Tiếng thơ ấy, không diệu vang ngôn từ, không giác cảm kỹ thuật, không cách điệu quán tưởng, bởi nó là tự tâm của một chiếc bóng chung chiêng “Con tim so bước độc hành” như: “Giọt nắng vô tình rơi qua cửa sổ / Thắp vào khoảng không gian ánh sáng mặt trời / Em vô tình đi vào cuộc đời tôi / Thắp nụ hôn đốt tình yêu cháy thành ngọn lửa / Ta hoá vào nhau cả tâm hồn lẫn những dòng máu đỏ / Để tình yêu không còn chút vô tình…”. (Giọt nắng vô tình). Bao nhiêu năm “Mảnh đời sấp ngửa / Nỗi lòng lặng lẽ ngược chiều nhau”, bao nhiêu năm đi giữa “Đôi bờ sông vắng” khi Nhật Lệ thơ ấu, lúc Hương Giang khói người, Nguyễn Thanh Tú vẫn bản lĩnh một giọt tuý ca riêng mình, rằng: “Tôi còn một chút men say / Xin dâng hết chút tình gầy mồ côi / Tình cờ duyên phận thế thôi / Tôi như hoa cỏ tắm trời mùa xuân”. Vốn sinh ra trên vùng đất đá mọc, đàn ông núi xanh, đàn bà nhìn mây bói trời, nên dù có “vượt qua vùng sỏi đá, tìm đất gieo hạt giống thị thành”, Nguyễn Thanh Tú vẫn mộc mạc một không gian thơ giản dị với những câu chữ mà không mất đi vẻ đẹp của thi ca và sự đạm bạc của đớn đau tựa “Đường đạn bay từ bóng tối / Xuyên thịt da vết sẹo thành hình” hay không ngại ngần “rướn mình lên những nỗi đau” để tâm tình với nhân gian bao kỷ niệm bề bộn dĩ vãng, bao nhiêu tương lai hồi hộp thay mùa tuổi.
Chẳng có gì cao sang đong đầy mơ ước, trong thơ Nguyễn Thanh Tú, tất luôn hiện hữu quanh đời, là mưa mộc mạc, là gió phiêu du, là đất đai bản quán buồn thương, là hơi thở chân thành tình nhân, là những mùa lông măng vươn ra từ xương tuỷ, lắng đọng một cách hồn nhiên sắc không tiếng nói chắt chiu máu thịt đời người. Mang theo chân lời ấy, tôi đã gặp bao nhiêu tấm lòng thơ dâu bể, sẵn lòng đốt mình để lắng nghe tiếng nói tự tính, dù âm thầm nhưng không vì vậy mà mất đi sự lễ độ với nỗi buồn. Và có lẽ, đó cũng là ý niệm của Nguyễn Thanh Tú muốn bày tỏ thái độ đời của mình: Sẽ vĩnh hằng khoảnh khắc ấy đóng băng Điểm lạnh giá cũng chính là điểm tựa Và trái tim mang hình ngọn lửa Đốt cuộc đời trong sáng lặng im (Sự lặng im) Nguyễn Thanh Tú, thơ, dường như không phải là một sự đổi ngôi trong mọi cử chỉ, bởi trong sâu thẳm của anh “Sự im vọng hơn lời diễn thuyết / Ôm bóng mình tâm sự với thời gian”.
Về Phía Biển, Nguyễn Thanh Tú không đi tìm cõi mênh mang của tự nhiên, qua thơ, anh đi về phía mênh mang của đời mình. Ở những nơi có bóng mẹ như dấu hỏi nặng trĩu trời chiều, có bóng đồng đội rụng rơi tế bào trong đất đá, có sắc không ánh chiều lên môi em, có dấu bùa mê nát nhàu lá cỏ, có cánh rừng nguyên sinh chẳng bao giờ khắc khoải màu lá vì những nơi đó, Nguyễn Thanh Tú được trở thành khờ dại cho tháng năm tàn úa phía riêng mình. Cho tháng năm tàn úa phía riêng mình, là bản lĩnh của một con người vần điệu, vì rằng dù hạn hữu, nhưng bằng tâm thức thơ, con người sẽ được chấp nhận và hoà điệu “Tiếng con tim so bước độc hành” với nhịp sống vô thường trong từng khoảnh khắc hiện sinh. Huế, tháng 11 năm 2006 V.C.H (nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)
|