch lí. Bởi Linh luôn phát ngôn trong “trạng thái thơ”, tư duy thế giới bằng con mắt thơ, cuồng nhiệt với sáng tạo thơ. Dường như Linh cũng tự tin cho rằng, mình có quyền lực và vị thế đặc biệt nào đó trong sáng tạo, nhất là ở địa hạt thơ trẻ đương đại. Linh từng tuyên bố mình tạm dừng sáng tác thơ. Nhưng đấy là một cách ứng xử trước thái độ tiếp nhận có phần lạnh nhạt của công chúng hơn một lịch biểu làm việc của tác giả. Ở Vi Thùy Linh, thơ có xu hướng trở thành một thứ biểu tượng nào đấy, một thứ ảo ảnh hơn là chính nó; hễ tiếp cận phát ngôn của Linh như thơ thì nó bỗng tiêu tan, mơ hồ; ngược lại cứ gạt phát ngôn của Linh ra ngoài thơ thì nó lại bám riết lấy, ám ảnh không ít đầu óc, buộc độc giả của nó diễn giải về bản thân nó như là thứ thơ đích thực. Những câu hỏi như Tôi là ai? Tôi trở thành như thế nào? có thể được xem là mối quan tâm trước nhất và thường trực của Vi Thùy Linh. Dường như Linh cũng muốn nói với chúng ta rằng: tôi không là gì khác ngoài thơ, tôi đang trở thành chính tôi trong tình yêu nhục cảm mà tôi kiến tạo và biểu hiện. Thay vì che giấu gương mặt tự nhiên của mình, thay vì dùng gương mặt mượn như một số người, Linh phô ra tình cảm thật, thái độ thật, phô “tài năng hơn người” của mình. Chị thích phép tính nhân các kinh nghiệm bản thân hơn phép tính cộng. Tôi nghĩ ở Linh tiềm tại biết bao ảo ảnh, và những ảo ảnh ấy thực sự đã tạo thành “một thứ mê sảng nghề nghiệp” (Clerambault).

Phim đôi tình tự chậm được xuất bản lần này vừa để khẳng định một tình yêu thơ bền bỉ tha thiết, một nguồn thi hứng luôn được đắp bồi, vừa để phủ nhận sự nông nổi, bốc bừng ngày nào của người viết. Linh không muốn mình bị chìm trước những tiếng tạp đang dội lại của truyền thông. Chị luôn chủ động giành độc giả về mình, một loại độc giả tinh tuyển nào đấy. Chị tôn vinh những “độc giả có uy tín, có thẩm quyền, có tấm lòng biệt nhỡn liên tài” rồi đồng nhất hóa mình vào họ. Sự lấn lướt và “hào quang” mà Linh có được so với đám đông thơ hiện nay, một phần nhờ điều này. Không nhiều người biết cách đánh dấu sự hiện diện của mình ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào như Linh. Linh thích những cuộc chơi sang (một từ khiến người ta liên tưởng đến bề ngoài hơn thực chất) và muốn những rễ thơ của mình cắm được vào mảnh đất của những “riêng, một, thứ nhất, mới, lạ”, những “cuồng say, đam mê, thuần khiết, mãnh liệt”. Chừng nào Linh còn sáng tạo, trình diễn thơ thì chừng ấy còn si cuồng kiến tạo “những giá trị mới mẻ”, còn cố gắng mở rộng các định nghĩa về mình, còn tự cảm thấy mình là đối tượng được yêu, có sứ mệnh “truyền phổ khát vọng yêu thành chủ lưu”. Những cách đọc nặng về luân lí, ưa định đặt suy diễn, chắc hẳn sẽ không thấy thơ Vi Thùy Linh rất nữ tính, nhưng là một thứ nữ tính hiện đại, có giọng riêng. Không thể trộn lẫn.

ViLi là ai? Câu hỏi này không nhằm vào Vi Thùy Linh ở ngoài thơ, không đọc Vi Thùy Linh qua thơ mặc dù bề ngoài cách đặt vấn đề này tỏ ra hướng về tác giả tiểu sử, tác giả sinh học hay tác giả tâm lí. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày ViLi, một người nói trong văn bản, sinh ra cùng với văn bản, chỉ tồn tại trong văn bản: một khái niệm ViLi. Cần phải chỉ ra ViLi được tạo ra như thế nào, hoạt động ra sao trong văn bản; cần thẩm tra lại vị thế phát ngôn, giọng nói, cách nói của ViLi, những mối quan tâm của ViLi trong một điều kiện hoạt động nào đấy mà nó thuộc về… ViLi là “một sinh thể bằng giấy”, nói chính xác là như vậy. Ở đây, rõ ràng Vi Thùy Linh nhà thơ buộc phải nhường “phía trước sân khấu cho sự viết, cho văn bản hoặc cho người viết, kẻ chỉ là một “chủ ngữ” theo nghĩa ngữ pháp hay nghĩa ngôn ngữ” (Antoine Compagnon). Phim đôi tình tự chậm không dung nạp “một người kí tên nào hết” (Mallarmé). Không thể đồng nhất người nói trong Phim đôi tình tự chậm với Vi Thùy Linh cho dù chúng ta phát hiện có một số dấu hiệu về tác giả trong văn bản, về không gian và thời gian cụ thể mà diễn ngôn đó được thiết lập, vận hành. Điều đó tưởng đã quá rõ ràng, không cần nói thêm nữa.

ViLi là một chủ thể phát ngôn, một người băng qua sự tỏa chiết cập vào vùng của các xung động bản năng. ViLi cá thể hóa cao độ hành động, phát ngôn của mình, muốn được là chính mình, đi đến tận cùng mình, chứ không phiêu lưu trở thành người khác. Không có một bức tranh tĩnh về ViLi cũng như về thơ ViLi.

ViLi quan tâm đến sự hòa hợp thân thể. Đúng như Merleau Ponty khẳng định: “thân thể, chính là sự khái quát”. Lời ViLi vận động trong khuôn khổ của lối văn “tự giới thiệu” về bản thân và “tuyên bố” những ý tưởng, thứ văn dùng để hợp thức hóa hành động si cuồng, tận hiến của người nói. Phim đôi… chủ trương lối văn hướng về đám đông, sử dụng kiểu phát ngôn có địa chỉ (có tên người, tên địa danh cụ thể). Ở đây chủ thể phát ngôn có giọng nói lớn nhưng còn thiếu chút tinh tế của người điều khiển con chữ, phong phú dồi dào ý tưởng nhưng dường như còn thiếu sự sâu lắng cần thiết của người trải nghề. Câu chữ trong thơ cần được gói lại một cách tinh xảo để gợi nghĩ, sự tưởng tượng và ám ảnh, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải đập vỡ nó ra, phải làm nổ tung. Tình yêu có nhiều cung bậc lắm nhưng ViLi lại chủ yếu dùng một giọng nói, một điệu thức để diễn tả tình yêu: lúc nào cũng cuồng say mãnh liệt. Có cảm tưởng ViLi đứng giữa quảng trường hùng biện về tình yêu, làm dậy lên những khao khát, những kỉ niệm của mình chứ không phải tự tình với riêng anh. Đọc Linh rất mệt vì sự dàn trải của ngôn từ, vì “độ căng” giọng điệu. ViLi dẫn chúng ta đi hết ngõ này đến ngách kia. Gọi mời. Thúc giục. Đi không ngừng nghỉ: lạc vào giữa “mùa chữ”. Đọc Linh phải trường sức… để tìm cho mình lối ra.

Ngôn ngữ của ViLi tạo ra những cảm nhận, cảm giác trần tục, những dục vọng
mạnh mẽ. Chấp nhận ngôn ngữ của ViLi nhiều lúc người ta bị quy kết ủng hộ một thứ thơ dung tục tầm thường; và từ chối không nhắc đến ViLi người ta cũng khó tránh khỏi những ánh mắt hoài nghi của “con người hiện đại”(1). Nói chung, không thể chỉ đọc ViLi từ những ẩn ức bản năng giới tính, rút ra hình ảnh ViLi từ sinh lí học nhưng lại không thể không đặt lại vấn đề từ góc độ ấy, khởi đi từ ấy. Quen đọc ViLi bằng cơ chế áp đặt, những luật lệ của đàn ông hiển nhiên sẽ thiếu công bằng, bởi vì cách đọc này thường tạo ra những chuẩn mực đạo đức, những ngưỡng biểu thị, diễn đạt cho người viết. Nhưng đọc ViLi một cách bốc đồng như chính tác giả của nó sẽ rơi vào trạng thái ngộ nhận, đề cao thái quá về ngôn ngữ thơ ViLi. Đọc Linh là đọc một bản tự thuật hư cấu hiện đại.

ViLi trong Phim đôi tình tự chậm có thể là em, Linh, tôi, nàng, evaLinh thậm chí là nhân vật mang tên Vi Thùy Linh. Chủ thể phát ngôn trong Phim đôi… quan tâm đến những nơi bắt đầu; những trạng thái yêu, những khoảnh khắc và không gian của yêu thương, đến sự hòa hợp tâm hồn và thể xác, đến cách thức đón nhận, thụ hưởng và tạo sinh tình yêu…

ViLi thăm dò trái tim mình qua nhân vật “Anh”, một người tình lí tưởng. ViLi muốn chúng ta làm nhân chứng cho tình yêu của Linh, nhất là nói về Linh một cách ngưỡng mộ. Nhưng Anh chỉ là nhân vật tưởng tượng, một vai do nhà thơ sáng tạo ra. Trên thực tế, ViLi quay về bản thân mình, thăm dò con người nội tâm phong phú của mình. Chị tự yêu mình, tự chiếm đoạt mình, và đổ ra niềm tin về sự quyến rũ của mình, theo cách riêng. Đến mức, theo tâm lí thông thường, chúng ta cảm thấy khó chịu, và khó có thể chấp nhận được ViLi. Do tự biến mình thành khách thể, thành đối tượng nên Linh đã thiết lập được một cuộc đối thoại với chính nhu cầu nội tại của mình. Thơ lúc này là một tấm gương soi đầy ma thuật. Chúng ta nghe ViLi tự thuật về lịch sử bản thân, đề cao những giá trị cá nhân. Đúng hơn, nhân vật của chúng ta tự dâng mình cho những tràng vỗ tay của độc giả tinh tuyển. ViLi hiện ra như một chủ thể si tình “xem người yêu là giá trị tối thượng”. Cũng cần nhớ thêm rằng, ViLi tôn vinh hình ảnh phụ nữ qua nhục cảm nghĩa là chị nhúng người phụ nữ vào địa hạt sinh học, đưa họ về bản thể luận; vị thế xã hội của phụ nữ chưa có chỗ đứng trong thơ Vi Thùy Linh. Trước sau, ViLi vẫn phục tùng ý chí của đàn ông, quan niệm mình được sinh ra vì đàn ông. ViLi tưởng tượng một sự chung thủy đơn phương, sống thụ động trong chờ đợi người tình: con đường của ViLi là đi từ vai trò người tình sang người mẹ. Chị nghĩ về sinh nở, về con cái không chỉ như một chức năng tự nhiên mà còn là một hành động, một niềm kiêu hãnh về sự tạo lập giá trị, thế giới. Tự do ở ViLi là thoát khỏi cái nhìn luân lí thông thường: tự do đi tìm khoái cảm. Sức mạnh nam giới ở đây thực ra còn mạnh: phụ nữ vẫn nhìn theo cái nhìn của đàn ông, suy nghĩ của họ bị quyền lực của nam giới nuốt chửng.

Không nên nhầm tưởng Vi Thùy Linh đã làm cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ và thơ của Vi Thùy Linh thuộc loại thơ nữ quyền luận như người ta “viết huyền thoại về Linh”. Thơ Vi Thùy Linh không đề cao nữ quyền mà đề cao “nguyên lí nam” dưới màu sắc mới, theo cách thức mới, của Linh. “Anh” trong thơ Vi Thùy Linh vẫn là nơi mặt trời mọc, một hình tượng rực rỡ, một thiên thần, một nơi truyền lửa tình yêu, một chủ thể kiêu hãnh che chở em (Phía tây, nơi bắt đầu). Đó là một kẻ luôn chủ động trong tình yêu, tự do tỏ lời yêu thương và được yêu gần như vô điều kiện, chỉ cần kẻ đó “môi thơm lời thật, chỉ cần đúng Anh” biết yêu, cần yêu (Phiên hoa). Em trong Phim đôi… không tự tạo ra một tình yêu, mà thụ động đón nhận tình cảm đó, mọi hành động của em chỉ nhằm vào sự tận hiến, đam mê. “Em” trở thành nhân vật bị chinh phục, bị cuốn theo anh, vào anh. Tình yêu kiểu ViLi có phóng khoáng đấy, nhưng vẫn là tình yêu của phụ nữ, của trật tự phụ nữ, một thứ tình yêu nồng nàn tự do, đầy tham vọng nhưng không giấu được nỗi sợ hãi (Venise in ViLi). Linh bảo: “Anh luôn được viết hoa, đấy không chỉ là cách tôn vinh thường hằng người tôi yêu, mà Anh còn là biểu tượng của cái Đẹp, Mơ ước, Vi Thùy Linh link tới nơi ấy sự thuần khiết và sang trọng nhất của trí tưởng tượng”. Khi Linh phát đi thông điệp “hãy yêu theo kiểu ViLi” thì chúng ta nên hiểu đó là một lời dụ dỗ ngòn ngọt có thể khiến chúng ta trở thành kẻ đồng phạm. Ở ta phụ nữ tư duy về giới mình chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc. Tiếng nói của phụ nữ vẫn nghiêng về mặt sinh học với đầy đủ tính chất cá thể của nó. Tôi tin, rồi đây ở Vi Thùy Linh, tiếng nói nữ quyền sẽ được ý thức rõ ràng hơn, mặc dù quyền lực ấy có thể bị khế ước hôn nhân và luật pháp giới hạn. ViLi là người mang hai gương mặt: tự yêu mình và tòng thuộc nam quyền.

ViLi muốn mình là một hình mẫu về một kiểu nữ tính vừa độc nhất vừa giữ nhiều bí mật. “Tôi” không nắm bắt một hiện thực cụ thể, một ý nghĩa nào của đối tượng ngoài mình, nghĩa là tự thân muốn tạo ra một huyền thoại về nữ tính, thứ huyền thoại chỉ đủ biện minh cho những đòi hỏi, suy nghĩ, hành động táo bạo của “tôi”. “Tôi” cho rằng mình có nhiều bí mật, sự tự tình của tôi như mọi người biết là chưa đủ, chưa hết: “bí mật lớn nhất ở trong những bài thơ - những trường đoạn phim mà người xem sẽ thấy sau chuỗi hình ảnh”. Những “bí mật” mà Linh nhắc đến, đích thực là một thứ ngôn ngữ chưa được người khác nghe, người khác chưa được biết đến, nó ở đâu đó bên ngoài sự hiện diện nội tại của tôi lúc này. Chính xác hơn, nó không phải là một điều gì bị che giấu, sự im lặng, mà là một thứ chưa nổ tung, một thứ tồn tại đằng sau những lời nói bộc trực: một ảo giác. Simone de Beauvoir từng phát hiện ra: nét chung của người phụ nữ là họ cảm thấy người khác không hiểu mình, không thừa nhận, hoặc thừa nhận không đầy đủ. Họ thể hiện cụ thể thái độ ấy bằng ý nghĩ là họ giấu kín trong con người mình một điều bí ẩn. Khép lại Phim đôi tình tự chậm tôi vẫn thấy tiếng nói, giọng nói của Linh vang vọng: “Lần nào đến cũng đem theo bí mật”.

Hà Nội, 2.4.2011
T.T.K
(267/5-11)



----------  
(1) Nếu tuyên bố “khuyên khích cái mới”.






Các bài mới
Các bài đã đăng