Tác giả-tác phẩm
“Một mùa đông ở Stockholm” của Agneta Pleijel: một tiểu thuyết độc đáo và đặc sắc
10:35 | 22/09/2008
BỬU NAM Hình thức lạ lùng gây tò mòTrước hết về mặt hình thức, tiểu thuyết khêu gợi sự tò mò ở người đọc với cách bố trí các tiêu đề in hoa, dày đặc đến hàng trăm suốt tác phẩm, xen lẫn các tiêu đề bằng tiếng Anh “I have been calling for more than an hour... But It's me”...

Và có khoảng vài chục tiêu đề tiếng Anh như vậy..., điều đó làm tăng cảm giác chuộng mới lạ nơi người đọc, mà thoạt đầu khi lướt dọc các trang sách trong tiểu thuyết, ta có ấn tượng cuốn sách như là một thứ phiếm luận đề cập mọi thứ một cách ngẫu nhiên.
Một thế giới nghệ thuật sống động bí ẩn bất ngờ
Nhưng đọc một vài trang, ta không thể dứt ra được, chữ nghĩa của cuốn sách dần dần biến thành một thế giới sống động, đầy bí ẩn và bất ngờ của một tâm hồn, một số phận phụ nữ sống khắc khoải giữa cô đơn và sự tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống, sự tự chiêm nghiệm và đúc rút một bản lĩnh sống tự chủ, trong một thế giới mà vai trò của “chủ nghĩa nữ quyền” đang khẳng định giữa sự biến động của những năm cuối thế kỷ XX với tấn thảm kịch Sarajero (thuộc Nam Tư cũ) giữa lòng Châu Âu.

Tấn bi kịch riêng tư bi thiết
Nhưng trên hết, điều gây ấn tượng mạnh đối với ta là tấn kịch riêng tư bi thiết của một nhân vật - thiếu phụ trí thức, một giáo sư Đại học vừa là một nhà văn, về tình yêu và hôn nhân giữa đam mê và tỉnh táo, giữa ảo tưởng  và vỡ mộng, giữa chịu đựng và nổi loạn, giữa vị kỷ và hướng thiện, lồng vào bi kịch của một tuổi thơ với những vết thương tâm hồn do sự khác biệt, xung đột và chia ly giữa cha và mẹ, những con người có đam mê và tài năng, ước vọng, nhưng không thể đem hạnh phúc cho nhau, không thể hiểu nhau. Ở đó, còn xuất hiện tấn bi kịch trong quan hệ giữa nam và nữ, giữa những người đàn ông trí thức có tài, những Don Juan đáng yêu, tự phụ, bắt cá nhiều tay trong tình yêu một cách ngây thơ và một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm, có một bản lĩnh sống thẳng thắn, chấp nhận cả đổ vỡ, thua thiệt để bảo vệ một chút độc lập kiêu hãnh chua chát phẩm giá nữ giới.

Tấn kịch đời tư của một cá nhân trong khoảnh khắc ấy lại là chứa đựng những tia chớp của sự thật vĩnh cửu của con người trong tấn kịch của giới nữ, như I.Lotmann đã từng nói, khi đề cập đến tiểu thuyết của Anna Karenina của Léon Tolstois.
Sự huyền nhiệm của một cách viết độc đáo, cách tân
Tiểu thuyết có sức cuốn hút đặc biệt, phải chăng ở đây có một sự bí ẩn huyền nhiệm của một cách viết, một cách kể độc đáo và cách tân?
Cách viết phân mảnh đầy chất thơ ngẫu hứng
Nếu truy tìm sâu xa sự bí ẩn đó, dần dà ta sẽ nhận ra đó là một cách viết “phân mảnh” đầy chất thơ và ngẫu hứng, phóng túng sống động mà quyến rũ, một cách kể duyên dáng đầy cuốn hút bởi sự bất ngờ thú vị.

Đó là một lối viết vừa tựa như “nhật ký” vừa tự như “tự thuật”, lắp ghép những mảnh cuộc sống, những mảnh tâm trạng, những lớp thời gian đồng hiện lộn xộn trong liên tưởng, những cảm xúc và ấn tượng vụt hiện bất ngờ và mạnh mẽ, những chiêm nghiệm đôi khi thật sâu sắc. Tất cả những sự lắp ghép ấy xoay quanh một tâm hồn phụ nữ, vừa là người kể chuyện, vừa là nhân vật chính, thể hiện kiểu người tự bộc lộ những sâu kín ở tận đáy lòng mình, ở tận sâu thẳm cuộc đời mình, vừa là một kiểu người chiêm nghiệm ý thức và tự ý thức, phản tư những chặng đời mình đã sống.
Tâm điểm của tiểu thuyết là một không - thời gian sống đặc biệt trong đời, một mùa đông khắc nghiệt và gian nan ở Stockholm, nơi nhân vật người thiếu phụ vừa chia tay một cách đau đớn với Jacob, người chồng mà chị rất yêu và một không thời gian hạnh phúc bình yên bất chợt khi nữ nhân vật gặp Em người tình nhân đến từ đất nước Nam Tư cũ, từ thảm kịch chiến tranh sắc tộc ở Sarajero, một người tình mà chị đã có một cuộc phiêu lưu tình ái tình cờ ngắn ngủi qua đêm mười một năm trước như là một sự ngẫu nhiên của số phận hay là sự tất yếu đã chuẩn bị từ một định mệnh, một lời tiên tri của giáo sư Falkhom ở công viên Parque Retiro.

Một câu chuyện tình đan kết với hàng chục câu chuyện, hàng trăm mạch truyện
Điều đặc sắc ở “Một mùa đông ở Stockholm” là tác giả lấy một câu chuyện tình làm tâm điểm để từ đó làm lan tỏa hàng trăm câu chuyện nhỏ qua các lớp thời gian gắn với một đời người thoạt hiện lên trong liên tưởng một cách bất chợt, ngẫu phát. Điều đó tạo một thứ nghệ thuật kết cấu móc xích tài tình nối mạch truyện chính về tình yêu với các mạch truyện phụ về cuộc đời người cha, cuộc đời người mẹ, bi kịch đổ vỡ hôn nhân, các hồi ức, các chuyến đi tạo nên hàng trăm mạch truyện li ti khác thể hiện qua các chủ điểm mà các tiêu đề dày đặc đã gợi lên.
Một cách nhìn, cách nghĩ mang giới tính nữ
Nhưng hấp lực sâu xa của tiểu thuyết đến từ một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ “mang giới tính nữ” về thế giới và về bản thân mỗi con người. Một lăng kính vừa đượm màu sắc độc đáo của một cá tính đầy mạnh mẽ lại vừa yếu đuối, vừa mang nét cảm tính, vừa lại có chiều sâu suy tư của giới nữ đặc biệt về người đàn bà với biểu tượng “vết rách, vết rách sâu hoắm rạch ngang qua địa lý người đàn bà như một hẽm núi sâu từ thế kỷ này đến thế kỷ khác” (trang 54), về người đàn ông “Cuộc chạy trốn của đàn ông khỏi đàn bà, chạy từ người đàn bà này đến người đàn bà khác, chạy đi chạy lại giữa những người đàn bà” (trang 53), về người cha, người mẹ, con cái...

Các leitmotiv trở đi trở lại tạo nên tính chỉnh thể
Tiểu thuyết có cách viết “phân mảnh” đầy ngẫu hứng và chất thơ nhưng vẫn dính kết trong một chỉnh thể cấu trúc mang nhạc tính bởi sự sử dụng những “leitmotiv” trở đi trở lại qua 3 phần của tiểu thuyết đan bện các câu chuyện chính, câu chuyện phụ thứ nhất, thứ hai, thứ ba... tạo thành một chỉnh thể thống nhất óng ánh những niềm đau, những hạnh phúc...
Và cách viết này thoạt đầu làm cho tiểu thuyết vỡ vụn ra hàng trăm chủ điểm một cách ngẫu phát như quan niệm của người viết. “Viết: giữ lại một vỉa khoảnh khắc, dấu vết của chúng, trước khi ánh sáng làm tắt ánh sáng. Đi tìm những mối liên hệ mà có lẽ chúng không tồn tại... cái khó nhất là tránh sa vào những dự định” (trang 13) nhưng chính ở đây, nhờ sự nối kết ngầm như thế, lối viết này tạo nên sự đặc sắc và độc đáo của cách trần thuật.

Cách viết phân mảnh, ngẫu hứng đan bện với các leitmofif trở đi trở lại (các hình ảnh, các câu nói, các không gian...) lại lồng vào cách viết nữ tính (écriture féminine), chính ở đây tạo nên lực hấp dẫn.
Sự đa dạng của các cái tôi kể trong các lớp thời gian
Cấu trúc trần thuật ở đây là cấu trúc của cái tôi kể trong các lớp thời gian. Đó là nhiều “cái tôi” trong một “cái tôi” theo dòng chảy cuộc sống, có cả cái tôi “tiềm thức và vô thức”, thể hiện qua các giấc mơ, các ám ảnh cũng trở đi trở lại trong tiểu thuyết.
Cấu trúc các tầng bậc trần thuật gắn với cấu trúc các lớp thời gian nghệ thuật đan xen giữa hiện tại và các lớp quá khứ, giữa ba giấc mơ và hình tượng tiên tri giáo sư “Falkhom” về các mối tình. Sự đi về lại giữa hiện tại và các lớp quá khứ hồi tưởng bất chợt, giữa các giấc mơ, lời tiên tri, các biểu tượng tạo nên một nghệ thuật trần thuật đặc sắc.

Một mối tình liên và xuyên văn hoá
Các lời thoại chấm phá bằng tiếng Anh cũng tạo nên một nét nhấn của mối tình “liên và xuyên văn hóa”, đan kết giữa thế giới bình yên và thế giới chiến tranh, giữa đàn ông và đàn bà, giữa con người dân tộc này và dân tộc khác, tạo ra một nét lạ hóa và giọng điệu đối thoại đặc sắc.
Một tiểu thuyết có đóng góp cho nền tiểu thuyết nữ thế giới
 “Một mùa đông ở Stockholm” là một tiểu thuyết hay, có giá trị, đặc biệt về cách viết, về nghệ thuật trần thuật có tính cách tân, mới lạ. Theo tôi, đây là một trong những tiểu thuyết có đóng góp vào nền văn học Thụy Điển, cũng như nền tiểu thuyết “nữ” thế giới.
B.N

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đưa đò (05/09/2008)