Tác giả-tác phẩm
“Khi người ta cúi mặt” - lượm những mảnh vỡ bản thể
10:13 | 19/09/2011
MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.
“Khi người ta cúi mặt” - lượm những mảnh vỡ bản thể
Bìa: Đinh Khắc Thịnh
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Từng bài thơ là những mảnh vỡ bản thể - có những mảnh vỡ như viên đá thia lia trong mặt hồ nội khảm, chấn động, sóng loang, suy tàn để lại một mặt phẳng tĩnh mặc. Và, cũng có những mảnh vỡ sắc cạnh như lưỡi dao lam, cắt cứa…

nhiều khi/ ta quỳ dưới gốc nhang cắm đau lòng cát
cái lạy như nhát chém/ chậm giữa không gian thánh đường/ tồn lưu âm bản
Máu rỏ. Tráng phim. Vén mặt kiếp người

                                    (Nhận diện)

Ngôn ngữ trong thơ Nhụy Nguyên cô đọng như những vệt “máu rỏ”. Nó làm người đọc giật mình “nhận diện” lại chính mình: hình như ta là thế, nhưng… ta chưa từng biết mình đã từng như thế:

ta quỳ dưới gốc nhang cắm đau lòng cát
cái lạy như nhát chém


Câu thơ lột tả được bề mặt chìm khuất của những hành vi tín ngưỡng, những hành động rất thân quen trong đời sống tâm linh người Việt, nhưng khi trôi qua ngôn ngữ của Nhụy Nguyên nó đã hiện lên cái bóng của hành vi, đã “vén mặt kiếp người” để thấy rõ phần “âm bản” ẩn sau những khát vọng. Đọc “Nhận diện” bất thần tôi nhìn lên bát nhang trên nóc bàn thờ, và tự hỏi, liệu rằng cái bát nhang ấy đã từng phải chịu đựng biết bao nhiêu “nhát chém” khát vọng nài khẩn của tôi.

Căn bệnh đang lây lan trong những người làm thơ ngày nay là thơ thường hùng hổ, hầm hố về chữ nghĩa, nhưng lại cạn cợt về tri kiến. Nhụy Nguyên cố gắng né căn bệnh trên, và, hình như anh đang lo lắng cho những “cuộc đời thi nhân” khác, khi gửi trong bài thơ lục bát chỉ hai câu này một lời dặn dò, phản tỉnh:

Một ngày xác chữ lên ngôi
Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân
                                        
(Huyệt thơ)

Và tự mình, anh biết “điểm huyệt” người khác bằng… thơ:

Tôi ngồi đối bóng cô đơn
Thơ nương vào những linh hồn mọc lên
Tôi ngồi đánh bóng tuổi tên
Nghe thơ chết yểu trước hiên nhà mồ
Tôi ngồi đối bóng giấc mơ
Thấy mình như một câu thơ... liệm rồi
Em giờ ảo ảnh trong tôi
Còn ai đánh bóng dáng ngồi chịu tang!?
                                                  (Chiêu hồn)

“Chiêu hồn” là một cú điểm huyệt người khác bằng sự biểu cảm của âm vị ngôn ngữ, những từ: “liệm” “chịu tang”,… rất nhọn về mặt âm vị học, lại được cộng cảm bởi sức nặng nội hàm chứa đựng trong nội dung bài thơ, khiến cho cú điểm huyệt ấy đâm vào trạng cảm người đọc, tê dại như “dáng ngồi chịu tang”.

Trong tập thơ “Khi người ta cúi mặt”, Nhụy Nguyên đã dành một thời lượng thơ đáng kể và trân trọng cho lục bát. Lục bát của Nhụy Nguyên nhuyễn, và vẫn mang trong nó cá tính thơ của anh: ngôn ngữ cô đặc, và thường nhói lên những từ rất đắt:

đêm nằm nghe tiếng Vạc rơi
mảnh sắc như lệ em thời dở dang
tôi rời giấc ngủ đi hoang
giẫm phải tiếng vỡ máu loang đường về!
                                                (Dưới vòm đêm)

Nhụy Nguyên là người làm thơ quan tâm đến đối tượng văn hóa của những tộc người thiểu số, đọc “Khi người ta cúi mặt” thấy thấp thoáng điều ấy trong thơ anh:

Khố trời cũ đã nhiều năm
Trăng soi chi nữa sợi tằm thêm phai
Dệt Zèng… nàng lỡ trao ai?!
Tình tôi không khố bóng lầy dưới trăng

                                             (Manh tình rẻo cao)

Nhưng anh viết về đối tượng văn hóa, trên một điểm trông từ tâm thức hiện đại - nhìn nhận những hiện tượng văn hóa theo cái cách của riêng anh, riêng bằng ngôn ngữ - một kiểu ngôn ngữ khá lạ, nhưng có sức khái quát khá lớn: Khố trời cũ đã nhiều năm. Việc kết hợp giữa “khố” - một loại trang phục cổ mà nay đồng bào thiểu số vẫn dùng, với “trời” - một không gian, là một sự kết hợp thú vị. Sự kết hợp này đã mở phơi một vùng trầm tích, cùng lúc diễn tả được sự tác động của không - thời gian vào trầm tích ấy, một sự diễn tả cô đọng, khái quát, dẫn liên tưởng của người đọc cảm nhận được cái mòn, cái cũ của tác động thời gian, cùng lúc suy tưởng rộng được đến không gian sống của những tộc người thiểu số.

Người ta thường bảo rằng, muốn viết về các hình thái văn hóa của đồng bào thiểu số thì phải lăn lộn sống cùng họ, để bắt được cái hiền linh, cái thần khí sâu kín ẩn bên trong các hình thức sống rất giản dị, rất chân phương của đồng bào. Nhưng, tôi thấy ở Nhụy Nguyên một cách tiếp cận khác, anh viết trong tâm thế như một gã lang bạt kỳ hồ đang cầm máy ảnh chụp lại những khoảng khắc sống của họ:

5h chiều. Cuối hạ/ mặt trời chưa tắt/ trên rẻo cao đã lạnh
cụ chủ nhà (có người con trai vừa hóa thân vào cây Kim Giao) ngồi thu lu trước bậu cửa
tẩu thuốc dài bằng một ngày sắp qua

Trong điều kiện hiện nay, những người viết khó có điều kiện để trải nghiệm sâu vào đời sống của đồng bào, thì cách tiếp cận này là một cách hợp lúc. Nó không phải ở trong viết ra mà là ở ngoài viết vào; nó là diễn tả cái nhận thức được trước những gì đang diễn ra, chứ không phải là tiếng vọng ra từ bản nguyên sự vật:

liệu tôi có bị rừng Ma trừng phạt/ tội đốn gãy... ai đó?

trong ngôi nhà trọ/ tôi hết đứng lại ngồi
hết nhìn cụ già lại nhìn vô - bên bếp lửa
đỏ như máu cây Kim Giao
có người phụ nữ ngồi thu lu...
Chị mới chết chồng!
                                 (Đoạn cuối của ngày)

Tuy vậy, cách tiếp cận sự vật này đòi hỏi người viết phải có một nhãn quan tinh tế, một tâm thế nhân văn tha thiết, nếu không rất dễ dẫn đến sự mô tả các hình thái văn hóa bị chủ quan, sai lệch. Là cách viết hợp lúc chứ không phải là cách viết có thể với tới tận cùng bản nguyên văn hóa.

Nói Nhụy Nguyên viết trên tâm thức hiện đại bởi thấy rõ một chủ ý sàng lọc, anh không loại trừ các hình thức tu từ kinh điển, nhưng cùng lúc vẫn mang tâm thức phân mảnh theo lối viết hậu hiện đại:

...lớp động vật bậc cao nhân danh sinh tồn.
Giữa rừng người niêm phong,
tôi thành con mồi dự khuyết!
                                   (Thời điểm…)

Ở bài thơ trên, hai câu đầu thể hiện một đại tự sự bao trùm, nhưng câu cuối: “tôi thành con mồi dự khuyết!” lại là một mảnh tiểu tự sự được quăng ra bất ngờ vào tâm tư người đọc. Điều này tạo cho cấu tứ của bài thơ một sự tương phản thú vị, nó thể hiện người viết biết chủ động điều tiết, không bị sa đà quá nhiều vào trào lưu quăng rải “tiểu tự sự” tràn lan trong khuynh hướng viết hiện nay mà trào lưu Hậu hiện đại đang phô diễn, sự điều tiết này là một gợi ý cho các tác giả trẻ, nó đảm bảo cho thơ một tâm thức đương đại, đảm bảo được tính thời trang cho thơ. Nhưng vẫn giữ được yếu tính thẩm mỹ văn chương.

Tôi muốn dành đoạn cuối của bài phê bình nhỏ này để viết về điều mà theo tôi là đặc sắc nhất trong thơ Nhụy Nguyên, đó là cái chất phân tâm học được cài nén trong thơ, cài nén đến độ căng nhức. Nhụy Nguyên dồn ép ý niệm vào ngôn ngữ vốn đã rất khái quát của mình đến tận cùng, như là cái lò so đã bị dồn nén hết cỡ. Nó khiến cho khi đọc thơ anh giống như cảm giác rút chốt, đọc tới đâu là bật tung ý niệm đến đấy:

thời hoàng kim của nỗi buồn/ giết không biết bao nhiên nơ ron thần kinh
tôi chuyển qua kiếp vật/ sống như chết rồi...
                                            (Lật trang sử đời)

Bằng công cụ phân tâm học, Nhụy Nguyên đã truy tìm về được tận cùng bản ngã:

nửa đêm
                về sáng
con mèo hoang động đực/ kêu như đứa trẻ đói sữa
tôi nằm một mình trong ngôi nhà hoang
vật vã nỗi nhớ em
...man trá

trên xà nhà/ chợt con mèo hoang diệt dục

còn lại tôi,
với nát nhàu
bóng em.
                              (Khoảng vô thức)

Xỏ ý niệm vào đôi dép ngôn ngữ, Nhụy Nguyên đã lặn lội vào được “Khoảng vô thức” của con người. Nơi ấy thường rất hoang vu ít ai tới được, kể cả chính mình. Ở nơi ấy, cái gọi là “Và quỷ. Và tôi” thường rất u minh, bụi bám:

đêm qua,
              giữa sự minh bạch nhất của kiếp người
chỉ có mỗi hạt bụi
                           uằn oại
                                      dưới tấc lưỡi của quỷ.
                       
                                   (Và quỷ. Và tôi)

Cái “ngã” hiện diện trong các mô thức ngôn ngữ lắp ghép các ý niệm không thuộc cùng một phạm trù: “Mưa/tàn phế”, nó nhễu lại mảnh tâm thức phức cảm: cái rạo rực vẫn hiện hữu trong vùng khát vọng đã suy đồi, đã “tong teo” nhưng vẫn nhồn nhột cảm giác:

mưa thấm vào đêm buốt giá
tong teo cái rùng mình
tôi gầy thêm sau lần dâng hiến
giọt nghìn vạn sinh linh.
                     (Mưa tàn phế)

Có thể nói dục tính trong Nhụy Nguyên đã tràn qua… thơ. Nhưng không thô tục hóa thơ mà chỉ khiến thơ anh thêm ẩm ướt, hoang dã:

những câu thơ tôi viết/ như bầy thú chưa được thuần dưỡng
tay thợ săn cừ khôi nào đó đã/ lừa chúng vào một chỗ
nếu đói,
               chúng sẽ ăn thịt nhau
 nếu no,
                chúng bày trò dâm đãng
                                             (Hoang dã thơ)

Chắc không ai tin, rằng vũ trụ này sẽ bị… khuyết, nếu như thiếu một khuôn mặt ai đó, một mảnh vỡ nào đó. Thơ Nhụy Nguyên là sự góp mặt của những mảnh vỡ bản thể, đôi khi chúng như những “vết sẹo” thường bị người ta cố giấu, cố tẩy xóa. Nhưng, nếu với một tâm thế yêu thương nhìn lại, sẽ thấy có những vết sẹo tỏa hào quang. Bởi cuộc đời này đẹp vì nó chưa bao giờ hoàn hảo, đẹp bởi nó có những vết sẹo bất toàn duyên dáng, bởi cả cái chết cũng không phải lấy đi tất cả, khi tử thần vẫn để lại những dấu chân…

Mỗi bận soi gương/ Tôi chỉ tìm “vết sẹo”
Vết sẹo, hẳn như một dấu nhân của tử thần…”
                   (Khuôn mặt góp vào nhân loại)

Tập thơ “Khi người ta cúi mặt” được viết với một tâm thế phản tư, một tập thơ giàu tri nghiệm và mang những nét cảm xúc sắc lẻm, cắt cứa. Những bài thơ đi đến tận cùng tâm tư người đọc không phải trên lối đại lộ, mà là những ngõ, những ngách. Đọc sẽ ngạc nhiên! Rằng hóa ra, hễ là con đường bất kể dù to như đại lộ hay nhỏ như con hẻm, nhưng ắt vẫn sẽ dẫn đến một nơi nào đó... Nó gợi nhắc cho người đọc nhận diện lại mình khi cúi lượm những mảnh vỡ bản thể nằm rơi rớt suốt chiều rộng của cuộc sống và suốt chiều dọc cuộc đời. Nó cho người đọc những cơn phản tỉnh, để tìm thấy một chân lý giản đơn rằng: đi trên dòng đời này, sẽ chẳng nhặt nhặn được gì nếu chỉ biết ngước lên.

M.D
(271/09-11)






Các bài mới
Các bài đã đăng